Nga và Hà Lan bị loại: Bản sắc, vết hằn & sự tàn phai

23/06/2012 12:49 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần)- Thất bại của đội tuyển Nga và đội tuyển Hà Lan ở EURO cũng đi kèm những thất bại trên con đường thích ứng và cải tạo bản sắc của hai nền bóng đá. Nga vẫn không thể xóa bỏ những đặc điểm thất bại trong tính cách truyền thống đội tuyển Liên Xô trước đây, còn Hà Lan đã rời quá xa khỏi những giá trị nguyên bản của nền bóng đá nước này, và cả hai lối đi đều dẫn đến một kết cục đau đớn.

Tính cách cũ

Đội tuyển Liên Xô, ngay cả khi ở vào thời kỳ cực thịnh, vẫn luôn tạo cho chúng ta cảm giác bất an. Những điểm mạnh trong lối chơi truyền thống của họ là sự khéo léo về kỹ thuật, cảm hứng tấn công thường rất tốt, và những pha phối hợp nhỏ nhuần nhuyễn, nhưng điểm yếu là sự thiếu vững vàng, bản lĩnh thi đấu còn thấp và thường thắng khó, nhưng thua thì dễ.

Liên Xô bao giờ cũng tạo ra một thế trận tấn công tốt, áp đảo về các thông số kỹ thuật, nhưng cũng thường xuyên chơi thiếu hiệu quả, và rất yếu trong khâu khai thác sai lầm của đối phương, không biết phản công, tận dụng tình huống cố định kém, và nhạy cảm chi tiết về trận đấu thấp.

Đội tuyển Hà Lan nguyên bản biểu tượng của bóng đá tấn công, thậm chí là tấn công liều lĩnh, đến mức mà sự cảnh giác bao giờ cũng được giảm xuống rất thấp. Bóng đá tổng lực của họ vào thập niên 1970, dù được đánh giá là một trong những lối chơi hay nhất mọi thời, vẫn mang dáng dấp của sự liều mạng: Bắt việt vị từ giữa sân, và hoán chuyển vị trí quá tự do.



Đội trưởng tuyển Nga Andrey Arshavin cúi đầu sau bàn thua trước Hy Lạp. Người Nga vẫn chưa thoát khỏi những điểm yếu của bóng đá Xô Viết- Ảnh Getty

Lối đá tận hiến đến liều lĩnh có thể là lý do khiến Hà Lan thường vấp ngã trước ngưỡng cửa vinh quang, dù họ chưa bao giờ thiếu tài năng. Danh hiệu Kẻ thất bại vĩ đại được gán cho họ, một biểu tượng của phong cách, nhưng không phải là biểu tượng của chiến thắng.

Sự thay đổi bức thiết

Khi Liên Xô tan rã, nền bóng đá Nga không còn sản sinh ra những cầu thủ ở tầm kiệt xuất nữa. Kiểu cầu thủ ấy i tồn tại ở đội tuyển Ukraina (Andriy Shevchenko là ví dụ điển hình), từng là nguồn bổ sung lực lượng quan trọng cho đội tuyển Liên Xô trước đây, nhưng các đội tuyển quốc gia từng là một phần của Liên Xô trước đây lại tỏ ra thiếu sự độc lập sau khi dọn ra ở riêng, và họ không đồng đều về lực lượng như tuyển Nga.

Sức mạnh con người bị phân tán, nhưng những điểm yếu về mặt lối chơi thì vẫn… còn nguyên. Đội tuyển Nga vẫn đều đặn góp mặt ở các giải lớn trong thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng thường xuyên bị loại ngay từ vòng bảng, với lối chơi ngây thơ cố hữu. Việc không thể vượt qua vòng loại hai World Cup gần đây (2006 và 2010) là hệ quả của sự run rẩy vào những thời khắc quan trọng, như việc thua Slovenia ở loạt play-off World Cup 2010.

Đội tuyển Hà Lan thì đã quá ngán ngẩm với biệt danh kẻ về nhì vĩ đại. Họ có những cầu thủ hàng đầu thế giới, chơi cho các câu lạc bộ hàng đầu thế giới và trên ngực đeo đầy chiến tích cấp câu lạc bộ, nhưng lại không thể là một đội tuyển chiến thắng. Thành tích khá ổn định trong các kỳ World Cup và EURO diễn ra hai thập kỷ qua (ba lần dừng bước ở bán kết EURO các năm 1992, 2000, 2004 và một lần ở bán kết World Cup 1998) như một cái ngưỡng tạo ra sự bức bối, nhất là khi bóng đá Hà Lan vẫn cứ sản sinh ra đều đặn những thế hệ tài năng.

Phương pháp thay đổi



Từ bỏ bản sắc, Hà Lan đã phải ra về trong tủi hổ dù có rất nhiều ngôi sao trong đội hình- Ảnh Getty

Đội tuyển Nga trong thế kỷ mới từng bị coi là một đội bóng lạc hậu về lối chơi, cứng nhắc và thiếu sự đột phá, dẫn tới đòi hỏi phải áp dụng phong cách đá hiện đại hơn. Giải pháp là gì? Sau 14 năm đặt niềm tin vào huấn luyện viên nội, cuối cùng thì, một sự trùng hợp mỉa mai, đội Nga đã cầu cứu người Hà Lan: sáu năm qua, họ được dẫn dắt bởi hai huấn luyện viên người Hà Lan là Guus Hiddink (2006-2010) và Dick Advocaat (2010-2012).

Tích cực: Nga chơi đẹp, cống hiến, tốc độ và hiện đại hơn hẳn, và coi như nhiệm vụ xóa bỏ sự lạc hậu đã xong. Nhưng sai lầm nằm ở chỗ, các huấn luyện viên Hà Lan cũng mang trong máu cá tính bóng đá của dân tộc này, rất giỏi, nhưng không phải bậc thầy gặt hái danh hiệu, và sự xuất hiện của họ không giúp gì cho việc xóa bỏ những điểm yếu cố hữu của bóng đá Liên Xô trước đây (như sự ngây thơ, thiếu bản lĩnh).

World Cup 2010 có thể xem như thời điểm mà đội tuyển Hà Lan đã đoạn tuyệt với quá khứ bằng mọi cách, chỉ để giải bài toán danh hiệu. Họ rêu rao với truyền thông về sự đổi mới tư duy, từ việc tôn trọng phong cách sang giành giật chiến quả bằng mọi giá. Họ sẵn sàng sử dụng lối chơi phi thể thao để đạt mục đích, và thậm chí là đã tiến rất gần đến điều họ khao khát tại Nam Phi 2010.

Nhưng sai lầm là sự thay đổi đẩy đội tuyển Hà Lan đi quá xa khỏi những giá trị nguyên bản của nền bóng đá từng được yêu mến biết bao nhiêu. Khi cái gốc bị nhổ bật, thì bất kỳ thành quả nào được tạo ra cũng chỉ mang ý nghĩa tức thời.

Cải tạo bản sắc thất bại

Đội tuyển Nga bắt đầu EURO năm nay bằng thắng lợi tưng bừng trước Czech, sau đó hòa chủ nhà Ba Lan, và cuối cùng là thất bại tức tưởi trước Hy Lạp. Nếu như trận thắng đầu tiên cho thấy mặt tích cực của cuộc cách mạng Cam, với lối chơi tốc độ và cảm hứng, thì hai trận tiếp theo, đặc biệt là sự run rẩy ở trận gặp Hy Lạp, cho ta biết rằng vấn đề thực sự của bóng đá Nga, tồn tại từ thời đội tuyển Liên Xô, vẫn chẳng hề thay đổi.

Hà Lan thì bị loại sau khi đã đánh mất hoàn toàn những tính cách nền tảng. Nếu bóng đá tổng lực trong quá khứ tôn trọng sự tương trợ (các mắt xích trong hệ thống luôn phải có ý thức lấp đầy cho nhau), thì đội Hà Lan hiện tại là hiện thân của sự ích kỷ, trong khi sự hoang mang và giằng xé giữa việc quay trở lại với lối chơi truyền thống hay vẫn giữ nguyên tư tưởng thực dụng vẫn khiến họ trở nên thiếu nhất quán, một trong những yếu tố dẫn đến thất bại.

Chúng ta thấy những vết hằn quá khứ vẫn để lại dấu ấn quá sâu sắc lên đội tuyển Nga hiện tại, còn Hà Lan thì lại phủi sạch trơn những gì mà quá khứ đã làm được, và cả hai con đường ấy đều dẫn đến một kết cục đau đớn. Bị ám ảnh bởi những mặt tiêu cực tồn tại từ thời đội tuyển Liên Xô, sự hứng khởi tạo ra từ hiệu ứng Hà Lan ở tuyển Nga hóa ra chỉ là nhất thời. Từ bỏ những giá trị làm nền móng cho bóng đá Hà Lan, vị trí á quân giành được bằng cả những thủ đoạn của đội bóng áo cam cũng chỉ là một cú rướn cuối cùng trước quá trình sụp đổ rất nặng nề của một thế hệ vàng ròng đích thực.

Cả hai con đường cải tạo bản sắc đều đã thất bại, và để lại những nỗi day dứt lớn. Nga buộc những người yêu mến họ phải nhớ lại cảm giác thót tim khi xem Liên Xô đá trong quá khứ, còn đội Hà Lan của hiện tại càng khiến hoài niệm về đội da cam nguyên bản trở nên nhức nhối hơn.

Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm