19/12/2021 22:51 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Hải Dương: Xuất hiện ổ dịch mới trong doanh nghiệp, thêm nhiều ca mắc cộng đồng
Theo ngành Y tế Hải Dương, trong số 59 ca mắc mới được ghi nhận trong ngày hôm nay, trên địa bàn còn xuất hiện ổ dịch tại 1 doanh nghiệp ở huyện Kim Thành và nhiều ca mắc sàng lọc cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hải Dương, trong ngày hôm nay (19/12) địa phương này tiếp tục ghi nhận 59 ca mắc COVID-19 mới ở 6 huyện, 2 thành phố. Trong đó có 33 trường hợp F1, 2 trường hợp nhập cảnh giám sát, 4 trường hợp về từ tỉnh khác, 20 ca sàng lọc cộng đồng nguy cơ và trong ngày xuất hiện thêm ổ dịch mới tại một doanh nghiệp.
Tại ổ dịch Công ty TNHH Freedom Footwear Vina, tại xã Phúc Thành (huyện Kim Thành) trong ngày ghi nhận 27 ca mắc mới (cộng dồn 28 ca) ở các huyện: Kim Thành (24), TP. Hải Dương (1 ca), thị xã Kinh Môn (3 ca). Trong đó, có 26 trường hợp là công nhân công ty ở tổ may, bộ phận hoàn chỉnh, bộ phận kho đế, kho mũi giày, kho nguyên liệu, phòng mẫu, phòng xuất nhập khẩu và 2 trường hợp là người nhà của các công nhân trên.
Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch mới tại doanh nghiệp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Kim Thành đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ công nhân; giám sát chặt chẽ F1, F2, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tạm dừng hoạt động của công ty.
Cũng trong ngày, tại tỉnh Hải Dương ghi nhận 20 trường hợp mắc COVID-19 qua sàng lọc cộng đồng. Trong đó huyện Kim Thành 18 ca, TP. Hải Dương 1 ca và 1 trường hợp tại huyện Ninh Giang.
Trường hợp tại huyện Ninh Giang là nữ công nhân sinh năm 1974 (Bệnh nhân 1538308), trú tại thôn Chanh Chử 3, xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng), làm tại Công ty Senjing (thuộc xã Đồng Tâm).
Theo điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng, trước khi có kết quả dương tính, trường hợp này đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19; hiện người này không ho, không sốt và sức khoẻ bình thường.
Hàng ngày từ 6h30 đến 21h, bệnh nhân đi làm tại bộ phận kiểm hàng của công ty. Quá trình làm việc có tiếp xúc với đồng nghiệp và khi về nhà tiếp xúc với người thân trong gia đình. Riêng ngày 5/12 và 12/12, nữ công nhân được nghỉ ở nhà không đi đâu. Đến 14/12, bệnh nhân có triệu chứng hắt hơi, sổ mũi và xin thuốc của đồng nghiệp ở công ty uống.
Vào khoảng 14h chiều hôm qua, nhận được thông tin BN1538276 (SN 1990), trú tại khu 3, thị trấn Ninh Giang có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (ca bệnh này làm nghề lái xe có đến giao hàng tại công ty). Lúc này doanh nghiệp đã thực hiện test nhanh (mẫu chụm) cho toàn bộ công nhân và bệnh nhân có kết quả nghi ngờ. Sau đó, ca bệnh được nhân viên y tế lấy mẫu đơn gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh làm xét nghiệm PCR và hôm nay cho kết quả khẳng định dương tính.
Theo ngành Y tế Hải Dương, ngoài những ca bệnh nói trên, ngày hôm nay tại địa phương này còn ghi nhận các ca mắc ở nhiều ổ dịch khác nhau. Riêng huyện Kim Thành có 28 ca mắc mới ở 10 xã. Những trường hợp này được xác định là F1, phát hiện qua sàng lọc cộng đồng, nhập cảnh giám sát và về từ tỉnh khác.
Số ca cộng đồng tại Hà Nội lên 500 ca, 6 quận/huyện có trên 100 người mắc mới
Bản tin COVID-19 ngày 19/12 của Hà Nội thông báo Thủ đô ghi nhận thêm 1.400 ca mắc mới, trong đó có 500 ca cộng đồng. Quận Nam Từ Liêm có 250 ca, Thanh Trì có 226 ca...
Ngoài ra, có 747 ca phát hiện trong khu cách ly và 153 ca phát hiện trong khu phong tỏa.
Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hà Nội duy trì số ca mắc mới trên 1.300 ca/ngày.
1.400 ca mắc COVID-19 mới phân bố tại 252 xã, phường, thị trấn thuộc 27/30 quận, huyện: Nam Từ Liêm (250); Thanh Trì (226); Hoàng Mai (148); Gia Lâm (146); Hai Bà Trưng (131); Ba Đình (117); Bắc Từ Liêm (88); Hà Đông (53); Đống Đa (48); Cầu Giấy (25); Hoàn Kiếm (22); Tây Hồ (17); Hoài Đức (16); Mỹ Đức (15); Thanh Xuân (12); Thanh Oai (12); Long Biên (12); Đông Anh (11); Ứng Hòa (10); Sóc Sơn (8); Thường Tín (7); Thạch Thất (6); Chương Mỹ (6); Phú Xuyên (4); Đan Phượng (4); Quốc Oai (4); Mê Linh (2).
500 ca cộng đồng phân bố tại 156 xã, phường thuộc 26/30 quận, huyện: Thanh Trì (162); Nam Từ Liêm (105); Gia Lâm (42); Đống Đa (29); Hà Đông (27); Hai Bà Trưng (19); Hoàng Mai (18); Bắc Từ Liêm (15); Cầu Giấy (13); Thanh Xuân (11); Long Biên (10); Hoàn Kiếm (9); Ba Đình (9); Tây Hồ (7); Hoài Đức (6); Đông Anh (4); Thường Tín (2); Sóc Sơn (2); Quốc Oai (2); Đan Phượng (2); Ứng Hòa (1); Mê Linh (1); Chương Mỹ (1); Thanh Oai (1); Thạch Thất (1); Phú Xuyên (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 27.053 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 10.265 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 16.788 ca.
Hai quận vùng cam - nguy cơ cao ở Hà Nội là Đống Đa và Hai Bà Trưng tiếp tục gia tăng số mắc, lần lượt là 48 và 131. Tổng từ ngày 11/10 đến nay, quận Đống Đa ghi nhận 2.580 ca và quận Hai Bà Trưng có 1.828 ca mới.
Có 16.110 ca COVID-19, Hà Nội nhiều nhất cả nước với 1.405 ca
Bản tin dịch COVID-19 ngày 19/12 của Bộ Y tế cho biết có 16.110 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố; Hà Nội nhiều nhất cả nước với 1.405 ca. Trong ngày có gần 10.800 ca khỏi; 214 trường hợp tử vong.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 18/12 đến 16h ngày 19/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.110 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 16.093 ca ghi nhận trong nước (tăng 210 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.542 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.405), Cà Mau (1.345), TP. Hồ Chí Minh (1.014), Tây Ninh (941), Bến Tre (838), Cần Thơ (793), Đồng Tháp (780), Khánh Hòa (599), Vĩnh Long (593), Bình Phước (559), Bạc Liêu (537), Trà Vinh (493), Bình Định (434), Sóc Trăng (425), Đồng Nai (417), Hải Phòng (417), Thừa Thiên Huế (362), An Giang (344), Kiên Giang (312), Tiền Giang (277), Lâm Đồng (245), Bình Dương (245), Đắk Lắk (239), Bà Rịa - Vũng Tàu (221), Bắc Ninh (219), Thanh Hóa (186), Đà Nẵng (143), Quảng Ninh (139), Quảng Ngãi (137), Bình Thuận (135), Nghệ An (124), Gia Lai (108), Phú Yên (96), Hưng Yên (80), Long An (69), Quảng Nam (69), Hà Giang (67), Nam Định (67), Vĩnh Phúc (67), Hải Dương (59), Lạng Sơn (54), Ninh Thuận (51), Đắk Nông (51), Thái Bình (44), Bắc Giang (41), Quảng Bình (37), Hà Tĩnh (37), Thái Nguyên (31), Phú Thọ (26), Hà Nam (22), Quảng Trị (18), Sơn La (17), Tuyên Quang (16), Yên Bái (14), Lào Cai (11), Hòa Bình (7), Cao Bằng (7), Điện Biên (5), Hậu Giang (3), Lai Châu (1).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hậu Giang (-337), Bình Thuận (-193), Bình Phước (-156).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+209), Hà Nội (+161), Bình Định (+155).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.505 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.540.478 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.621 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.534.979 ca, trong đó có 1.105.145 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (494.683), Bình Dương (289.175), Đồng Nai (94.928), Tây Ninh (64.014), Long An (39.663).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 10.799 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.107.962 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.587 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 5.291 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.240 ca
- Thở máy không xâm lấn: 175 ca
- Thở máy xâm lấn: 860 ca
- ECMO: 21 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 18/12 đến 17h30 ngày 19/12 ghi nhận 215 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (57) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Bình Dương (2), Tiền Giang (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (23), Bình Dương (18), An Giang (16), Tiền Giang (13), Cần Thơ (12), Sóc Trăng (11), Đồng Tháp (11), Tây Ninh (9), Bình Thuận (7), Bình Phước (6), Vĩnh Long (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Trà Vinh (5), Hà Nội (3), Bến Tre (3), Khánh Hòa (3), Bạc Liêu (3), Long An (2), Quảng Ngãi (1), Hậu Giang (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 247 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.566 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 150.023 mẫu xét nghiệm cho 196.538 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 28.863.393 mẫu cho 72.701.838 lượt người.
Hải Phòng ghi nhận hàng trăm ca mắc mỗi ngày
Theo ngành Y tế Hải Phòng, những ngày qua trên địa bàn liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca mắc mới ở các quận, huyện.
Cụ thể: Huyện Thủy Nguyên trong ngày phát hiện 74 trường hợp; quận Lê Chân ghi nhận 42 ca mắc; huyện An Dương có 38 trường hợp; huyện Cát Hải 18 trường hợp; quận Hồng Bàng ghi nhận 7 trường hợp; huyện An Lão có 11 ca; huyện Tiên Lãng ghi nhận 10 trường hợp; quận Dương Kinh 8 ca; quận Ngô Quyền 6 ca; quận Hải An ghi nhận 5 ca; huyện Vĩnh Bảo 3 trường hợp và quận Đồ Sơn 2 ca.
Trong ngày, TP. Hải Phòng còn ghi nhận 3 ca bệnh là thuyền viên và đã được cách ly y tế ngay khi về địa phương.
Cũng theo ngành Y tế Hải Phòng, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao, đơn vị đã kích hoạt và đưa các Trạm Y tế lưu động vào hoạt động tại phường để quản lý, điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, ngành y tế đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine và phát huy hoạt động các tổ giám sát COVID-19 tại cộng đồng…
Tại quận Lê Chân, đã thành lập 15 Trạm Y tế lưu động với 414 thành viên thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, thường xuyên theo dõi sức khỏe và hỗ trợ chăm sóc trường hợp mắc COVID-19 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đồng thời, hướng dẫn và cấp phát thuốc điều trị các F0 nhẹ, không triệu chứng; phát hiện, sơ cấp cứu, chuyển tuyến kịp thời đối với ca bệnh có triệu chứng trung bình hoặc trở nặng đến các cơ sở y tế phù hợp.
Theo Phòng Y tế quận Lê Chân, tính đến ngày 16/12, toàn quận có 192 F0 đang điều trị tại nhà, 24 F0 được điều trị tại Trung tâm Y tế quận cơ sở 2. Ngoài việc thành lập các Trạm Y tế lưu động, quận còn thành lập 350 tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở 15 phường để hỗ trợ thêm trong việc quản lý, điều trị các F0, F1 trên địa bàn.
Bên cạnh đó, quận Lê Chân tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhân lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 1.700 người thuộc các Trạm Y tế lưu động và thành viên các tổ chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn...
Hà Nội học sinh lớp 9 và lớp 12 thuộc 25 “vùng cam” chuyển học trực tuyến từ ngày 20/12
Thực hiện Công văn số 4322/UBND-KGVX ngày 2/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội và công văn số 4156/SGDĐT-CTTT của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa đề nghị các Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông, Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên báo cáo UBND quận, huyện, thị xã để xin ý kiến, thông báo cho các nhà trường trên địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3 cho học sinh lớp 9 và lớp 12 tạm dừng đến trường, chuyển học trực tuyến từ ngày 20/12 cho đến khi có thông báo mới.
Theo Thông báo số 844/TB-UBND ngày 17/12/2021 của UBND thành phố Hà Nội về đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, có 2 đơn vị cấp quận, huyện, thị xã và 25 xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 3 (tương ứng với màu cam).
Đó là 2 quận Hai Bà Trưng và Đống Đa; các xã, phường: Vân Nội, Việt Hùng (huyện Đông Anh); Khâm Thiên, Văn Miếu, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Phương Liên, Kim Liên, Thổ Quan, Khương Thượng, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); Yên Viên (huyện Gia Lâm), Đống Mác (quận Hai Bà Trưng); Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Bạc, Đồng Xuân, Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm); Thanh Trì, Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai); Đông Xuân (huyện Quốc Oai); Quảng An, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Văn Bình (huyện Thường Tín).
Trước đó, huyện Ba Vì là địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Nội tổ chức dạy học trực tiếp tại trường đối với học sinh lớp 9 từ ngày 8/11. Từ kết quả triển khai tại các trường học thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đã mở rộng việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã từ ngày 22/11 và học sinh lớp 12 của 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 6/12. Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có khoảng 64.000 học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 trở lại trường học. Công tác dạy và học tại các nhà trường được triển khai linh hoạt với nhiều phương án, đáp ứng diễn biến dịch, đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Quận Hai Bà Trưng dừng bán hàng ăn uống tại chỗ từ 12h trưa nay
Các cơ sở kinh doanh ăn, uống trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chỉ bán mang về; học sinh THPT chuyển học trực tuyến; hoạt động thể dục - thể thao ngoài trời dừng hoạt động.
UBND quận Hai Bà Trưng vừa ra Thông báo về việc điều chỉnh các biện pháp hành chính tương ứng với cấp độ 3 để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng trong tuần qua có nhiều diễn biến phức tạp, xuất hiện các khu vực đông dân cư có số ca mắc tăng nhanh tại các phường: Phố Huế, Bạch Mai, Cầu Dền, Đông Mác, Đồng Nhân, Lê Thanh Nghị, Thanh Nhàn, Thanh Lương. Tại thông báo của UBND TP. Hà Nội đã đánh giá quận Hai Bà Trưng thuộc cấp độ 3. Để triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt dịch COVID-19, UBND quận ra thông báo điều chỉnh một số nội dung, cụ thể.
Từ 12h ngày 19/12, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử phạt; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin; các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc luân phiên.
Học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm GDNN – GDTX tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy – học trực tuyến.
Các nhà hàng, cơ sở kinh doanh phục vụ ăn, uống chỉ bán mang về.
Dừng hoạt động thể dục thể thao ngoài trời.
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự thực hiện các hoạt động trực tuyến; trong trường hợp thực hiện bằng hình thức trực tiếp cần tuân thủ điều kiện: có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ; không tập trung quá 20 người; tuân thủ nghiêm ngặt 5K...
Các cơ sở lưu trú trên địa bàn quận phải đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, hoạt động không quá 50% công suất; chủ cơ sở và nhân viên được tiêm đủ liều vaccine/đã khỏi bệnh COVID-19.
Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm COVID-19 như phòng họp phải thông thoáng và khử khuẩn trước khi tổ chức, hạn chế dùng điều hòa trung tâm, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách…
Quận Hai Bà Trưng cũng yêu cầu tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở… phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được hướng dẫn khám và điều trị kịp thời.
Người lao động, đoàn viên là F0 được hỗ trợ từ 1,5 đến 3 triệu đồng
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Quyết định 3749/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Cụ thể, về điều kiện hưởng hỗ trợ và mức hỗ trợ với người lao động, đoàn viên là F0, không vi phạm các quy định phòng chống dịch như sau:
- Tối đa là 03 triệu đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
- Tối đa là 1,5 triệu đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị COVID-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Ngoài ra, đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm COVID-19 thì thân nhân của họ được hỗ trợ là 05 triệu đồng/người.
Tại Quyết định, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra nguyên tắc hỗ trợ sau:
- Mỗi đối tượng F0 chỉ được hỗ trợ một lần dù nhiều lần dương tính với COVID-19;
- Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng được hưởng mức hỗ trợ khác nhau theo quy định tại Điều 1 Quyết định 3749/QĐ-TLĐ thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất;
- Trường hợp đã được chi hỗ trợ khi là F0 sau đó bị tử vong do COVID-19 thì thân nhân được hỗ trợ theo khoản 2 Điều 1 Quyết định 3749/QĐ-TLĐ.
Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội dừng học trực tiếp từ ngày mai
Từ 20/12, học sinh lớp 12 tại quận Hai Bà Trưng phải tạm dừng học trực tiếp vì tình hình dịch COVID-19 của quận vừa chuyển từ cấp độ 2 (vàng) sang cấp độ 3 (cam).
UBND Hà Nội vừa cập nhật đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn. Thành phố vẫn ở cấp độ 2 (vùng vàng) nhưng có 3 huyện chuyển từ cấp độ 1 (vùng xanh) lên cấp độ 2, riêng quận Hai Bà Trưng chuyển từ cấp độ 1 lên cấp độ 3 (vùng cam).
Theo quy định của TP. Hà Nội, chỉ các trường đủ điều kiện phòng chống dịch và ở vùng cấp độ 1 và 2, học sinh mới được đi học trực tiếp. Do đó, từ ngày 20/12, học sinh lớp 12 của quận Hai Bà Trưng sẽ chuyển hình thức học trực tiếp sang trực tuyến.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng) cho biết, bắt đầu từ thứ Hai, ngày 20/12, toàn bộ học sinh khối 12 sẽ chuyển sang học trực tuyến. Với điều kiện dịch bệnh hiện nay, nhà trường buộc phải tổ chức kiểm tra cho học sinh theo phương thức trực tuyến.
Trên địa bàn Hà Nội hiện có hai quận màu cam là Hai Bà Trưng và Đống Đa. Học sinh lớp 12 ở quận Đống Đa đã dừng đến trường từ 13/12.
Ngoài hai quận này, 25 phường, xã cũng ở cấp độ 3, học sinh đều phải tạm dừng đến trường. Các xã, phường đó là: Vân Nội, Việt Hùng (huyện Đông Anh); Khâm Thiên, Văn Miếu, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Phương Liên, Kim Liên, Thổ Quan, Khương Thượng, Ô Chợ Dừa, Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); xã Yên Viên (huyện Gia Lâm), phường Đống Mác (quận Hai Bà Trưng); các phường: Hàng Gai, Hàng Đào, Hàng Bạc, Đồng Xuân, Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm); các phường: Thanh Trì, Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai); xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai); các phường Quảng An, Yên Phụ (quận Tây Hồ); xã Văn Bình (huyện Thường Tín).
Tình hình dịch Covid-19 ngày 18/12: Số ca mắc tăng nhanh tại các địa phương
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 17/12 đến 16 giờ ngày 18/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.895 ca mắc mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 15.883 ca ghi nhận trong nước (tăng 668 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố; có 10.493 ca trong cộng đồng.
Hà Nội có số ca mắc tăng cao nhất
Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 100 ca bệnh như sau: Cà Mau (1.341 ca), Hà Nội (1.244 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (1.019 ca), Tây Ninh (941 ca), Bến Tre (826 ca), Đồng Tháp (785 ca), Cần Thơ (749 ca), Bình Phước (715 ca), Khánh Hòa (601 ca), Vĩnh Long (595 ca), Bạc Liêu (475 ca), Trà Vinh (454 ca), Sóc Trăng (447 ca), Kiên Giang (398 ca), An Giang (374 ca), Thừa Thiên Huế (361 ca), Hậu Giang (340 ca), Bình Thuận (328 ca), Đồng Nai (319 ca), Bình Định (279 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (270 ca), Tiền Giang (264 ca), Bắc Ninh (249 ca), Lâm Đồng (225 ca), Hải Phòng (208 ca), Đà Nẵng (193 ca), Thanh Hóa (192 ca), Bình Dương (167 ca), Quảng Ngãi (121 ca), Gia Lai (119 ca).
Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó với 709 ca, tiếp đó là Cà Mau 270 ca và Thừa Thiên-Huế 222 ca.
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.294 ca/ngày.
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.645 ca; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.097.163 ca.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.895 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ 5.480 ca; thở ô xy dòng cao HFNC 1.304 ca; thở máy không xâm lấn 159 ca; thở máy xâm lấn 933 ca; ECMO 19 ca.
Ngày 18/12 ghi nhận 248 ca tử vong; Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.351 ca, chiếm 2% so với tổng số ca mắc.
Trong ngày 17/12 có 955.033 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 137.574.609 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.631.255 liều, tiêm mũi 2 là 60.799.084 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung, tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.144.270 liều.
Hà Nội quá tải bệnh nhân tại “tầng 2”, Ninh Bình không cách ly y tế người về từ Hà Nội
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 17/12 đến 18 giờ ngày 18/12, Hà Nội ghi nhận 1412 ca F0, trong đó có 411 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa.
Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 25.653 ca, trong đó ghi nhận ngoài cộng đồng là 9.765 ca, có 15.888 ca là đối tượng đã được cách ly.
Bệnh nhân mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng nhanh, nhất là số bệnh nhân ở "tầng 2" (bệnh nhân ở mức độ trung bình) tăng cao khiến nhiều bệnh viện ở Hà Nội quá tải điều trị. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, số bệnh nhân ở "tầng 3" ít nhưng tại "tầng 2" hiện đang quá tải. Tình trạng quá tải bệnh nhân "tầng 2" cũng xảy ra với Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Trước thực tế này, ngành Y tế thành phố cần sớm có giải pháp để tạo cơ hội cho các bệnh nhân "tầng 2" được điều trị.
Tối 17/12, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã phát đi công văn số 3557/SYT-NVY thay thế cho công văn số 3529/SYT-NVY ban hành trước đó 1 ngày về việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho người từ Hà Nội về Ninh Bình.
Theo đó, đối với người về Ninh Bình từ Hà Nội và một số tỉnh có nguy cơ cao, khi về địa phương cần khai báo y tế tại Trạm y tế xã/phường/thị trấn và được lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên hoặc RT- PCR phù hợp với các vùng dịch tễ. Không thực hiện xét nghiệm đối với những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ, những trường hợp có hộ khẩu tại Ninh Bình đi và trở về trong ngày.
Hơn 62% nhân viên y tế tham gia chống dịch chưa nhận được phụ cấp
Ngày 18/12, tại Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Kinh tế và Công nghệ y tế tổ chức hội thảo “Tác động của đại dịch COVID-19 với sức khỏe và điều kiện kinh tế - xã hội - việc làm của cán bộ y tế” theo hình thức trực tuyến.
Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết: Theo nghiên cứu mới đây do các đơn vị đồng tổ chức hội thảo thực hiện từ tháng 9-11/2021, có trên 2.000 y bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước đã cảnh báo những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thu nhập và khối lượng công việc trong ngành y và đưa ra một số khuyến nghị đáng chú ý.
Theo đó, có khoảng 60% nhân viên y tế đã phải cáng đáng khối lượng công việc và thời gian làm việc tăng lên đáng kể trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hơn 30% số nhân viên y tế được khảo sát cho biết lương, thưởng và phụ cấp của họ bị giảm; hơn 62% nhân viên tham gia công tác phòng, chống dịch được khảo sát đến nay chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Điều này làm giảm đáng kể động lực làm việc và mong muốn gắn bó với công việc ở các y, bác sĩ và nhân viên y tế, gián tiếp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người bệnh mắc COVID-19 nói riêng cũng như những tình trạng bệnh lý khác đòi hỏi chăm sóc y tế chuyên sâu.
Tham luận tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế y tế, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Đại dịch COVID-19 không chỉ làm thay đổi các yêu cầu với công việc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của các nhân viên y tế. Khoảng 40% trong số họ cho biết họ gặp phải những khó chịu và suy giảm về sức khỏe thể chất, 70% bị lo lắng, trầm cảm, dẫn đến 25% số này giảm mức độ hài lòng với công việc của họ”.
Đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.
Bộ Y tế nêu rõ, hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hàng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra, biến thể Omicron đang lan nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch.
Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, theo Bộ Y tế.
Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir
Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho 46 địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại cộng đồng.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh, thành phố cho thấy: Thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Molnupiravir là một thuốc kháng virus, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Hiện cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (US-FDA) đang xem xét các dữ liệu lâm sàng cho việc quyết định cấp phép lưu hành thuốc tại Hoa Kỳ.
Tương tự, các quốc gia châu Á trong đó có Ấn Độ cũng đang rà soát các dữ liệu lâm sàng đối với các thuốc được công ty phát minh là MSD nhượng quyền sản xuất cũng như các thuốc chưa được MSD nhượng quyền để xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Do vậy, việc sử dụng thuốc Molnupiravir hiện nay tại Việt Nam được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu tại cộng đồng trong khuôn khổ Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất