Nghịch lý bóng bổng

27/11/2014 06:04 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Một đội bóng luôn cần nhiều phương án chiến thuật và các giải pháp dự phòng. Trong các phương án ấy, bóng bổng thực ra là một lựa chọn thông minh. Ở nhiều tình huống cấp bách, đối mặt với những hàng thủ nhiều tầng, không có giải pháp nào có thể đưa bóng tới gần khung thành và tạo ra các cơ hội nhanh hơn là bóng bổng. Lối đá ấy cũng không mất thời gian xây dựng và phát triển. Với những “nguyên liệu” hạn chế, mọi HLV và mọi đội bóng đều có thể triển khai lối chơi này.

Nhưng ở đội tuyển Việt Nam, thực hiện điều đó là việc không dễ dàng. Đoàn quân của HLV Miura sở hữu rất nhiều cầu thủ chạy cánh và những chuyên gia tạt bóng như Vũ Minh Tuấn, Thành Lương, Xuân Thành, Huy Toàn hay thậm chí cả Công Vinh nhưng lại thiếu một sát thủ bóng bổng trong vòng cấm.

Hãy nhìn 5 tiền đạo cắm của đội bóng: Công Vinh, Văn Quyết, Hải Anh và Mạc Hồng Quân đều là những người giỏi bóng sệt. Anh Đức là tiền đạo to cao và chơi đầu tốt nhất, nhưng ở B.Bình Dương, anh phải đá tiền vệ cánh. Sự có mặt của các ngoại binh như Gonzalo, Samson hay Timothy khiến các chân sút Việt Nam không giành được vị trí đá cắm ở CLB. Họ không được làm quen với vị trí này, và cũng không phải là điểm đến của các đường treo bóng từ 2 biên.

Ở CLB, họ chỉ là diễn viên phụ trên hàng tấn công, còn vai diễn chính luôn thuộc về những tiền đạo ngoại binh to cao, khỏe mạnh. Đây là một câu chuyện đã cũ của bóng đá Việt Nam.

Bối cảnh ấy rõ ràng không mang tới những điều kiện lý tưởng cho ông Miura triển khai lối chơi bóng bổng khi cần thiết.

Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm