Chuyện những chiếc loa đẩy hai miền Triều Tiên tới miệng vực chiến tranh

22/08/2015 05:41 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhiều năm tương đối im ắng, khu vực biên giới được quân sự hóa cao độ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên đã rơi vào tình trạng báo động đỏ. Nguyên nhân cũng chỉ vì những chiếc loa đặc biệt.

Trong ngày 21/8, Triều Tiên nói rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã yêu cầu các đơn vị quân đội sẵn sàng tấn công những chiếc loa nằm gần biên giới mà Hàn Quốc đã dùng trong mấy ngày gần đây để phát thông điệp tuyên truyền.

Ngừng phát thanh hoặc sẽ bị tấn công

Ông Kim ra hạn chót cho Hàn Quốc tới hạn chót là 5h chiều ngày 22/8 (giờ địa phương) phải dừng các cuộc phát thanh. Những lời đe dọa mạnh mẽ, "lên gân lên cốt" không phải là điều hiếm hoi. Nhưng một ngày sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên nã pháo, rocket về phía nhau tại khu vực biên giới trên bộ, không ai có thể xem nhẹ những lời đe dọa này.

Cũng trong ngày 21/8, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã vận quân phục và tới thăm Quân đoàn 3 đóng ở phía Nam Seoul. Bà yêu cầu quân đội cần "đáp trả dứt khoát" với bất kỳ hành vi gây hấn nào do bên kia thực hiện.


Binh lính Hàn Quốc lắp đặt hệ thống loa tuyên truyền ở khu vực biên giới với Triều Tiên

Chính quyền của bà cũng khẳng định sẽ không ngừng các hoạt động phát loa tuyên truyền, đã bị Triều Tiên xem là bôi nhọ phẩm giá lãnh đạo nước này, do có chứa thông điệp chống lại chính quyền Bình Nhưỡng.

Cheong Seong-chang, một nhà phân tích tới từ Viện Sejong ở Hàn Quốc và đã có thời gian dài nghiên cứu về Triều Tiên, nói rằng những lời đe dọa liên quan tới loa tuyên truyền đã phản ánh sự lo lắng từ giới lãnh đạo cấp cao ở Bình Nhưỡng.

Có thể giới chức Triều tiên lo sợ loa tuyên truyền sẽ làm suy giảm tinh thần binh lính gần biên giới. "Do Triều Tiên phát đi các dấu hiệu lo lắng và khủng hoảng liên quan tới những chiếc loa, rất có khả năng họ sẽ gây hấn quân sự trước, nếu việc phát sóng vẫn diễn ra" - ông Cheong nói.

Không chỉ tuyên truyền bằng loa

Các loa tuyên truyền của Hàn Quốc, thường được đặt trên những ngọn đồi, đã liên tục phát thanh nhằm vào binh lính Triều Tiên ở Khu vực phi quân sự (DMZ) và các ngôi làng gần đó. Nội dung các buổi phát sóng khá đa dạng, từ nhạc pop Hàn Quốc cho tới các bản tin mà người dân Triều Tiên thường không được nghe.

Trong các bản tin này có kèm những thông tin khó chấp nhận với phía Triều Tiên, như chuyện có quan chức nào đó bị chính quyền Bình Nhưỡng xử tử.

Chiến thuật dùng loa tuyên truyền thực tế không mới mà đã có từ thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng Hàn Quốc đã không sử dụng chiến thuật này từ năm 2004, khi quan hệ đôi bên trở nên nồng ấm.

Tới ngày 10/8 năm nay, Hàn Quốc mới đưa vào sử dụng trở lại 11 hệ thống loa tuyên truyền cực mạnh nằm dọc theo biên giới, chỉ 2 ngày sau khi một số người lính tuần tra biên giới của nước này bị thương do đạp trúng mìn gần chốt kiểm soát của họ ở DMZ. Hàn Quốc đổ lỗi cho Triều Tiên, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc.


Ngoài phát loa, phía Hàn Quốc còn thả truyền đơn chống Triều Tiên

Trước năm 2004, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều dùng rất nhiều loa mạnh để phát thông điệp tuyên truyền nhằm vào nhau. Cả ngày lẫn đêm, âm nhạc trữ tình kèm giọng đọc êm dịu của các nữ phát thanh viên đều đều vang lên dọc theo biên giới, khuyến khích binh lính bên này đào tẩu sang bên kia.

Và hoạt động tuyên truyền đã vượt quá khuôn khổ của những chiếc loa. Triều Tiên đã cắm những tấm pano quảng cáo rất lớn trên các ngọn đồi, hướng về phía Nam, trên có thông điệp kêu gọi người Hàn Quốc tới với "thiên đường".

Về phần mình, Hàn Quốc chế tạo các bảng tin điện tử khổng lồ, thường xuyên cập nhật tin tức cho binh lính Triều Tiên, như thông tin về khoảng cách GDP trên đầu người giữa hai quốc gia. Cả hai cũng thả rất nhiều quả bóng bay lớn chứa đầy truyền đơn sang phía bên kia biên giới.

Họ còn dùng sóng vô tuyến để phát thông điệp tuyên truyền nhằm vào đối phương.

Giới chuyên gia đánh giá việc Hàn Quốc khôi phục chiến thuật dùng loa tuyên truyền có khả năng đe dọa lớn tới chính quyền Triều Tiên, trong bối cảnh người dân đang ngày càng dễ dàng tiếp xúc với tin tức bên ngoài hơn.

Ví dụ, với việc nhiều trung tâm thương mại "chợ đen" mọc lên dọc theo biên giới với Trung Quốc, một cơn lũ thẻ nhớ chứa phim truyền hình và âm nhạc Hàn Quốc đã đổ vào Triều Tiên, khiến các sản phẩm này dần trở nên phổ biến và được ưa chuộng.

 Một số người đào tẩu khỏi Triều Tiên sau này có khai rằng họ đã nghĩ tới việc chạy trốn sau khi nghe các buổi phát thanh tuyên truyền.

"Chiến tranh tuyên truyền"

Năm 2010, cuộc "ngừng bắn" trên mặt trận tuyên truyền có dấu hiệu lung lay, sau khi 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng trong vụ tàu chiến Cheonan bất ngờ phát nổ và gãy làm đôi. Hàn Quốc cáo buộc tàu ngầm Triều Tiên đã bắn ngư lôi vào con tàu, điều mà Bình Nhưỡng bác bỏ.

Sau đó, Hàn Quốc khôi phục việc phát loa tuyên truyền, đồng thời còn gửi truyền đơn xuyên biên giới.

Giới chức Hàn Quốc không hé lộ chi tiết về việc hệ thống loa tuyên truyền của họ đã phát những nội dung gì. Nhưng Hàn Quốc có nói thông điệp tuyên truyền có thể phát sâu vào phía sau biên giới với Triều Tiên tới 18 km.

Triều Tiên cũng đã bật một số hệ thống loa của nước này để phản ứng. Song giới chức Hàn Quốc nói rằng các loa này đã cũ kỹ nên các thông điệp tuyên truyền rất khó nghe thấy ở Hàn Quốc.

Tường Linh (Theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm