Thành phố Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch

11/07/2021 14:49 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và những giải pháp lớn do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất, thành phố đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch.

Cập nhật dịch Covid-19 chiều 11/7: Ninh Thuận ghi nhận 2 trường hợp dương tính

Cập nhật dịch Covid-19 chiều 11/7: Ninh Thuận ghi nhận 2 trường hợp dương tính

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Tình hình mới cần có những giải pháp mới hoặc cách làm mới trên giải pháp cũ theo phương châm "rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả". Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc giao ban trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, sáng 11/7, tại Trụ sở Chính phủ.

Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tham dự cuộc họp.

Chăm lo cho người thất nghiệp, người có hoàn cảnh khó khăn

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, qua kiểm tra công tác ngày 10/7, thành phố ghi nhận 1.403 ca mắc COVID-19, phần lớn ở các khu cách ly và phong tỏa. Thành phố chỉ đạo các quận, huyện tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và kiểm tra các quy định phòng, chống dịch; đồng thời khảo sát và đưa vào sử dụng các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân nặng. 

Thành phố cũng đã chỉ đạo cho các quận, huyện có kế hoạch cho công tác xét nghiệm theo tinh thần xét nghiệm ở những nơi có nguy cơ cao theo nguyên tắc "rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả"; chuẩn bị 50.000 giường thu dung, điều trị COVID-19. Làm việc với các khu chế xuất, khu công nghệ - trọng điểm trong việc phòng, chống dịch trên địa bàn, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách công nhân, người lao động (kể cả làm việc thời vụ) và có phương án xử lý khi phát hiện ca F0, F1; định kỳ xét nghiệm cho các đối tượng này. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được duy trì ổn định. Tuy nhiên, một số cửa hàng tiện lợi vẫn có tình trạng hàng về chậm nên bị thiếu hàng ở một số thời điểm nhất định; sau đó thành phố đã bổ sung kịp thời để đáp ứng nhu cầu người dân. Giá hàng hóa tại các hệ thống siêu thị không tăng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg; tuy nhiên, người dân có sự nhầm lẫn giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước. Ngoài ra, thành phố phối hợp với Tổ công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ và các doanh nghiệp quản lý việc mua hàng, trong đó dùng công nghệ thông tin để quản lý và định vị shipper (người giao hàng) đảm bảo nguyên tắc không tập trung đông người.

Về chăm lo cho người lao động thất nghiệp, từ ngày 6/7, thành phố cũng đã chăm lo cho 45.000 đối tượng; triển khai gói hỗ trợ gần 900 tỷ đồng, một số các quận, huyện đã chủ động ứng ngân sách để giải quyết kịp thời cho những người lao động mất việc làm, lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn như người bán vé số hay kinh doanh nhỏ lẻ. Các địa phương đã chủ động vận động mạnh thường quân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Một số địa phương có mức vận động lên đến gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, có 30.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công, thân nhân người có công, giáo viên giáo dục nghề nghiệp được tiêm vaccine trong chiến dịch tiêm đợt 4 vừa qua. 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh

Về tình hình giao thông, lượng phương tiện giao thông giảm 20% so với ngày 9/7. Thành phố đã tổ chức phân luồng giao thông tại 12 chốt chính ở các cửa ngõ thành phố; phân luồng riêng cho các phương tiện có giấy nhận diện phương tiện "luồng xanh" của Sở Giao thông vận tải cấp phép ra vào thành phố thuận lợi. Tình hình giao thông tại các chốt kiểm định đã dần ổn định, ùn tắc giao thông giảm mạnh so với ngày 9/7. 

Không để người dân nào chịu đói 

Liên quan đến công tác xét nghiệm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, thành phố đã tập trung chấn chỉnh để đưa hoạt động xét nghiệm theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đi theo từng khu vực với các mức độ khác nhau (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, "bình thường mới"); cân đối khả năng xét nghiệm, lấy mẫu của các trung tâm đảm bảo ăn khớp, trả kết quả sớm.

Thành phố tập trung chấn chỉnh từng khâu (lấy mẫu tận nhà, không chạy theo số lượng), các lực lượng khẩn trương lấy mẫu trường hợp F1 trong các khu phong tỏa và khu vực lân cận; tổ chức các đội lấy mẫu lưu động... Từ ngày 10-11/7, thành phố đã lấy 29.053 mẫu, trong đó làm test nhanh là 16.086 mẫu, 2.221 mẫu đơn và 4.385 mẫu gộp Realtime RT-PCR. 

Để đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch nghiêm ngặt hơn, sau 2 ngày đóng cửa, hôm nay, 10 siêu thị mini 0 đồng sẽ chính thức hoạt động trở lại để chăm lo cho các đối tượng hộ nghèo. Ngoài ra, mô hình "Chợ nghĩa tình online" (sáng kiến của Đại học FPT) được Sở Công Thương thành phố và Thành Đoàn triển khai thí điểm tại huyện Hóc Môn và quận Bình Tân. Đến nay, mô hình đã được triển khai ở 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, phục vụ cho khoảng 15.000 người. Ngoài ra, 30 mô hình bán hàng lưu động sẽ góp phần bổ sung các mặt hàng đang thiếu hụt, đảm bảo thực hiện chương trình “hàng bình ổn lưu động”. 

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể của thành phố thực hiện chia lửa với ngành Công Thương, tích cực hỗ trợ người yếu thế. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 912,7 tỷ đồng từ các nguồn ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, trong đó giá trị hàng hóa 147 tỷ đồng. Từ nguồn này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã phân bổ về các quận, huyện và thành phố Thủ Đức để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các khu phong tỏa. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đang tích cực rà soát các trường hợp khó khăn để hỗ trợ các phần quà là nhu yếu phẩm với giá trị 300.000 đồng/phần, không để người dân nào chịu đói khi thực hiện giãn cách xã hội. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát nhóm đối tượng lao động tự do, nhóm yếu thế để hỗ trợ theo chủ trương chung của thành phố.

Chú thích ảnh
Một số mặt hàng rau củ, quả đang có giá bán khuyến mại tại siêu thị ở TP Hồ Chí Minh

Đảm bảo an toàn cho công tác chấm thi

Về công tác chấm thi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cho biết, các đội chấm thi đã được xét nghiệm, có kết quả âm tính mới được vào khu vực chấm thi và được thực hiện xét nghiệm lại 3 ngày/lần. Công tác chấm thi đảm bảo giãn cách trong phòng chấm, không ép tiến độ, không gây áp lực về thời gian, triển khai trên tinh thần an toàn là trên hết. Cùng với đó, các khâu liên quan đến trao nhận bài thi, kết quả thực hiện theo đúng quy trình...

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, liên quan đến việc mua sắm thiết bị vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng thành lập trung tâm mua sắm có đầy đủ tư cách pháp nhân và thẩm quyền trên tinh thần không để chần chừ. 

Cùng với việc đảm bảo an toàn chấm thi trong bối cảnh dịch bệnh, thành phố yêu cầu từng điểm cách ly phải đảm bảo các yêu cầu cần thiết cho người tham gia cách ly tập trung, đặc biệt liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe, bữa ăn hàng ngày...

Ngoài ra, việc cung cấp hàng hoá nhu yếu phẩm phải lưu ý tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân; không để việc thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến đời sống người nghèo. Trong bối cảnh các địa phương lân cận đã hình thành vành đai phòng, chống dịch xung quanh thành phố (trừ Tây Ninh, giáp với huyện Củ Chi, chưa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg), thành phố yêu cầu các lực lượng nhanh chóng làm sạch để giữ an toàn cho Củ Chi.

Thành phố đang đi đúng hướng trong phòng, chống dịch

Sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và những giải pháp lớn do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất, các ý kiến tại cuộc họp nhận định, thành phố đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Tình hình mới cần có những giải pháp mới hoặc cách làm mới trên giải pháp cũ theo phương châm "rõ-nghiêm-chắc-hiệu quả".

Nhất trí với báo cáo của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đến nay, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg nghiêm, nhanh chóng vào nề nếp, mặc dù không thể tránh khỏi một số hạn chế do đây là địa bàn có đông dân cư. 

Cùng với việc tuyên truyền người dân chấp hành và xử phạt các trường hợp vi phạm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất sau thời gian giãn cách xã hội, thành phố phải xác lập được những quận/huyện, phường/xã an toàn; đẩy lùi dần “giặc COVID-19” vào những khu nhỏ để thành phố cơ bản quay lại cuộc sống bình thường mới. Vì thế, tất cả các công tác, đặc biệt việc điều tra dịch tễ, xét nghiệm phải nhanh, chắc chắn.

Về công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố tập trung xét nghiệm đúng, trúng, có trọng tâm, trọng điểm theo các hướng chỉ điểm của hoạt động điều tra, phân tích dịch tễ; đồng thời, tập trung ưu tiên lực lượng xét nghiệm tại nhà cho những người thông báo có triệu chứng, người già yếu, có bệnh nền… Thành phố Hồ Chí Minh cần xét nghiệm sàng lọc ở những vùng, khu vực tương đối an toàn để thiết lập những vùng an toàn vững chắc.

Hoan nghênh thành phố tổ chức tốt hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; điều chỉnh, xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc nảy sinh trong những ngày qua, Phó Thủ tướng lưu ý cần đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người cơ nhỡ, có sự hỗ trợ thiết thực "đến tận tay, không để ai thiếu bữa"; tạo điều kiện hoạt động an toàn cho các điểm cung cấp suất ăn miễn phí cho người nghèo...

Phó Thủ tướng đánh giá cao Thành phố Hồ Chí Minh đã chú ý đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nói chung, trong đó có xử lý rác thải y tế; cần tiếp tục chỉ đạo xử lý dứt điểm những phản ánh bất cập liên quan đến công tác này. 

Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương đánh giá lại công tác theo dõi sức khỏe, điều trị F0 không có triệu chứng để có sự điều chỉnh phù hợp; tiếp tục triển khai cách ly F1 tại nhà an toàn.

Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh bàn bạc, thống nhất tập thể để chỉ đạo việc bảo đảm vật tư, thiết bị y tế cho tất cả bệnh viện trên địa bàn như đồ bảo hộ, bình ôxy, máy hỗ trợ thở...; không vì cơ chế tự chủ của các bệnh viện, gây khó khăn liên quan đến các thủ tục mua sắm. 

"Thành phố cần hỗ trợ để lực lượng y tế tập trung vào chuyên môn", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Diệp Trương - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm