20/04/2025 14:30 GMT+7 | Tin tức 24h
Trong tuần qua đã có nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước được đồng loạt ban hành về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Còn tại địa phương, các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Ban hành đồng bộ các văn bản
Nổi bật trong tuần qua, Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVI của Đảng; Kết luận số 118-KL/TW, ngày 18/01/2025 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Chỉ thị nêu rõ, Đại hội đảng bộ các cấp thực hiện 4 nội dung; trong đó những đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hợp nhất, sáp nhập; đảng bộ xã, phường, đặc khu trực thuộc cấp tỉnh (gồm cả các xã không sáp nhập, các xã thuộc diện hợp nhất, sáp nhập đã tổ chức đại hội), đảng bộ (chi bộ) hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới theo chủ trương, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, thì đại hội với 2 nội dung (tổng kết việc thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên cơ sở nội dung nghị quyết đại hội của các đảng bộ, chi bộ trước khi hợp nhất, sáp nhập; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, dự thảo văn kiện đại hội cấp trên trực tiếp), không bầu cấp ủy khoá mới và đoàn đại biểu dự đại hội cấp trên.
Ban thường vụ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ khoá mới và phân bổ số lượng, chỉ định đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Đối với các đảng bộ cấp xã không hợp nhất, sáp nhập nếu đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2030, thì: Tổ chức hội nghị ban chấp hành để thảo luận các dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp theo quy định. Căn cứ tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, số lượng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục chỉ đạo rà soát, kiện toàn nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 và nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên, bảo đảm theo đúng quy định…
Cũng trong ngày 14/4, thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú ký ban hành Kết luận 150-KL/TW hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.
Ngày 14/4, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW đã ban hành Kế hoạch số 47 về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp. Ban hành kèm theo Kế hoạch này là phụ lục nội dung, nhiệm vụ thực hiện sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp. Phụ lục nêu rõ từng thời điểm trong năm 2025, 2026, các cơ quan hữu quan, các tỉnh, thành phố phải hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg (ngày 14/4/2025) phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phải bảo đảm 5 nguyên tắc xác định tên gọi khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; Nguyên tắc xác định trung tâm hành chính - chính trị; Tiêu chí sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đề án nêu rõ phương án sắp xếp cụ thể đối với 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tại Phiên họp thứ 44, ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp thông qua Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 15/4/2025.
Ngày 15/4/2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ký Công văn số 03/CV-BCĐ gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
Cử tri và nhân dân tin tưởng vào những quyết sách quan trọng
Dự kiến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 5/5/2025 với tổng thời gian làm việc là 35,5 ngày. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ưu tiên trình Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung cấp thiết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền.
Cử tri thành phố Bến Tre nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Chương Đài/TTXVN
Trong tuần qua, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã thực hiện tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9. Cử tri các địa phương bày tỏ phấn khởi, đồng tình trước những việc làm quyết liệt, khẩn trương, tinh thần trách nhiệm cao, Trung ương đã đưa ra nhiều quyết sách mang tính cách mạng, đột phá, tạo nền tảng để phát triển đất nước; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thành công của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, Cần Thơ, cử tri bày tỏ sự đồng tình với việc rà soát và tổ chức lại các cơ sở y tế như trung tâm y tế, bệnh viện, phòng khám. Tuy nhiên, theo cử tri cần phải đảm bảo người dân không bị gián đoạn trong việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là ở những vùng có điều kiện khó khăn như vùng sâu, vùng xa.
Còn tại Đắk Nông, cử tri và nhân dân đề nghị các cấp, ngành quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp đổi lại giấy tờ, sổ sách sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.
Cử tri tại Bến Tre cho rằng, khi sắp xếp, cần có thêm chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách để lực lượng này ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội và có điều kiện tái hòa nhập thị trường lao động…
Trả lời ý kiến cử tri và nhân dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sáng 17/4, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, tất cả các công việc liên quan đang được thực hiện rất khẩn trương, không để chậm trễ, tiến độ được kiểm tra, kiểm soát từng ngày.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trước cử tri. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tổng Bí thư lưu ý khắc phục cả 2 khuynh hướng: Sáp nhập các xã, phường quá rộng không quán xuyến được địa bàn, không chủ động phục vụ được nhân dân. Sáp nhập các xã, phường quá nhỏ, dẫn đến hạn chế về không gian, dư địa phát triển, đầu mối nhiều hơn dẫn đến cồng kềnh, kém hiệu quả.
Ghi nhận ý kiến cử tri tại Hậu Giang, chiều 18/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Kỳ họp thứ 9 sắp tới có khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ họp Quốc hội, trong đó quan trọng nhất là xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; đặc biệt coi trọng việc lấy ý kiến nhân dân đối với việc sửa đổi Hiến pháp. Nếu Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp được thông qua, sau ngày 30/6/2025 sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.
Về việc xử lý các trụ sở dôi dư sau sắp xếp, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: phải sử dụng hiệu quả công năng, không để hoang hóa hay lãng phí; trong đó ưu tiên hàng đầu là trường học; tiếp theo là chăm sóc sức khỏe nhân dân để y tế xã, phường mạnh, bác sỹ giỏi, thuốc và trang thiết bị đầy đủ và dành trụ sở để làm nơi sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Đào Chí Nghĩa, chủ trương sáp nhập và tinh giản biên chế là một quá trình phức tạp và trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi có nhiều thử thách, điểm nghẽn. Việc này đòi hỏi sự đồng thuận cao của toàn xã hội và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ của các cấp, các ngành; phát huy tinh thần gương mẫu, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng.
Thành lập các Tổ công tác chung
Trong tuần, một số địa phương đã họp thống nhất thành lập các Tổ công tác chung để thực hiện các nội dung nhiệm vụ Trung ương giao về sáp nhập.
Ban Thường vụ hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thống nhất thành lập 6 Tổ công tác chung giữa hai tỉnh. Quảng Ngãi đảm bảo phương tiện đưa đón, nơi ở cho cán bộ, công nhân, viên chức từ Kon Tum về Quảng Ngãi công tác và ngược lại; đảm bảo sắp xếp việc học cho con em cán bộ, công nhân, viên chức khi theo bố mẹ về Quảng Ngãi.
Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đã thành lập 5 tổ công tác phục vụ công tác sáp nhập. Việc sắp xếp, sáp nhập cấp xã sẽ không thực hiện theo phương án “may đo” cho tất cả các xã, phường mà sẽ nghiên cứu ưu tiên khu vực lõi của 8 huyện thị, thành phố sẽ có quy mô lớn hơn so với các xã, phường còn lại.
Hưng Yên và Thái Bình đã tổ chức cuộc họp về thực hiện Đề án hợp nhất hai tỉnh, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hưng Yên và Thái Bình theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Các bộ phận chuyên môn, các sở được yêu cầu rà soát hiện trạng công nghệ giữa hai tỉnh, tiến hành số hóa tài liệu liên quan để sử dụng chung một cách hiệu quả; không chờ đến khi hợp nhất xong mới thực hiện…
Chiều 19/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy 3 tỉnh, gồm: Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông về triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Hoan nghênh 3 tỉnh thời gian qua đã rất tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, 3 địa phương đã cùng nhau chia sẻ, đoàn kết, thống nhất, phối hợp tốt để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo. Sự chia sẻ, đoàn kết, thống nhất này chính là cơ sở, tiền đề để thực hiện tốt chủ trương sáp nhập 3 tỉnh và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp sau khi 3 tỉnh được sáp nhập.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào ngày 16/4 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập xã không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh tổ chức bộ máy, địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế, điều chỉnh sự phân công, phân cấp, phân bổ nguồn lực cho phát triển; là cơ hội để chúng ta sàng lọc, sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất