15/05/2013 06:24 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tuần này, tổ chức Lương Nông Liệp Hợp Quốc (FAO) đã gây chú ý khi công bố báo cáo vạch ra chiến lược mới chống lại nạn đói, tăng cường dinh dưỡng trong các bữa ăn và giảm ô nhiễm môi trường. Tất cả những mục tiêu to tá́t này được FAO đánh giá có thể đạt được chỉ nhờ một công cụ mà ít người để ý: côn trùng.
Hôm 13/5, FAO đã ca ngợi châu chấu, kiến và các loại côn trùng
khác là nguồn thức ăn chưa được con người tận dụng.
Côn trùng được FAO xem là công cụ hiệu quả chống suy dinh dưỡng và ô nhiễm môi trường
Nguồn thức ăn bổ dưỡng
Bản báo cáo dài 200 trang, được công bố trong một cuộc họp báo tại trụ sở của FAO ở Rome, Italia, nói rằng mới chỉ có 2 tỷ người trên thế giới tăng dưỡng chất cho bữa ăn của họ bằng côn trùng, vốn rất giàu protein và chất khoáng.
Những người ăn côn trùng cũng chỉ tập trung tại một số khu vực như châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Bọ hung và châu chấu là hai loài côn trùng được ăn nhiều nhất trong danh sách 1.900 loài côn trùng mà con người tiêu thụ. Các loài côn trùng khác được ưa chuộng gồm có ong, kiến, châu chấu voi và dế mèn. Mối và ruồi là hai loại côn trùng ít được ăn hơn cả.
Nếu ai đó nghĩ rằng ăn côn trùng chẳng bổ béo gì, họ nên nghĩ lại. Các nhà khoa học thấy rằng kiến đỏ, châu chấu nhỏ và một số loại bọ cánh cứng có lượng protein/gram sánh ngang với thịt bò nạc đỏ và còn có ít chất béo hơn. Cụ thể, sâu bướm có lượng protein là 28,9 gram/100gram, châu chấu là 20,6 gram, bọ hung là 17,2. Ở thịt bò nạc loại ngon, tỷ lệ này chỉ là 27,4 gram/100 gram.
Ngoài ra, côn trùng ăn được còn chứa nhiều khoáng chất quan trọng. Chúng rất giàu đồng, sắt magiê, mangan, phốt pho, selenium và thiếc, bên cạnh việc cung cấp nguồn chất xơ dồi dào.
Nuôi côn trùng theo mô hình nông trại là "một trong nhiều cách để giải quyết vấn đề an ninh lương thực" (Báo cáo của FAO)
Vô số lợi ích
FAO đánh giá côn trùng mang lại vô số lợi ích. Đây là dạng thức ăn rất tiết kiệm chi phí. Trung bình, con người chỉ cần 2,2kg thức ăn nuôi côn trùng để thu được 1kg côn trùng ăn được. Trong khi đó, gia súc cần tới 8kg thức ăn, chỉ để cho ra 1kg thịt.
Phần lớn côn trùng tạo ra rất ít khí thải nhà kính. Chúng còn ăn thức ăn thừa, phân người và phân động vật, qua đó mang lại lợi ích cho hoạt động nông nghiệp. Hãng tin BBC cho biết một dự án trị giá 4 triệu USD do Liên minh châu Âu tài trợ hiện đang tiến hành nghiên cứu và thấy rằng một số lượng đủ lớn các con ruồi có thể giúp xử lý lượng không nhỏ phân động vật và còn giúp tạo ra thức ăn cho các con vật như gà. Hiện nay nông dân chỉ có thể dùng phân làm phân bón và nhiều người sẵn sàng trả một khoản tiền hậu hĩnh nếu ai đó dọn giùm phân cho họ.
Nếu ai đó kinh sợ khi nghĩ tới việc phải đưa côn trùng vào miệng, họ có thể đã tiêu thụ chúng mà không biết (và đây không phải là trò đùa kiểu có con ruồi bay vào bát phở của tôi). Nhu cầu sử dụng phẩm màu tự nhiên đã khiến người ta sử dụng nhiều côn trùng làm nguyên liệu. Ví dụ như một loại phẩm ăn màu đỏ xuất khẩu từ Peru đã được làm từ con bọ cánh cứng cochineal. Nhiều công ty dược cũng sử dụng màu từ côn trùng để nhuộm màu thuốc.
Côn trùng ăn được là các cỗ máy in tiền ít người biết. Ở châu Phi, 4 chai nhựa vốn đựng nước, nếu chứa đầy châu chấu có thể giúp chủ nhân của nó bỏ túi tới 20 USD. Một số loài châu chấu ở châu Phi và trứng kiến ở Đông Nam Á được xem là đặc sản nên có giá rất cao.
Côn trùng bày bán trong một khu chợ ở Thái Lan
Công cụ chống suy dinh dưỡng
Hiện nay, phần lớn côn trùng ăn được đều được bắt ở trong rừng. Hoạt động nuôi côn trùng chỉ diễn ra trong quy mô gia đình và phục vụ các khu chợ tại địa phương.
Nhưng FAO nói rằng việc thương mại hóa hoạt động nuôi côn trùng có thể làm tăng sản lượng. Ví dụ như ngành công nghiệp sản xuất mồi câu cá lâu nay đã nuôi côn trùng với quy mô công nghiệp. Nuôi côn trùng theo mô hình nông trại là "một trong nhiều cách để giải quyết vấn đề an ninh lương thực" - FAO nói - "Côn trùng có ở khắp nơi và chúng tái sinh sản rất nhanh".
Nhưng điều quan trọng, theo FAO, là côn trùng có thể giúp chống lại nạn suy dinh dưỡng trên toàn cầu, bởi chúng có tỷ lệ protein và dưỡng chất chất lượng cao tương đương với thịt và cá. Chúng có thể đóng vai trò nguồn cung cấp dưỡng chất đặc biệt quan trọng cho trẻ suy dinh dưỡng ở những khu vực nghèo khổ nhất của thế giới.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất