07/11/2013 15:31 GMT+7
1. Nửa cuối tháng 10, khi vụ án ở Thẩm mỹ viện Cát Tường gây rúng động dư luận, những câu chuyện xung quanh vụ án được lan truyền khắp nơi: Bên cốc trà đá vỉa hè, trong công sở, trên các diễn đàn mạng... Thậm chí để tăng phần “gay cấn”, nhiều trang thông tin điện tử còn cử nhân viên túc trực, làm “tường thuật trực tiếp” về quá trình tìm xác nạn nhân trên trang của mình.
Cũng do ồn ào, nên sông Hồng những ngày ấy xuất hiện một đội thợ lặn vớt xác đông hiếm thấy. Mục tiêu là tìm cho ra thi thể nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường. Việc tìm quyết liệt đã đem lại kết quả bất ngờ: 6 xác chết dưới dòng nước đỏ ngầu. Song do người dưới sông không phải nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường nên mắt người ráo hoảnh quay đi.
Sau đó là hàng loạt những con người cụ thể, liên quan ít hoặc liên quan nhiều tới vụ án cũng bị dư luận lần lượt chỉ mặt, vạch tên. Nhẹ thì những người này bị gán cho một phỏng đoán, nặng hơn thì nói xấu tệ hại và cao hơn nữa là “cách chức”, “đưa ra vành móng ngựa”...
2. Đọc đến đây, nhiều độc giả thấy tôi đang kể một câu chuyện cũ mèm và chẳng có gì “hot”. Nhưng tôi có một thông tin không quá mới nhưng cũng không nhiều người lúc này để ý. Đó là cho đến lúc này (chiều ngày 7/11), thi thể nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường vẫn chưa tìm thấy!
Dư luận còn suy nghĩ, trăn trở cho người phận bạc ấy như 10 ngày trước?
Dư luận còn xúc động vì nỗi đau của những thân nhân gia đình vẫn đang khắc khoải từng ngày nhìn theo dòng nước?
Hay những thông tin về người 10 năm oan sai, về việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhắc nhở Đàm Vĩnh Hưng, về ông Hoàng Văn Phúc quay lại làm HLV U23 Việt Nam... đã khỏa lấp mối bận tâm của họ. Và thi thể ấy, trôi đi đâu, giờ không còn là vấn đề (?!)
Song, những lời lẽ chỉ trích đao to búa lớn, những câu xót thương vang như chuông không làm xã hội tốt đẹp hơn. Những điều này càng không làm tâm hồn con người thanh sạch hơn. Chúng chỉ xuất phát từ lòng ích kỷ, trí tò mò và sự vô cảm trước nỗi đau của con người.
Và hẳn nhiên, trong một xã hội thông tin dư thừa sự nhanh nhạy, chua ngoa, thì sự sâu lắng, lòng nhân văn cần thiết lắm thay!
Phạm Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất