Điện ảnh Việt loay hoay với bài toán hội nhập

27/02/2009 19:33 GMT+7 | Phim

Điện ảnh Việt Nam đã thật sự hội nhập? Hội nhập thế nào để không bị hoà tan là những câu hỏi không dễ trả lời.

Cuộc hội thảo bên lề giải Cánh Diều mang chủ đề “Điện ảnh Việt Nam trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế” diễn ra sáng nay đã phần nào bóc tách được những vấn đề mà điện ảnh Việt đang phải đối mặt khi hội nhập.

Cơ chế nào cho điện ảnh Việt

Ông Ngô Thảo – Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật BHD khẳng định “Trước khi chúng ta bàn vào vấn đề cụ thể thì cần phải xây dựng lại nền điện ảnh khi hoà nhập thế giới. Và việc xây dựng điện ảnh Việt Nam không thể thiếu vai trò của Nhà nước”.

Trong vài năm qua, việc ra đời nhiều hãng phim tư nhân đã làm thay đổi diện mạo điện ảnh Việt. Thay đổi rõ rệt nhất là công chúng đã chọn lựa những sản phẩm trong nước xem vào dịp tết thay vì chỉ xem điện ảnh thế giới. “Đẹp từng centimet”, “Giải cứu thần chết”… trụ rạp tới 2 tháng vẫn sốt, doanh thu gấp đôi số vốn đầu tư là câu trả lời thích đáng nhất cho việc, công chúng Việt có mặn mà với điện ảnh nước nhà hay không.

Để giúp điện ảnh Việt có thể hội nhập, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng “Điện ảnh Việt Nam cần phải có sự bảo hộ của Nhà nước. Vì theo Hiệp ước thương mại, nếu không có hạn ngạch nhập phim thì điện ảnh trong nước sẽ chết. Hùng mạnh như điện ảnh Hàn Quốc mà khi Nhà nước giảm quota nhập khẩu phim Mỹ từ 40 xuống 60% đã khiến giới điện ảnh trong nước biểu tình, phản đối. Còn điện ảnh Việt Nam một năm chỉ có 6 phim như năm nay, èo uột thế này mà không có hạn ngạch nhập khẩu phim nước ngoài thì chỉ có chết.

Hội nhập, điện ảnh chúng ta sẽ đối mặt với một khối lượng khổng lồ phim nước ngoài ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Vì thế, điều mà rất nhiều các nhà làm phim, sản xuất phim quan tâm là làm thế nào, điện ảnh Việt vẫn có chỗ đứng với công chúng. Để làm điều này, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng cho việc cam kết với các tổ chức quốc tế về nhập phim".

Ông Lê Đức Tiến – Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam cũng nhận định “Chúng ta cần xây dựng cơ chế và chính sách thuế cho phim nước ngoài và đồng thời cũng cần phải có chính sách hỗ trợ thuế cho phim Việt Nam”.

"Giải cứu thần chết”… trụ rạp tới 2 tháng vẫn sốt, doanh thu gấp đôi số vốn đầu tư

Bên cạnh đó, mong ước có một phim trường riêng cho điện ảnh cũng đã nằm trong tâm trí của rất nhiều người tâm huyết với điện ảnh Việt. Có phim trường riêng, mở rộng hệ thống rạp chiếu phim, dành vị trí cho điện ảnh trong nước ra rạp… là những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tới trong hội thảo.

Thái Lan, Hàn Quốc, Philippines họ có tới hệ thống hơn 1.000 rạp chiếu phim. Mỹ vài nghìn rạp, trong khi Việt Nam chúng ta tính trên cả nước mới có khoảng trên 100 phòng chiếu đạt chất lượng. Sản xuất phim muốn thu hồi vốn thì chúng ta phải cần có rạp” – Ông Lê Đức Tiến khẳng định.

Táo bạo hơn, ông Lê Đức Tiến còn tham vọng “Tại sao chúng ta không cho ra đời những kênh cinema riêng cho phim Việt Nam giống như HBO hay Cinemax. Điều đó sẽ giúp cho điện ảnh Việt có chỗ đứng chứ không chỉ trông chờ vào phim giờ vàng trên VTV1, VTV3, HTV7, HTV9”.

Để hội nhập mà không bị hoà tan

Xu hướng phim ngoại lai trong điện ảnh Việt đang trở thành một xu thế đang khá phổ biến hiện nay, nhất là các phim có sự góp tay của các đạo diễn, biên kịch, nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một điểm mới tích cực thay đổi diện mạo điện ảnh Việt tiếp cận kỹ xảo tiên tiến, công nghệ hiện đại… nhưng cũng là một điều khó để làm sao điện ảnh Việt vẫn còn giữ nguyên được bản sắc.

Đạo diễn trẻ Bùi Thạc Chuyên - một người luôn chọn cho mình hướng đi làm phim nghệ thuật cũng cho rằng “Việc làm phim giống ai đó, giống nước ngoài sẽ không ảnh hưởng gì đến điện ảnh Việt. Bởi vì điện ảnh là ngôn ngữ của nhân loại. Không có cái gì là của riêng điện ảnh Việt”.

Tin liên quan:
 
 
 
 
Anh cũng khẳng định “Phim Việt Nam là phim do những người con Việt Nam làm nó mang tinh thần, tình cảm của người Việt Nam. Nhưng nếu nó giống tình cảm của một đất nước nào đó cũng là tốt. Không hề tệ. Tất cả các bộ phim trên thế giới đều chẳng có gì khác nhau hết. Đố ai biết được cái riêng của Việt Nam là gì. Tôi nghĩ quan điểm làm phim bây giờ cũng khá cởi mở. Quan trọng là phải thấy mục đích bộ phim là gì, tìm tòi gì ở trong đó. Nó tốt hay không, lành mạnh hay không chứ”.

Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh - Cục Phó Cục Điện ảnh Việt Nam cũng nhận định “Chúng ta phải dần làm quen với xu thế làm phim có yếu tố nước ngoài. Điện ảnh là nghệ thuật giao lưu quốc tế nên việc sử dụng yếu tố bên ngoài không có gì đáng phải lo ngại, mà nó chỉ làm giàu có, phong phú hơn thôi”.

Như vậy, yếu tố con người, nhân lực, vật lực, kỹ xảo, công nghệ, nguồn vốn… trong điện ảnh Việt đang có những biến chuyển rõ rệt. Đến ngay cả kịch bản - cốt yếu nhất cho bản sắc của mỗi nền điện ảnh cũng đang phải mua.

Ông Ngô Thảo - Đại diện cho BHD bày tỏ “Chúng tôi không ngại đầu tư cho các kịch bản hay, đặt niềm tin vào tay các đạo diễn giỏi. Nhưng quả thật có những kịch bản được đặt ở các tác giả lớn cũng không làm vừa lòng được bên sản xuất. Chúng tôi buộc phải mua các kịch bản nước ngoài dù không hay cho lắm rồi Việt hoá thành tác phẩm điện ảnh của ta”.

Hội nhập là một xu thế tất yếu. Nhưng hội nhập thế nào lại là bài toán không hề đơn giản cho các nhà quản lý, các nhà làm điện ảnh có thể giải trong một sớm, một chiều.
 
Theo Thiên Lam
(Vnmedia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm