Khủng bố tại Paris: Nước Pháp tiếp tục bị thách thức, nhưng không run sợ

14/11/2015 13:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nước Pháp lại bị tấn công khủng bố. Điều này không phải là quá bất ngờ vì kể từ vụ tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở thủ đô Paris, khiến 12 người thiệt mạng hồi tháng 1, nước Pháp luôn được đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất.

Điều bất ngờ trong vụ tấn công đẫm máu lần này là ở mức độ nghiêm trọng, quy mô cũng như con số thương vong rất lớn và khả năng phối hợp của các phần tử hoặc tổ chức khủng bố để có thể đồng loạt tấn công tại nhiều địa điểm. 

Có thể nói nước Pháp lại quay trở lại tình trạng “ đối đấu trực diện” với bọn khủng bố ngay ở trong nước, ngay giữa lòng thủ đô Paris và không loại trừ nguy cơ xảy ra ở bất cứ nơi nào trên đất nước hình lục lăng này.


Xe cứu thương chuyển người khỏi Nhà hát Bataclan. Ảnh: AFP/TTXVN

Các vụ tấn công xảy ra liên tiếp, gần như đồng thời cướp đi sinh mạng của hơn 150 người thực sự là một cú sốc lớn đối với người Pháp. Quanh khu vực gần hiện trường các vụ khủng bố là vẻ mặt thất thần và hoảng loạn của nhiều người dân. Không thể hình dung được một buổi tối cuối tuần với hàng loạt sự kiện giải trí lại biến thành một thảm kịch đẫm máu, không thể tưởng tượng một phòng hòa nhạc lại biến thành bãi chiến trường.

Tại hiện trường trước nhà hát Bataclan, hàng trăm xe cảnh sát và xe cứu thương phát tín hiệu đèn và rú còi báo động. Xung quanh các khu vực xảy ra khủng bố, cảnh sát dựng hàng rào bảo vệ và chỉ có rất ít người dân có mặt. Tất cả các nhà hàng, quán bar trong khu vực quận 10 và quận 11 cũng như nhiều nơi khác tại Paris đóng cửa. Một thành phố sôi động, thanh bình, đột nhiên vắng vẻ, im ắng một cách nặng nề.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Paris, ông Pierre Freysinet- một người dân Paris nói: "Thật khủng khiếp. Không thể hình dung được những kẻ khủng bố tấn công dân thường bằng súng tiểu liên Kalashnikov. Nước Pháp phải truy quét bọn khủng bố và lôi chúng ra trước công lý". 

Đây cũng là lập trường của Tổng thống Pháp François Hollande khi ông tuyên bố trước hiện trường thảm kịch nhà hát Bataclan rằng: "Chúng tôi muốn tuyên bố với những kẻ khủng bố rằng chúng ta sẽ chiến đấu, và cuộc chiến này sẽ là cuộc chiến không khoan nhượng".


Tổng thống Pháp François Hollande tới hiện trường ngay trong tối 13/11. Ánh: AFP/TTXVN

Khác với vụ tấn công tại tòa soạn Charlie Hebdo hồi tháng Giêng khi bọn khủng bố nhằm vào mục tiêu là những người được coi là "kẻ thù của Hồi giáo", thì lần này vụ tấn công lại nhằm vào dân thường. 

Theo cách nói của Tổng thống Mỹ Barack Obama, chúng muốn reo rắc sự sợ hãi, khiếp đảm cho người dân. Đây chính là "cuộc tấn công chống lại tất cả nhân loại". Tổng thống Pháp đã quyết định hủy chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ để dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp, cùng với Thủ tướng Manuel Valls triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng.

Ngay sau các vụ tấn công khủng bố, Pháp đã nhanh chóng huy động một lực lượng lớn an ninh chưa từng có. Cảnh sát Pháp cho biết toàn bộ nhân viên của Tổng cục cảnh sát tư pháp với khoảng 2.200 người đã được triệu tập khẩn cấp để lấy lời khai và tiến hành các cuộc điều tra ban đầu. 

Ngoài ra, khoảng 800 nhân viên của Sở cảnh sát Paris, 46 đơn vị đặc nhiệm được triển khai để tăng cường bảo vệ an ninh, tuần tra các khu vực ngoại ô sát Paris. Hiến binh quốc gia đã điều ba đại đội với biên chế 200 người, cảnh binh cộng hòa triển khai 300 người tuần tra trên các tuyến đường cao tốc nối Paris với phía Nam và Đông Nam nước Pháp. 

Về phía quân đội, khoảng 1500 binh sĩ đã được triển khai trên vùng Ile-de-France, chưa kể 7.000 binh sĩ đã được triểu khai trong khuôn khổ chương trình chống khủng bố có tên gọi Sentinelle trước đó.

Hiện tại, 61 cửa khẩu biên giới, trong đó 15 sân bay chính của Pháp đã được đặt trong tình trạng kiểm soát cao. Ngoài ra, chính phủ Pháp cũng hết sức coi trọng công tác bảo đảm an ninh y tế. Ít nhất 36 bệnh viên đã được huy động để tiếp nhận người bị thương và sẵn sàng thực hiện các công tác cứu hộ khác khi cần thiết.


Số người thiệt mạng đã lên tới hơn 150 người. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê sơ bộ, gần 90 người bị thương nặng và 132 người bị thương ở mức độ nhẹ hơn. Lực lượng cứu hộ Sapeurs-Pompiers nổi tiếng của Lục quân Pháp tại Paris với 450 người triển khai thành bốn trung tâm cấp cứu dã ngoại, được hỗ trợ bởi 250 người khác từ các vùng phụ cận được điều tới cấp tốc. 

Với một lực lượng cả dân sự và quân sự lớn như vậy được triển khai trong một thời gian ngắn, nước Pháp chứng tỏ rằng họ đã có kế hoạch ứng phó khủng hoảng rất kịp thời.

Phản ứng sau các vụ tấn công, nhiều tờ báo Pháp cho rằng có mối liên hệ giữa các vụ tấn công khủng bố đẫm máu giữa lòng Paris tối 13/11 và các vụ không kích của Pháp nhằm vào nhóm tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Syria. 

Trên trang web của nhiều tờ báo lớn cũng xuất hiện những dòng chữ, những bình luận nhấn mạnh nước Pháp không được run sợ trước các hành động bạo lực và khủng bố, nước Pháp cần phải chứng tỏ sự đoàn kết, thống nhất giống như những gì nước Pháp đã thể hiện tại cuộc tuần hành ngày 8/1 vừa qua khi hàng triệu người sát cánh bên nhau, không phân biệt khuynh hướng chính trị, sắc tộc và tôn giáo, để bảo vệ những giá trị "tự do, bình đẳng, bác ái" và bảo vệ cuộc sống thanh bình của người dân.

Nhóm PV TTXVN từ Paris

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm