WHO báo động về sự gia tăng đột biến số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu

17/03/2022 22:24 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 17/3, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 464.926.800 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.083.323 ca tử vong. Số người đang phải điều trị tích cực hiện là 63.556 ca.  

Đến nay, thế giới có hơn 463,20 triệu ca mắc Covid-19, gần 6,08 triệu ca tử vong

Đến nay, thế giới có hơn 463,20 triệu ca mắc Covid-19, gần 6,08 triệu ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 17/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 463,20 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 6,08 triệu ca tử vong.

Với hơn 81,2 triệu ca mắc và hơn 994.000 ca tử vong, Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nhất thế giới. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca mắc, hiện là hơn 43 triệu ca, tương đương một nửa của Mỹ, trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, đến nay ghi nhận hơn 656.000 ca.         

Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất với hơn 167,6 triệu ca mắc và hơn 1,7 triệu ca tử vong. Châu Á đứng thứ hai với hơn 129,6 triệu ca mắc và hơn 1,3 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ có hơn 95,8 triệu ca mắc, trong đó hơn 1,4 triệu ca tử vong. Các con số này ở Nam Mỹ lần lượt là hơn 55,4 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.         

Ngày 17/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã báo động về sự gia tăng đột biến số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu, mặc dù tỷ lệ xét nghiệm giảm và số ca mắc mới ghi nhận liên tục giảm trong nhiều tuần gần đây. WHO bày tỏ lo ngại về số ca mắc mới đặc biệt tăng mạnh tại châu Á, đồng thời kêu gọi nhanh chóng mở rộng chương trình tiêm chủng bao phủ, cũng như thận trọng cân nhắc các kế hoạch gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.

Chú thích ảnh
Tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca tại ngoại ô Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) lưu ý rằng sự gia tăng các ca mắc mới ở các khu vực khác nhau trên thế giới là một "cảnh báo" đối với châu Mỹ rằng đại dịch vẫn chưa được kiểm soát mặc dù số ca mắc mới ở châu lục này đã giảm trong vòng 2 tháng qua. PAHO, Văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhấn mạnh rằng số ca mắc mới COVID-19 tuần trước ở khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, đã tăng 28,9% so với tuần trước đó; ở châu Phi tăng12,3%; ở châu Âu tăng gần 2%.    

Tại châu Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục giảm tuần thứ 8 liên tiếp với hơn 901.000 ca trong tuần đầu tiên của tháng 3, giảm 19% so với tuần trước đó. Số ca tử vong hằng tuần cũng tiếp tục giảm tuần thứ 5 liên tiếp, với 15.523 ca mới được báo cáo (giảm 18,4%). Bộ Y tế Cuba cho biết nước này ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp không có ca tử vong nào do COVID-19.         

Chú thích ảnh
Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Cơ quan Y tế quốc gia Pháp công bố hơn 108.000 ca mắc COVID-19 trong ngày 16/3, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới theo ngày tại nước này vượt 100.000 ca. Tuy nhiên, số ca nhập viện và ca bệnh nặng hiện đều giảm, lần lượt ổn định ở mức 20.757 ca và 1.728 ca. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Áo đã ghi nhận số ca mắc mới theo ngày tăng lên mức cao mới, với 58.583 ca trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại nước này vượt 50.000 ca kể từ đầu dịch. Hiện Áo có tổng cộng 3.033 ca phải nhập viện, trong đó có 221 ca bệnh nặng. Tuy nhiên, giới chức y tế cho biết hệ thống y tế tại Áo không bị quá tải.

Tại Đức, lo ngại về số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh trong những ngày qua, nhiều bang đã do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh, dự kiến vào ngày 20/3. Các quy định trước đây như yêu cầu về đeo khẩu trang hoặc quy tắc 2G (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19) và 3G (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính) có thể vẫn được áp dụng cho đến ngày 2/4. Bộ trưởng Y tế Liên bang Karl Lauterbach đã kêu gọi các bang thận trọng trong việc nới lỏng quy định phòng dịch. Theo ông Karl Lauterbach, chính quyền các bang nên sử dụng các biện pháp thích hợp để chống tỷ lệ mắc tăng cao.   

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ ba cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận hơn 600.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tăng 55% so với ngày trước đó. Số ca tử vong cũng tăng gấp 2 lần, lên 429 ca - mức cao chưa từng thấy. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ngày 7/3, giới chức Hàn Quốc cho biết chính quyền thành phố Seoul đã xây dựng dự thảo ngân sách bổ sung trị giá 1.100 tỷ won (897,3 triệu USD) để hỗ trợ chương trình chống dịch COVID-19, cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tại Trung Quốc, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong cũng đang nỗ lực khống chế đợt bùng phát dịch thứ 5 khi biến thể Omicron lây lan mạnh, gây sức ép đối với hệ thống y tế thành phố.

Nhiều bệnh viện hiện quá tải với khối lượng bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi nhà xác, nhà tang lễ cũng chịu áp lực lớn. Ngày 17/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch. Phát biểu khi chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc phải kiềm chế đà lây lan của dịch COVID-19 càng sớm càng tốt trong khi vẫn tuân thủ chính sách "Không COVID-19".

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho trẻ em tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, nước này phải nâng cấp mức độ kiểm soát và phòng chống dịch cũng như tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch hiện hành. Chỉ 3 tuần trước, Trung Quốc đại lục ghi nhận số ca mắc COVID-19 dưới 100 ca/ngày. Tuy nhiên, con số này đã tăng vượt 1.000 ca/ngày trong 1 tuần qua.   

Trong khi đó, Campuchia dỡ bỏ quy định xét nghiệm đối với người nhập cảnh, theo đó du khách quốc tế không cần xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ sau khi đến Campuchia, cũng như không cần làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh khi nhập cảnh; cấp lại thị thực nhập cảnh cho du khách quốc tế qua đường không, đường bộ và đường biển. Tuy nhiên, du khách quốc tế nhập cảnh phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bộ Y tế Campuchia khuyến khích khách nhập cảnh tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19. Trong trường hợp du khách nhập cảnh chưa tiêm đủ liều vaccine cơ bản hoặc không xuất trình được giấy chứng nhận, phải thực hiện cách ly trong thời gian 14 ngày tại địa điểm do Bộ Y tế Campuchia quy định. Chính phủ Thái Lan cũng dự kiến sẽ cho phép khách du lịch nhập cảnh mà không cần xuất trình bằng chứng về việc xét nghiệm RT-PCR âm tính trong vòng 72 giờ theo yêu cầu của Chương trình “Test & Go” (Xét nghiệm & Lên đường). 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/ TTXVN

Thư ký thường trực của Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit cho biết Bộ Y tế sẽ đề xuất nới lỏng một số yêu cầu đối với du khách trước khi lên đường tới Thái Lan tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) vào ngày 18/3.   

Ngày 17/3, tập đoàn được phẩm đa quốc gia Roche của Thụy Sĩ thông báo đã phát triển các giải pháp xét nghiệm phân tử để xác định và phân biệt các biến thể của virus SARS-CoV-2, cũng như các dòng phụ của chúng. Việc sử dụng các xét nghiệm này nhằm đánh giá sự lây lan của các biến thể đang hoành hành, đồng thời theo dõi triển vọng của các biện pháp điều trị, vaccine và những biện pháp phòng dịch cho cộng đồng.    

Cùng ngày, New Zealand thử nghiệm đại trà thiết bị đo nồng độ kháng thể chống COVID-19. Người dân New Zealand muốn biết khả năng của cơ thể miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 giờ đây có thể tự đo mức độ miễn dịch ngay tại các hiệu thuốc gần nhà. Thiết bị Arca có thể đo lường nhanh chóng và chính xác nồng độ kháng thể sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Việc biết được nguy cơ lây nhiễm của bản thân sẽ giúp người dân đưa ra quyết định xem họ có nên đi du lịch nước ngoài hoặc tới thăm những người thân lớn tuổi hay không. Đây là một thiết bị để bàn, có thể dễ dàng lắp đặt và sử dụng ngay lập tức. Dự kiến dịch vụ kiểm tra này sẽ được triển khai trong 4-6 tuần tới với mức giá vào khoảng 100 USD, thông qua mô hình thí điểm thương mại tại các hiệu thuốc của Green Cross Health.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Jerusalem: Ảnh: AFP/ TTXVN

  

Trong khi đó, cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) đã phê duyệt liệu pháp dự phòng điều trị COVID-19 dựa trên kháng thể của AstraZeneca (Anh – Thụy Điển) dành cho những người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu. Đây là kháng thể đơn dòng đầu tiên trên thế giới được cấp phép sản xuất dự phòng điều trị COVID-19. Không giống như hầu hết các phương pháp điều trị COVID-19 khác, được áp dụng cho những bệnh nhân đã nhập viện để ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng của bệnh, Evusheld là thuốc kháng thể đơn dòng duy nhất hiện nay sử dụng đường tiêm bắp và được chỉ định dự phòng trước phơi nhiễm với SARS-CoV-2.    

Cũng trong ngày 17/3, Anh đã ghi nhận hiệu quả cao của mũi vaccine tăng cường trong làn sóng lây nhiễm Omicron. Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết trong giai đoạn đỉnh điểm làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 tại Anh, tỷ lệ tử vong ở những người đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng bệnh (gồm 2 mũi cơ bản và một mũi tăng cường) thấp hơn 14 lần so với những người chỉ tiêm 2 mũi cơ bản. Báo cáo chỉ ra rằng một mặt Omicron về bản chất không gây bệnh nặng. Mặt khác, chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường của Anh được cho là đã đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự gia tăng các ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong mùa Đông, cho dù số ca mắc mới tăng lên các mức cao kỷ lục.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm