02/08/2022 13:48 GMT+7 | Tin tức 24h
Hai ngày nay, tại Thủ đô Hà Nội, nhiều người bày tỏ lòng tiếc thương về ba cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong quá trình chữa cháy quán karaoke tại số 231 phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy.
Các anh đã dũng cảm tham gia chữa cháy, cứu người, thể hiện phẩm chất: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ, tô thắm truyền thống Anh hùng của Công an nhân dân. Sự hy sinh của các anh còn để lại cho chúng ta những bài học về sự đề cao cảnh giác với "giặc lửa", trong mọi lúc, mọi nơi.
Những chiến sỹ ưu tú trong lòng đồng đội
Trung tá Đặng Anh Quân (sinh năm 1977 - Đội trưởng Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy) là một trong ba cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong quá trình chiến đấu với "giặc lửa" xảy ra vào lúc 13 giờ 11 phút ngày 1/8, tại số 231 phố Quan Hoa. Anh Quân mồ côi cha từ nhỏ, nhưng bằng sự tần tảo của người mẹ, cùng sự nỗ lực của bản thân, anh đã trở thành người chiến sỹ Công an nhân dân như hằng mong ước. Tâm huyết với công việc của mình, anh đã hăng say học tập, tu dưỡng để được đề bạt lên chức Đội trưởng với niềm tự hào của gia đình.
Chùa Láng, vốn là con phố nhỏ chỉ vừa hai xe máy tránh nhau, chiều và đêm 1/8 trở nên chật chội hơn ngày thường khi bà con khu phố hay tin đến nhà hỏi thăm, chia buồn cùng gia đình Trung tá Đặng Anh Quân mỗi lúc một đông. Ai cũng bày tỏ tiếc thương về một người hiền lành, gần gũi.
Ông Đặng Văn Thư hàng xóm nghẹn ngào nói: "Quân hay giúp đỡ bà con lối xóm. Còn với gia đình, anh là một người con hiền lành, quý trọng và thương mẹ vô cùng. Ngày nghỉ, anh Quân thường ở nhà phụ giúp, đỡ đần mẹ bán thêm hàng nước".
Trước khi hy sinh, Trung úy Đỗ Đức Việt cùng các đồng đội thực hiện nhiệm vụ trinh sát đám cháy. Việt cùng hai đồng đội khác đã hướng dẫn 8 người bị nạn thoát ra ngoài an toàn. Tiếp tục nhiệm vụ, Việt và đồng đội quay lên các tầng trên bên trong nhà với hy vọng tìm kiếm thêm nạn nhân khác còn mắc kẹt. Khi ba người lên tới tầng 4, các vật liệu làm trần giả, vật liệu trang trí bên trong nhà sập xuống cầu thang bộ. Ba cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Bên hành lang Nhà tang lễ của Bệnh viện 19/8, người thân bày tỏ nỗi đau vô bờ bến khi mất đi người thân là Trung úy Đỗ Đức Việt. Trong mắt của đồng đội, bạn bè và gia đình, anh là một chàng trai mạnh mẽ, học giỏi khi từng thi đỗ vào Đại học Phòng cháy, chữa cháy. Dù làm việc trong môi trường lực lượng vũ trang nguyên tắc nhưng Việt lại rất giàu tình cảm, cứ mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ trở về nhà, chàng Trung úy lại xắn tay phụ giúp mẹ những công việc trong gia đình. Năm nay, Việt mới tròn 24 tuổi, chưa kịp lập gia đình. Nhưng trái tim tràng chai trẻ đã ngừng đập, bất chấp hy sinh lao vào biển lửa để lại sự sống cho nhiều người.
Trong nỗi đau khôn xiết, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhận đón nhận những lời chia sẻ, động viên của lãnh đạo Công an thành phố và người thân về sự hy sinh quả cảm của con trai mình là binh nhất Nguyễn Đình Phúc trong đám cháy xảy ra vào chiều 1/8 tại phố Quan Hoa.
Tô thắm thêm truyền thống Công an anh hùng
Trên mạng xã hội hai hôm nay, nhiều người dân, đặc biệt là những người trẻ đã bày tỏ sự cảm phục về tinh thần quả cảm, sự hy sinh anh dũng của ba cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân.
"...Nghề này bất cứ lúc nào cũng có thể nghe tiếng còi báo động. Bất cứ lúc nào cũng có thể lao vào hiểm nguy... Một trong những nghề phải gọi là cao quý và đáng được thán phục nhất" Hay: "Anh hùng nước tôi lạ lắm. Tuy không có áo choàng, nhưng vẫn cứu người từ trong biển lửa. Khi đã cứu được người rồi, vẫn không thể cứu được chính mình. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng và tấm lòng quả cảm của các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy"... Và "Chiến tranh đã qua đi, cuộc chiến không tiếng súng hàng ngày vẫn diễn ra. Những hy sinh thầm lặng cho quê hương, đất nước yên bình, mất mát không gì bù đắp, xin được kính cẩn nghiêng mình và chia buồn cùng gia đình các anh!"...
Đọc những thông tin và hình ảnh trên báo chí, anh Nguyễn Phúc Lĩnh (quận Cầu Giấy) nghẹn ngào cho biết, chắc chắn vào những giây phút đó, các cán bộ, chiến sỹ chỉ biết cứu người mà không màng hiểm nguy. Đây không đơn thuần là thực hiện nhiệm vụ được giao mà chính là lòng yêu nước, niềm tự hào của người chiến sỹ Công an nhân dân Việt Nam.
Em Trần Nguyễn Thu Trang (quận Long Biên) chia sẻ: "Các bạn trẻ của tôi, xin hãy sống tử tế, cống hiến hết mình để xứng đáng với sự bình yên mà các bạn đang được hưởng. Hãy bắt đầu từ những việc giản đơn, nhỏ bé".
Từ thời chiến đến thời bình, người chiến sỹ Công an nhân dân luôn chấp nhận gian khổ, hy sinh, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân mà không một chút đắn đo, chần chừ. Sự hy sinh cao cả của các anh đã tô thắm thêm truyền thống Anh hùng, xây đắp nên tượng đài "Vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân" và cả những tượng đài vĩnh cửu trong lòng người dân. Lý tưởng sống quả cảm, anh dũng của các anh sẽ được các thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp nối mãi mãi.
Để sự ra đi của các anh không phải là vô nghĩa, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân, doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thường xuyên tự kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Mỗi cá nhân, hộ gia đình cần chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn cho bản thân và người trong gia đình; chuẩn bị sẵn thang, thang dây và dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, kìm cộng lực… để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra. Người dân không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.
Người dân nên lắp đặt các thiết bị bảo vệ (cầu chì, aptomat…), thường xuyên kiểm tra hệ thống điện và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn; tắt thiết bị tiêu thụ điện khi không cần thiết, khi ra khỏi nhà, phòng làm việc; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt khi đun nấu, thắp hương thờ cúng. Đặc biệt, không tích trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở; trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng, chống ngạt khói.
Người dân nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh. Khi xảy cháy, người dân cần bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả mọi người mau chóng di chuyển ra ngoài; tổ chức chữa cháy, cứu người, cứu tài sản đồng thời gọi điện báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Mạnh Khánh - Nguyễn Cúc/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất