05/12/2018 06:13 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nữ tác giả Hảo Phạm Fiori (tên thật là Phạm Viết Phương Hảo, sinh năm 1979 tại Hà Nội) vừa từ Italy về Hà Nội để ra mắt tiểu thuyết đầu tay mang tên Vì yêu (NXB Văn học), một cuốn sách bất ngờ về chuyện tình giữa gái Việt với trai Tây.
Vì yêu nói về cuộc tình lãng mạn và tinh khôi của Vân với Frank - nhà báo người Mỹ - tại Hà Nội. Sau đó mỗi người đi theo một hướng vì con đường và sự nghiệp riêng: Vân tới Pháp học rồi bước vào cuộc hôn nhân đầy màu sắc và cũng nhiều thăng trầm với Éric - kiến trúc sư người Pháp gốc Italy.
“Vì yêu là chấp nhận, là vị tha, là tha thứ, là kính trọng, là thành thực, là nâng niu. Yêu là yêu” - Hảo Phạm Fiori chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
Phụ nữ Việt Nam hơn “đứt” phụ nữ Tây
* Dường như nhân vật Vân trong cuốn tiểu thuyết “Vì yêu” có nhiều nét tương đồng với chị. Vậy chị có thể cho biết trong câu chuyện có bao nhiêu phần trăm sự thật?
- Nếu bảo chẳng có chút gì của mình thì đích thị là mình đang nói dối rồi. Mình tuy cũng thích “chém” nhưng không tài đến mức bịa hẳn ra một tiểu thuyết dài như thế đâu, có thể nói Vì yêu có chứa một phần cuộc đời của mình trong đó. Vân có những trải nghiệm của cả bản thân mình lẫn những câu chuyện mà mình được trực tiếp chứng kiến trong quá trình 15 năm xa xứ.
Vân không phải là đại diện cho một nhân vật cụ thể nào nhưng mang hơi hướng của người phụ nữ Hà thành với tư duy hiện đại song vẫn khá truyền thống trong quan điểm về tình yêu và hôn nhân.
Ở Vân có hình ảnh của nhiều thiếu nữ Việt Nam đi học ở nước ngoài rồi lập gia đình với người bản địa. Chắc hẳn cuộc hôn nhân khác văn hóa nào cũng đều có những thăng trầm và những thời điểm khó khăn do khác biệt về ngôn ngữ, cách hành xử, về phông văn hóa, về cách suy nghĩ hay cả về phong tục tập quán nữa, nhưng không phải ai cũng vượt qua được những rào cản đó để vững tay chèo cùng bạn đời gìn giữ và bảo vệ tổ ấm của mình.
Phụ nữ Việt Nam hơn “đứt” phụ nữ phương Tây ở chỗ luôn thấm nhuần triết lý phương Đông “lạt mềm buộc chặt”. Đó chính là lời chúc mà mình dành cho các chị em ở trang cuối của tiểu thuyết: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy luôn mạnh mẽ và tự tin, luôn yêu thương và nhân từ, luôn chân thành và tử tế, bởi đó là những đức tính làm nên người phụ nữ tự tin nhất, lộng lẫy và tỏa sáng nhất, là điều khiến nàng mãi mãi là người đàn bà đẹp nhất trong mắt người đàn ông của mình”.
Chỉ một tháng rưỡi viết "cả thiên tiểu tuyết tình sử"
* Chị viết “Vì yêu” trong bao lâu, chồng chị có đọc bản thảo không và anh ấy nói gì?
- Mình viết Vì yêu sau khi sinh bé út được gần một năm. Nói một cách chính xác hơn: mình bắt tay vào gõ chương đầu tiên của phần một (có tựa là Thầm lặng và tinh khôi) vào ngày 15/11/2017 khi đang sống cùng gia đình ở Tashkent, Uzbekistan. Chương cuối của phần một được post vào ngày 28 tháng 11 tức chưa đầy hai tuần sau khi đăng chương đầu tiên. Phần hai có tựa Cuồng nhiệt và sâu lắng được tiếp tục viết vào tháng 2 năm 2018 và kết thúc sau đó ba tuần. Như vậy, tổng thời gian viết Vì yêu không chỉnh sửa của mình là một tháng rưỡi.
Chồng mình không biết đọc tiếng Việt, nhưng mình có chia sẻ nội dung câu chuyện với anh ấy trong thời gian viết Vì yêu và thậm chí đã xin anh lời khuyên về cách sắp xếp diễn biến, cách đặt tên nhân vật hay một số chi tiết liên quan đến văn hóa phương Tây mà mình chưa nắm rõ.
Chồng mình vốn tốt nghiệp ngành Văn – Triết, anh đọc rất nhiều sách và có kiến thức sâu rộng về văn chương cũng như ngôn ngữ nên mình luôn tìm đến anh như một kho tư liệu sống mỗi khi “bí” về mặt ý tưởng. Anh chính là người động viên mình phát triển sở thích viết lách và luôn ủng hộ việc mình viết bài. Xin bật mí thêm là họ Dalmasso của nhân vật Éric trong truyện chính là do chồng mình chọn đấy! Đó là một trong những họ phổ biến của vùng Piemonte thuộc miền bắc Italy.
Tuy nhiên vì trân trọng sự riêng tư của gia đình nên mình ít chia sẻ những chuyện cá nhân vợ chồng trên blog mà thường chỉ là những câu chuyện nhỏ về gia đình hoặc chuyện vui về ba đứa trẻ BaBuBi như một cách lưu lại nhật ký cho các con sau này.
* Chồng chị đã đến Hà Nội như những chàng “trai Tây” trong tiểu thuyết?
- Chồng mình từng sống và làm việc ở Việt Nam trong gần hai năm hồi đầu những năm 2.000. Mình không biết nhiều về quãng thời gian anh sống ở Hà Nội do khi ấy chưa quen anh. Mình chỉ gặp và quen anh vào quãng 6 tháng cuối anh ở Việt Nam trong thời gian mình đi học tiếng Italy để chuẩn bị cho chuyến du học vào cuối năm 2003. Khi ấy hai đứa vẫn chưa hẹn hò cho đến khi gặp lại ở Italy một thời gian sau đó.
Nữ công dân toàn cầu và 15 năm qua bao biến cố
* Là kiến trúc sư, vì lý do gì chị đến với văn chương và viết “Vì yêu”?
- Mình thích viết và đã bắt đầu viết blog như một sở thích cá nhân kể từ hồi vẫn còn Yahoo 360. Khi ấy mình hay viết những tản văn ngắn kể về những trải nghiệm có được trong quãng thời gian du học ở Italy. Sau khi Yahoo 360 bị “sập”, mình chuyển tạm blog qua wordpress rồi sang facebook nhưng cũng chỉ chia sẻ với bạn bè.
Sang Italy từ năm 2003, học Kiến trúc và Thiết kế sản phẩm công nghiệp tại ĐH Bách khoa Turin, mình có 6 năm sống và làm việc tại đây trước khi lấy chồng Italy năm 2008 và trở thành công dân toàn cầu từ năm 2009. Cùng với những chuyến đi theo dự án cứu trợ của tổ chức nhân đạo mà chồng mình đang công tác, mình đã thu được nhiều trải nghiệm thú vị và có ý nghĩa, những việc đó đã khiến cho nhân sinh quan cũng như cách nhìn nhận của mình đối với thế giới có nhiều thay đổi nên một ngày, mình chợt nghĩ sao không chia sẻ rộng hơn ngoài phạm vi bạn bè về những gì mình đã thấy và chứng kiến.
Mục đích của mình là lan tỏa những điều tốt đẹp dù là nhỏ nhoi để có thể ít nhiều mang đến cho người đọc những cái nhìn tích cực hơn cho cuộc sống, để bạn đọc biết trân trọng những gì mình đang có và hướng tới một mục đích tốt đẹp hơn cho bản thân và cho xã hội.
Vì yêu được viết sau khi mình tình cờ gặp lại nhân vật Frank (đây là tên đã được thay đổi) - người đã để lại cho mình nhiều ảnh hưởng quan trọng về cách nghĩ, cách sống và cả phần nào trong việc hình thành nhân cách của mình ngày hôm nay, vào tháng cuối của thai kỳ tại một thành phố thuộc Đông Nam Á, sau nhiều năm xa cách. Cuộc gặp này đã để lại cho mình rất nhiều cảm xúc, đến mức mình quyết định viết tiểu thuyết Vì yêu sau khi đã suy nghĩ rất nhiều về những biến cố, những sự kiện đã xảy ra trong hành trình 15 năm của mình.
* Chị có định dịch “Vì yêu” sang tiếng Italy, tiếng Pháp, tiếng Anh?
- Như các bạn có thể đọc ở trang cuối của cuốn tiểu thuyết, mình muốn dành tặng cuốn sách này cho cả A., chồng mình và B., nhân vật tên Frank. Chồng mình rất muốn đọc trọn câu chuyện nên mình cũng ao ước có thể dịch Vì yêu sang ngôn ngữ Anh và Italy. Tuy nhiên việc này không hề dễ dàng nên ao ước đó vẫn là một dự án để ngỏ.
Nhân đây mình cũng muốn nói đến “độc giả tên Khôi”, người mà mình cũng đã nhắc tới trong lời đề tặng ở trang cuối của cuốn sách. Đây là một nhân vật bí ấn, là người mình không biết tên họ đầy đủ kể cả giọng nói, gương mặt cũng như tuổi tác để có thể xưng hô cho phù hợp.
Độc giả Khôi là người đã giúp đỡ mình một cách thầm lặng và vô điều kiện trong việc chỉnh sửa bản thảo liên quan đến rất nhiều thông tin về ngôn ngữ và văn hóa. Mình trân trọng sự giúp đỡ nhiệt tình và rất có tâm của “anh”.
Đã hơn một lần mình viết E-mail đề nghị gửi tặng anh cuốn sách sau khi đã được xuất bản nhưng không nhận lại được hồi âm. Mong rằng anh Khôi vẫn khỏe mạnh và bình an. Xin một lần nữa được cảm ơn sự giúp đỡ chân thành của anh và mong anh sẽ trả lời email để mình có thể gửi tặng anh cuốn sách. Nhờ có anh mà Vì yêu mới được ra mắt bạn đọc một cách sớm nhất, đúng như lời chúc trong email cuối mà anh trao đổi với mình cách đây không lâu.
* Cuộc sống hiện nay của chị khi trở thành công dân toàn cầu cùng chồng đi khắp nơi trên thế giới? Bạn bè của chồng chị chắc hẳn cũng có những tò mò về đất nước Việt Nam khi biết chị là một cô gái đến từ Hà Nội. Chị có thể chia sẻ về điều này được chăng?
- Italy là đất nước mình đã có 6 năm làm việc và sinh sống, bạn bè đã dành cho mình rất nhiều tình cảm, khi biết mình đến từ Việt Nam. Bản thân bố mẹ chồng mình cũng từng xuống đường vào những năm 1960 để theo dòng người biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ.
Mình là cô bạn gái (và sau này là vợ) người châu Á duy nhất trong nhóm bạn của chồng nên thường rất được ưu ái vì họ đều là những người có học và biết tôn trọng sự khác biệt về văn hóa. Các bạn luôn tế nhị hỏi mình trước về những điều mà các bạn nói hay làm khi có mặt mình, liệu những điều đó có phù hợp với văn hóa của mình không để họ điều chỉnh. Tuy nhiên mình là người khá cởi mở và cũng rất tôn trọng sự khác biệt văn hóa nên không gặp nhiều vấn đề trong cách cư xử và cách sống với người Italy.
Mình đã từng mời 7 người bạn Italy theo chồng mình sang Việt Nam để làm phù dâu, phù rể cho đám cưới và đám hỏi của hai đứa vào năm 2008. Khi đó mình đã thu xếp đưa các bạn tham quan nhiều nơi ở miền Bắc và một số nơi ở miền Nam, mời họ ăn thử nhiều món ăn truyền thống (kể cả một số món rất khó đối với họ) nhưng đều được các bạn đón nhận một cách vui vẻ và thoải mái. Đến tận bây giờ, sau 10 năm tụi mình kết hôn, các bạn vẫn nhắc lại đó là một trong những chuyến đi thú vị và nhiều kỷ niệm nhất mà các bạn từng có được.
* Cám ơn chị về cuộc trò chuyện này?
Vài nét về Hảo Phạm Fiori Hảo Phạm Fiori có ông nội là họa sĩ Phạm Viết Song, ông ngoại là họa sĩ Tạ Thúc Bình- những cây đại thụ của mỹ thuật Việt, bố là họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam… Chị tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội; ĐH Mỹ thuật Roma và ĐH Bách khoa Turin… Hảo Phạm Fiori là còn là một “bà mẹ bỉm sữa” với ba nhóc tì tinh nghịch vốn được biết với tên gọi tắt dễ thương BaBuBi. Blog trên Facebook có tên “Góc văn của Hảo Phạm Fiori” tuy mới ra đời cách đây hơn một năm nhưng đã có trên 1.500 người theo dõi và thường xuyên tương tác với những chia sẻ rất đỗi giản dị và đời thường của chị. |
Hoài Thương (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất