Ngoài tham nhũng, còn lý do nào khiến Blatter phải từ chức Chủ tịch FIFA?

03/06/2015 08:37 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Tình trạng tham nhũng, sự chống đối quyết liệt không chỉ của một số chính phủ các nước lớn mà còn của các LĐBĐ quốc tế và quốc gia quan trọng, sự đào tẩu của một số nhà tài trợ lớn và nguy cơ đổ vỡ của các World Cup sắp tới là những nguyên nhân chính buộc ông Blatter phải thoái vị, một quyêt định được chủ tịch LĐBĐ châu Âu, Michel Platini, coi là “đúng đắn và dũng cảm”.

Áp lực quá lớn khiến Joseph Blatter đã buộc phải từ chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới chỉ bốn ngày sau khi được bầu lại với sự ủng hộ của gần như 2/3 số các đại biểu các liên đoàn quốc gia.

Cuộc bỏ phiếu đó cho phép vị chủ tịch 79 tuổi tiếp tục dẫn dắt thế giới bóng đá quốc tế thêm bốn năm nữa. Tuy nhiên, ông đã đột ngột thông báo sẽ triệu tập một đại hội bất thường để lựa chọn một vị chủ tịch mới.” Mặc dù các thành viên của FIFA đã chọn tôi ở lại, nhưng có vẻ nhiệm kỳ này tôi sẽ không có sự ủng hộ của tất cả mọi người”, ông Blatter đã giải thích như vậy trong một thông cáo ngắn.

Trước đó, các đại biểu có mặt ở Zurich vào các ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần trước đã bỏ qua những yêu sách đổi mới mà một số thế lực đã đưa ra. Cũng trong tuần đó, cảnh sát ở Zurich đã bắt bảy quan chức cao cấp của FIFA, trong đó có hai phó chủ tịch và một số đồng mình thân cận nhất của nhà lãnh đạo tổ chức này. Ông Blatter đã coi “đây là những trường hợp riêng lẻ”. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ thì đánh giá “các vụ tham nhũng này là quá đáng, có hệ thống và cội rễ sâu xa”.


Các kẻ thù của Blatter không chỉ nằm trong giới chính trị

Những yêu cầu từ chức đến từ mọi phía, từ chủ tịch của Liên đoàn Bóng đá châu Âu, Michel Platini, tới Thủ tướng Anh, David Cameron. Mặc dù vậy, Blatter vẫn chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu. Thậm chí ông còn tuyên bố “ chỉ “có một chút lo lắng”, sau khi giành được sự ủng hộ của 133 đoàn đại biểu so với 73 đoàn của đối thủ là hoàng tử Ali Bin El Hussein của Jordan.

Nhưng niềm vui lớn chẳng tày gang. Vị chủ tịch của FIFA từ 1998 đến nay bị quá nhiều chính phủ chống đối, như Mỹ, Anh và Pháp. Thủ tướng Đức, Angela Markel, tuy không quyết liệt như người đồng nhiệm ở Anh, nhưng một thành viên của nội các này, như Bộ trưởng Tư pháp, đã chỉ trích mạnh mẽ Blatter trong những ngày qua. Ủy ban châu Âu cũng tuyên bố mới đây rằng đã đến lúc phải thay đổi lãnh đạo ở FIFA. Chỉ có mỗi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, người coi các vụ điều tra tham nhũng là một âm mưu để tước đoạt quyền Nga được tổ chức World Cup 2018, là ủng hộ ông Blatter.

Các kẻ thù của Blatter không chỉ nằm trong giới chính trị. Liên đoàn Bóng đá Anh đã yêu cầu một cuộc tẩy chay World Cup 2018. “Vương quốc Anh sẽ không góp mặt ở Giải Bóng đá Thế giới một khi Blatter còn tại vị”, Chủ tịch Greg Dyke của LĐBĐ Anh đã tuyên bố như vậy. Trong khi đó, chủ tịch của LĐBĐ Hà Lan, Michal van Praag, cho rằng việc tái đắc cử của Blatter là do nỗi sợ hãi và không khí thiếu dân chủ bao trùm ở FIFA. Riêng các LĐ của Pháp và Tây Ban Nha vẫn ủng hộ Blatter.

Bên cạnh các vấn đề chính trị và thể thao, Blatter còn phải đối phó với tình trạng trốn chạy của một số nhà tài trợ lớn như các tập đoàn dầu lửa Castrol, dược phẩm và mỹ phẩm Jonhson&Johnson, chưa kể sự nhấp nhổm của tập đoàn sản xuất lốp ô tô hay của Visa hoặc Coca-Cola.

Việc ông Blatter từ chức mở ra một thời kỳ bất ổn mới. Blatter có thể sẽ cố lái đại hội bất thường để tìm người thay thế theo cách có lợi cho mình vào tháng 12 năm nay hoặc tháng 3/2016. Bởi vì trong Ban Thường vụ của FIFA có rất nhiều người thân cận của ông. Và để thay đổi nền bóng đá thế giới thì chỉ sự ra đi của một vị chủ tịch là không đủ. Nó cần một cuộc cải cách sâu sắc về thể chế cho tổ chức này.

Kha Lưu
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm