Nửa thế kỷ The Beatles tiến vào Mỹ: Vũ khí 'xâm lăng' xứ cờ hoa của Tứ quái

09/02/2014 11:40 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Khi The Beatles xuất hiện trên chương trình truyền hình tạp kỹ Ed Sullivan Show, họ đã khởi đầu một cuộc chinh phục công chúng Mỹ, về sau thành công mỹ mãn. Tuy nhiên thành công này rõ ràng sẽ không có được nếu không nhờ sức mạnh của truyền hình Mỹ khi đó.

Mỗi khi một cột mốc của The Beatles xuất hiện, ví dụ như gần đây là việc nhạc của nhóm được đưa lên trang bán nhạc số iTunes, vô số chuyên gia lại vào cuộc để tìm hiểu xem vì sao âm nhạc của nhóm mang tính cách mạng và trường tồn tới vậy.

"Hát gì đi chứ"

Nhưng cột mốc lần này lại đặc biệt hơn cả. Năm nay là 50 năm kể từ khi Tứ quái xuất hiện trên chương trình The Ed Sullivan Show (ngày 9/2/1964), khởi đầu cho hành trình chinh phục Mỹ của nhóm. Nó đòi hỏi người ta phải xem xét kỹ lưỡng hơn để tìm ra tầm quan trọng của truyền hình trong thành công về sau của The Beatles tại Mỹ.

Ngày hôm nay, nhiều show truyền hình khác nhau cùng máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh đã làm giảm thiểu cơ hội để công chúng cùng nhau xem một chương trình truyền hình, như một khối khán giả đồng nhất. Khi màn ảnh nhỏ và lượng xem đang ngày càng bị phân hóa, làm sao để chúng ta có thể hiểu được tầm quan trọng của nó trong việc tạo ra một khoảnh khắc văn hóa đại chúng mang tính dấu mốc như vậy? Hiển nhiên nhiều người sẽ hỏi rằng có gì to tát khi một ban nhạc trình diễn trên TV.


Ed Sullivan và The Beatles trong màn trình diễn đầu tiên tại Ed Sullivan Show

Đó là tháng 2/1964 và The Beatles không được ưa chuộng ở Mỹ như tại nước Anh quê hương họ. Dù vậy, ban nhạc có gây chút xôn xao khi tới sân bay quốc tế John F Kennedy ở New York và họ đối mặt ngay với một "phi đoàn" báo chí và nhiếp ảnh gia đông đảo. Một cuộc họp báo chớp nhoáng đã được tổ chức ở sân bay, trong đó cánh báo chí thể hiện sự buồn cười, tò mò và cả sự thô lỗ với ban nhạc. “Hát gì đi chứ" - một phóng viên nói với ban nhạc. John Lennon lập tức đáp lại: "Ồ không, phải trả tiền để chúng tôi làm điều đó".

Không lâu sau đó, nước Mỹ nhanh chóng hiểu ý nghĩa của cụm từ mà nhà quản lý nhóm là Brian Epstein nói: Cơn điên Beatles (Beatlemania). Bạn có thể thấy ngay hình ảnh cơn điên này trong các đoạn video thu lại hình ảnh The Ed Sullivan Show, khi 4 chàng trai mặc đồ đen bặt thiệp đang hát trong một thính phòng có 728 chỗ ngồi thì ở dưới khán giả, đa số là các thiếu nữ, đang điên cuồng gào thét theo tiếng hát của họ.

Trong hàng triệu hộ gia đình trên khắp Mỹ, tức khoảng 73 - 74 triệu khán giả truyền hình, không ít người đã bị sốc và băn khoăn tự hỏi điều gì đang diễn ra trên màn ảnh nhỏ. Có phải những gã trai đó đeo tóc giả không? Tại sao khán giả cứ gào lên như rồ dại mỗi khi họ cất lời hát? Dạng ca từ quái gì mà lại có những câu như “yeah yeah yeah”? Tại sao những ca sĩ người Anh da trắng này lại thường xuyên sử dụng những đoạn nhạc soul của người da đen?

The Beatles đã thể hiện một hình ảnh tươi sáng tràn đây năng lượng. Nhưng trên The Sullivan Show, họ còn mang theo một bầu không khí hỗn loạn, đã khiến cả 4 chàng trai trở thành những con người truyền cảm hứng (nếu bạn thích họ) hoặc đáng sợ (nếu bạn không ưa họ). Nước Mỹ đã đối mặt với một lực lượng không thể chối từ. Một lằn ranh đột ngột được vẽ ra, yêu cầu họ phải chọn bên: liệu màn trình diễn này là một trong những màn vui vẻ hồ hởi nhất mà họ được xem từ trước tới nay hay nó báo hiệu sự khủng khiếp đang tới.


Cơn điên Beatles đã xuất hiện tại show diễn

Vũ khí lý tưởng

Không giống phần lớn nước Mỹ, Ed Sullivan đã được trải nghiệm cơn điên Beatle một cách cụ thể hơn, tại nước Anh. Ông và vợ đang ở phi trường Heathrow khi The Beatles đi ngang qua, để lại đằng sau vô số fan đang gào thét chạy theo.

Điểm lại kinh nghiệm làm giải trí của đời mình, Sullivan thấy rằng chỉ một người duy nhất có thể tạo nên hiện tượng gần giống như vậy là Elvis Presley. Ông cũng lập tức hiểu ngay rằng mình cần phải hợp tác với The Beatles. Ông đã ký hợp đồng với Epstein và Tứ quái sẽ có 3 lần lên sóng với chi phí 2.400 USD mỗi show, tức ít hơn nửa mức phí để mời Beatles đi diễn ở bất kỳ nơi nào khác khi đó.

Cần nói thêm rằng The Ed Sullivan Show, vốn được phát sóng từ năm 1948 tới 1971, là một chương trình tạp kỹ rất được ưa thích, trong một thế giới truyền hình nơi phần lớn hộ gia đình Mỹ chỉ có thể xem được khoảng 3-4 kênh truyền hình. Nó được thiết kế để khiến mọi khán giả truyền hình đều theo dõi.

Nếu anh không thích ca sĩ này hoặc nghệ sĩ hài kịch kia, anh sẽ vẫn nán lại xem The Ed Sullivan Show để chờ màn trình diễn ảo thuật hoặc biểu diễn huấn luyện chó của các nghệ sĩ khác. Sullivan cũng có tài biến các chương trình văn hóa cao cấp thành sản phẩm giải trí dễ nuốt cho đại chúng, ví dụ vở opera La Bohème được ông gói gọn thành màn song ca dài 4 phút giữa Renata Tebaldi và Richard Tucker.

Nhiều nghệ sĩ được ưa thích cũng xuất hiện nhiều lần trong chương trình như nghệ sĩ hài Alan King xuất hiện 37 lần, ca sĩ Connie Francis 26 lần... Nói một cách khác, The Ed Sullivan Show khiến khán giả thấy dễ chịu và thích thú khi thưởng thức.

Khi tiến vào văn hóa Mỹ, The Beatles không thể hy vọng có một nền tảng giới thiệu tốt hơn, một vũ khí lợi hại hơn The Ed Sullivan Show. Có thể thấy Sullivan đã đẩy Tứ quái vào các gia đình Mỹ, vốn đã có thể đóng sầm cửa nếu họ trực tiếp đi bấm chuông.

Tuy nhiên không chỉ khán giả truyền hình Mỹ được nếm yếu tố ngạc khiên. Chính Sullivan cũng kinh ngạc không kém trước cơn cuồng loạn của khán giả dưới sân khấu, tới mức ông phải vội vã thảo ra quy định rằng bất kỳ khán giả nào dưới 18 tuổi tới xem Beatles biểu diễn tại trường quay cũng phải có người lớn đi kèm.

Trên một phương diện nào đó, màn trình diễn đầu tiên của The Beatles tại Ed Sullivan Show là lần đầu tiên nước Mỹ đối mặt với phản văn hóa, hiện tượng mà trong năm 1964 vẫn chưa hình thành đầy đủ hoặc thậm chí còn chưa được định nghĩa.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm