05/04/2022 22:23 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Đọc thêm các thông tin về tình hình Nga - Ukraine TẠI ĐÂY
Tổng thống Nga chỉ trích việc các nước châu Âu gây sức ép lên Gazprom - EU đề xuất loạt biện pháp trừng phạt bổ sung
Ngày 5/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích các biện pháp chống lại tập đoàn dầu khí Gazprom tại châu Âu liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.
Hãng AFP (Pháp) dẫn phát biểu của Tổng thống Putin trên truyền hình cho hay những diễn biến trong lĩnh vực năng lượng đang trầm trọng hơn như hậu quả của biện pháp cứng rắn và phi thị trường, trong đó có những biện pháp hành chính chống lại Gazprom tại một số nước châu Âu. Nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập đến việc một số nước quốc hữu hóa tài sản của Nga ở nước ngoài, đồng thời cảnh báo đây là "con dao hai lưỡi'.
Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi Đức thông báo cơ quan quản lý năng lượng nước này sẽ kiểm soát Gazprom Germania, chi nhánh của tập đoàn khí đốt khổng lồ Nga Gazprom. Nga cung cấp tới 40% nhu cầu khí đốt cho EU, xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Đức, Italy và một số quốc gia Đông Âu.
Cùng ngày, ban lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó sẽ bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than và cấm các tàu của Nga nhập cảnh vào cảng các nước châu Âu.
Các biện pháp trên là một phần trong gói trừng phạt thứ 5 mà EU đưa ra nhằm vào Nga kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2. Bên cạnh đó, EU đang đề xuất một lệnh cấm toàn diện đối với các giao dịch của 4 ngân hàng lớn, vốn chiếm 25% thị phần tài chính ngân hàng của Nga, trong đó có VTB. Giới chức lãnh đạo EU cũng có kế hoạch siết chặt lệnh cấm các mặt hàng của Nga tại thị trường của khối này, trong đó có rượu vodka.
Dự kiến, các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ được giới thiệu với các nước thành viên EU và tiến hành bỏ phiếu sớm nhất vào ngày 6/4./.
Hàng trăm lính Ukraine lũ lượt ra hàng, Nga cố đánh phòng tuyến miền Đông
Theo VNEWS, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, Ramzan Kadyrov cho biết 267 lính thủy đánh bộ Ukraine đã hạ vũ khí đầu hàng ở thành phố Mariupol.
Về phía Ukraine, Ukraine tin rằng, Nga đang tập trung lực lượng để chuẩn bị cho một đà tiến công quy mô lớn, tạo đột phá, nhằm mở rộng kiểm soát ở miền Đông Ukraine thay vì dàn trải lực lượng như giai đoạn đầu.
Xem clip của Truyền hình Thông tấn (VNEWS):
Điện Kremlin nêu điều kiện tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Ukraine
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/4 cho biết Nga không bác khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, song khẳng định cuộc gặp chỉ có thể diễn ra một khi hai bên thống nhất một văn kiện. Ông Peskov từ chối đánh giá về tiến triển đàm phán.
Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn Interfax dẫn lời một Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết nước này và Ukraine đang tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán sâu rộng theo hình thức trực tuyến. Cùng ngày 5/4, Tổng thống Ukraine Zelenskiy nhấn mạnh Kiev và Moskva sẽ không thể thống nhất tất cả các quan điểm ngay một lúc, nhưng cần tháo gỡ những điểm bất đồng.
Nga và Ukraine đã trải qua nhiều vòng đàm phán trực tiếp và trực tuyến. Ngày 29/3, các phái đoàn của Nga và Ukraine đã đàm phán trực tiếp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moskva tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên.
Cùng ngày 5/4, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết nước này sẽ trục xuất khoảng 25 nhà ngoại giao Nga, sau các động thái tương tự của Đức và Pháp. Phản ứng trước quyết định của một số nước châu Âu trục xuất các nhà ngoại giao Nga, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết đây là một động thái "thiển cận", sẽ chỉ làm phức tạp thêm mối liên lạc vốn cần thiết để tìm ra một giải pháp.
Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Việc thu hẹp các cơ hội cho liên lạc ngoại giao trong môi trường khủng hoảng khó khăn chưa từng có như vậy là một động thái thiển cận, sẽ làm phức tạp thêm liên lạc của chúng ta vốn cần thiết để tìm ra một giải pháp". Ông Peskov nhấn mạnh việc này chắc chắn sẽ dẫn tới những biện pháp trả đũa (của Nga).
Italy, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga trước đó cùng ngày. Pháp và Đức đã có động thái tương tự ngày 4/4.
Đan Mạch trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga, Moskva tuyên bố sẽ đáp trả
Sau Đức và Pháp, Đan Mạch ngày 5/4 công bố quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga được cho là nhân viên tình báo ngầm.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp tại Quốc hội, Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod công bố quyết định trục xuất 15 nhà ngoại giao Nga, trong đó nêu rõ 15 người bị trục xuất đã tiến hành các hoạt động do thám trên lãnh thổ nước này. Qua đây, Ngoại trưởng Kofod nhấn mạnh Đan Mạch muốn gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng hoạt động do thám tại nước này là "không thể chấp nhận".
Phản ứng trước quyết định của Đan Mạch, Nga khẳng định sẽ có hành động đáp trả.
Trước đó một ngày, Đức và Pháp lần lượt thông báo quyết định trục xuất tổng cộng 75 nhà ngoại giao Nga khỏi 2 nước. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thông báo trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga và buộc hộ phải rời khỏi Đức trong vòng 5 ngày. Pháp cũng thông báo nước này sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga.
Trung Quốc kêu gọi Ukraine và Nga hòa đàm đến khi đạt thỏa thuận ngừng bắn
Trung Quốc hy vọng Ukraine và Nga sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán cho đến khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố như trên trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba ngày 4/4, đồng thời bày tỏ mong muốn của Bắc Kinh là hòa bình ở Ukraine.
Trong cuộc điện đàm, ông Vương Nghị nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc là thúc đẩy đối thoại và đàm phán hòa bình trong vấn đề Ukraine. Ông cũng đánh giá cao các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, theo đó cho rằng dù đàm phán có khó khăn và có nhiều điểm khác biệt thì hai bên vẫn nên tiếp tục đàm phán cho đến khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn và cuối cùng đạt được hòa bình. Ông Vương Nghị thể hiện tin tưởng rằng Ukraine có thể đưa ra lựa chọn có tính đến lợi ích cơ bản của người dân nước này.
Ông Vương Nghị cũng bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ tiếp tục có những bước đi hiệu quả và tích cực để sơ tán cũng như bảo đảm an toàn cho công dân Trung Quốc ở Ukraine mà quốc gia Đông Âu này đã và đang làm.
Về phần mình, Ngoại trưởng Kuleba cũng đã nhất trí quan điểm với ông Vương Nghị, đồng thời thông báo cho người đồng cấp Trung Quốc về tình hình Ukraine-Nga. Ông cho biết Ukraine muốn duy trì liên lạc với Trung Quốc và hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Ông Kuleba cũng đánh giá cao sự hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc. Ông cho biết thêm Ukraine đang nỗ lực đàm phán với Nga để tìm ra một giải pháp cuối cùng và quốc gia này sẵn sàng trở thành "cánh cổng" của châu Âu.
Xung đột Ukraine làm chững đà tăng trưởng của EU và nhiều nền kinh tế lớn
Ngày 4/4, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni dự báo rằng cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga của Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến tăng trưởng của châu Âu giảm mạnh, tuy nhiên loại trừ khả năng khu vực rơi vào suy thoái trong năm nay.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp Bộ trưởng Tài chính 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu tại Luxembourg, ông Gentiloni thừa nhận tác động của cuộc xung đột khiến kinh tế châu Âu không đạt mức tăng trưởng như dự báo trước đây. Tuy nhiên, ông cho rằng còn quá sớm để đưa ra một ước tính cụ thể. Theo ông, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đạt 4% trong năm 2022.
Dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), được đưa ra vào đầu tháng 2 vừa qua, trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, sẽ được cập nhật vào ngày 16/5 tới. Theo ông Gentiloni, bức tranh chung sắp tới không phải là suy thoái mà là "mức tăng trưởng giảm mạnh" vào thời điểm EU đang chuẩn bị gói biện pháp trừng phạt thứ năm chống lại Nga, có nguy cơ ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng và làm trầm trọng thêm tác động đối với người châu Âu. Ủy viên kinh tế châu Âu nêu rõ mức tăng trưởng kỷ lục trong năm vừa qua sẽ giúp khối duy trì được tăng trưởng dương trong cả năm 2022.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến lạm phát của Eurozone vào tháng 3 tăng vọt 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao kỷ lục, trong khi niềm tin của người tiêu dùng giảm mạnh. Ủy viên Thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết thêm theo đánh giá hiện tại của EC, cuộc chiến tại Ukraine sẽ làm chậm lại đáng kể tăng trưởng kinh tế ở EU, nhưng không phải là suy thoái.
Cùng ngày 4/4, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon cũng nhận định nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, đang đối mặt với giai đoạn khó khăn trong bối cảnh xảy ra nhiều sự việc chưa từng có, trong đó có cuộc chiến tại Ukraine và lạm phát leo thang.
Trong thư thường niên gửi tới các cổ đông, ông Dimon viết rằng cùng với diễn biến khó lường của cuộc chiến và sự không chắc chắn xung quanh các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, giá cả hàng hóa tăng nguy cơ dẫn đến “tình huống bùng nổ”. Ông Dimon nhận định kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh và hy vọng đẩy lùi được dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có và sự kết hợp của những yếu tố này có thể làm tăng đáng kể rủi ro trong thời gian tới.
Trong tài liệu gần 50 trang, ông Dimon đề xuất một số giải pháp cho các thách thức địa chính trị cũng như những vấn đề kinh tế và chính trị của Mỹ. Trong đó, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase cho rằng các ngành công nghiệp Mỹ sẽ phải cơ cấu lại chuỗi cung ứng để cải thiện khả năng phục hồi và bảo vệ an ninh quốc gia. Ông cũng kêu gọi Mỹ tăng cường sản xuất năng lượng và hỗ trợ châu Âu giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.
Các chuyên gia kinh tế của JPMorgan dự báo GDP của Nga sẽ giảm 12,5% vào giữa năm nay, tồi tệ hơn giai đoạn sau thảm kịch vỡ nợ năm 1998, trong khi tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ giảm 50% xuống còn khoảng 2% và kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,5%. Tuy nhiên, ông Dimon cảnh báo những con số dự báo này vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn.
Nga tiếp tục mở hành lang sơ tán và hỗ trợ nhân đạo tại nhiều khu vực ở Ukraine
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin khẳng định Nga đang tăng cường viện trợ nhân đạo tại nhiều khu vực ở Ukraine. Thứ trưởng Fomin đưa ra tuyên bố này tại cuộc gặp Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths, người có chuyến thăm Moskva ngày 4/4.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Thứ trưởng Fomin cho biết thêm các hoạt động nhân đạo cũng đang được Nga tiến hành tại miền Đông Ukraine. Ông lưu ý tình hình nhân đạo tại nhiều địa phương đang xấu đi.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết mục đích chuyến thăm Moskva của ông Griffiths là nỗ lực đảm bảo một “lệnh ngừng bắn nhân đạo” ở Ukraine. Sau khi rời Moskva, ông Griffiths đã thăm Kiev.
Theo hãng tin TASS của Nga, cùng ngày 4/4, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng LB Nga, Đại tá Mikhail Mizintsev cho biết trong ngày qua, đã có hơn 16.600 người, trong đó có hơn 2.400 trẻ em, đã chủ động sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm của Ukraine và các khu vực Luhansk cũng như Donetsk đến Nga. Ngoài ra, 1.784 người khác cũng đã được sơ tán khỏi Mariupol thông qua các hành lang nhân đạo. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đến nay, tổng cộng 602.106 người, trong đó có 119.847 trẻ em, đã sơ tán khỏi Ukraine.
Đại tá Mizintsev thông báo từ ngày 2/3 đến nay, Nga đã chuyển hơn 8.000 tấn hàng viện trợ nhân đạo là các nhu yếu phẩm, thuốc men... đến Ukraine và tiến hành 750 hoạt động nhân đạo ở khu vực Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Ông cho biết Nga cũng đã thiết lập hơn 9.500 điểm lưu trú tạm thời để tiếp nhận những người sơ tán từ Ukraine.
Về phía Ukraine, Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết 3.376 người đã được sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm thông qua các hành lang nhân đạo trong ngày 4/4.
Nga cảnh báo Đức, Pháp về việc trục xuất các nhà ngoại giao
Theo hãng tin AFP, ngày 4/4, Nga đã nhấn mạnh quyết định của Đức trục xuất nhiều nhà ngoại giao của nước này nhằm đáp trả Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là "không thân thiện" và sẽ làm quan hệ song phương xấu đi.
Trong một tuyên bố đăng trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Berlin nêu rõ: "Việc cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại các cơ quan đại diện của Nga ở Đức một cách vô căn cứ sẽ thu hẹp không gian duy trì đối thoại giữa hai nước, dẫn đến quan hệ Nga-Đức ngày càng xấu đi”.
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này đã tuyên bố 40 nhà ngoại giao Nga là những người "không được hoan nghênh" và phải rời khỏi Đức trong vòng 5 ngày nữa. Đây là phản ứng của Chính phủ Đức liên quan tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, đặc biệt là ở thị trấn Bucha.
Trưa 4/4, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Nga tại Đức Sergei J. Nechayev tới để thông báo việc trục xuất 40 nhà ngoại giao Nga khỏi Đức.
Theo báo Spiegel, việc Đức quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga có khả năng tạo thêm căng thẳng ngoại giao giữa Moskva và Berlin. Chính phủ Đức cũng đã có những ý kiến khác nhau trong vấn đề trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Tiếp sau Đức, Pháp cũng thông báo nước này sẽ trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga. Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moskva sẽ đáp trả quyết định này của Pháp.
Mạnh Hùng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất