Đà Nẵng: Ỡm ờ bản báo cáo doanh nghiệp chặt chém khách dịp lễ

03/06/2015 18:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều phóng viên ngỡ ngàng khi đọc bản báo cáo kết quả thanh tra bình ổn giá tại cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế- DIFC 2015 của Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Đà Nẵng.

Hơn nửa tỷ tiền phạt và “đương sự” giấu mặt!

Trước kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế 2015, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Sở Công thương đã cam kết sẽ xử phạt hết khung đồng thời công khai tên của các tổ chức, cá nhân có hành vi gom phòng, chặt chém, lừa dối du khách.

Điều đáng nói, bản báo cáo đã không thực hiện đúng cam kết cơ bản, đúng nguyện vọng của dư luận: không nêu đích danh tên các doanh nghiệp chặt chém khách. Thay vào đó, là các tên “đương sự” được ám chỉ một cách ỡm ờ kiểu đã phạt doanh nghiệp A, B, C…

Trở lại bản “thành tích” xử phạt, theo báo cáo thanh tra nêu trên, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với Sở Công thương đã kiểm tra 371 khách sạn trên toàn địa bàn thành phố. Qua quá trình kiểm tra, có 154/371 đơn vị vi phạm với tổng số tiền thu phạt là: 547.300.000đ. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm về biển hiệu; không niêm yết nội quy, quy chế; kinh doanh sai nội dung; về vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống tại khách sạn; lập/hủy hóa đơn không đúng theo quy định…



Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là một sản phẩm du lịch độc đáo. Vì thương hiệu thành phố đáng sống, thành phố thân thiện, chính quyền Đà Nẵng nên mạnh tay với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch làm ăn thiếu chuyên nghiệp.

Riêng đoàn thanh tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng  đột xuất kiểm tra khi có  thông tin phản ánh tại 6 khách sạn, 01 doanh nghiệp lữ hành và 1 tàu du lịch, đã ra quyết định xử phạt 60 triệu đồng đối với 3 nhân viên của 3 khách sạn có hành vi bán phòng cao hơn giá kê khai đăng ký với Sở (khách sạn F, khách sạn SC đường Nguyễn Văn Thoại và khách sạn F đường Trường Sa); đã nhắc nhở cảnh cáo và yêu cầu gỡ bảng niêm yết giá đối với 02 khách sạn có hành vi niêm yết giá phòng lưu trú trên các trang bán phòng trực tuyến có mức giá cao hơn kê khai đăng ký với Sở (khách sạn BC đường Nguyễn Văn Thoại và khách sạn V đường Phạm Văn Đồng); cảnh cáo 02 trường hợp tham gia vào việc mua bán phòng khách sạn không đúng chức năng (nhân viên sales khách sạn LD đường Hồ Nghinh và khách sạn M đường Dương Đình Nghệ). Hiện nay Thanh tra Sở đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xử lý đối với 01 khách sạn (khách sạn C đường Nguyễn Tất Thành) và 01 cá nhân có dấu hiệu vi phạm về bình ổn giá trong thời gian diễn ra Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế 2015.

Trong quá trình thanh tra tại các khách sạn trên, đoàn đã phát hiện và mở rộng thanh tra 1 doanh nghiệp lữ hành có hành vi vi phạm về đầu cơ gom phòng, qua đó đã ra quyết định xử phạt doanh nghiệp 20 triệu đồng (Công ty CP du lịch VĐ đường Lê Duẩn).

Theo phản ảnh của khách du lịch, Sở đã phối hợp Thanh tra Sở GTVT tiến hành kiểm tra 01 tàu du lịch và đã phát hiện đơn vị bán vé cao hơn giá niêm yết và cung ứng dịch vụ không đúng yêu cầu thỏa thuận đối với du khách trong dịp DIFC 2015 (Tàu TV). Đối với hành vi vi phạm này, Chi cục Quản lý thị trường đã ra quyết định xử phạt đơn vị 30 triệu đồng.

Cần nắm “người có tóc”

Chiều  3/6, phóng viên Thể thao & Văn hóa đã trao đổi qua điện thoại với ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH, TT& DL Đà Nẵng về bản báo cáo “đặc biệt” trên. Ông Cường lý giải cái khó của Sở là các sai phạm ở những nhà hàng, khách sạn, đơn vị lữ hành… phần lớn là do nhân viên thực hiện chứ lãnh đạo không biết. Chính vì vậy, nêu tên đích danh sẽ gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

Khi chúng tôi đặt vấn đề: nếu tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trên cả nước này nói chung, Đà Nẵng nói riêng, khi bị cơ quan chức năng phát hiện chặt chém khách, đều đổ lỗi do nhân viên thì loạn. Tuy nhiên, ông Cường cho biết chuẩn bị đi công tác nước ngoài nên sẽ trả lời sau.

Chẳng có gì là khó xử lý, bởi doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về thực trạng hoạt động, trong đó có trách nhiệm quản lý nhân viên của họ.

Như vậy, chủ trương “sẽ bêu tên lên các phương tiện thông tin đại chúng đồng thời khuyến cáo du khách không sử dụng dịch vụ ở các đơn vị này” trước mùa lễ hội chỉ là câu nói “hù dọa ”!  Nếu các doanh nghiệp du lịch ăn xổi biết được điều này, chắc  cũng cười nhếch mép, vì ăn gian được đống tiền  mà chịu phạt với hình thức chẳng thấm vào đâu, dại gì không làm. Còn các đơn vị làm ăn minh bạch, tâm huyết với ngành du lịch chắc chắn sẽ không còn tin vào kiểu hô hào mạnh miệng của cơ quan quản lý nữa.

Quan trọng là sau khi đọc bản báo cáo trên của Sở VHTT& DL, lãnh đạo Đà Nẵng có chấp nhận việc nêu tên doanh nghiệp một cách không minh bạch như chủ trương chung của Đà Nẵng?

Thiết nghĩ, khi khi đã công khai chủ trương sẽ “bêu tên” doanh nghiệp làm ăn gian dối, để bảo vệ một hình ảnh chung của thành phố đáng sống, dứt khoát Đà Nẵng phải xử lý mạnh tay, trong đó cần minh bạch các doanh nghiệp bị phạt. Đấy mới là cách để các doanh nghiệp này tự răn mình, sửa mình, củng cố niềm tin cho du khách cũng như các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Hữu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm