07/03/2022 20:49 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Tại buổi họp định kỳ về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/3, liên quan đến tỷ lệ số người tái mắc COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không có chỉ tiêu báo cáo với Bộ Y tế về tỷ lệ này.
Về độ trở nặng của người tái mắc COVID-19, thành phố hiện chưa có báo cáo ban đầu. Tuy nhiên, ngành y tế có theo dõi, quan sát số liệu ca mắc COVID-19 chuyển nặng cũng như ca tử vong trên địa bàn trong thời gian qua. Theo đó, số ca chuyển nặng trên địa bàn có dấu hiệu tăng nhẹ sau một thời gian giảm, các ca tử vong vẫn đang giảm sâu.
Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành y tế sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát tốt đối với trường hợp chuyển nặng, tử vong để báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, để giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, Sở Y tế đã có những giải pháp cụ thể để ứng phó tình hình ca mắc mới tăng. Cụ thể, Sở bố trí sắp xếp các cơ sở thu dung điều trị COVID-19 ở các quận, huyện, các khu chế xuất - khu công nghiệp, bệnh viện để có thể kích hoạt lại kịp thời khi cần thiết; mở chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ; xét nghiệm tầm soát để phát hiện người có nguy cơ cao là F0 và có hướng điều trị; thực hiện hạn chế nguy cơ lây lan trẻ em sang nhóm người có nguy cơ; điều chỉnh các hoạt động theo cấp độ dịch COVID-19...
Về tình trạng người dân có tâm lý dự trữ thuốc kháng virus Molnupiravir, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện, Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 công ty dược lớn sản xuất thuốc kháng virus. Năng lực sản xuất thuốc khoảng 2 triệu viên/tháng nên sẽ không thiếu thuốc. Trong thời gian tới, thành phố sẽ có thêm một số công ty dược được cấp phép sản xuất thuốc điều trị COVID-19.
Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, thời hạn sử dụng của thuốc điều trị COVID-19 ngắn hơn một số loại thuốc, nên việc dự trữ không có lợi. Ngoài ra, thuốc kháng virus là thuốc điều trị theo chỉ định của bác sỹ nên người dùng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc. Thành phố sẽ không thiếu thuốc, thậm chí giá thuốc có thể sẽ giảm theo quy luật cung cầu nên người dân không nên tích trữ thuốc kháng virus Molnupiravir.
Về vấn đề có nên xem COVID-19 là "bệnh đặc hữu", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo báo cáo Bộ Y tế gửi Thủ tướng, "bệnh lưu hành" còn được một số chuyên gia gọi là "bệnh đặc hữu", là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định. Khái niệm này hướng đến tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Theo đó, có 4 tiêu chí để đánh giá “bệnh lưu hành” gồm có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể nhiễm trùng và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm hoặc một quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc có tính ổn định và có thể dự báo.
Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 trong tình trạng đại dịch và dự đoán có thể có các biến thể không lường trước được. Tình hình dịch bệnh tại nhiều quốc gia vẫn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.
Bên cạnh đó, tuy tỷ lệ bệnh nặng, tử vong ở trong nước đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, số tử vong ghi nhận hằng ngày hiện nay vẫn ở mức trên dưới 100 ca. Con số này cao hơn số tử vong cao điểm hằng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi - những “bệnh lưu hành” có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Do đó, Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi COVID-19 là "bệnh lưu hành". Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thu Hương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất