Tỉnh dậy dưới mồ? Đề nghị bấm chuông!

02/05/2017 07:41 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Loài người khác với con vật ở nhiều điểm, trong đó có một điểm rất cơ bản là biết mình sẽ chết. Phải giã từ cuộc sống đã là đáng sợ, nhưng hình như còn không sợ bằng… hồi sinh trong quan tài.

Từ bao thế kỷ qua, hình ảnh kinh rợn đó khiến con người trở nên sáng tạo khi nghĩ đến giây phút có thể chưa là cuối cùng.

Dũng cảm - đến trước khi chết

Quận chúa Ferdinand von Braunschweig-Wolfenbüttel (1721-1792) sinh thời có một tiểu sử chinh chiến vô cùng oanh liệt. Hầu như cuộc đời ông lúc trẻ chỉ là một chuỗi chiến tranh triền miên mà ông luôn là kẻ chiến thắng và sống sót, chỉ có binh lính của ông là chết như ngả rạ. Rời quân ngũ với hàm nguyên soái, ông còn sống thêm 26 năm vui thú với con đàn cháu đống.

 


Antoine Wiertz năm 1854 vẽ tranh một người được coi là đã chết vì bệnh tả. Bị chôn trong chiến tranh hay các đại dịch mà không được kiểm tra kỹ là nỗi sợ khá phổ biến từ sau thế kỷ 17

Song có lẽ tận mắt thấy nhiều máu me mà đoạn kết của ông, trái với mọi phỏng đoán, không mấy hào hùng. Trên giường bệnh, ông trăn trở khá lâu và thành tác giả của một phát minh bất đắc dĩ được hậu thế thi nhau bắt chước: quan tài thông minh. Bản thân ông cũng yên giấc trong một sản phẩm tinh thần của mình: áo quan có cửa sổ, lỗ thông khí và nắp cài then từ bên trong.       

Vị nguyên soái lẫy lừng chia sẻ nỗi sợ bị chôn sống với nhiều người đương thời. Vào cuối thế kỷ 18, sự phát triển từng bước của y khoa đi kèm với kiến thức khoa học tân tiến đã sinh ra một loạt tác dụng và tác dụng phụ. Một mặt, nhiều nhà đã gọi linh mục đến vẩy nước thánh lên người bệnh nhân, xin nhớ Đức Kitô đã chịu nạn bị chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta, vậy mà thầy lang còn kéo con bệnh lại cõi dương nhiều năm nữa. Nhưng mặt khác, chính thành tích ấy gây ra ngờ vực: đường biên giữa sống và chết chính xác ở đâu?

Báo chí ngày xưa liên tục đưa những phóng sự rùng rợn về chôn nhầm người sống, tuy nhiên chỉ nhằm mục đích thương mại. Riêng ở châu Âu thế kỷ 18 có đến 500 đầu sách về “hiện tượng” này, nguỵ trang dưới tên “tài liệu tra cứu”. Công nghiệp điện ảnh cũng không phải ngoại lệ: tranh quảng cáo cho phim “Buried Alive - chôn sống II” (1997).

Sống và chết trong tay Thượng đế?

Đã có thời nhiều quốc gia châu Âu cấm các biện pháp hồi sinh nhân tạo, coi như đó là hành vi phỉ báng quyền lực Thượng đế. Nhưng từ năm 1740, vua Pháp Louis 15 đã tiên phong bác bỏ điều cấm ấy. Sau chừng 50 năm, không nơi nào trừng phạt bác sĩ vì cứu bệnh nhân vào phút chót nữa. Luật Phổ và Áo còn bắt buộc phải nỗ lực cứu mạng đến khi hết nước hết cái. Hội cứu mạng đầu tiên được thành lập ở Amsterdam, và ngay trong năm ra đời họ đã cứu được 25 người tưởng như đã thò cả hai chân xuống mồ. Chính xác là cùng với kỷ Ánh sáng, khoa học mới bắt đầu nghiên cứu có hệ thống các công năng của cơ thể người. Trước đó chỉ duy nhất linh mục được phán rằng người hôn mê sâu đã chết, thì nay quyền quyết định nằm trong tay các bác sĩ.     

Và kiến thức khoa học của họ rất cần thiết. Trong một thí nghiệm ngày 6/11/1780 nhà khoa học Italy - Luigi Galvani cho thấy một cái đùi ếch giật nảy lên khi dính điện, và kết luận là có thể làm việc đó với xác người! Thế là cả châu Âu lao vào nghiên cứu kỹ thuật dùng dòng điện để hồi sinh. Hôm nay thì ta biết rằng kết quả vô cùng hạn chế, nhưng ngày đó một ý tưởng dần nhen nhóm: phải chăng cái chết chưa phải là ngưỡng chung kết?

Hầu như không ngày nào không có tin tức rùng rợn trên báo, chứng minh rằng không hiếm người được coi là chết bỗng sống lại trong quan tài, trên giàn củi hỏa thiêu hay dưới dao mổ của nhân viên pháp y. Rồi thì, khi bốc mộ người ta phát hiện nhiều xác đổi tư thế nằm, thậm chí còn cào nát ván thiên từ bên trong!

Thế kỷ 19 đánh dấu cả một phong trào sáng chế các loại áo quan cho người bị chôn nhầm, nhất là ở Bắc Mỹ và châu Âu. Từ 200 năm nay nước Đức luôn dẫn đầu số bằng phát minh cho cõi âm.   

Cần kiểm tra kỹ?

Về sau các nhà khoa học thống nhất một điểm: những tin kiểu ấy thường là tin vịt để bán báo, hay là kết quả của lời đồn thổi vô căn cứ. Và tại sao những “vết cào” chỉ thấy ở quan tài người nghèo? Vì họ dùng ván rẻ tiền, không bào nhẵn bên trong, nói cách khác là các vết xước đã có từ trước. Còn tư thế nằm bị đổi khác chỉ là hệ quả của quá trình phân hủy. 

Tuy nhiên không có nghĩa là chuyện gì cũng do bịa đặt. Rất có thể đã có người sống lại sau khi bị coi là đã qua đời. Năm 1905, một người Anh là William Tebb thuộc Tổ chức phòng ngừa mai táng quá sớm ở London đã lập thống kê từ các báo cáo chuyên ngành và chỉ ra 219 trường hợp được phát hiện kịp thời, tức là sau khi đã gọi công ty mai táng đến nhà, 149 vụ người chết thò tay giật tung áo liệm hoặc nhỏm dậy từ áo quan, 10 người đang bị mổ xác thì sống dậy.

“Trong thế kỷ 18 người ta đã biết đến nguy cơ truyền nhiễm bởi tiếp xúc với xác chết, do đó người ta tránh xa xác chết do chiến tranh và dịch bệnh. Có thể dự đoán rằng nhiều người chưa chết hẳn đã bị đem chôn”. Trên nền kiến thức đó, nhiều người lúc sống đã cẩn thận dặn dò - ví dụ phải hơ gương hoặc lông gà trước mũi người “chết” xem còn thở không, dùng các hóa chất kích thích để tìm phản xạ, hoặc chích máu xem tim mạch có còn hoạt động...

Chủ đề này sống khá dai, năm 2004 Quentin Tarrantino sản xuất phim “Kill Bill 2”, trong đó điều tra viên Nick Stokes giãy giụa tới 90 phút để giành lại sự sống! 

Giải pháp tối hậu: đâm vào tim

Nhiều mẫu di chúc có dòng mặc định: Chỉ mai táng khi thấy xác bắt đầu phân hủy và bốc mùi rõ ràng. Giám đốc bệnh viện Charité (Berlin, Đức) Christoph Wilhelm Hufeland bắt xây nhà xác có lò sưởi, và ngón chân người chết được buộc dây nối với một cái chuông, phòng khi tỉnh dậy!

Nhiều người còn sai con cháu thực thi các biện pháp quyết liệt hơn: Dùng kim dài đâm qua kẽ xương sườn vào tim - ai chưa chết, sau cú này chắc chắn không bao giờ sống lại nữa.

 

Những cái chết 'lãng xẹt' của sao trên phim trường

Những cái chết 'lãng xẹt' của sao trên phim trường

Đời diễn viên không thật sự lấp lánh như nhiều người mơ tưởng. Ngoài lao động vất vả để đạt thành tựu trong nghề, nhiều trường hợp, các bộ phim gây tác động xấu, thậm chí, cướp đi mạng sống của họ.

Tất cả các biện pháp ấy dĩ nhiên không ngăn được nỗi sợ truyền kiếp có hẳn một thuật ngữ chuyên môn là taphophobia để chỉ người chết lâm sàng nghe tiếng đóng đinh nắp quan tài. Từ đầu thế kỷ 19 cho đến hôm nay có vô số phát minh được cấp bằng sáng chế, nhằm tạo điều kiện quay về dương thế cho người bị chôn nhầm. Từ máy thở oxy đến dây nối chuông, cho đến nắp áo quan dễ mở từ bên trong hay điện thoại di động nối 3G và ắc quy dự phòng.  

Thực tế là đại đa số các sáng chế đó chỉ dừng ở mức ý tưởng, ít khi được thực thi, khác với chiếc áo quan tinh xảo của quận chúa Ferdinand von Braunschweig-Wolfenbüttel. Ông đã không có điều kiện sử dụng cái cửa cài then bên trong. Cái chết của quận chúa - như hầu hết mọi trường hợp - quả thực đã chứng minh “chết là hết.”

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm