11/05/2017 07:24 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Sau chiến thắng của tân tổng thống Moon Jae In, dư luận Hàn Quốc lập tức quan tâm tới câu chuyện về tuổi trẻ của ông – khi cha mẹ Moon Jae In vốn là những người tị nạn chiến tranh đến từ Bắc Triều Tiên.
Trước đó, ngày 11/5, ông Moon Jae In thuộc đảng Dân chủ Tự do đã đắc cử Tổng thống Hàn Quốc, sau khi giành được 41% (khoảng 13,4 triệu phiếu) tổng số phiếu bầu.
Gánh nặng từ một gia đình tị nạn
Đó là một ngày mùa Đông tháng 12/1950. Khoảng 14.000 người tị nạn Triều Tiên đã lên tầu thủy SS Meredith Victory của Mỹ cập bến tại cảng Hungnam ở Triều Tiên.
Chỉ vài giờ trước khi các lực lượng của Trung Quốc và Triều Tiên tiến vào khu vực này, thuyền trưởng Leonard LaRue đã ra lệnh bỏ dỡ hết các vũ khí và nguồn cung cấp quân sự từ trên xuống để đưa được nhiều người tị nạn rời khỏi đây sớm nhất có thể.
Cha mẹ của Moon Jae In nằm trong 14.000 người tị nạn đã tới đảo Geoje ở tỉnh Nam Gyeongsang vào dịp Giáng sinh năm 1950.
Với “nguồn gốc” ấy, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình giữa các ứng viên trong cuộc tranh cử Tổng thống, Yoo Seong Min của đảng Bareun hỏi liệu ông có nghĩ Triều Tiên là kẻ thù chính của Hàn Quốc. Ông Moon Jae In không nói gì.
Đối với ông Moon và nhiều người khác, câu hỏi này không thể trả lời một cách đơn giản là “có” hay “không”. Bởi đây là mảnh đất quê hương mà cha mẹ ông đã nhớ nhung suốt cả phần đời còn lại của họ.
Moon Jae In sinh ngày 24/1/1953, chỉ vài tháng trước khi chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ông vẫn còn nhớ cuộc sống thuở ấu thơ của mình khó khăn cực nhọc như thế nào. Cha mẹ ông phải làm việc ngày đêm nhưng tương lai chẳng thấy có gì sáng sủa.
Khi còn nhỏ, Moon Jae In thường phải tới các nhà thờ Công giáo đợi để lấy bột ngô và lúa mì. Moon Jae In không thích công việc này nhưng thích được thấy các nữ tu. Bởi trong mắt cậu bé Moon họ luôn đẹp.
Cuộc sống của Moon Jae In là vậy và cậu không thể hình dung những người giàu có sống như thế nào. Khi theo học tại ngôi trường trung học phổ thông danh giá Gyeongnam ở Busan, Moon Jae In bị sốc khi thấy các bạn học con nhà giàu được ăn những món và sống trong những ngôi nhà khác hẳn. Thời điểm ấy, Moon Jae In đã bắt đầu nhận thức được sự bất bình đẳng xã hội.
Hai cuộc gặp gỡ định mệnh
Cha Moon Jae In là người ít nói nhưng ông thường bày tỏ các quan điểm chính trị trong gia đình và điều đó tác động tới Moon Jae In.
Năm 1969, Moon Jae In tham gia cuộc biểu tình chống chính phủ lần đầu tiên, khi Tổng thống Park Chung Hee, cha của cựu Tổng thống Park Geun Hye, đang cố gắng sửa đổi Hiến pháp. Điều này tiếp diễn khi ông theo học Luật tại trường Đại học Kyung Hee hồi năm 1972: Moon là người đi đầu trong các cuộc biểu tình của sinh viên.
Moon Jae In từng bị bắt giam tại Trung tâm Seodaemun ở Seoul. Ở đây, ông đã gặp được Kim Jeong Suk, người vợ tương lai của mình. Sau khi bị trấn áp bằng hơi cay và bất tỉnh, tỉnh dậy ông thấy Kim Jeong Suk đang lau mặt cho mình bằng chiếc khăn ướt. Nhanh chóng, Moon Jae In phải lòng người phụ nữ này.
Năm 1980, Moon Jae In vượt qua kỳ thi luật và hai năm sau ông tốt nghiệp tại Viện Nghiên cứu Đào tạo Tư pháp nhưng ông không thể trở thành thẩm phán như mong đợi bởi “lý lịch” tham gia phản đối chính phủ.
Nhiều công ty luật đã mời ông làm việc với mức lương cao, nhưng ở Busan Moon Jae In quyết định làm những việc mà ông nghĩ có ý nghĩa hơn. Thời gian đó, ông gặp Roh Moo Hyun, người sau ngày trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Họ làm việc cho những người không thể thuê được luật sư, phần lớn trong số đó là nhân công tại các nhà máy bóc lột sức lao động của công nhân.
Trong cuốn tự truyện của mình, Moon Jae In mô tả giai đoạn cuộc đời này của mình là “thời kỳ vô cùng hạnh phúc” và 7 năm sau đó ông đã kết hôn với Kim Jeong Suk.
“Nhìn lại, tôi cảm thấy mọi thứ, cả thời khắc tôi gặp Roh Moo Hyun và con đường tôi chọn để tiến bước, là định mệnh” – Moon Jae In viết.
Khi Roh trở thành Tổng thống Hàn Quốc hồi năm 2002, Moon đã chấp nhận đảm nhiệm vai trò thư ký cao cấp cho các vấn đề dân sự trong chính quyền của ông Roh.
Chính quyền Tổng thống Roh đã cố gắng với nhiều cách nhằm cải cách chính trị theo yêu cầu nhưng không đáp ứng được kỳ vọng. Moon nói rằng, thời gian làm việc trong Chính phủ giống như “mặc áo của người khác” và ông luôn nhớ nghề luật sư. Sau nhiệm kỳ 5 năm kết thúc, Moon nói ông mong ước được sống “cuộc đời đơn giản".
Điều ấy không thể trở thành hiện thực, khi cựu Tổng thống Roh nhảy núi tự vẫn hồi năm 2009 . Moon chính là người công bố tin này trong nước mắt. Và, cái chết của cựu Tổng thống Roh đã đưa Moon trở lại chính trường.
“Nếu không gặp Roh, có lẽ tôi sống thoải mái hơn, nhưng đam mê và cả cái chết của ông luôn thức tỉnh tôi, kéo tôi trở thành con đường chính trị" – ông nói. " Roh nói đó là định mệnh và giờ ông đã thoát khỏi định mệnh ấy, nhưng tôi thì đang mắc vào những gì mà ông để lại cho mình”.
Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc lần này có gần 33 triệu cử tri tham gia. Đây là số cử tri đi bầu lớn nhất ở nước này trong 20 năm qua. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất