'Như bùn, như lụa' và nỗi lo tiếng Việt hiện đại

04/07/2016 07:05 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc tranh luận đã ngã ngũ. Đề thi Văn THPT quốc gia không sai khi chọn phiên bản bài "Tiếng Việt" của Lưu Quang Vũ là "như bùn như lụa" thay vì "như đất cày như lụa".

1. Nhưng tiếp theo đó, cuộc tranh luận lại ngả theo hướng, phiên bản nào tốt hơn, mà cụ thể là so sánh Tiếng Việt "như bùn" hay hơn hay dở hơn so với Tiếng Việt "như đất cày"?

Tôi tin rằng, đa số sẽ ngả về hướng "như bùn", nhất là khi em gái Lưu Quang Vũ, nhà phê bình Lưu Khánh Thơ, cung cấp thông tin rất hữu ích, rằng trong nguyên gốc Lưu Quang Vũ sử dụng "như bùn", đến khi gửi đăng báo Văn nghệ thì nhà thơ Phạm Tiến Duật đã biên tập thành "như đất cày".

Sinh thời, Lưu Quang Vũ chấp nhận sự biên tập đó, nhưng sau khi làm tuyển tập thì gia đình truy lại bản thảo để khôi phục hình ảnh gốc.


Thí sinh trong giờ thi môn Văn thi tại Hội đồng thi Trường THPT Việt Trì. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Chúng ta cũng không nên bỏ qua một tình tiết là vì sao nhà thơ Phạm Tiến Duật lại sửa thành "như đất cày" và vì sao Lưu Quang Vũ lúc sinh thời lại chấp thuận?

Xét về mặt thi pháp thì "như bùn và như lụa" thể hiện sự đối xứng về mặt ngôn ngữ mạnh mẽ hơn. Nhưng xét về mặt ngữ nghĩa thì không mạch lạc bằng "như đất cày và như lụa", vì cách so sánh sau giúp người đọc thấy ngay sự tương phản giữa một bên là sự mộc mạc, dân giã, thô ráp, vạm vỡ của hình ảnh đất cày và một bên là sự tinh tế, sang trọng đến mức tuyệt mĩ của hình tượng lụa.

Còn hình ảnh "bùn" thì sao? Đúng là "bùn" có thể liên tưởng tới sự thấp kém, tối tăm như câu "Gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn". Nhưng nguyên nghĩa của nó đâu phải như thế. Quan trọng là khi tiếp nhận một hình tượng nghệ thuật ta phải căn cứ vào trong chính văn cảnh của nó.

"Bùn" trong sự đối lập với "lụa" trong bài thơ trên cũng thể hiện được sự tương phản giữa sự lấm láp, bụi bặm ở tầng đáy với sự sang trọng, tinh tế ở tầng cao. Xét ở khía cạnh thực tế thì đúng là tiếng Việt có thể biểu đạt những hiện thực ở "tầng đáy", không cách xa sự thô tục bao nhiêu mà vẫn rất "lụa".

Hay như nhà phê bình Lưu Khánh Thơ lí giải ý của Lưu Quang Vũ: "Nhiều người đọc chữ “bùn” thường liên tưởng đến “hôi tanh mùi bùn”, nhưng với quan niệm của Lưu Quang Vũ, “bùn” cũng là một thứ “phù sa”. Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn… cũng như tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Nó đã trải qua bao thăng trầm để kết tinh thành thứ ngôn ngữ trong sáng được lưu truyền qua bao thế hệ".

Tôi cho rằng cuộc tranh luận giữa "như bùn" và "như đất cày" là một cuộc tranh luận rất đẹp, đẹp vô cùng về khả năng biểu đạt của tiếng Việt. Chúng ta sẽ thấy hai từ đơn giản đó lại có thể chứa đựng rất nhiều tầng ý nghĩa mà nếu không có cuộc tranh luận này, không có cách so sánh của Lưu Quang Vũ, không có cách "thò bút" chữa thơ của Phạm Tiến Duật, không có việc ra đề của Bộ, thì chẳng bao giờ chúng ta nghĩ đến.

2. Tuy nhiên...

Chúng ta đang nói về tính hình tượng của tiếng Việt. Còn sự phát triển của tiếng Việt nói chung, với tư cách là công cụ giao tiếp thì sao?

"Khi Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn". Tức là “Truyện Kiều” kết tinh trình độ phát triển rất cao của Tiếng Việt. Có thể nói với “Truyện Kiều”, tiếng Việt đã bước vào thời kỳ hiện đại, kể từ đó tiếng Việt không thay đổi nhiều nữa. Chúng ta có thể đọc và hiểu như thể vừa được người đương đại viết ra. Nó rất khác so với tiếng Việt 600 năm trước thời Nguyễn Trãi: chúng ta rất khó đọc được thơ Nôm của Nguyễn Trãi nếu không có chú giải đi kèm.

Điều đó có nghĩa rằng tiếng Việt không phải là bất biến, nó được các thế hệ bồi đắp để có thể đủ khả năng biểu đạt những khái niệm, những tâm tư, tình cảm của thời đại mình.

Từ bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, tôi cảm thấy lo lắng về việc tiếp tục "giữ gìn sự trong sáng" của tiếng Việt hiện đại và cao hơn nữa là phát triển nó.

Có quá nhiều những khái niệm trong thời đại mới, chúng ta không Việt hóa được mà chấp nhận sử dụng từ gốc nước ngoài. Thực ra, du nhập cũng là một cách thức phát triển ngôn ngữ, vấn đề là du nhập như thế nào? Thực sự tiếng Việt có thiếu các từ tương đương không mà phải "dùng xổi" ngay từ ngoại? Một người dùng xổi, ngàn người dùng theo, thế là thành thông lệ. Lúc đó có muốn nắn lại cũng khó.

Đó là chưa kể đến cách thức diễn đạt và nhiều vấn đề ngôn ngữ khác mà các chuyên gia từng cảnh báo. Chúng ta có trách nhiệm gì trước bức tranh tiếng Việt khá lổn nhổn hiện nay?

Tiếng Việt có thể "như bùn" hay "như đất cày và như lụa". Nhưng tiếng Việt phải như một công cụ mạnh mẽ, hiện đại để làm bệ phóng cho tư duy người Việt trong thế giới phẳng. Việc đó mỗi người Việt phải có trách nhiệm với tiếng nói của mình.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm