31/03/2012 11:08 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Dự kiến vào cuối năm 2012 này, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ được đệ trình lên UNESCO với hi vọng nhận về danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể. Đặt trong cuộc chạy đua cùng hàng loạt quốc gia khác, đâu là thế mạnh của chúng ta ở bộ hồ sơ này?
Việc nghiên cứu và xây dựng hồ sơ về Tín ngưỡng thờ Hùng Vương đã được tỉnh Phú Thọ và Viện Văn hóa Nghệ thuật VN xây dựng cách đây 3 năm. Cùng với nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế, hồ sơ được xây dựng dựa trên tư liệu sưu tầm và thực địa từ gần 250 di tích cũng như địa điểm thờ Hùng Vương trên toàn quốc. Bởi, với việc hầu hết các địa phương trên cả nước đều lập đền “thờ vọng” vua Hùng, phạm vi ảnh hưởng của tín ngưỡng này không hề chỉ bó hẹp quanh khu vực Đền Hùng (Phú Thọ) như nhiều người lầm tưởng.
Kho tàng sáng tạo khổng lồ của cộng đồng Việt.
Như phân tích của giới chuyên môn, Đền Hùng không phải là gốc của một tôn giáo, các Vua Hùng không phải là giáo chủ, người Việt thờ cúng Hùng Vương không có học thuyết và cũng không có giáo hội truyền bá. Vậy nhưng, từ hàng trăm năm nay, người Việt vẫn hành hương đều đặn về đền Hùng vào dịp Giỗ tổ 10/3 âm lịch, cộng cùng đó là hơn 1.400 đền thờ vua Hùng trên cả nước và nước ngoài.
“Việc sáng tạo hệ thống huyền thoại về ông Tổ của quốc gia có thể coi đạt tới tầm kiệt tác của Nhân loại “- PGS Nguyễn Chí Bền (Viện trưởng Viện VHNT VN) nhận xét. Thực tế cho thấy, không nhiều quốc gia có mô hình tín ngưỡng thờ chung một Quốc Tổ như Việt Nam. Một số trường hợp tương tự đều có sự khác biệt khá lớn: người Trung Quốc thờ Quan Vũ và Khổng Tử nhưng không coi 2 nhân vật này là Quốc tổ, còn Nhật Bản và Hàn Quốc tuy thờ các triều đại Thần Vũ Thiên Hoàng và Joseun nhưng lại chỉ bó hẹp tại một địa phương nhất định và tự giới hạn trong phạm vi hoàng tộc mình.
Cơ hội trở thành Di sản thế giới
Ngược lại, tín ngưỡng thờ Hùng Vương mặc định được coi là của cộng đồng nhân dân Việt Nam ngay từ rất sớm trong dân gian. Thậm chí riêng với người dân làng Trẹo (huyện Lâm Thao), các vua Hùng từ hàng trăm năm qua đã được tôn vinh làm Thành hoàng làng và đều đặn hàng năm được... rước từ đền trên núi Nghĩa Lĩnh về làng ăn Tết. Như nhận xét của PGS Bền, sáng tạo tín ngưỡng độc đáo của Việt Nam nằm ở việc “ Hùng Vương vừa là vị thủy tổ, vừa là thánh vương, vừa là người chăm lo cuộc sống cho dân, vừa thiên liêng lại gần gũi, có mặt với cộng đồng ở mọi tình huống của cuộc đời”
Cần nói thêm, gắn liền với huyền thoại về 18 đời vua Hùng là một kho tàng khổng lồ những di sản văn hóa khác nhau, từ truyền thuyết tới lễ hội, từ ẩm thực tới nghi lễ và trò chơi... Điển hình, bên cạnh hệ thống đình, đền miếu được xây dựng tại đền Hùng (gắn kèm với đó là những truyền thuyết về nơi Hùng Vương dạy dân đi săn, cấy lúa hay... nơi công chúa con vua đi lấy chồng), những người lập hồ sơ đã thống kê được hàng loạt lễ hội liên quan như lễ hội cúng 100 con gà sống của xã Phù Ninh, lễ hội Trò Trám của xã Tứ Xã, lễ hội giã bánh dày, nấu bánh chưng ở xã Kim Đức, lễ hội kén chồng cho công chúa Ngọc Hoa tại xã Chính Nghĩa...Có nghĩa, sự sáng tạo và tham gia của cộng đồng - một trong những tiêu chí quan trọng mà UNESCO đưa ra để xét danh hiệu DSVHPVT- là thế mạnh lớn của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương .
Biểu tượng tâm linh trường tồn theo thời gian
Manh nha hình thành từ rất sớm trong dân gian, các triều đại vua Hùng chính thức được tôn vinh từ thời vua Lê Thánh Tông (năm 1470) với việc lập Ngọc phả Hùng Vương, coi vua Hùng là thủy tổ của dân tộc. (Cá biệt, một số nhà nghiên cứu còn cho rằng đã tồn tại một Ngọc phả Hùng Vương khác được soạn năm 986 thời Lê Đại Hành). Tiếp đó, theo GS Lê Văn Lan, từ điểm thực hành tín ngưỡng đầu tiên là núi Cả (Phú Thọ), tín ngưỡng thờ Hùng Vương có sự phát triển “ từ làng đến nước” và mở rộng tới khắp mọi miền dưới sự quan tâm của các triều đình Lê- Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn. Lý do đơn giản: biểu tượng Hùng Vương được coi là nền móng xây dựng ý thức hệ dân tộc, tạo sức mạnh tinh thần quốc gia cho bất cứ thời đại nào.
Thậm chí, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Hùng Vương cũng gắn bó với tất cả những trào lưu yêu nước trong thế kỷ XX. Cụ thể, vào đêm trước Cách mạng tháng Tám, các tổ chức trí thức yêu nước như Tổng hội sinh viên Việt Nam, Hội truyền bá Quốc ngữ, Phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam... cũng tập hợp lực lượng bằng một cuộc hành lễ Giỗ tổ Hùng Vương dưới hình thức (thờ vọng) tại khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội bây giờ. Hoặc , ngay sau CMT8, quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng dẫn đoàn đại biểu Chính phủ lên đền Hùng dự lễ và dâng lên bàn thờ tổ tiên tấm bản đồ Việt Nam và một thanh kiếm để thể hiện ý chí quyết tâm giữ vững nền độc lập. Rồi , trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức nhiều cuộc hội thảo và khai quật khảo cổ tại khu vực đền Hùng thì chính quyền miền Nam cũ cũng tiếp tục duy trì hình thức “thờ vọng” tới Quốc tổ tại các tỉnh miền trong...
Sự tồn tại xuyên suốt theo dòng thời gian, cộng cùng những sáng tạo độc đáo từ cộng đồng, là những tiêu chí phù hợp với yêu cầu của UNESCO và cũng là lý do để giới chuyên môn đặt niềm tin vào sự thành công của một di sản văn hóa có đối tượng thực hành khổng lồ: hơn 80 triệu người Việt Nam trong và ngoài nước
Minh Châu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất