18/09/2020 13:19 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Bão số 5 theo dự báo khoảng 8-10 giờ trưa ngày 18/9 hoặc đầu giờ chiều 18/9, bão sẽ đổ bộ vào các tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Khánh Hoà. Còn tại phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Thethaovanhoa.vn cập nhật liên tục các thông tin liên quan.
liên tục cập nhật
Bão số 5 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Lúc 10 giờ ngày 18/9, bão số 5 đã đi vào đất liền các tỉnh Quảng Bình-Thừa Thiên Huế và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão số 5, ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; ở đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Ở các tỉnh Trung Bộ đã có mưa rất to, lượng mưa 100-300mm.
Hồi 10 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông trên đất liền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ, đảo Lý Sơn) trong chiều nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo mưa lớn: Trong chiều và đêm nay, ở khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, có nơi trên 150mm. Từ đêm nay đến ngày 20/9, ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trong trưa và chiều nay, trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trên đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, có gió giật cấp 6-7.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong đêm nay và ngày mai (19/9), ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3m; biển động.
Thừa Thiên – Huế: Bão số 5 làm một người chết, nhiều người bị thương và hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, bão số 5 đã đi qua địa bàn tỉnh trong sáng 18/9 với sức gió giật cấp 11 tại thành phố Huế. Thống kê ban đầu, bão số 5 đã làm một người chết, nhiều người bị thương và hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái.
Theo đó, vùng thiệt hại nặng tập trung tại các huyện ven biển Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế. Bão đã làm một người chết ở xã Phong Thu, huyện Phong Điền do bị cây xanh gãy đổ đè vào; 23 người bị thương; 1.664 nhà bị tốc mái. Bên cạnh đó, bão số 5 gây gió giật mạnh làm nhiều cây xanh ở thành phố Huế, các huyện, thị xã trong tỉnh bị đổ ngã, nhiều nhà xưởng, kho hàng, pano, áp phích, bảng hiệu bị hư hỏng; nhiều cột trụ điện bị gãy đổ, đường dây bị đứt, hệ thống các trạm biến áp bị hư hỏng. Khi bão đổ bộ vào, Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ngắt điện lưới toàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, các địa phương trong tỉnh đang huy động tối đa lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của cơn bão, đặc biệt lợp lại những mái nhà bị gió tốc; đóng điện trở lại tại những khu vực đã đảm bảo an toàn. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương cần lưu ý tới hoàn lưu sau bão có thể gây mưa lớn trong những ngày tới.
Trưa 18/9, trên đất liền của tỉnh Thừa Thiên – Huế có mưa vừa, mưa to; gió giảm dần xuống cấp 3. Vùng biển có mưa rào và dông vài nơi, gió cấp 5, giật cấp 6-7, sau giảm xuống cấp 5, sóng biển cao từ 2- 4m, sau giảm xuống 1-2m.
Bão số 5 đổ bộ vào đất liền, một số địa phương đã ghi nhận thiệt hại
Sáng 18/9, bão số 5 đã đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên - Huế gây mưa lớn, gió giật và sấm sét. Gió bão đã làm quật đổ nhiều cây xanh, gây ách tắc giao thông cục bộ tại thành phố Huế.
Bão số 5 bắt đầu gây gió giật mạnh vào khoảng 8 giờ 30 phút và kéo dài đến hơn 9 giờ. Tại thành phố Huế, người dân có thể cảm nhận rõ sức gió lớn của cơn bão đầu tiên đổ vào đất liền trong năm nay. Nhiều người dân điều khiển phương tiện xe máy đi trên đường đã bị gió thổi ngã. Trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế, đặc biệt đường Hà Nội, đường Bến Nghé, gió lớn đã làm gãy đổ hàng chục số cây xanh cổ thụ gây tắc đường cục bộ, tốc mái tôn, biển hiệu, làm đổ cổng của một số cơ quan, gãy đổ trụ điện, nhiều dây điện thoại giăng mắc ngoài đường. Lực lượng Cảnh sát Giao thông và Công ty cây xanh đã khẩn trương có mặt tại hiện trường để cưa những cây đổ, đảm bảo an toàn giao thông. Do nắm rõ thông tin bão số 5 sẽ đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế trong ngày 18/9, người dân được khuyến cáo ở nhà, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết. Nhiều cửa hàng buôn bán đã đóng cửa.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại thành phố Huế, sáng 18/9 trong khoảng hơn 30 phút, sức gió ghi nhận giật cấp 10. Khu vực ven biển ghi nhận gió giật cấp 7, cấp 8. Trong rạng sáng 18/9, địa bàn tỉnh có mưa lớn, cao nhất trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông với lượng mưa đo được trên 204mm. Đến 22 giờ ngày 17/9, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã vào neo đậu an toàn. Đồng thời, tỉnh đã sơ tán tại chỗ hoặc sơ tán tập trung khoảng hơn 28.100 hộ dân với trên 106.600 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão số 5.
* Sáng 18/9, ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: Do ảnh hưởng của bão số 5, vào khoảng 5 giờ ngày 18/9, một trận lốc xoáy quét qua địa bàn đã khiến hàng chục nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.
Theo đó, trận lốc xoáy có sức gió mạnh kèm theo mưa lớn kéo dài khoảng gần 30 phút đã làm khoảng hơn 60 nhà dân bị tốc mái; nhiều diện tích hoa màu, cây trồng, hệ thống tường rào bị đổ gãy, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Ngay sau trận lốc xoáy, chính quyền huyện Nghi Xuân đã huy động lực lượng Công an, Quân đội cùng nhân dân xã Cương Gián đến hỗ trợ các gia đình có thiệt hại thu dọn, sắp xếp chỗ ở và khắc phục lại những ngôi nhà bị hư hỏng, đảm bảo an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ.
Do ảnh hưởng rìa phía Bắc hoàn lưu cơn bão số 5, thời tiết khu vực Hà Tĩnh ngày và đêm 18/9 có mưa to, có nơi mưa rất to và dông, vùng ven biển có gió mạnh cấp 6, cấp 7, khu vực phía Nam tỉnh cấp 7 - 8, giật cấp 9. Nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và khu vực đô thị.
Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương triển khai công tác phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại ảnh hưởng do bão gây ra.
Tin bão mới nhất cơn bão số 5
Do ảnh hưởng của bão số 5, ở đảo Lý Sơn đã quan trắc được gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, đảo Cồn Cỏ có gió mạnh 6, đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong chiều và đêm qua 17/9, ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa rất to, lượng mưa 80-200mm.
Hồi 04 giờ ngày 18/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam với sức gió mạnh nhất cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc đến vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.
Do ảnh hưởng của bão số 5, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ, đảo Lý Sơn) có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động dữ dội. Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, riêng phía Nam Vịnh có nơi cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có khả năng sóng cao từ 3-5m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của bão số 5 nên trong ngày và đêm nay (18/9), ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt. Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11. Trên đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên từ nay đến ngày 19/9 ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh.
Ứng phó với diễn biến bão số 5
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 5 diễn ra sáng 18/9 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão và mưa lũ để kịp thời cảnh báo, triển khai các phương án ứng phó.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, di dời người dân tại những nhà ở không đảm bảo an toàn, trên lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và tại những khu vực thấp trũng ven sông, ven biển đồng thời tăng cường kiểm tra đảm bảo an ninh trật tự đối với việc di dời dân tại nơi đi và đến; bố trí lực lượng, sẵn sàng điều tiết, vận hành, khắc phục sự cố hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du, kịp thời xử lý mọi tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các bộ, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú, tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền khi bão đổ bộ; đảm bảo an toàn giao thông, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc. Đối với các hồ chứa, Ban Chỉ đạo lưu ý 58 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; 49 vị trí đê điều xung yếu khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế; 16 công trình đê điều đang thi công trên các tuyến đê biển, đê cửa sông.
Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, đến trưa 18/9, bão đi vào đất liền khu vực Trung Bộ, hiện bão đang đạt cường độ cấp 9-10, khi đổ bộ vào đất liền bão có khả năng suy yếu thêm 1 cấp. Trưa 18/9, bão sẽ đi vào các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Quảng Nam với cường độ cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9.
Từ ngày 18-20/9, các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3-8m, hạ lưu từ 2-5 m. Hệ thống sông Hồng - Thái Bình và các sông ở Thanh Hóa, Gia Lai, Kom Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2-4 m, hạ lưu từ 1-2m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ sông Chảy, sông Thao và thượng lưu các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kom Tum, Gia Lai có khả năng lên mức báo động 1 và trên báo động 1, hạ lưu dưới mức báo động 1. Các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên - Huế có khả năng ở mức báo động 1- báo động 2, có nơi trên báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh: Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, các tỉnh từ, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Kom Tum và Gia Lai. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các cùng trũng, thấp ven sông, khu đô thị các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Nam.
Thông tin từ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 18/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.345 tàu/ 285.384 người (trong đó neo đậu tại các bến 52.417 tàu/241.779 người, hoạt động khu vực khác 5.928 tàu/43.605 người). Không còn tàu nào hoạt động tại khu vực nguy hiểm của bão.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có lệnh cấm biển, trong đó: Thừa Thiên - Huế (từ ngày 16/9); Quảng Trị (từ 7 giờ ngày 17/9); thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi (từ 13 giờ ngày 17/9); Quảng Bình (từ 12 giờ ngày 17/9); Hà Tĩnh (từ 15 giờ ngày 17/9). Các lồng bè trong khu vực ảnh hưởng của bão đã di chuyển về nơi an toàn. Nhiều nơi chủ động thu hoạch thủy, hải sản sớm để giảm thiệt hại.
Ông Tăng Quốc Chính, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, kế hoạch sơ tán dân tại 6 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi là 158.142 hộ/642.359 người, cụ thể: Quảng Bình 20.290 hộ/76.069 người; Quảng Trị 23.522 hộ/94.089 người; Thừa Thiên-Huế 28.128 hộ/106.612 người; thành phố Đà Nẵng 35.229 hộ/140.868 người; Quảng Nam: 25.840 hộ/129.194 người; Quảng Ngãi 25.915 hộ/95.527 người.
4 tỉnh, thành phố đã cho học sinh nghỉ học gồm: Quảng Bình học sinh nghỉ học từ chiều 17/9; thành phố Đà Nẵng học sinh nghỉ học hai ngày (18-19/9); các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế học sinh nghỉ học từ ngày 18/9.
Trước đó, ngày 17/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đoàn công tác do Bộ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đến chỉ đạo và làm việc với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình chỉ đạo công tác ứng phó với bão.
Đặc biệt, Việt Nam đã có Công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị tạo thuận lợi cho ngư dân, tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp gặp sự cố do bão.
Gió mùa Đông Bắc
Đêm qua 17/9, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Dự báo trong sáng nay 18/9, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hội tụ gió trên mực 1500 mét nên trong sáng nay 18/9, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày hôm nay, ở Bắc Bộ trời chuyển mát.
Gió đông bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4; do ảnh hưởng kết hợp rìa phía Bắc hoàn lưu cơn bão số 5 nên ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, riêng phía Nam Vịnh có nơi cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.
Khu vực Hà Nội: Sáng nay 18/9 có lúc có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày hôm nay, trời chuyển mát. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Gió mùa Đông Bắc
Đêm qua 17/9, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Dự báo trong sáng nay 18/9, không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hội tụ gió trên mực 1500 mét nên trong sáng nay 18/9, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày hôm nay, ở Bắc Bộ trời chuyển mát.
Gió đông bắc trong đất liền cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3-4; do ảnh hưởng kết hợp rìa phía Bắc hoàn lưu cơn bão số 5 nên ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, riêng phía Nam Vịnh có nơi cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh.
Khu vực Hà Nội: Sáng nay 18/9 có lúc có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Từ ngày hôm nay, trời chuyển mát. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.
Mưa lớn, dông gió giật mạnh ở Tây Nguyên, Nam Bộ
Hiện nay 18/9, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 15-17 độ Vĩ Bắc nối với cơn bão số 5 trên khu vực giữa Biển Đông.
Dự báo: Do ảnh hưởng của bão số 5 nên trong ngày và đêm nay các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/đợt.
Từ 18-20/9 ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt. Ở Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông lượng mưa phổ biến 15-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của áp cao lục địa tăng cường từ phía Bắc nên trong sáng nay 18/9, ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to lượng mưa phổ biến 10-20mm/12h, có nơi trên 40mm/12h. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Khu vực Hà Nội: Sáng nay 18/9, có lúc có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Từ chiều tối ngày 18 đến ngày 20/9, có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100-150mm/đợt. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Dự báo thời tiết các khu vực ngày và đêm 18/9
Phía Tây Bắc Bộ có mây, sáng có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; sau có mưa rào và dông vài nơi. Gió nhẹ. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C; cao nhất 28-31 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ có mây, sáng có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; sau có mưa rào và dông vài nơi, riêng đồng bằng chiều tối và đêm có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Gió Đông Bắc cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4, đêm gió yếu dần. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, có nơi trên 26 độ C; cao nhất 27-30 độ C.
Thủ đô Hà Nội có mây, sáng có lúc có mưa rào và dông; chiều tối và đêm có mưa vừa, mưa to và có nơi có dông. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, có nơi trên 26 độ C; cao nhất 27-30 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế nhiều mây, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế ngày gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, đêm gió yếu dần. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nhiều mây, phía Bắc có mưa to đến rất to; phía Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; đêm mưa giảm dần. Gió Tây Nam cấp 3, phía Bắc gió mạnh dần lên cấp 4-5. Riêng các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Quảng Nam ngày gió mạnh dần lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11, đêm gió yếu dần. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 25-28 độ C, riêng phía Nam 28-31 độ C, có nơi trên 31 độ C.
Khu vực Tây Nguyên nhiều mây, phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, đêm mưa giảm dần; phía Nam có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió Tây Nam đến Nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ C; cao nhất 26-29 độ C.
Khu vực Nam Bộ nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió Tây Nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C; cao nhất 29-32 độ C.
Đà Nẵng di tản hơn 72.000 người dân
Tối 17/9, để phòng tránh bão số 5, hơn 72.000 người dân tại Đà Nẵng có nhà ở không kiên cố, sống gần ven biển có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng cao được lực lượng chức năng vận động di tản đến nơi an toàn.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đã bố trí 6 điểm sơ tán tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, Trường THCS Hoàng Sa, Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Nhà chống bão đa năng Lộc Phước 1, Thư viện thân thiện với trẻ Song Gan, Trường tiểu học Nguyễn Phan Vinh. Tại những điểm này đều có 3 người gồm dân quân tự vệ, công an, bảo vệ dân phòng trực chốt, đảm bảo an toàn. Ngoài ra, tổ chức năng được phân công vận động từng hộ gia đình người dân đến điểm sơ tản kịp thời trong đêm.
Anh Trần Phước Trí, Công an phường Thọ Quang cho biết, lực lượng công an đã phối hợp với các đơn vị, địa phương vận động người dân có nhà không kiên cố sơ tán trong đêm nay đến những địa điểm trú ẩn tại địa phương để tránh bão. Đồng thời giúp đỡ người dân trong việc gia cố nhà cửa.
Ông Trần Ngọc Trung, Bí thư Chi bộ Lộc Phước 1 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho hay, trước tình hình phức tạp của bão số 5, lực lượng chức năng tại địa phương đã nhanh chóng triển khai tuyên truyền, vận động người dân ở vùng gần biển, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn. Trong quá trình rà soát, kiểm tra, lực lượng chức năng đã đề nghị người dân có nhà ở không kiên cố đến nơi trú ẩn an toàn.
Còn tại phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), công tác di dời người dân được thực hiện khẩn trương. Những hộ gia đình có nguy cơ thiệt hại lớn do bão số 5 được vận động đến địa điểm an toàn được phường bố trí sẵn.
Được di tản đến Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, chị Nguyễn Thị Bình (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, chị rất yên tâm khi được di tản đến nơi an toàn. Đêm nay và ngày mai gia đình chị trú bão tại đây.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) cho hay, lực lượng đang gấp rút di tản khoảng 30 hộ dân trên địa bàn trước 20 giờ hôm nay. Người dân trong quá trình tránh bão sẽ được nhắc nhở mang khẩu trang, sát khuẩn và đảm bảo giãn cách theo đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tại điểm trú ẩn, phường Nại Hiên Đông đã bố trí đầy đủ nước uống, nhu yếu phẩm cũng như cắt cử cán bộ 24/24 để hỗ trợ người dân.
Trước đó, chiều 17/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã yêu các quận, huyện toàn thành phố khẩn trương sơ tán tổng cộng 72.136 người, trong đó có 62.570 người dân và 9.566 sinh viên, công nhân thuê trọ. Công việc sơ tán này phải hoàn thành trước 20 giờ ngày 17/9.
Đà Nẵng cũng yêu cầu các hộ nuôi cá lồng bè trên các sông, vịnh cần neo đậu và di dời người trên các lồng bè lên bờ an toàn trước 20 giờ hôm nay; khẩn trương kêu gọi những tàu cá còn hoạt động ven bờ về tránh trú bão.
Bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp
Nhận định về cơn bão số 5, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, có diễn biến phức tạp, đồng thời là cơn bão lớn nhất tính từ đầu năm 2020 đến nay.
Phân tích về diễn biến bão, ông Trần Quang Năng cho rằng, chiều 17/9, bão số 5 có vị trí ở ngay trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Tốc độ di chuyển của bão khoảng 15-20 km/giờ. Một số dải mây phía Tây của bão đã gây mưa vừa đến mưa to cho một số địa phương ở Trung Bộ.
"Dự báo, sáng 18/9, trước khi đổ bộ, bão số 5 còn có xu hướng mạnh thêm khoảng 1 cấp so với hiện tại, tức cấp 10-11, giật cấp 13, tốc độ di chuyển nhanh, khoảng hơn 20 km/giờ", ông Trần Quang Năng nhấn mạnh.
Trong đêm 17/9, các địa phương nằm trong vùng trọng điểm bão gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ có mưa to. Sáng 18/9, gió trên đất liền ở khu vực này sẽ mạnh dần lên cấp 7-8, đến trưa và đầu giờ chiều khi bão đi vào đất liền có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Các địa phương khác như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi mưa lớn, gió mạnh nhất có thể đạt được ở các khu vực này là cấp 6-7, giật cấp 9.
Đề cập đến trọng tâm đổ bộ, kịch bản giảm cấp của bão, ông Trần Quang Năng cho rằng, từ 17 giờ ngày 17/9 đến 17 giờ ngày 18/9, bão số 5 di chuyển chủ đạo theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20-25 km/giờ. Với khoảng cách so với đất liền và tốc độ bão dự báo như hiện nay, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung trong ngày 18/9. Khu vực trọng tâm ảnh hưởng là các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Đối với tác động của bão, ông Trần Quang Năng nhận định, bão số 5 sẽ gây một đợt mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ, trọng tâm mưa từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi với lượng mưa tập trung đêm 17/9 và ngày 18/9, phổ biến 200-300 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn khoảng một ngày sẽ gây ra nhiều nguy cơ tai biến về lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung.
Từ sáng đến chiều 18/9, trên đất liền ven biển các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Trên đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế cần đề phòng sóng cao từ 3-5 m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0 m gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển.
Ông Trần Quang Năng khuyến cáo: Trong bản tin 14 giờ 30 phút chiều 17/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã nhận định cường độ bão khi vào bờ ở khoảng cấp 9-10, không còn là cấp 10-11 như trước đây. Tuy vậy, đây vẫn là cấp bão rất mạnh, do đó người dân vùng ven biển, nhất là các khu vực đầm phá, vùng trũng ven biển, cửa sông cần hết sức đề phòng khả năng gió mạnh, nước biển dâng và sóng lớn ảnh hưởng đến tàu, thuyền tại khu neo đậu trên biển, các khu nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, các nhà ở không kiên cố cần phải có các biện pháp gia cố để phòng, chống cơn bão mạnh này.
Để ứng phó với bão số 5, người dân, nhất là nhân dân nằm trong vùng trọng tâm bão ảnh hưởng cần liên tục theo dõi các bản tin dự báo bão của cơ quan khí tượng thủy văn, chấp hành sự chỉ đạo ứng phó của chính quyền địa phương; chủ động xây dựng các kế hoạch ứng phó sớm cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh báo rủi ro thiên tai, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trên biển, bão gây gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, sóng lớn 3-5 m trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Khu vực tác động của bão trong ngày 17/9 là vùng biển quần đảo Hoàng Sa; ngày 18/9 là các tuyến biển: Đà Nẵng - Hoàng Sa; Cửa Việt - Cồn Cỏ; Cửa Đại - Cù Lao Chàm; Cảng Sa Kỳ - Lý Sơn và Lý Sơn - Cù lao Bờ.
Ông Vũ Anh Tuấn cho biết thêm, cũng trong ngày 18/9, khu vực Vịnh Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của không khí lạnh (gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9) ảnh hưởng đến các tuyến biển: Bến Bính - Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); Quảng Ninh - Cô Tô; Vùng biển vịnh Hạ Long lưu ý gió mạnh và gió giật ảnh hưởng đến các tàu du lịch.
Ông Vũ Anh Tuấn cảnh báo, trên đất liền, gió mạnh, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng ven biển, sóng lớn ven bờ (cao 3-5 m) ảnh hưởng lớn đến các khu vực công trình đê biển và đê cửa sông đang thi công khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế
Đêm 17-18/9, các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Đà Nẵng có mưa lớn với lượng mưa từ 200-300 mm, trọng tâm là các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế, có nơi trên 400 mm gây ngập úng các khu vực, thành phố ven biển Hà Tĩnh, Đồng Hới (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị), thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Nhóm P.V
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất