To Sir, With Love - Phim hay nhất về thầy cô giáo

20/11/2016 21:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trên thế giới, phim về học đường thường tập trung về chủ đề học trò để dễ bán vé. Phim về thầy cô giáo thường khá xương xẩu vì 2 điều đối lập trớ trêu: Tô hồng thì sẽ nhàm chán và đơn điệu, mô tả mặt trái thì sợ xã hội phản ứng và mất niềm tin… Vì thế không có nhiều những bộ phim hay và ý nghĩa như To Sir, With Love (Gửi thầy, kính yêu) đã ra đời gần nửa thế kỷ (1967).

“Phá” giáo án để dạy làm người

Mark Thackeray là một kỹ sư điện tử thất nghiệp, bất đắc dĩ anh phải nhận làm giáo viên cho một trường trung học nghèo ở phía Tây London. Chưa hề có kinh nghiệm giảng dạy, Thackeray phải đương đầu với một thử thách rất lớn khi phải phụ trách một lớp cuối cấp, toàn những học sinh cá biệt bị đuổi từ các trường khác tập trung về đây!

Lớp học này là nỗi kinh hoàng của tất cả giáo viên trong trường. Trước anh, một giáo viên đã phải sang trường khác vì không thể nào chịu nổi những trò quậy phá khủng khiếp của lũ học sinh. Mặc dù được sự ủng hộ của hội đồng giáo viên, nhưng không ai tin rằng anh sẽ chế ngự được lớp học nổi loạn này.  

Sau nhiều màn “chào hỏi” không mấy thiện cảm, Thackeray chợt nhận ra rằng những đứa trẻ này không hề hứng thú với việc học những bài giảng trong sách giáo khoa. Anh biết rằng sau khi tốt nghiệp, sẽ chẳng có ai theo học lên cao hơn nữa, mà điều chúng quan tâm nhất là làm sao kiếm được việc làm.


Anh quyết định thu phục lũ học trò ngỗ ngược theo phương pháp của mình.

Thackeray chuẩn bị hành trang vào đời cho chúng bằng cách dạy cách làm thế nào để đối mặt với thế giới trần trụi bên ngoài. Việc này được thực hiện với một phương pháp sư phạm đơn giản hoá mọi việc: Anh đưa chúng đi thăm viện bảo tàng mỹ thuật cổ điển, dạy nấu ăn, trang điểm cho các học sinh nữ, giải đáp rõ ràng tất cả những câu hỏi hóc búa… Anh còn dạy chúng cách ăn mặc đi đứng, cách nói năng xưng hô lễ độ và lịch thiệp.

Những phương pháp dạy học lý thú đầy sáng tạo, bằng những bài giảng thực tế chứ không phải trong sách vở, thầy Thackeray đã chế ngự được những cô cậu học trò mới lớn ngang bướng, kể cả những tay cứng đầu và ngoan cố nhất.

Chỉ trong vài tuần lớp học cá biệt và nổi loạn nhất trường đã lột xác hoàn toàn. Sự thù nghịch ban đầu dần dần được thay thế bằng sự cảm phục. Sir, là danh xưng mà chúng kính trọng dành cho Thackeray. Trong mắt chúng giờ đây anh không chỉ đơn thuần là thầy giáo mà còn là một người cha tinh thần.

Một phim - 2 ý nghĩa

Ngoài nội dung chính về chủ đề giáo dục học đường, To Sir, With Love còn mạnh dạn đề cập đến một vấn đề rất gai góc lúc bấy giờ: Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn đang hằn sâu trong xã hội. Nhân cách của thầy giáo Mark Thackeray chính là tia sáng xóa tan đi bóng đêm của sự kỳ thị màu da.

Eustace Ricardo Braithwaite, tác giả tiểu thuyết To Sir, With Love là một người da màu. Ông từng phải va chạm rất nhiều về vấn đề này trong suốt thời gian 7 năm dạy học tại Hội đồng dân cư quận ở London, từ 1950 đến 1957. Không phải vô cớ khi tác giả xây dựng nhân vật thầy Thackeray là một người da màu. Những kinh nghiệm mà Braithwaite tích lũy được từ những năm tháng đứng trên bục giảng, chính là nền tảng để ông cho ra đời cuốn To Sir, With Love, xuất bản ở Anh năm 1959.

Hình ảnh cao đẹp của thầy Thackeray qua sự thể hiện của diễn viên Sidney Poitier đã vượt ra khỏi khuôn mẫu của những vai diễn về vấn đề chủng tộc. Bộ phim này chính là cơ hội tuyệt vời để anh thể hiện tài năng của mình. Thật thú vị khi biết rằng, trước đó 12 năm (1955), Sidney Poitier đã từng thủ vai một học sinh da màu hư hỏng quậy phá trong bộ phim kinh điển về đề tài học đường, Blackboard Jungle (Ngựa chứng sân trường).

Diễn xuất chân thật của Sidney Poitier trong To Sir, With Love đã cho khán giả lần đầu tiên được thấy hình ảnh của một người Mỹ gốc Phi, lịch lãm học thức và đáng yêu. Nó khác xa với những hình ảnh gớm ghiếc và hạ thấp phẩm giá người da màu trong đa số phim thời kỳ đó.

Đạo diễn và tác giả kịch bản James Clavell cho biết: “Tôi và Sidney Poitier đều cảm thấy câu chuyện này thật xúc động và có ý nghĩa lớn lao. Bộ phim có ý nghĩa sâu sắc hơn khi lần đầu tiên vấn đề người da đen hòa nhập với cộng đồng trở thành một vấn đề toàn cầu và được chấp nhận trong xã hội”.  

Hy vọng nhỏ, thành công lớn

Đây là câu chuyện xảy ra ở Anh, nhưng không một hãng phim nào ở Anh muốn đưa cuốn tiểu thuyết này lên phim, vì họ không tin chủ đề này sẽ bán được vé. Hãng Columbia Pictures (Mỹ) cuối cùng đồng ý bỏ 640.000 USD để sản xuất. Trừ vai chính Sidney Poitier là người Mỹ, còn lại toàn bộ ê-kíp từ đạo diễn, diễn viên, bối cảnh… đều ở Anh.

To Sir, With Love bắt đầu được sản xuất vào ngày 31/5 và hoàn tất vào 28/7/1966. Để hạn chế tối đa chi phí, bộ phim đã thực hiện ngoại cảnh tại khu vực phía đông thành phố Luân Đôn, và nội cảnh trong phim trường Pinewood. Do kinh phí sản xuất ít ỏi, Hãng Columbia chủ yếu chọn những người ít tên tuổi: James Clavell trước đây là một biên kịch khá nổi và To Sir, With Love là lần đầu tiên ông làm sản xuất kiêm đạo diễn.

Mặc dù To Sir, With Love đã ra mắt giới báo chí từ tháng 12/1966 nhưng hãng Columbia, vì quá phân vân với các phương thức quảng cáo cho bộ phim ở Mỹ, nên mãi đến nửa năm sau mới chính thức cho phát hành vào dịp hè, mở đầu tại Westwood, California, tháng 04/1967.

Hãng Columbia đã quá lo xa, khi bộ phim được đón nhận nồng nhiệt ở Mỹ rồi sau đó thành công trên khắp thế giới. Các nhà phê bình và công chúng đều yêu thích bộ phim này. Chỉ riêng ở Bắc Mỹ, nó đã thu được 19,1 triệu USD, và trở thành bộ phim có doanh thu lớn thứ 7 trong năm.

Bộ phim ăn khách bất ngờ tới mức Hãng Columbia phải tiến hành một cuộc nghiên cứu thị trường để tìm ra lý do tại sao nhiều người thích bộ phim này. Câu trả lời là: Sidney Poitier!

Ca khúc học đường bất hủ!    

Góp phần vào thành công của bộ phim còn phải kể đến sự xuất sắc của dàn diễn viên trẻ – đa số lần đầu tiên đóng phim – vào vai những cô cậu học trò ngỗ nghịch. Nhưng ấn tượng đặc biệt nhất đối với khán giả chính là những giai điệu khó quên của ca khúc chủ đề To Sir, With Love – một trong những lý do khiến bộ phim được yêu thích khắp thế giới.

Ca khúc này do Marc London (viết nhạc) và Don Black (viết lời) sáng tác. Cô ca sĩ nhí nhảnh 19 tuổi người Scotland, Lulu (có tên thật là… Marie McDonald McLaughlin Lawrie!), có vai diễn ấn tượng đầu tiên trên màn ảnh (vai Barbara Pegg), cũng là người hát To Sir, With Love ở cuối phim.

Lulu đã không phụ lòng tin của đạo diễn James Clavell: “Cô ta diễn rất tự nhiên và mộc mạc, cả giọng hát cũng thế… tất cả đã giúp cho bộ phim tỏa sáng lung linh” .

Ca khúc To Sir, With Love sau đó cũng nổi tiếng không kém thành công của bộ phim và chiếm lĩnh vị trí số 1 trên bảng xếp hạng nhạc pop của Mỹ suốt 5 tuần. Lần đầu tiên trong lịch sử ghi âm, một nghệ sĩ người Anh đã làm mưa làm gió ở Mỹ mà chưa hề phát hành ở thị trường nội địa (nước Anh).

Tháng 11/1967, đĩa đơn To Sir, With Love đã bán được hàng triệu bản ở Mỹ và tổng cộng gần 4 triệu bản trên thế giới. Nó trở thành đĩa đơn nhạc pop số 1 do tạp chí âm nhạc Billboard bình chọn năm 1967. Sau phim này, cô ca sĩ Lulu tuổi trẻ tài cao đã phá hàng loạt kỷ lục và đi vào lịch sử showbiz thế giới.

Dù gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ai đã từng xem phim này hầu như vẫn còn nhớ mãi giai điệu mượt mà của ca khúc bất hủ To Sir, With Love, do Lulu hát trong buổi tiệc liên hoan mãn khoá cảm động ở cuối phim… Bộ phim và ca khúc To Sir, With Love đã góp phần không nhỏ trong việc chọn nghề giáo của rất nhiều thế hệ đã qua!


Trailer bộ phim "To Sir, With Love"

Với ca khúc To Sir, With Love, Lulu đã trở thành Lulu là ca sĩ nữ – không phải người Mỹ – duy nhất, đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn ở Mỹ suốt 5 tuần. Vào thời điểm đó chỉ có 1 trong 5 nữ ca sĩ người Anh là lọt được vào bảng xếp hạng này.

Diễn viên Judy Geeson và Lulu sau này tái ngộ với Sidney Poitier trong bộ phim truyền hình phần tiếp theo To Sir, With Love II (1996) do Peter Bogdanovich đạo diễn.

Hội đồng kiểm soát xuất bản Nam Phi – thời còn chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid – đã cấm chiếu bộ phim này, khi quả quyết rằng “Xem một người đàn ông da đen, dạy một lớp học toàn trẻ em da trắng là điều gây chướng mắt!”

Ban nhạc tại buổi khiêu vũ ở cuối phim là nhóm The Mindbenders, ngoài đời là ban nhạc đệm cho ca sĩ Wayne Fontana. Họ đã cùng đạt thành công với ca khúc Game of Love. Riêng The Mindbenders thì thành công với ca khúc Groovy Kind of Love. Sau khi The Mindbenders tan rã, Eric Stewart tiếp tục theo đuổi sự nghiệp âm nhạc và đạt được thành công lớn hơn với tư cách là thành viên của ban nhạc 10CC.

To Sir, With Love được xếp thứ 27 trong danh sách 50 Phim học đường hay nhất do tạp chí Entertainment Weekly bình chọn.

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm