28/01/2020 08:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tò he không chỉ là đồ chơi trẻ nhỏ mà xa hơn còn tái hiện một phần đời sống tinh thần người Việt Nam. Và ít ai biết rằng, để có thể gìn giữ cái hồn cốt thuở ban đầu, bản thân tò he cũng phải chuyển mình, thích nghi trước những đổi thay của thời đại.
Cuối năm 2019, triển lãm “Tòhe-Vo-lu-tion” được khai mạc tại không gian Vicas Art Studio. Đây là triển làm chuyên đề mở đầu cho chuỗi sự kiện tôn vinh nét đẹp văn hóa sáng tạo Việt Nam do Đại học Quốc tế RMIT phối hợp cùng UNESCO và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đồng tổ chức tại VICAS Art Studio, số 32 Hào Nam, Hà Nội.
Chuyện chưa kể về “con giống bột”
Tò he được làm từ bột tẻ pha chút nếp, đem xay nhuyễn, luộc chín rồi nặn thành những hình thù xinh xắn, cắm vào que tre dài khoảng 40 phân, dùng để ăn, chơi, cúng, lễ… Chẳng ai biết tò he có từ bao giờ, chỉ biết nghề nặn con giống bột đã tồn tại hơn 300 năm ở nhiều làng quê Bắc Bộ. Còn trên thực tế, làng nghề Xuân La (xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là làng nghề làm tò he duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay với số lượng nghệ nhân không quá 20 người.
Vào thời kỳ đầu, người ta nặn tò he thành hình mâm ngũ quả, các loại con giống (trâu, bò, lợn, gà…) để phục vụ cúng lễ hay hội làng. Theo thời gian, thế giới hình tượng của tò he đa dạng hơn với những con vật, nhân vật bước ra từ truyền thuyết như voi chín ngà, Thủy Tinh, Sơn Tinh, Thánh Gióng. Tạo hình con giống cũng trở nên sống động với nhiều chi tiết cụ thể, xuất hiện phụ kiện lông vũ đính kèm.
Cho đến nay, tò he khoác lên mình diện mạo mới khi ngoài những hình tượng được coi là “truyền thống”, các phiên bản tò he 4.0 cũng rất độc đáo mang đậm dấu ấn của thể kỷ 21.
Truyền thống là nền tảng của sáng tạo
Trong ký ức của thế hệ 7x, tò he được gọi là “một phần tuổi thơ”, 8x, 9x dần thờ ơ, còn với trẻ em hiện đại, hầu như tò he được nhắc nhớ như thứ “đồ chơi dân gian” hoặc “văn hóa dân gian” cần được bảo tồn.
Làm thế nào để tò he sống trong đời sống đương đại? Đấy là những trăn trở của các thành viên trong BTC Tòhe-Vo-lu-tion. Bạn Nguyễn Lan Trang – Trưởng ban truyền thông cho biết: “Với xuất phát điểm là một cục bột, với trí tưởng tượng của mỗi người sẽ cho ra đời các sản phẩm tò he khác nhau, vô cùng phong phú – đó chính là sáng tạo. Ý tưởng làm mới ở đây chính là ngoài việc nặn, trưng bày những hình thù và khuôn mẫu cũ, chúng tôi hướng tới những hình tượng sáng tạo hơn, độc đáo hơn, gắn liền với cuộc sống hiện đại. Có thể là Batman, Superman, Nàng tiên cá, Nữ hoàng băng giá Elsa… từ tò he, hay xe đạp, xe máy, smartphone, tàu vũ trụ… chúng đều là những gì đang hiện hữu, gần gũi với trẻ em hiện nay”.
Không chỉ cách tân hình tượng, Tòhe-Vo-lu-tion còn mong muốn đưa sự cách tân ấy trở thành một phần của nghệ thuật tò he đương đại, tiếp nối hành trình phát triển xuyên suốt nhiều thế kỷ, và quan trọng nhất là đưa tò he gắn bó hơn với đời sống con người.
“Tôi luôn quan niệm văn hóa truyền thống là chất liệu, nền tảng hiệu quả của sáng tạo. Cũng giống như tò he – từ những con giống bột rất đơn giản, thậm chí là dân dã, bình thường đều có thể trở thành những mô hình hiện đại, phản ánh cuộc sống hiện đại dưới bàn tay của người trẻ hiện đại”.
Trả lời cho vấn đề nên cách tân các giá trị truyền thông như thế nào để hiệu quả mà không mất đi tính cốt lõi, bạn Nguyễn Phương Thảo khẳng định: “Mục đích của sáng tạo luôn đề cao tính thẩm mỹ, chạm tới những giá trị nhân văn, thiết thực với đời sống con người. Đặc biệt khi sáng tạo tên nền tảng văn hóa dân gian, cần có sự mới mẻ nhưng không được phép làm sai lệch ý nghĩa, chức năng ban đầu của nó.
Với riêng tò he, chúng tôi giữ nguyên chất liệu bột tẻ trộn bột nếp, màu pha tự nhiên, cách nặn, cách trình bày cắm vào que tre giống 100% tò he truyền thống. Sự khác biệt duy nhất là hình tượng tò he phong phú và đa dạng hơn. Vì tò he là đồ chơi dành cho trẻ em do đó trong việc tạo hình, tuyệt đối không nên đưa những chi tiết lố lăng, phản cảm. ”
Không chỉ có câu chuyện về tò he tại Tòhe-Vo-lu-tion 2019, mà còn rất nhiều các ý tưởng sáng tạo trên nền tảng truyền thống khác đang ngày một lan tỏa, trở thành xu hướng chung của nghệ thuật đương thời. Bởi chỉ khi dựa vào vốn văn hóa, sáng tạo mới có chiều sâu và ngược lại, khi có sự tiếp nối, cách tân, di sản văn hóa mới duy trì bền vững!
Hiền Lương
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất