25/01/2022 21:58 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Tiếp tục cập nhật
Hà Nội đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến thể Omicron
Hà Nội ngày 25/1 ghi nhận thêm gần 3.000 ca COVID-19 mới. Theo Bộ Y tế, Hà Nội đã có 14 ca nhiễm biến thể Omicron trong tổng số 163 ca phát hiện trên cả nước.
Bản tin COVID-19 Hà Nội do Sở Y tế phát đi tối 25/1 cho biết trong 24 giờ qua Thành phố ghi nhận 2.957 ca bệnh.
Bệnh nhân phân bố tại 358 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (184); Hoàng Mai (146); Đông Anh (128); Chương Mỹ (118); Đống Đa (107); Nam Từ Liêm (104); Thanh Trì (84).
Số mắc cộng dồn tại Hà Nội từ ngày 29/4/2021 đến nay là 117.535 ca.
Theo thông báo của Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi nhận 163 ca nhiễm biến thể Omicron, trong số đó có 14 ca ghi nhận ở Hà Nội.
Tới hết ngày 24/1, trên địa bàn thành phố có 68.541 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (142 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.436 ca).
Hiện các cơ sở thu dung điều trị thành phố và cơ sở thu dung quận, huyện có hơn 5.800F0, giảm mạnh so với tuần trước. Số F0 theo dõi cách ly tại nhà là gần 59.000. Hôm qua cũng ghi nhận 18 ca COVID-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong từ ngày 29/4 đến nay ở Hà Nội là 487 người.
Hà Nội đã tiêm được gần 14,5 triệu liều vaccine cho người dân. Những ngày gần đây, số lượng người được tiêm mũi 3 tăng đáng kể. Hiện đã có 239.351 người đã tiêm mũi bổ sung và hơn 2,1 triệu người tiêm mũi nhắc lại vaccine COVID-19.
Ngày 25/1: Có 15.743 ca COVID-19; Hà Nội vẫn nhiều nhất, Đà Nẵng thứ 2
Bản tin dịch COVID-19 ngày 25/1 của Bộ Y tế cho biết có 15.743 ca mắc mới tại 61 tỉnh, thành phố; Hà Nội nhiều nhất với gần 3.000 ca, Đà Nẵng thứ 2 với gần 1.000 ca; Trong ngày có 126 ca tử vong, giảm gần 40 ca so với hôm qua.
Thông tin về các ca mắc COVID-19 tại Việt Nam
- Tính từ 16h ngày 24/01 đến 16h ngày 25/01, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 15.743 ca nhiễm mới, trong đó 44 ca nhập cảnh và 15.699 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.392 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.733 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.956), Đà Nẵng (989), Hải Phòng (704), Thanh Hóa (685), Hưng Yên (623), Bắc Ninh (560), Bắc Giang (445), Quảng Ngãi (400), Hải Dương (397), Hòa Bình (386), Vĩnh Phúc (385), Bình Định (374), Phú Thọ (370), Bến Tre (352), Nam Định (337), Bình Phước (335), Quảng Ninh (322), Thừa Thiên Huế (305), Đắk Lắk (303), Quảng Nam (301), Thái Nguyên (271), Thái Bình (267), Nghệ An (263), Lâm Đồng (225), Lào Cai (202), Khánh Hòa (200), Cà Mau (200), Quảng Bình (186), Kon Tum (178), Sơn La (152), Vĩnh Long (151), Tây Ninh (146), Bạc Liêu (146), Hà Nam (138), Trà Vinh (123), Yên Bái (114), Hà Giang (104), TP. Hồ Chí Minh (99), Điện Biên (80), Bình Thuận (77), Tuyên Quang (70), Hậu Giang (69), Bà Rịa - Vũng Tàu (68), Bình Dương (61), Quảng Trị (59), Đồng Tháp (52), Phú Yên (50), Đắk Nông (48), Cần Thơ (42), Long An (38), Lai Châu (37), An Giang (35), Bắc Kạn (34), Ninh Bình (34), Cao Bằng (34), Ninh Thuận (34), Đồng Nai (31), Kiên Giang (26), Sóc Trăng (12), Tiền Giang (11), Gia Lai (3).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-83), Quảng Ninh (-82), Ninh Bình (-73).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+225), Bến Tre (+218), Hà Nội (+155).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.582 ca/ngày.
- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 163 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (92), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Kiên Giang (2), Bình Dương (1).
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.171.527 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.000 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.164.794 ca, trong đó có 1.901.252 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (512.970), Bình Dương (292.584), Hà Nội (114.384), Đồng Nai (99.717), Tây Ninh (87.435).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 62.889 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.904.069 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.602 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.192 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 637 ca
- Thở máy không xâm lấn: 120 ca
- Thở máy xâm lấn: 634 ca
- ECMO: 19 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 24/01 đến 17h30 ngày 25/01 ghi nhận 126 ca tử vong tại:
+ Tại TP. Hồ Chí Minh (5) trong đó có 4 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tiền Giang (1), Đồng Nai (1), Ninh Thuận (1), Hậu Giang (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (18), Bà Rịa - Vũng Tàu (9), Tiền Giang (9), Vĩnh Long (9), Cần Thơ (8 ), Hải Phòng (7 ca trong 02 ngày), Đồng Tháp (6), Huế (6 ca trong 02 ngày), Đà Nẵng (4), Bình Dương (4), Bình Thuận (4), An Giang (4), Kiên Giang (4), Ninh Bình (3), Trà Vinh (3), Hòa Bình (3), Bình Phước (3), Hậu Giang (3), Cà Mau (3), Đắk Lắk (2), Bắc Ninh (2), Tây Ninh (2), Lào Cai (1), Bắc Kạn (1), Hà Nam (1), Nam Định (1), Bến Tre (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 148 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.010 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.933.973 mẫu tương đương 76.827.471 lượt người, tăng 30.468 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 24/01 có 943.564 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 177.388.045 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.919.564 liều, tiêm mũi 2 là 73.862.769 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 24.605.712 liều.
Thanh Hóa: Chấn chỉnh việc dựng lều cách ly người dân về quê ăn Tết
Báo SK&ĐS thông tin: Từ đầu tháng 1/2022, chính quyền và nhân dân xã Thanh Phong (huyện Như Xuân) đã cho dựng lều bằng tre luồng trong khuôn viên nhà văn hóa thôn Quang Hùng cũ và Trung tâm văn hóa để làm nơi cách ly cho người thuộc diện cách ly khi trở về địa phương dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Xã này đã dựng tất cả 3 khu lều, được chia thành 60 phòng riêng biệt rộng khoảng 5 m2/phòng, mỗi phòng cách ly 1 người. Trong các phòng được bố trí giường đơn, điện, và wifi miễn phí để phục vụ nhu cầu người dân.
Thông tin từ UBND xã Thanh Phong, đến thời điểm này địa phương đã có khoảng hơn 300 người về quê ăn Tết, trong đó có khoảng 200 người thuộc diện cách ly 7 ngày tại nhà, nhưng đều được cách ly ở lều hoặc nhà văn hóa thôn, vì nhà riêng không đảm bảo.
Trong thời gian cách ly, việc ăn uống được người thân, gia đình của người cách ly nấu rồi mang đến. Các đoàn thể của xã Thanh Phong cũng đã tổ chức nhiều buổi nấu ăn tập trung để hỗ trợ người cách ly.
Chủ tịch UBND xã Thanh Phong, ông Lê Văn Tuấn xác nhận, do điều kiện địa phương khó khăn không có phòng riêng, nhà riêng đảm bảo các điều kiện cách ly phòng chống dịch COVID-19 nên chính quyền đã họp với dân đi tới thống nhất làm lều cách ly cho người đi làm ăn xã về quê ăn Tết.
Sáng 25/1, ông Nguyễn Đức Đồng, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân cho biết, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của huyện không có chỉ đạo, hướng dẫn xã Thanh Phong dựng lều lán cho người cách ly.
Sau khi có phản ánh, huyện đã chỉ đạo xã để người dân về nhà theo dõi sức khỏe theo quy định. Đồng thời huyện sẽ cho rà soát lại tất cả các địa phương trên địa bàn, nơi nào thực hiện chưa đúng, sẽ chấn chỉnh lại.
Lâm Đồng phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng: Ngày 24/1/2022, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo trên địa bàn tỉnh phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
Bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đầu tiên là anh K.D, 38 tuổi, địa chỉ ở thôn M’Răng, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Theo thông tin ban đầu, từ ngày 30/12/2021, anh K.D từ Italia về Việt Nam, nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa. Từ ngày 31/12/2021 đến 8/1/2022, anh K.D được cách ly tại khu cách ly tập trung của Trung đoàn 802, xã Ninh Sơn, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, anh K.D được lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 2 lần vào các ngày 31/12/2021 và ngày 8/1/2022, nhưng đều có kết quả âm tính.
Đến ngày 8/1/2022, sau khi kết thúc thời gian cách ly, anh K.D về nhà tại thôn M’Răng, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương. Sáng 9/1/2022, anh đi khai báo y tế, test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, được cách ly điều trị tại nhà theo quy định. Ngày 10/1/2022, anh có kết quả RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2. Mẫu bệnh phẩm của anh K.D cũng được Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định nhiễm biến thể mới Omicron ngày 24/1/2022. Hiện anh K.D có sức khỏe ổn định.
Đến ngày 25/1, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 15.875 ca F0, trong đó có 8.965 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, 58 người tử vong. Toàn tỉnh đang thực hiện cách ly 16.358 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế là 6.836 trường hợp, cách ly tại nhà 9.513 trường hợp...
Lâm Đồng đang ở cấp độ 2 của dịch, nguy cơ trung bình và đang thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Những người làm việc, học tập ngoài tỉnh và du khách được vận động tự làm xét nghiệm nhanh, có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trước khi trở về địa phương dịp Tết. Trường hợp có kết quả dương tính phải báo cho cơ sở y tế gần nhất để giải quyết theo quy định.
Tình hình dịch Covid-19 đến 24/1: Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 163 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 23/1 đến 16 giờ ngày 24/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.362 ca mắc mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 14.307 ca ghi nhận trong nước (giảm 627 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 9.534 ca trong cộng đồng).
Chú trọng điều trị các di chứng sau mắc COVID-19
Hà Nội vẫn liên tục là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước với 2.801 ca, phân bố tại 384 xã, phường, thị trấn thuộc 25/30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 114.578 ca.
Trước thực trạng nhu cầu điều trị hậu COVID-19 gia tăng, dự kiến đầu tuần tới, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) sẽ khai trương Phòng khám hậu COVID-19.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Phòng khám này sẽ khám, tầm soát và điều trị các di chứng của bệnh, đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc COVID-19, nhất là những người từng nhiễm bệnh ở mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh.
Cùng với các trạm y tế lưu động, mới đây, mô hình trạm y tế online tại Trạm Y tế phường Trúc Bạch, quận Ba Đình đã hoạt động hiệu quả, giảm tải áp lực cho nhân viên y tế cơ sở, đồng thời giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế trong quá trình điều trị bệnh COVID-19 tại nhà. Đây là trạm y tế online đầu tiên tại Hà Nội.
Trạm y tế online có 5 cán bộ thường trực để kịp thời hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của người dân. Sau một tuần đi vào hoạt động, trạm đã có 1.098 lượt truy cập trang. Ngoài việc giải đáp cụ thể, trực tiếp cho từng cá nhân, trên fanpage của trạm cũng cập nhật các bài viết và video hướng dẫn tập thở, các bài tập, món ăn giúp bệnh nhân nhanh hồi phục sức khỏe…
Bắt đầu từ ngày 24/1, Bệnh viện Đà Nẵng sẽ tổ chức triển khai phòng khám tư vấn và điều trị cho các bệnh nhân đã từng mắc COVID-19.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng Nguyễn Thành Trung cho hay, dịch COVID-19 đã kéo dài sang năm thứ 3, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế, xã hội và sức khỏe của mọi gia đình. Hơn 2/3 bệnh nhân COVID-19 sau khi đã xác định hồi phục, vẫn còn để lại những rối loạn về chức năng và triệu chứng, bệnh lý kéo dài có thể vài tháng thậm chí lâu hơn, đây là Hội chứng hậu COVID-19. Tình trạng này bao gồm rất nhiều triệu chứng khác nhau, ảnh hưởng trên nhiều hệ cơ quan như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, xơ phổi, huyết khối, nhịp tim nhanh, hồi hộp, đau đầu, lo âu, mất ngủ, không tập trung, mất mùi, mất vị giác, đau cơ, khớp, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa…
Bác sĩ Trung cho rằng, Hội chứng hậu COVID-19 thường dễ xảy ra trên các bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi, thừa cân, béo phì, nữ giới mắc bệnh nền kèm theo như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, suy thận mạn, bệnh nhân ghép tạng, bệnh nhân nặng và có nhiều triệu chứng khi mắc COVID-19.
Bệnh viện Đà Nẵng là đơn vị nòng cốt trong điều trị bệnh nhân COVID-19 tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua. Để góp phần chăm sóc toàn diện hơn nữa cho các bệnh nhân đã mắc COVID-19, Bệnh viện sẽ tổ chức phòng khám tư vấn và điều trị các bệnh nhân này, tùy từng triệu chứng mà bệnh nhân mắc sau hậu COVID-19, Bệnh viện sẽ cử những bác sĩ có chuyên môn từng lĩnh vực để tư vấn, điều trị.
Phòng khám cũng thực hiện tầm soát toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
Đa số ca nhiễm Omicron không có triệu chứng
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 163 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại Thành phố Hồ Chí Minh (72 ca), Quảng Nam (27 ca), Hà Nội (14 ca), Khánh Hòa (11 ca), Đà Nẵng (8 ca), Kiên Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa (mỗi địa phương 2 ca), Hải Dương, Hải Phòng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương (mỗi địa phương 1).
Bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố (HCDC) thông tin, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron, chỉ có 7 trong số 88 trường hợp có triệu chứng. Tuy nhiên, triệu chứng ghi nhận đều ở mức nhẹ như sốt, ớn lạnh, đau họng. Tất cả bệnh nhân đều ở trạng thái sức khỏe ổn định, thời gian từ lúc dương tính đến khi âm tính chỉ khoảng 6-7 ngày. Ca Omicron nặng nhất thời gian qua là bà cụ 82 tuổi, nhập cảnh ngày 10/1, có nhiều bệnh lý nền như: ung thư máu giai đoạn cuối, đái tháo đường, đến nay cũng đã ổn định sức khỏe.
Trong bối cảnh hiện nay, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân chú ý tuân thủ 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang thường xuyên khi ở nơi công cộng hoặc công sở để phòng ngừa chủng Omicron cũng như Delta. “Chỉ những người tiếp xúc không 5K mới có nguy cơ mắc bệnh. 5K là giải pháp ứng biến với mọi biến chủng. Omicron có thể ủ bệnh ngắn, dễ lây... nhưng nó không thể xuyên qua khẩu trang và không thể sống sót sau khi chúng ta rửa tay”, ông Châu nhấn mạnh.
Trong ngày 24/1 đã có 36.331 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi lên 1.841.180 ca. Hiện 4.484 trường hợp nặng đang điều trị.
Ngày 24/1 ghi nhận 165 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.884 ca, chiếm 1,7% so với tổng số ca mắc.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất