Bí quyết thành công của Ranieri ở Leicester: Ông ấy đã không thích hàn nữa!

14/03/2016 13:49 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Đội bóng càng nhỏ thì khi thành công, nhà cầm quân sẽ càng được xem là HLV vĩ đại - lẽ thường là vậy. Mà đây chắc chắn đã là mùa bóng thành công nhất trong lịch sử tồn tại của Leicester. Vậy, chúng ta có thể nói gì về HLV Claudio Ranieri?

Không còn là "tinkerman" nữa

Hãy bắt đầu từ biệt danh "tinkerman" của HLV Ranieri, xuất hiện hồi ông dẫn dắt Chelsea vào đầu thiên niên kỷ mới. Nó có nghĩa là "thợ hàn", như nhiều người nghĩ? Và nếu vậy, biệt danh ấy liên quan gì đến bóng đá? Xin thưa, "tinkerman" là một từ mới, đã xuất hiện trong từ điển. Theo "Collins English Dictionary" của nhà xuất bản HarperCollins thì "tinkerman" là một danh từ không chính thức, chủ yếu được dùng ở nước Anh, trong môn bóng đá, để chỉ "một HLV cứ liên tục thử nghiệm bằng cách thay đổi đội hình từ trận này sang trận khác".

Hồi mới lần đầu sang Anh, dẫn dắt Chelsea (2000-2004), Ranieri quả đúng là HLV như vậy, nên ông được gọi là "tinkerman". Đáng nói ở chỗ, biệt danh "tinkerman" hàm ý chê cười, dùng để diễn đạt một loại người thật tầm thường. Cũng như danh từ "tinker" ngoài nghĩa "thợ hàn" còn có nghĩa bóng nói lên một gã khờ khạo cứ loay hoay sửa chữa một cái gì đó, mãi vẫn chẳng xong. Và tưởng cũng nên lưu ý: ở thời điểm cách nay khoảng 15 năm, thay đổi đội hình xoành xoạch là một việc làm lạ lẫm, vụng về, thậm chí kỳ dị trong bóng đá đỉnh cao. Bóng đá từng có phương châm: chẳng ai thay đổi một công thức đã đem lại thành công. Suy cho cùng, Chelsea hồi ấy chỉ mới là một anh hào hạng hai. Không thành công mới phải thay đổi. Vậy, cũng là điều hợp lý nếu đội bóng ấy có một gã "tinkerman" ngồi ghế HLV trưởng!


Biệt danh "Gã thợ hàn" bắt nguồn từ khi Ranieri dẫn dắt Chelsea

Thời gian làm thay đổi biết bao điều. Bây giờ nghĩ lại, Ranieri rất đỗi tự hào về cái biệt danh "nghe là muốn choảng" của mình. Ông nói: "Bây giờ, nhà nhà và người người xoay tua đội hình, cứ như bóng đá phải thế thì mới sang trọng, mới là đỉnh cao của nghệ thuật huấn luyện. Bây giờ bóng đá rặt những tinkermen".

Tại sao cứ phải nói mãi quanh cái biệt danh của Ranieri? Vì không chỉ là chuyện bên lề, đấy còn là câu chuyện nói lên đẳng cấp, khả năng cầm quân, và biết bao điều quan trọng nữa trong bóng đá đỉnh cao nói chung cũng như Leicester và bản thân Ranieri nói riêng. Lạ ở chỗ: Ranieri bây giờ hóa ra đã ở về thái cực trái ngược hoàn toàn với cái biệt danh của chính mình. Không có đội nào ở Premier League mùa này ổn định bằng Leicester. Từ lối chơi đơn giản đến sơ đồ 4-4-2 và nhân sự cụ thể ở từng vị trí trong đội hình, Leicester đều ổn định đến mức đáng ngờ.

Phải chăng Ranieri không dám hoặc không thể thay đổi bất cứ điều gì? HLV huyền thoại Alex Ferguson bình luận cách đây không lâu: "Muốn giữ vững thành công ("top 4" thôi, khoan bàn đến ngôi vô địch), Leicester dứt khoát phải tăng cường lực lượng trong đợt chuyển nhượng giữa mùa. Khi ấy, việc của Ranieri sẽ thêm khó khăn vì ông buộc phải chọn lựa. Hiện thời (khoảng cuối năm 2015), ông ta đâu có gì để chọn"! Rút cuộc, chính ngài Alex cũng đã hố to với nhận định tưởng như hay ho của ông. Trên thực tế, cũng có những lúc hiếm hoi Ranieri thay đổi trong cách tiếp cận trận đấu, trong lối chơi, hay trong cách sử dụng Leonardo Ulloa hoặc Riyad Mahrez... Những lúc như vậy, ông đều thành công. Nhưng tóm lại, Ranieri thay đổi ở mức độ thấp nhất có thể, và Leicester càng ổn định thì càng mạnh mẽ. Sắp tới, không chừng thiên hạ lại cố học theo Ranieri, cố giữ nguyên đội hình, trở lại sơ đồ 4-4-2, hoặc tấn công bằng một cặp bài trùng thay vì dùng tiền đạo cắm duy nhất! Xu thế bóng đá vẫn thường như vậy.

Ranieri: Cuộc báo thù của 'Gã thợ hàn'

Ranieri: Cuộc báo thù của 'Gã thợ hàn'

Claudio Ranieri đã nghĩ gì khi nhìn vào lịch thi đấu của Leicester City sau khi nhận công việc ở CLB này hồi tháng 7? Trận cuối cùng trong mùa giải của họ là ở Stamford Bridge gặp Chelsea.


Giỏi, nhưng không phải là một tượng đài

Hồi Ranieri dẫn dắt AS Roma (mùa bóng 2009-2010), chính ông mới là HLV giành điểm nhiều nhất ở Serie A. Nhưng rút cuộc, scudetto thuộc về Inter - một phần trong cú "ăn ba" hiển hách của HLV Jose Mourinho năm ấy. Vì sao? Vì Roma chỉ kịp chọn Ranieri cầm quân sau khi đã thua 2 trận đầu tiên. Ở mùa 2013-2014, Ranieri đem lại cho Monaco 80 điểm ngay khi đội này vừa thăng hạng. Đấy là kỷ lục kép ở Ligue 1, bởi ngoài chi tiết vừa thăng hạng, Monaco còn là đội duy nhất xưa nay không vô địch mà có đến 80 điểm. Ở Chelsea, Ranieri đưa đội lên đến vị trí á quân (chỉ sau mỗi Arsenal vốn là đội duy nhất xưa nay từng vô địch Premier League với thành tích bất bại). Đấy cũng là vị trí cao nhất mà Chelsea có được ở giải vô địch Anh trong gần nửa thế kỷ.


Ranieri từng dẫn dắt Roma mùa bóng 2009-10

Còn khá nhiều chi tiết tương tự ở vài CLB khác, đủ sức nói lên rằng Ranieri là một HLV giỏi. Trớ trêu ở chỗ, đôi khi người ta lại bảo Ranieri thất bại khi ông "chỉ" về nhì hoặc "suýt" thành công. Tất nhiên, cũng có những lúc Ranieri "hình như" thất bại. Giới quan sát (đáng kể nhất là bình luận viên danh tiếng Gary Lineker) cười ngặt nghẽo khi biết Leicester tuyển mộ Ranieri trước mùa bóng này. Khi ấy, ông vừa bị đội Hy Lạp sa thải vì thành tích quá tồi tệ ở vòng loại Euro 2016. Đến khi Leicester thắng Manchester City 3-1 và thật sự trở thành ứng cử viên vô địch đáng gờm, Lineker vẫn cứ bình luận: "Thật không thể tin được. Không thể nào như vậy". Đấy cũng là lúc hiếm hoi mà Ranieri tự nói về mình. Ông trầm ngâm: "Trong suốt sự nghiệp cầm quân, tôi chỉ thấy vài chuyện không thể tin được, ví dụ như chuyện người ta giao đội Hy Lạp cho tôi và sa thải sau 4 trận đấu. Tôi chỉ có vài ngày làm việc. Tôi thật sự chưa thể làm được điều gì. Họ sa thải tôi, chọn HLV khác, và HLV ấy lại càng thất bại... Đấy mới là những chuyện không thể tin được"!

Chỉ thêm 1-2 vòng đấu nữa, rất có thể Leicester đã chính thức hóa suất dự Champions League, thậm chí là suất vào thẳng vòng bảng. Bấy nhiêu đã là một "lịch sử nhỏ", chưa kể khả năng đoạt chức vô địch Premier League của Leicester giờ cũng ở mức rất cao rồi. Như mọi người đã biết, đấy là "phép lạ", bởi toàn bộ danh sách cầu thủ trong tay Ranieri có giá chuyển nhượng tổng cộng chỉ là 54 triệu bảng, tương đương cầu thủ Kevin De Bruyne ở Manchester City, chỉ hơi cao hơn Mesut Oezil ở Arsenal, hoặc bằng Erik Lamela cộng với Son Heung-min ở Tottenham.

Leicester thành công nhờ sự ăn ý giữa Riyad Mahrez và Vardy Jamie trên hàng công, nhờ các đường phản công đặc sắc, hoặc ngày càng vững chắc trong phòng ngự... Thật ra, bóng đá là môn thể thao đối kháng nên đôi khi người ta tỏ rõ một ưu điểm chuyên môn nào đó chẳng qua vì đối thủ thất bại ngay chính chỗ ấy. Liệt kê những điểm mạnh của Leicester do vậy có thể là điều vô nghĩa, nhất là trong mùa bóng này, mà ai cũng thấy là quá "điên rồ" ở Premier League. Nguyên nhân thành công lớn nhất của Leicester vẫn nằm ở HLV Ranieri, cụ thể hơn là quan điểm gần như không cần thay đổi điều gì của ông.


Công thức thành công của Leicester mùa này

Sở trường số 1 của Ranieri trước đây là khả năng "đọc" trận đấu. Ông không bao giờ là mẫu HLV chuyên xây dựng đội bóng hoặc huấn luyện bằng những kế hoạch, chiến lược lâu dài. Ông cứ phải xem và phân tích tình thế ngay trong trận đấu, rồi quyết định điều chỉnh hoặc thay đổi chỗ nào. Chính vì vậy, một trong những điều được nói đến nhiều nhất trong giai đoạn Ranieri huấn luyện Chelsea là khả năng... nói tiếng Anh của ông. Ông phải học cấp tốc để nói chuyện được với cầu thủ. Hồi ông mới sang Valencia cũng vậy.

Nói cách khác, Ranieri là một chiến thuật gia giỏi. Đấy cũng chính là đặc điểm khiến ông không bao giờ được xem là HLV lớn. Với các HLV như Louis Van Gaal, Alex Ferguson, Pep Guardiola hoặc Jose Mourinho, chiến thuật chỉ là... thứ yếu. Trong một hoàn cảnh cụ thể, Guardiola dù thấy rõ cần thay đổi cách chơi như thế nào, ông vẫn quyết không thay đổi, vì điều đó ảnh hưởng đến "thương hiệu" của mình. Các HLV cỡ "tượng đài" khác cũng vậy. Với họ, triết lý cao hơn chiến thuật. Người ta thậm chí còn kể ra những câu chuyện cho thấy HLV Ferguson khá mù mờ về chiến thuật và không biết phải tổ chức một buổi tập như thế nào. Kỳ thực, ông không cần biết!


Ranieri là người có cái đầu lạnh nhất trong số 4 HLV đang  đua tranh chức vô địch

Đôi khi đứng yên chính là thay đổi

Mặc kệ chiến thuật hay triết lý quan trọng hơn, Ranieri thuộc về một dạng HLV khác. Ông luôn có ý thức thay đổi chính mình và do vậy, ông luôn theo kịp bóng đá đỉnh cao - vốn luôn thay đổi qua các thời kỳ. "Tinkerman" chưa bao giờ là tên tuổi lớn. Nhưng suốt một phần tư thế kỷ, ông mới phải "hạ mình" dẫn dắt một đội bóng nhỏ như Leicester (tính từ sau Cagliari trong giai đoạn 1988-1991). Đâu phải tự nhiên, khoảng chục đội bóng lớn (hoặc ĐTQG) cứ trải thảm mời "tinkerman"!

Rất có thể, chỗ thay đổi lớn nhất làm nên chiến tích huy hoàng cho Ranieri trong mùa bóng này lại chính là cái chi tiết gắn chặt với sự nghiệp cầm quân của Ranieri: đặc điểm bất di bất dịch của ông. Khi ông đứng yên một cách có chủ đích giữa những dòng thác thay đổi xung quanh thì hóa ra, thì đấy lại là sự thay đổi lớn. Leicester rất ít khi thay đổi? Mahrez kể rõ: "Còn hơn thế nữa. Chính Ranieri từng nói với tôi: bản thân cậu cũng chẳng cần thay đổi điều gì". Ranieri giữ nguyên những gì người tiền nhiệm Nigel Pearson để lại. Vào cuộc, Leicester lại cứ giữ nguyên những gì đã làm, từ trận này sang trận khác. Ban đầu, toàn đội chẳng mấy tin tưởng Ranieri. Về sau, họ lại hoài nghi khi ông không hề thay đổi.


Ranieri đã sử dụng Mahrez (áo đen) vô cùng hiệu quả trong vai trò tiền vệ lệch phải

Nhưng hãy lưu ý: đâu thể tự nhiên mà Leicester càng đá càng hay, chỉ với đúng một công thức bất di bất dịch? Suốt 9 vòng đấu đầu tiên, Leicester luôn thủng lưới. Còn trong 11 vòng đấu gần đây, họ giữ vững mành lưới đến 7 trận. Thông thường, các đội bóng nhỏ đoạt chức vô địch, như Atletico Madrid ở La Liga năm 2014 hoặc Montpellier ở Ligue 1 năm 2012, đều không quá mạnh về công, không phải là đội ghi bàn nhiều nhất. Leicester lại khác. Họ công thủ toàn diện và ghi bàn nhiều nhất Premier League tính đến lúc này (52 bàn sau 29 vòng).

Ranieri tự thay đổi mình. Ông cố tìm cách thích ứng với Leicester nói chung hoặc những Mahrez, Vardy nói riêng. Ông tìm ra cách tiếp cận thích hợp nhất để điều chỉnh những chỗ cần chỉnh, để động viên hoặc nhắc nhở những cá nhân cần thiết. Ông không bắt các cầu thủ thay đổi hoặc chọn cầu thủ mới sao cho thích hợp với mình. Vậy nên người ta mới cảm nhận rằng Ranieri hoặc Leicester không hề thay đổi. Phải thật già dặn kinh nghiệm mới có thể huấn luyện theo cách như vậy. Ở Premier League, ai giỏi hơn Ranieri? Pochettino, Pellegrini, Wenger, Klopp đều chưa bao giờ huấn luyện ĐTQG. Van Gaal hoặc Hiddink thì đã dẫn dắt ĐTQG, và họ cũng đã thất bại. Trải nghiệm trong nhiều môi trường bóng đá khác nhau, qua những hoàn cảnh khác nhau, chưa chắc có ai hơn được Ranieri.

Leicester City là Vua sân đối phương mùa này khi đá 15 trận giành 31 điểm với 9 thắng và 2 bại. Ở đó họ cũng là đội ghi nhiều bàn nhất với 28 bàn, và như thế đạt hiệu suất gần 2 bàn mỗi trận sân đối phương.

Trận thắng Watford, Ranieri đã làm tất cả bất ngờ khi ông chủ động nhường đối phương hiệp 1, rồi bung sức trong hiệp hai. Ông không dùng Ulloa làm quân bài dự bị chiến lược mà tung thêm tiền vệ vào sân, bóp nghẹt tuyến giữa của đối thủ. Họ chuyển từ cầm bóng 46% lên tới 70% ở một số thời điểm, và kết liễu đối thủ bằng cú sút thần sầu của Mahrez sau hàng loạt cơ hội được tạo ra.

Lịch đấu 9 vòng cuối của Leicester

12/3: Newcastle (H)
19/3 : Crystal Palace (A)
2/4: Southampton (H)
9/4: Sunderland (A)
16/4: West Ham (H)
23/4: Swansea (H)
30/4: Manchester United (A)
7/5: Everton (H)
15/5: Chelsea (A)
*H: sân nhà; A: sân khách




Tân Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm