AC Milan: Sự sụp đổ tất yếu của một đế chế

11/04/2016 06:14 GMT+7 | AC Milan

(Thethaovanhoa.vn) - Chung kết Champions League 2005 được coi là một trong những trận đấu hay nhất lịch sử giải đấu này khi Liverpool ngược dòng hạ AC Milan trên chấm 11m dù bị dẫn trước 3-0 chỉ sau 45 phút đầu tiên. Hai năm sau, họ lại gặp nhau ở Chung kết, và lần này, Milan đã báo thù thành công (thắng 2-1) với cú đúp của Filippo Inzaghi.

Đó là chức vô địch châu Âu thứ 7 trong lịch sử Milan và chỉ có Real Madrid làm được nhiều hơn thế (10 lần). Nhưng đó cũng là lần gần nhất Milan nếm mùi vinh quang ở Champions League, và có lẽ sẽ còn rất lâu nữa Rossoneri mới lại được nếm trải cảm giác vô địch.

Sự sa sút tất yếu

Chín năm sau chức vô địch châu Âu ở Athens, Milan đang ở đâu trên BXH Serie A? Họ đang ngoi ngóp ở vị trí thứ 6, kém kình địch Inter 9 điểm, và gần như chắc chắn sẽ nằm ngoài Top 3 mùa này, đồng nghĩa với việc không được dự Champions League mùa 2016-17. Và đây sẽ là mùa thứ 3 liên tiếp, Milan vắng bóng ở giải đấu danh giá nhất châu Âu, đánh dấu sự sa sút kinh khủng của đội từng 7 lần vô địch.

Nghe có vẻ phi lý, nhưng chính sự nổi lên của PSG nhờ được Hoàng thân Qatar Nasser Al-Khelaifi bơm tiền đã gián tiếp đẩy Milan xuống vũng bùn. Mùa Hè năm 2012, PSG nhìn vào Milan với đôi mắt đầy thèm khát và cuối cùng họ đã chấp nhận bỏ ra 65 triệu euro để chiêu mộ bộ đôi Thiago Silva và Zlatan Ibrahimovic, hai cầu thủ quan trọng nhất ở sân San Siro lúc bấy giờ. Và bất ngờ hơn là Chủ tịch Silvio Berlusconi đã dễ dàng đáp ứng lời đề nghị của PSG, dù ai cũng biết Silva và Ibra là xương sống của Milan lúc đó.

Kể từ lúc đó, Milan không còn thu hút được các ngôi sao nữa. Trong năm 2012, Milan cũng lần lượt chia tay cả một thế hệ đã gắn với thành công của đội gồm Alessandro Nesta, Inzaghi, Gianluca Zambrotta, Massimo Oddo, Gennaro Gattuso, Clarence Seedorf, Mark van Bommel. Milan chính thức sụp đổ từ đó, dù 1 năm trước, họ còn giành Scudetto.

Bán sạch các ngôi sao nhưng Milan lại chẳng đưa được về những người thay thế xứng đáng đơn giản bởi họ không có tiền. Tập đoàn mẹ của Milan là Fininvest (được điều hành bởi gia đình Berlusconi) liên tục làm ăn thua sút từ 2007, thậm chí đã lỗ tới 486 triệu euro năm 2013. So sánh với các đội bóng Anh và Tây Ban Nha, những đội bóng Italy nói chung và Milan nói riêng quá dựa dẫm vào sự ban ơn của một cá nhân.

Doanh thu từ bán áo và những hoạt động kinh doanh khác chỉ chiếm một phần nhỏ ở Milan, và đó là sự khác biệt “chết người” nữa giữa họ với các đội lớn của lục địa. Mà thực tế là doanh thu và kết quả thi đấu trên sân có quan hệ rất gần gũi. Khi Milan chơi tệ và biến mất trên bình diện châu Âu, khả năng kinh doanh của họ đương nhiên cũng bị giảm sút theo.

Milan vẫn chưa tìm ra lối thoát

Sinisa Mihajlovic là HLV thứ 5 của Milan chỉ trong vòng 2 năm qua, kể từ khi họ sa thải Max Allegri năm 2014. Sở dĩ như vậy là Milan chẳng thể mời nổi một HLV thực sự giỏi, khi mà danh tiếng của họ đã quá sa sút. Thậm chí họ đã mạo hiểm với chính hai cựu cầu thủ của mình là Seedorf và Inzaghi, và tất nhiên là thất bại.

Việc bổ nhiệm Inzaghi là đỉnh cao cho sự kỳ quặc của BLĐ Milan. Cựu tiền đạo của Juve và Milan được ngồi lên ghế nóng ở San Siro dù anh chỉ mới dẫn dắt đội U19 Milan (Primavera) năm 2012, không lâu sau khi giải nghệ. Tương tự Inzaghi là Seedorf, người thậm chí còn đang đá cho Botafogo ở Brazil thì được đưa về San Siro để thay thế Allegri.

Ngay cả HLV của Milan hiện tại cũng không phải là người mà các milanista mong muốn. Và thực tế là nhiều khả năng Mihajlovic sẽ bị đá ra đường khi mùa giải này kết thúc, để nhường chỗ cho một HLV mới. Để bắt đầu cho một vòng quay luẩn quẩn không lối thoát nữa ở San Siro.

5 Trong 5 trận gần nhất ở Serie A, Milan chỉ giành được vỏn vẹn 2 điểm với 2 trận hòa và 3 thất bại.

16 Lần gần nhất đá ở Champions League (mùa 2013-14), Milan thua Atletico ở vòng 16 đội với tỷ số chung cuộc 1-5.

3 Bắt đầu thế kỷ 21 tới nay, Milan mới 2 lần giành Scudetto vào các mùa 2003-04 và 2010-11.


Vũ Mạnh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm