14/01/2022 21:22 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những trọng tâm thanh tra trong năm 2022 của Thanh tra Chính phủ là về mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19. Đây là điểm nóng mà hiện nay dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu, chỉ đạo về công tác thanh tra.
Tiến hành thanh tra ngay trong quý I/2022
Năm 2021, bên cạnh những nỗ lực trong công cuộc chống dịch COVID-19, cũng là một năm có nhiều vụ án sai phạm, tiêu cực, trục lợi liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 như: Vụ án "thổi giá" bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á liên quan trách nhiệm hàng loạt bộ, ngành và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh các địa phương. Một số vụ án liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế, vi phạm quy định về đấu thầu như: Vụ khởi tố, tạm giam nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn; khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh; bắt giam Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân; vụ khởi tố nhiều cán bộ y tế ở Bệnh viện Bạch Mai...
Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã quyết định đưa vụ án xảy ra Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập trung thanh tra trách nhiệm người đứng đầu, thanh tra chuyên đề để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong một số lĩnh vực như mua sắm vật tư y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19.
Một trong những phương hướng trọng tâm năm 2022 của Thanh tra Chính phủ là thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung cao độ cho thanh tra việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, là điểm nóng mà hiện nay nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra năm 2022. Trên cơ sở đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã xây dựng, phê duyệt 3 cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Bộ Y tế và UBND thành phố Hà Nội, UBND Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung thanh tra việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ, việc mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
"Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai các cuộc thanh tra này ngay trong quý I/2022, đồng thời sẽ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả thanh tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ" - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn 61 tỉnh, thành phố triển khai thanh tra việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 ngay trong quý I/2022 và tổ chức thực hiện việc thanh tra nội dung này, sớm hoàn thành, báo cáo về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương; thành lập tổ công tác đôn đốc, kiểm tra một số tỉnh, thành phố việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 có giá trị lớn.
Cũng liên quan đến việc thanh tra, kiểm toán về mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, Kiểm toán Nhà nước sẽ triển khai kiểm toán chuyên đề này dự kiến từ ngày 16/2 - đến 31/3/2022. Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán 32 tỉnh, thành phố và một số bộ như: Y tế, Tài chính, Ủy ban Mặt trật Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động và một số đơn vị.
Kiểm toán Nhà nước cũng thống nhất với Thanh tra Chính phủ để đảm bảo 2 cơ quan thanh tra, kiểm toán không trùng lặp về đối tượng, nội dung.
Thanh tra Bộ Quốc phòng: Chưa phát hiện có biểu hiện trục lợi
Về thanh tra chuyên đề diện rộng việc quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh đối với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Đình Thương, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng cho biết, qua thanh tra các đơn vị, bệnh viện, cơ sở y tế chưa phát hiện có biểu hiện trục lợi.
Theo Thiếu tướng Lê Đình Thương, thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng lạm dụng chế độ, chính sách để trục lợi tiền bảo hiểm y tế, xu hướng ngày càng tăng, khả năng khắc phục, khả năng thu hồi khó. Việc chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm y tế thường xuyên xảy ra, việc lập khống hồ sơ khám chữa bệnh, nhất là hồ sơ khám chữa bệnh ngoại trú để thanh toán bảo hiểm y tế. Việc mua sắm trang thiết bị y tế không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, không đúng chủng loại, chất lượng, lợi dụng nhà thầu không đủ năng lực, áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp mà không qua hình thức đấu thầu rộng rãi, giá đấu thầu cao so với nhập khẩu, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và chi phí khám chữa bệnh.
Trước thực trạng nêu trên, thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng việc quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, trong đó có Bộ Quốc phòng.
Thanh tra Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai công tác thanh tra; chủ trì, tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch thanh tra, đã thành lập 51 đoàn thanh tra, trong đó Thanh tra Bộ Quốc phòng thành lập 1 đoàn thanh tra ở các cơ quan bảo hiểm xã hội của Bộ Quốc phòng, 14 bệnh viện, cơ sở y tế tuyến 1 và một số bệnh viện tuyến 2. Thanh tra các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, nhà trường, học viện, mỗi đơn vị thành lập 1 đoàn thanh tra hoặc kiểm tra các cơ sở y tế ở tuyến 3 và các cơ sở y tế quân dân y,... có sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế.
Sau thanh tra đã làm rõ được những ưu điểm, tồn tại, khuyết điểm về việc quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.
"Qua thanh tra kiểm tra, chưa phát hiện có biểu hiện trục lợi" - Thiếu tướng Lê Đình Thương cho biết. Riêng với bảo hiểm khám, chữa bệnh, bảo hiểm quân nhân hàng năm đều có số kết dư, số thu cao hơn số chi. Ngoài ra còn phát hiện nhiều bất cập về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện khám chữa bệnh cho bộ đội ở một số loại hình, đơn vị.
Về tồn tại, Thiếu tướng Lê Đình Thương cho biết, còn một số cơ sở y tế đưa vào một số chi phí khám, chữa bệnh chưa đúng quy định, không được cơ quan Bảo hiểm xã hội chấp nhận thanh toán. Đề xuất danh mục mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất tại một số cơ sở y tế chưa sát với thực tiễn chuyên môn, kỹ thuật, nhân lực và nhu cầu thực tế, dẫn đến thực hiện đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch. Hồ sơ trình tự, thủ tục lựa chọn nhà thầu cung cấp trang thiết bị y tế của một số gói thầu tại một số cơ sở y tế thực hiện chưa đầy đủ.
Từ đó, Thanh tra Bộ Quốc phòng đề xuất với Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 76 ngày 1/7/2016 về tiêu chuẩn, định mức hậu cần của ngành quân y, cho quân nhân tại ngũ để có nguồn ngân sách cho cơ sở y tế không đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và nhiệm vụ đặc thù quân sự, quốc phòng, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Xuân Tùng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất