Tiếp tục xét xử vụ án thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á

30/11/2018 15:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/11, phiên tòa xét xử 26 bị cáo trong vụ án thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB) tiếp tục với phần xét hỏi.

Xét xử vụ án thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á: Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ hầu tòa

Xét xử vụ án thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á: Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ hầu tòa

Ngày 27/11, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB).

Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 – gọi tắt là Công ty Bắc Nam 79), được dẫn giải tới phiên tòa sau 1 ngày bị cách ly tại trại giam.

Theo cáo trạng, với mối quan hệ từ trước, hai bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc DAB) và Vũ “nhôm” đã bàn bạc, thống nhất để Vũ “nhôm” mua 60 triệu cổ phần của DAB với giá hơn 600 tỷ đồng, qua đó Vũ “nhôm” trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại ngân hàng này.

Chú thích ảnh
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) tại phiên tòa. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Trên cơ sở đó, Vũ “nhôm” đã thế chấp 220 lô đất tại Đà Nẵng để vay DAB 400 tỷ đồng. Do còn thiếu 200 tỷ đồng, Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi cho Vũ “nhôm” bằng cách Vũ “nhôm” phải ký chứng từ nộp khống 200 tỷ đồng tại ngân hàng.

Cũng theo cáo trạng, Vũ “nhôm” đã chiếm đoạt của DAB 200 tỷ đồng do ký chứng từ nộp khống và hơn 3 tỷ đồng tiền lãi của số tiền nộp khống. Cho đến nay, với những sai phạm của Vũ "nhôm", bị cáo này đã khắc phục hậu quả hơn 173 tỷ đồng.

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Phan Văn Anh Vũ không thừa nhận hành vi chiếm đoạt 203 tỷ đồng của DAB như cáo trạng đã truy tố, là làm oan cho bị cáo. Vũ “nhôm” trình bày, bị cáo quen ông Trần Phương Bình từ năm 2006 và có mối quan hệ “cực kỳ tốt đẹp”, “tình cảm anh em”, “anh Bình nhiều lần giúp đỡ về kinh tế cho bị cáo”.

Theo bị cáo Phan Văn Anh Vũ, năm 2014, ông Trần Phương Bình đề xuất với bị cáo để Công ty Bắc Nam 79 mua cổ phần của DAB. Sau khi báo cáo với “cấp trên” và bàn với cổ đông của Công ty Bắc Nam 79 rồi mới đồng ý. Ông Trần Phương Bình mời mua 60 triệu cổ phần với giá 600 tỷ đồng. “Việc này bị cáo không có suy nghĩ gì, hoàn toàn tin tưởng anh Bình”, bị cáo Phan Văn Anh Vũ nói.

Về nguồn tiền để mua cổ phần, Vũ “nhôm” khai dùng tài sản của Công ty Bắc Nam 79 thế chấp để vay DAB 400 tỷ đồng. “Còn thiếu 200 tỷ đồng, anh Bình nói với bị cáo là bỏ thêm tài sản công ty để thế chấp vay cho đủ 600 tỷ đồng. Bị cáo trả lời là năng lực doanh nghiệp tới đâu vay tới đó.

Do mong muốn của anh Bình là muốn bị cáo mua đủ số cổ phần nên anh Bình nói là thôi được rồi, để anh lấy tiền cá nhân của anh cho vay”, bị cáo Phan Văn Anh Vũ trình bày. Đến ngày 17/1/2014, Phan Văn Anh Vũ đến hội sở DAB ở Phan Đăng Lưu, Thành phố Hồ Chí Minh, ký vào bản kê tiền và giấy nộp tiền vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 tại DAB theo hướng dẫn của Nguyễn Đức Vinh (nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB).

Cáo trạng cũng xác định, lần đầu mua 60 triệu cổ phiếu không thành công nên ngày 8/4/2014, DAB đã chuyển lại vào tài khoản của Công ty Bắc Nam 79 số tiền 600 tỷ đồng và hơn 9 tỷ đồng tiền lãi. Sau đó, Vũ “nhôm” đã dùng 500 tỷ đồng mua 50 triệu cổ phần của DAB từ 4 công ty là cổ đông hiện hữu. Khai tại tòa, bị cáo Phan Văn Anh Vũ nói hoàn toàn nghe theo ông Trần Phương Bình, “bảo sao làm vậy”. Bị cáo dùng 500 tỷ đồng mua cổ phần DAB còn 100 tỷ đồng cũng dùng để mua cổ phần cá nhân.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ khẳng định, 200 tỷ đồng ông Trần Phương Bình đưa cho bị cáo là tiền cá nhân ông Bình không phải tiền của ngân hàng. “Anh Bình trước đây đã nhiều lần cho bị cáo mượn hàng triệu đô la, không ký bất cứ một giấy tờ gì, sao không bị khởi tố hình sự mà tại sao vụ này lại bị khởi tố? Bị cáo thực sự bị oan, hoàn toàn không có vụ lợi. Đây là việc làm quan hệ dân sự giữa cá nhân bị cáo và anh Bình. Đến nay, gia đình và người thân bị cáo thay mặt công ty đã nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra 173 tỷ đồng để trả lại cho anh Bình”, Phan Văn Anh Vũ trình bày.

Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Đã 3 lần bị cáo trả lời trước Hội đồng xét xử rằng anh Bình bảo sao bị cáo làm vậy, chứng tỏ mọi việc làm của anh Bình là sự đồng ý của bị cáo đúng không ?”. Bị cáo Phan Văn Anh Vũ thừa nhận nhưng lại nói “nếu biết anh Bình làm sai bị cáo không làm”.

Sau khi xét hỏi bị cáo Phan Văn Anh Vũ, Hội đồng xét xử đã công bố lời khai của Trần Phương Bình và Nguyễn Đức Vinh tại phiên tòa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ nghe. Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Phạm Lương Toản nói: “Việc oan hay không oan, quan hệ dân sự hay không, Hội đồng xét xử sẽ xem xét đánh giá một cách toàn diện khi nghị án. Trong trường hợp bị cáo có vấn đề gì cần trình bày thêm ngoài những hành vi trong vụ án, với trách nhiệm của một công dân phản ánh tin báo tố giác tội phạm, Hội đồng xét xử sẽ đảm bảo tạo điều kiện cho bị cáo trình bày ở một điều kiện thích hợp, để đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời và xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Hội đồng xét xử cũng đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Ái Lan (nguyên Trưởng phòng quản lý tài sản nợ và có – khối kinh doanh nguồn vốn của DAB), cùng bị cách ly ở trại giam, không có mặt tại tòa ngày hôm qua. Trình bày tại tòa, bị cáo Lan cho rằng cáo trạng truy tố hành vi phạm tội trong kinh doanh ngoại hối là chưa đầy đủ và lời khai của bị cáo ghi không đầy đủ, dễ dẫn đến hiểu nhầm.

Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm