13/07/2022 12:00 GMT+7 | Tin tức 24h
Việc tỷ phú Elon Musk quyết định chấm dứt thương vụ mua lại Twitter Inc. với lý do mạng xã hội này vi phạm nhiều điều khoản về thỏa thuận sáp nhập, đã dẫn đến việc công ty Twitter khởi kiện lại ông chủ Tesla này. Vụ kiện này được đánh giá sẽ trở thành cuộc chiến pháp lý lớn nhất trong lịch sử Phố Wall liên quan đến một trong những doanh nghiệp có sự đa dạng nhất trong thế giới kinh doanh.
Thương vụ bạc tỷ
Twitter Inc. là mạng xã hội hoạt động từ tháng 7/2006, có trụ sở chính tại San Francisco (Mỹ) và đến nay đã có hơn 35 văn phòng trên toàn thế giới. Trải qua rất nhiều khó khăn, Twitter đã không ngừng thay đổi và cải tiến để trở thành một trong những trang mạng xã hội phổ biến như ngày nay.
Ngoài việc nhắn tin, hiện người sử dụng mạng xã hội này còn có thể đăng các đoạn hội thoại, ảnh, video, ảnh động… Twitter đã tiến triển từ một mạng xã hội để cập nhật tin tức của bạn bè thành một luồng tin mang tính cá nhân ít hơn để theo dõi tin tức xảy ra trên khắp thế giới. Các nhà quan sát cho rằng Twitter có vai trò như một nền tảng cho các nhà lãnh đạo chính trị, cho các chuyên gia trong ngành và là nguồn thông tin cho hàng triệu người dùng bình thường.
Theo số liệu thống kê ở thời điểm cuối năm 2021, Twitter có 7.500 nhân viên trên toàn thế giới. Trong khi đó, số liệu thống kê cuối năm 2020 cho thấy công ty này có khoảng 1.500 nhân viên kiểm duyệt trên toàn thế giới.
Tuy nhiên kể từ khi chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2013, Twitter rất ít khi thu được lợi nhuận ngay cả khi mạng xã hội này có tầm ảnh hưởng lớn về chính trị và văn hóa trên toàn thế giới. Twitter năm nào cũng cũng "báo lỗ", ngoại trừ năm 2018 và 2019 khi công ty tạo ra lợi nhuận hơn 1 tỷ USD.
Theo giới quan sát, thực tế doanh thu của Twitter chủ yếu đến từ quảng cáo chứ không phải từ người dùng và cơ sở này không đủ lớn để công ty có thể bù đắp tài chính. Vào cuối năm ngoái, Twitter thông báo đã có 217 triệu người dùng "có thể mang về lợi nhuận" - thông qua việc tiếp cận các quảng cáo trên nền tảng trực tuyến này. Tuy nhiên, con số này được xem là vẫn còn kém xa so với 1,93 tỷ người dùng đăng ký trên Facebook.
Trong bối cảnh đó, tỷ phú Elon Musk-Giám đốc điều hành của hãng xe điện Tesla-đã trả 44 tỷ USD để mua lại Twitter. Tỷ phú này cam kết bỏ ra 33,5 tỷ USD cho thương vụ này, cùng với việc các ngân hàng, trong đó có Morgan Stanley, nhất trí cho ông Elon Musk vay thêm 13 tỷ USD.
Ngày 25/4/2022, Twitter công bố đã chấp nhận lời đề nghị của Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk để mua lại công ty với giá 54,20 USD/cổ phiếu, qua đó định giá nền tảng truyền thông xã hội này ở mức 44 tỷ USD. Twitter cho biết giao dịch đã được hội đồng quản trị nhất trí chấp thuận và có thể hoàn tất trong năm 2022 sau khi quy trình phê duyệt của các cổ đông.
Ở thời điểm này, tuy số tiền 44 tỷ USD mà tỷ phú Musk bỏ ra để mua Twitter được coi là quá ít ỏi nếu so sánh với khoản tiền hơn 500 tỷ USD định giá cho Facebook, nhưng thương vụ mua bán này vẫn được dư luận quan tâm bởi được kỳ vọng tạo ra những thay đổi căn bản trong cách người dùng giao tiếp trên mạng xã hội nổi tiếng này.
Khi đó, nhiều người cho rằng việc Twitter về tay tỷ phú sáng tạo hàng đầu thế giới Elon Musk được cho là sẽ dẫn tới những thay đổi đáng kể trong thời gian tới, cạnh tranh quyết liệt hơn với Meta, Snap, TikTok (nghĩa là ByteDance) và các đối thủ nặng ký khác trên mạng xã hội.
Trước đó, vị tỷ phú này đã từng úp mở về việc sẽ điều chỉnh Twitter theo nhiều hướng, trong đó có việc chuyển nền tảng này thành mã nguồn mở, đẩy mạnh bảo vệ tự do phát ngôn, đồng thời yêu cầu tất cả người dùng phải xác nhận danh tính nhằm hạn chế các hệ thống phát tán tin rác, hành vi mạo danh…
Theo lộ trình, việc chuyển giao Twitter cho Musk sẽ hoàn tất ngay trong năm 2022, sau khi có được sự đồng ý của cổ đông và được cơ quan chức năng phê duyệt. Từ thời điểm đó, Twitter sẽ không còn là công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, mà trở thành tài sản riêng của Elon Musk.
Hủy bỏ thỏa thuận và những hệ lụy
Khi Elon Musk và Twitter lần đầu ký thỏa thuận mua bán, cả hai bên đã đồng ý trả khoản phí bồi thường 1 tỷ USD nếu rút khỏi thỏa thuận vì những lý do cụ thể. Elon Musk đã đồng ý trả nếu ông không thể đảm bảo nguồn tài chính để mua lại Twitter. Còn Twitter đồng ý trả nếu họ tìm thấy một đối tác khác trả giá cao hơn hoặc hội đồng quản trị của họ khuyến nghị cổ đông bỏ phiếu chống lại giao dịch.
Tuy nhiên, khi thỏa thuận chỉ vừa mới được công bố hơn 2 tháng thì tỷ phú Elon Musk đã muốn rút khỏi thương vụ và cáo buộc Twitter vi phạm các điều khoản của thỏa thuận với nguyên nhân chính là do công ty không công bố thông tin rõ ràng liên quan đến tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình.
Với lý do trên, ngày 8/7/2022 vừa qua, tỷ phú Musk đã chính thức tuyên bố chấm dứt kế hoạch mua Twitter. Trong hồ sơ của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), các luật sư của Elon Musk cho biết, Giám đốc điều hành Tesla muốn chấm dứt thỏa thuận với Twitter vì "những tuyên bố sai lệch và gây hiểu lầm" do mạng xã hội này đưa ra.
Cụ thể, Elon Musk cho rằng lượng tài khoản giả mạo của Twitter cao hơn nhiều con số 5% mà mạng xã hội này công bố. Tuy nhiên, Twitter cho rằng, đó chỉ là lý do để chấm dứt giao dịch mà không mất bất cứ khoản chi phí nào. Trong đơn gửi lên SEC, ông Elon Musk không đề cập đến “phí chia tay” mà chỉ đưa ra lý do hợp lý để mình có thể từ bỏ thương vụ một cách dễ dàng.
Phản ứng lại, Chủ tịch hội đồng quản trị Twitter Bret Taylor cho biết, hội đồng quản trị cam kết vẫn thực hiện giao dịch theo mức giá đã nhất trí và các điều khoản đã thỏa thuận với Elon Musk. Tuy nhiên, nếu tỷ phú Mỹ cương quyết rút khỏi thương vụ, Twitter sẽ chuẩn bị các giấy tờ pháp lý để hầu tòa. Trong thông báo của Twitter, mạng xã hội này cho biết sẽ kiện Elon Musk, buộc tỷ phú Mỹ phải trả khoản chi phí vi phạm hợp đồng lên tới 1 tỷ USD khi hủy bỏ thương vụ mua lại mạng xã hội này.
Và đúng như thông báo đã đưa ra, công ty Twitter Inc ngày 12/7 đã khởi kiện ông chủ Tesla, tỷ phú Elon Musk, lên tòa án bang Delaware với cáo buộc ông này vi phạm thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD giữa hai bên liên quan đến tiến trình mua lại nền tảng mạng xã hội này. Twitter cũng yêu cầu tòa án ra phán quyết buộc nhà tỷ phú này hoàn tất thỏa thuận mua bán với mức giá đã thống nhất là 54,2 USD/cổ phiếu.
Trong đơn kiện, Twitter khiếu nại về việc ông Musk coi thường luật kinh doanh của bang Delaware, tự do thay đổi chủ ý, gây tổn hại cho công ty, làm gián đoạn hoạt động và hủy hoại giá trị cổ đông. Twitter cũng cáo buộc ông Elon Musk "bí mật" thâu tóm cổ phiếu của công ty trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 mà không công khai các giao dịch mua đáng kể của mình với các cơ quan quản lý.
Theo giới phân tích, diễn biến lần này có thể là sự mở màn của một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Nếu điều này trở thành hiện thực, đó sẽ là thực tế vô cùng bất lợi đối với Twitter-vốn đã mất hàng tỷ USD vốn hóa thị trường vì những rắc rối vừa qua. Twitter hiện cũng đã tạm dừng hầu hết việc tuyển dụng và sa thải gần 100 nhân viên trong nỗ lực cắt giảm chi phí.
Các nhà phân tích cho rằng sự rút lui của tỷ phú Musk khiến công ty rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương vào một thời điểm đầy thách thức đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ. Chưa rõ bên nào sẽ nắm được phần thắng trong vụ kiện này, song nhiều chuyên gia cho rằng “cuộc chiến pháp lý dai dẳng” này sẽ gây ra thiệt hại kinh tế đáng kể cho cả 2 bên.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh sau khi Elon Musk hủy thỏa thuận mua lại Twitter, đặc biệt là các công ty công nghệ trong đó có Twitter, có tỉ lệ giảm giá cổ phiếu sâu nhất trên thị trường. Nếu như ở thời điểm Elon Musk đồng ý mua Twitter, mỗi cổ phần của công ty này có giá trên 50 USD thì hiện giờ giá cổ phiếu Twitter chỉ còn khoảng 35 USD.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 11/7, cổ phiếu của Twitter đã sụt giảm tới 11,3%, xuống còn 32,65 USD mỗi cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch ngày 12/7 tại thị trường New York, cổ phiếu của Twitter có giá 34,06 USD, tăng 4,3% so với phiên giao dịch một ngày trước đó, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức trên 50 USD vào thời điểm hai bên đạt được thỏa thuận mua bán hồi cuối tháng 4/2022. Trong khi đó, cổ phiếu của công ty Tesla cũng đã giảm gần 7%.
Các nhà phân tích cho rằng sự rút lui của tỷ phú Musk khiến công ty Twitter rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương vào một thời điểm đầy thách thức đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đánh giá, động thái hủy giao dịch mua Twitter của tỷ phú Musk mang lại nhiều rủi ro theo hướng suy giảm cho Twitter, đồng thời chỉ ra sự bấp bênh về doanh thu của công ty gắn liền với quảng cáo do nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng.
S&P Global Ratings nhấn mạnh vẫn có rủi ro ngay cả khi Twitter thu hồi thành công khoản phí "chia tay" 1 tỷ USD theo thỏa thuận sáp nhập ban đầu. Theo cơ quan này, mặc dù khoản phí chia tay có thể giúp tình trạng tín dụng của Twitter ở mức tích cực, nhưng những thông tin tiêu cực công khai có thể gây hại cho mối quan hệ của Twitter với các nhà quảng cáo, nhân viên và nhà đầu tư trong tất cả các kịch bản tiềm năng.
An Ngọc (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất