(TT&VH)- Cuối cùng, điều mà không một người Catalunya nào mong muốn cũng đã xảy ra. Pep Guardiola đã chính thức nói lời chia tay Barcelona và sẽ không còn dẫn dắt Barca nữa khi mùa giải năm nay kết thúc. Lý do dẫn đến cuộc chia ly khá đơn giản, "tôi cảm thấy mỏi mệt và cần được nghỉ ngơi". Pep cần một sự nghỉ ngơi, cần được làm mới mình và sau đó ông muốn tìm cho mình một thử thách khác.
*Bạn
cũng có thể bình luận về bài viết này trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa
Quyết định có từ mùa Thu
Chưa cần đến một sự thông báo nào cả, việc Pep ra đi đã được báo TBN úp mở đăng tin trong những ngày gần đây và hôm qua, tin chiến lược gia 41 tuổi sẽ chia tay Barca vào cuối mùa được chính thức truyền đi từ... mạng Twitter. Thông qua trang mạng cá nhân của mình, Alexis Meva, một cầu thủ trẻ của đội Barca B đã tiết lộ rằng Pep đã nói lời chia tay tới anh và các đồng đội trong một buổi tập gần nhất. Điều đáng nói là không ai sốc về thông tin này, người Catalunya đón nhận nó một cách bình thường như thể họ hiểu được rằng không sớm thì muốn, hiện thực phũ phàng ấy sẽ xảy ra và điều quan trọng hơn, họ đã có sự chuẩn bị trước cái điều mà trước đó, họ chưa bao giờ nghĩ nó sẽ xảy ra sớm đến thế.
Thế nhưng, chắc chắn rất ít người Catalunya biết được rằng quyết định sẽ rời Camp Nou của Pep đã có từ lâu. Đó là ở quãng thời gian đầu mùa giải, khi Barcelona đang nuôi tham vọng cho một cuộc chinh phục mới. "Trong mùa Thu, tôi đã thông báo với chủ tịch và giám đốc thể thao rằng đây sẽ là năm cuối trong kỉ nguyên của tôi ở Barcelona. Nhưng tôi không thể nói với các cầu thủ bởi vì nó quá phức tạp ở thời điểm đấy. Giờ thì đã khác, chúng tôi bị loại khỏi 2 đấu trường chính và đây là lúc tốt nhất để tôi đưa ra thông báo chính thức", Pep nói trong cuộc họp báo. Đây cũng là những tuyên bố chính thức cho một sự ra đi sau một quãng thời gian dài, ông đã trễ nải trong việc đàm phán để làm khấp khởi những nỗi lo lắng của hàng triệu cule, những người mong ông tiếp tục ở lại.
Pep Guardiola đã chính thức nói lời chia tay Barcelona- Ảnh Getty
Sẽ là việt vị nếu nói rằng Pep cố tình tháo chạy sau khi trải qua một mùa giải có thể coi là thất bại với Barca. Quyết định chia tay đã được chính ông đã ấp ủ từ đầu mùa giải và việc mãi tới lúc này mới đưa ra thông báo chính thức cũng chỉ bởi Pep không muốn ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu của các học trò. Còn nhớ, hồi giữa tháng 11/2011, chính chủ tịch Rosell và các cộng sự đã tới phòng thay đồ của Barca để hỏi Pep về tương lai của ông. Khi ấy, HLV 41 tuổi chỉ trả lời rằng: “Xin chủ tịch cứ yên tâm, tôi sẽ không làm cho ngài phải thất vọng”. Thế nên, sự ra đi của Pep chắc là là một quyết định không thể trọn vẹn. Có lẽ, điều khiến cho chính ông cảm thấy nuối tiếc nhất là dù đã cố gắng để giữ kín quyết định ra đi của mình thì Barca vẫn có một mùa giải không thành công (dừng bước ở bán kết Champions League, gần như chắc chắn mất ngôi vua Liga vào tay Real). Điều đó càng khiến cho Pep mang tới một cảm giác hụt hẫng nhất định với kế hoạch ra đi của mình.
Kết thúc một triều đại
Bất cứ một triều đại nào dù thịnh hay suy rồi cũng phải đến ngày kết thúc. Pep đã có 4 năm cực kì thành công cùng với Barcelona, cùng đội bóng này giành tới 13 danh hiệu trong tổng số 18 đấu trường đã tham gia. Đó là một con số kỉ lục. Nhưng rồi, khi đã no nê với những danh hiệu, đã thành công với một đội bóng mà ở đó, người ta xếp các cầu thủ của ông là những ngôi sao hàng đầu thế giới, Pep đã chọn cách ra đi. Ông muốn làm mới lại mình, muốn tìm kiếm những thử thách mới để bắt đầu cho một sự khẳng định rằng tài năng của của ông không chỉ dựa trên những ngôi sao lớn, mà còn bởi chính khả cầm quân tuyệt vời của chính ông.
Pep ra đi và dù thứ triết lý bóng đá lãng mạn cùng lối chơi tiqui-taca đặc sản vẫn sẽ ở lại với Camp Nou, nơi những Messi, Xavi, Iniesta, Busquets hay Puyol đã thấm nhuần tư tưởng ấy, thì việc không có một thuyền trưởng như ông quả thực là một lo ngại lớn cho Barcelona, nhất là ở thời điểm mà họ đang có dấu hiệu thoát trào. Từ sự sa sút của Xavi, từ sự thiếu hòa nhập của những cầu thủ trẻ hay các tân binh, lối chơi của Barca đang dần bị các đối thủ bắt bài. Ở Liga, không chỉ mình Real mà còn có những cái tên như Getafe biết cách đánh bại họ. Ở Champions League, Chelsea cũng dạy cho họ một bài học rằng cứ mạnh không có nghĩa là có chiến thắng. Điều đó cho thấy, tiqui-taca hoàn toàn có thể bị “khai tử” nếu như họ không có một sự thay đổi, hay ít nhất là một cách nào đó tự làm mới lại lối chơi của mình.
Nhưng ở cái thời điểm mà Barca cần đến một sự phá cách từ Pep để chuẩn bị cho một sự trở lại vào mùa giải năm sau thì ông lại quyết định ra đi. Một cuộc chia ly được báo trước, nó không mang đến cảm giác đau buồn nhưng sẽ để lại những sự hoang mang nhất định bởi bất cứ ai ngồi vào chiếc ghế nóng ở Camp Nou cũng có thể coi là một canh bạc và để lại những hoài nghi lớn. Duy trì sự hiệu quả của tiqui-taca vốn đã được coi là khó, nâng tầm nó lên và tìm ra những sự cách tân khác vì thế cũng sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Trần Giáp