Nguy cơ đột quỵ dễ xảy ra trong những ngày đầu mắc Covid-19

04/02/2022 18:17 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đột quỵ thiếu máu là một biến chứng có thể xảy ra ở bệnh nhân COVID-19, và nguy cơ này cao nhất trong vòng 3 ngày sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng cao kỷ lục

Tại Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 tăng cao kỷ lục

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 3/2 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng hơn 386 triệu ca mắc COVID-19 và 5,7 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục là gần 306 triệu ca.

Đây là kết quả nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, dự kiến sẽ được công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội đột quỵ Mỹ diễn ra trực tuyến và trực tiếp ở New Orleans từ ngày 8-11/2.

Theo nghiên cứu, nguy cơ bệnh nhân COVID-19 bị đột quỵ trong 3 ngày đầu mắc bệnh cao hơn 10 lần so với giai đoạn trước khi người đó nhiễm virus. Đồng tác giả nghiên cứu, nhà khoa học cấp cao của CDC Quanhe Yang cho biết, phát hiện này phù hợp với kết quả các nghiên cứu khác. Chuyên gia Yang nhấn mạnh: “Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy đột quỵ sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 là một biến chứng có thể xảy ra mà bệnh nhân và y bác sĩ cần lưu ý. Tiêm chủng và các biện pháp phòng COVID-19 khác là rất quan trọng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh và gặp các biến chứng như đột quỵ”.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Coacalco, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Mỹ, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong nhiều thứ 5, trong đó đột quỵ thiếu máu  (mạch máu bị nghẽn) là phổ biến nhất.

Điểm khác của nghiên cứu mới của CDC so với các nghiên cứu trước là tập trung nhiều hơn vào nhóm đối tượng cao tuổi, vốn có nguy cơ đột quỵ cao hơn. Nghiên cứu mới của CDC sử dụng dữ liệu sức khỏe của hơn 37.300 người tham gia chương trình bảo hiểm Medicare của Mỹ trong độ tuổi từ 65 trở lên. Những người này được chẩn đoán mắc COVID-19 trong giai đoạn từ 1/4/2020 đến 28/2/2021, tức là trước khi đa số người dân được tiêm phòng.

Dữ liệu cũng bao gồm hồ sơ của các bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ trong giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra năm 2019 cho đến tháng 2/2021. Các chuyên gia đã so sánh nguy cơ đột quỵ trong các ngày ngay trước và sau khi bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 với các giai đoạn khác, tức là trong vòng 7 ngày trước khi mắc COVID-19 cho đến 28 ngày sau đó.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Sullana, Piura, Peru. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết quả cho thấy nguy cơ trong 3 ngày đầu cao gấp 10 lần, sau đó giảm xuống nhanh chóng. Trong vòng 4 đến 7 ngày sau khi nhiễm bệnh, nguy cơ đột quỵ cao hơn 60% so với giai đoạn trước, và từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14, tỷ lệ này là 44%. Từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 28 sau khi mắc bệnh, nguy cơ đột quỵ chỉ cao hơn 9% so với trước khi nhiễm virus.

Kết quả cũng cho thấy nguy cơ đột quỵ ở nhóm tuổi từ 65 đến 74 cao hơn so với những người từ 85 tuổi trở lên – điều này cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ nguyên nhân.

Theo giải thích của chuyên gia Yang, việc nhiễm vi khuẩn, virus như bệnh cúm hay zona có thể làm tăng rủi ro đột quỵ trong thời gian ngắn sau khi nhiễm. Trong khi đó, Giáo sư Louise McCullough, trưởng khoa thần kinh thuộc Bệnh viện Memorial Hermann ở Houston cho biết, nguy cơ này phần nhiều là do tình trạng viêm nhiễm có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Mulhouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguy cơ này giảm dần khi bệnh nhân được truyền dịch và điều trị bằng thuốc kháng viêm. Nghiên cứu khuyến nghị bệnh nhân và các nhân viên y tế nên chú ý cả đến các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khác như mỡ máu cao và huyết áp cao, từ đó làm giảm rủi ro khi mắc COVID-19.

Các chuyên gia dự kiến sẽ tiếp tục có các nghiên cứu tương tự khi có thêm các dữ liệu về tình trạng tiêm chủng và loại biến thể gây bệnh (Delta hay Omicron) của các bệnh nhân.

    Phương Hà - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm