30/05/2014 07:15 GMT+7 | Man United
(Thethaovanhoa.vn) - Với tư cách là ông chủ của Man United, sự ra đi của Malcolm Glazer làm dấy lên câu hỏi: Liệu “Quỷ đỏ” có bị ảnh hưởng và tương lai của CLB này rồi sẽ ra sao?
Năm 2005, nhà Glazez chi 790 triệu bảng để tiếp quản Man United. Sự xuất hiện của một “đại gia” tới từ Mỹ với thành công cùng đội bóng bầu dục Tampa Bay Buccaneers, nhen nhóm trong con tim của hàng triệu CĐV Man United niềm hy vọng về tương lai tươi sáng.
Bòn rút Man United
Nhưng vụ áp phe trên nhanh chóng lộ rõ bản chất. Toàn bộ số tiền mà Malcolm Glazer dùng để thâu tóm Man United đều vay của ngân hàng. Man United, vốn không nợ nần trước đó, trở thành “chúa chổm” ngay sau vụ thâu tóm của nhà Glazer.
Để trang trải khoản nợ, nhà Glazer đã bán tên sân tập Carrington và suýt chút nữa bán cả tên sân Old Trafford nếu không vấp phải sự phản đối kịch liệt của người hâm mộ. CĐV Man United cho tới giờ vẫn trách móc rằng nếu không có nợ nần của nhà Glazer, Cristiano Ronaldo đã không bị bán cho Real Madrid với bản hợp đồng 80 triệu bảng.
Bằng tài năng kinh doanh, nhà Glazer mang về cho Man United nhiều hợp đồng mới từ các đối tác lớn tại Mỹ như AON, Chervolet nhưng việc phải gồng gánh nợ nần khiến CLB luôn phải chắt bóp khoản ngân sách ít ỏi dành cho mua sắm. Chính điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tái thiết đội hình của Man United. Trong 9 năm qua, tổng cộng hơn 680 triệu bảng của Man United đã được dùng để trả nợ gốc và lãi ngân hàng cho nhà Glazer và chỉ có 382,9 triệu bảng được đầu tư vào mua cầu thủ. Con số đó tính từ khi Man United mua Edwin van der Sar cho tới bản hợp đồng kỷ lục của Juan Mata hồi tháng 1 năm nay.
Nó khiến Man United tụt hậu so với sự lớn mạnh của Manchester City, Chelsea, Liverpool và Tottenham trong chừng ấy năm. Trong số các CLB dự Champions League trong kỷ nguyên Glazer, chỉ duy nhất Arsenal với chiến lược làm kinh tế thận trọng của Arsene Wenger, là bỏ ra ít tiền hơn Man United.
Đừng quá kỳ vọng vào sự thay đổi
Dưới thời Malcolm Glazer thì vậy, khi ông qua đời mọi thứ có khởi sắc hơn không?
Trên thực tế, 1 năm sau khi thâu tóm Man United, Malcolm Glazer đã 2 lần bị đột quỵ. Việc liên tiếp phải ra vào bệnh viện khiến ông quyết định trao toàn bộ công việc điều hành Man United cho 3 con trai Joel, Avram và Bryan Glazer. Hai người con trai khác Kevin, Edward cùng cô con gái Darcie Glazer Kassewitz dù không giữ các vị trí cao cấp trong CLB nhưng đều sở hữu cổ phần. Hiện tại, nhà Glazer nắm 90% cổ phần Man United, chia đều cho 6 người con nói trên và 10% còn lại được niêm yết trên sàn chứng khoán New York.
Trong số các con của Malcolm Glazer, 3 người mà ông trao quyền điều hành là Joel, Avram và Bryan thường xuyên xuất hiện trên khán đài Old Trafford, theo dõi các trận đấu của Man United. Họ được cho là có đam mê thể thao. Tuy nhiên, khó có thể dựa vào đó để mơ về những ngày tươi đẹp của Man United.
9 năm nhà Glazer điều hành, Man United đã 5 lần vô địch Premier League và 1 lần đăng quang Champions League. Nhưng đó là khi Sir Alex Ferguson còn tại vị. Tài năng của “Ông già gân” đã giúp khuất lấp đi sự mong manh của lực lượng không được đầu tư nhiều trong gần cả thập kỷ. Khi David Moyes tới tiếp quản Man United, lỗ hổng đó hiện ra rõ hơn bao giờ hết. Đội bóng trở nên yếu ớt trước các đối thủ, kết thúc mùa với vị trí thứ 7 trên BXH. Thất bại sân cỏ kéo theo hệ lụy về tài chính. Thống kê mới nhất cho thấy Man United đã để mất danh hiệu CLB có giá trị nhất thế giới về tay Real Madrid.
Hiện tại, với sự ra đi của Nemanja Vidic và Rio Ferdinand, Man United cần đẩy nhanh chiến dịch mua sắm trên thị trường. Niềm kỳ vọng cũng được đặt vào “làn gió mới” Louis van Gaal.
Nhưng nên nhớ, khi xưa một Sir Alex Ferguson vốn ưa thích tạo kỷ lục mỗi khi thị trường mở cửa, lại trở nên rất dè xẻn khi làm việc cùng nhà Glazer. Trong khoảng thời gian được bổ nhiệm làm HLV Man United từ năm 1986 cho tới trước khi nhà Glazer đến Old Trafford, Sir Alex đã 5 lần phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng tại Anh để chiêu mộ Gary Pallister, Roy Keane, Andy Cole, Juan Sebastian Veron và Rio Ferdinand. Nhưng rồi dưới triều đại Glazer, Sir Alex đã phải từ bỏ thói quen chi tiêu mạnh tay cho các bản hợp đồng. Thương vụ lớn nhất mà ông thực hiện từ thời điểm đó cho tới lúc về hưu là bỏ 30,75 triệu bảng mua Dimitar Berbatov vào tháng 9 năm 2008.
Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất