Rooney bị “đánh hội đồng"?

25/08/2008 15:27 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Trong suốt 1 tuần qua, từ trước trận M.U tiếp Newcastle đến sau trận hòa nhạt nhòa
của ĐT Anh trước Czech ở Wembley, Rooney đã bị giới báo chí Anh tấn công liên tục. Lý do Rooney bị “đánh hội đồng” là vì anh ta không chịu... ích kỷ.

Thực ra, ngay từ ngày ngồi vào chiếc ghế HLV ĐT Anh, HLV Capello từng yêu cầu Rooney phải chơi ích kỷ hơn nếu muốn trở thành tiền đạo giỏi. Quan điểm của Capello mang tính cổ điển. Chân sút càng vĩ đại thì càng ích kỷ. Đơn giản vì số bàn thắng chứ không phải số đường chuyền tạo nên chân sút. Ở Old Trafford trước đây, người ta thường “mắt chữ O, mồm chữ A” khi chứng kiến van Nistelrooy chuyền bóng cho đồng đội ghi bàn.
 
Rooney thuộc mẫu tiền đạo càn lướt tốt, không ngại va chạm

Là một tiền vệ, Ronaldo chỉ có tổng cộng 8 đường chuyền thành bàn trên các mặt trận mùa trước. Là một tiền đạo, mỗi mùa Rooney đóng góp đến 14 đường chuyền quyết định. Ở Premier League, anh là tiền đạo hỗ trợ đồng đội tích cực nhất. Ở Premier League, Ronaldo là tiền vệ tham ghi bàn nhất. Sự khác biệt giữa họ thường được phản ánh qua các tình huống phản công 2 đối 1. Nếu có bóng trong chân, Ronaldo sẽ quyết định sút, dù ở bất cứ góc độ nào. Với Rooney, anh sẽ cố gắng hút người hậu vệ duy nhất và chuyền ngược cho Ronaldo ở vị trí thuận lợi hơn. Ronaldo bắt đội bóng phục thuộc vào anh. Rooney bắt bản thân phụ thuộc vào đội bóng. Trong khi Ronaldo nhiều khả năng giành các danh hiệu cao quý nhất trong năm thì Rooney suốt ngày bị “vây đánh”.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, HLV Ferguson hứa sẽ đưa Rooney trở lại vị trí đích thực của một chân sút. Theo cách hiểu của người Anh, Rooney sẽ được đôn lên đá song song với Tevez trên hàng công, hoặc chí ít là vị trí của cầu thủ số “9 rưỡi”. Dù đặt ở đâu trong 2 vị trí ấy, Rooney sẽ chỉ lo mỗi nhiệm vụ chọc thủng lưới đối phương chứ không phải lùi về tận sân nhà cản phá đối phương ghi bàn. Những người Anh đang lo sốt vó cho cuộc khủng hoảng tiền đạo ở ĐTQG và họ cố tình hiểu theo hướng đó. Chứ thực chất, Rooney không thể và không muốn thay đổi.

Tính cách đã tạo nên một Rooney như thế. “Wayne luôn muốn hoạt động tích cực. Như Roy Keane, cậu ấy luôn muốn chạy đến những nơi có bóng. Tôi không thể đảm bảo Wayne sẽ thay đổi khi mà bản thân cậu ta không phải là mẫu người coi trọng vẻ bề ngoài hay muốn người ta tung hô về số bàn thắng ghi được. Wayne chỉ muốn vào sân là chạy hết sức, đá máu lửa và đội bóng chiến thắng. Chấm hết!” - Đó chính là lời giải thích của Sir Alex.

Ngoài tính cách còn có lý do chuyên môn. Rooney thuộc mẫu tiền đạo càn lướt tốt, không ngại va chạm và thường có những pha xử lý mang tính đột biến cao. Nhưng lối chơi của anh rất cần không gian, khác với một Tevez có thể xoay xở trong phạm vi hẹp. Rooney chỉ đáng sợ khi mặt anh hướng về khung thành đối phương và anh không thể đá quay lưng như một trung phong thực thụ. Rooney đã ghi nhiều bàn từ những cú sút xa nhưng hiếm khi thấy anh “đánh hơi” nhạy bén để đệm bóng vào khung thành trống ở cự ly gần.

Tóm lại, Rooney sinh ra không phải để làm trung phong. Mà suy cho cùng, Rooney ấy nổi lên, được đánh giá cao và trọng dụng là nhờ phong cách chơi bóng đầy nhiệt huyết và không vị kỷ. Vậy cớ sao cứ “ép” anh phải thay đổi mình?

Rooney đã và sẽ như thế. Anh sẽ không thay đổi, không ích kỷ. Không nhiều bàn thắng, không là ngôi sao lớn nhất nhưng sẽ chỉ có một Rooney mà thôi...
 

Khi Rooney bị ép

5 tháng về trước, ĐT Anh vượt eo biển Manche, hành quân đến Pháp cho trận thứ 2 dưới thời Capello. Dù mang tính chất giao hữu, người Anh mong mỏi chờ đợi chiến thắng và niềm hy vọng lớn nhất của họ là Rooney, chân sút tốt nhất của đội. Trận ấy, Capello sử dụng sơ đồ 4-5-1 với Rooney đá cắm. Trong 15 phút đầu, Rooney tôn trọng ý đồ chiến thuật, chạy quanh quẩn trong vòng cấm. Nhưng sau 15 phút, vì rơi vào tình trạng đói bóng, anh đã trở lại chính mình, thường xuyên lùi về tận sân nhà để đoạt bóng trong chân đối phương và đá như một tiền vệ dẫn dắt lối chơi.

Đức Lộc
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm