Từ thất bại của tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014: Tin ai, ai tin?

19/12/2014 08:20 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Kết thúc trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014 giữa đội tuyển Malaysia và đội tuyển Việt Nam tại sân Shah Alam (Selangor, Malaysia), bất chấp thất bại 1-2 ngay trên sân nhà của đội tuyển Malaysia, ngoại trừ nhóm hooligan đã tấn công các CĐV Việt Nam, phần lớn trong số gần 8 vạn khán giả Malaysia tới sân Shah Alam vào tối hôm 7/12/2014 đều ra về một cách vui vẻ.

Thậm chí, có không ít khán giả Malaysia còn níu lại phóng viên Thể thao & Văn hóa chỉ để bày tỏ sự hâm mộ và khâm phục với những gì mà thầy trò HLV Toshiya Miura đã thể hiện trên sân Shah Alam.

1 trận thua, 2 cách ứng xử

Và không chỉ có như thế, ngay sáng ngày hôm sau, khi đội tuyển Malaysia bắt chuyến máy bay sớm để sang Hà Nội thi đấu trận bán kết lượt về, nhìn cách các cầu thủ Malaysia được CĐV Malaysia nhiệt tình chào đón rồi liên tục xin chụp ảnh chung ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur 2 thì không ai nghĩ rằng đây là đội bóng vừa làm khán giả nhà thất vọng chỉ cách đấy chưa đến chục giờ đồng hồ.

Cũng là một thất bại trên sân nhà nhưng cái cách mà đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia nhận được hoàn toàn trái ngược nhau, bởi đội tuyển Malaysia dù thua ngay tại Shah Alam nhưng khi tới Mỹ Đình vẫn được một nhóm CĐV kéo tới sân cổ vũ, còn đội tuyển Việt Nam vừa được xem là người hùng sau trận bán kết lượt đi thì kết thúc 90 phút của trận bán kết lượt về đã bị coi như là thủ phạm làm tan nát trái tim người hâm mộ Việt Nam.



Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2014 để lại nhiều tiếc nuối.Ảnh: V.S.I

Nói như ông Trần Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam, thì các CĐV Việt Nam có quyền nghi ngờ những gì mà các tuyển thủ Việt Nam đã thể hiện trên sân ở trận bán kết lượt về, bởi với chừng ấy lợi thế (đá trên sân nhà, thua 0-1 vẫn vào chung kết), nhưng đội tuyển Việt Nam lại phải nhận tới 4 bàn thua ngay trong hiệp 1, để rồi khép lại trận đấu với tỷ số 2-4.

Có thể trận thua này chỉ xuất phát từ nguyên nhân chuyên môn thuần túy nhưng cũng có thể không, và điều này chỉ có cơ quan chức năng mới có thể đưa ra kết luận chính xác, song bản thân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã khẳng định đây là một trận thua “bất thường” và bởi thế ông Dũng đã quyết định cậy nhờ tới cơ quan chức năng để làm rõ.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao cùng với một thất bại trên sân nhà, trong khi các cầu thủ Malaysia được đối xử rất độ lượng và khoan dung, thì các tuyển thủ Việt Nam lại phải đối mặt với sự phán xét khắc nghiệt hơn nhiều? Câu trả lời có lẽ là bởi đã có quá nhiều sự cố không hay xảy ra với bóng đá Việt Nam trong thời gian vừa qua, nên có những thông tin dù mới chỉ ở dạng nghi vấn song cũng có thể bị thổi bùng lên thành ngọn lửa.

Vết thương chưa lành

Thất bại cay đắng của đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 như là một vết dao khoét sâu thêm vào vết thương mới lên da non của bóng đá Việt Nam, khiến cho những nỗ lực trước đó của thầy trò HLV Miura trở nên vô nghĩa, bởi đây đó đã có những ý kiến không được thiện chí để nhận xét về màn trình diễn của đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết lượt về.



Tấn Tài (phải) từ giã đội tuyển quốc gia sau AFF Suzuki Cup 2014.Ảnh: Thanh Hà

Sự xuất hiện của đội tuyển U19 Việt Nam trong gần 2 năm qua đã khiến cho các ĐTQG còn lại của bóng đá Việt Nam như bị rơi vào tình trạng “con nuôi con đẻ”, nhưng thực ra cũng khó trách người hâm mộ vì điều này.

Đội tuyển U19 Việt Nam không phải là đội bóng bất khả chiến bại, bởi họ từng có những trận thua nặng nề như thảm bại 0-7 trước U19 Nhật Bản ngay trên sân nhà ở Cúp Tứ hùng Nutifood 2014 hay thất bại 0-6 trước U19 Hàn Quốc ở VCK U19 châu Á 2014.

Đội tuyển U19 Việt Nam cũng không phải là một chuyên gia sưu tầm danh hiệu thượng thặng, bởi họ đã thất bại trong cả 3 trận chung kết diễn ra trong hơn một năm qua (2 kỳ giải U19 Đông Nam Á và Cúp Hassanal Bolkiah 2014), còn thành tích vô địch giải U21 quốc tế báo Thanh Niên thì không được tính đến, bởi đấy là thành quả của đội U19 HA.GL.

Tuy nhiên, với lối chơi nhiệt huyết, cống hiến, vô tư và trung thực, dù thua hay thắng các cầu thủ U19 Việt Nam đều được CĐV khen ngợi, động viên và ủng hộ, không hề rơi vào tình cảnh chỉ vì một trận thua mà gần như mất hết niềm tin như những gì đội tuyển Việt Nam đã và đang trải qua.

Ai cũng có lý

Cái cách mà người ta ứng xử với nhau sau thất bại lại khiến dư luận càng thêm ngán ngẩm, bởi một bộ phận người hâm mộ nghi ngờ đội tuyển đã đành, ngay cả VFF cũng không thực sự tin vào các cầu thủ, bằng chứng là việc VFF đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ, còn chuyên gia, HLV, cầu thủ thì cũng sẵn sàng nhảy ngay lên mặt báo, lên mạng xã hội để công khai phản ứng, tuyên bố mất niềm tin với chính VFF...

Điều đó khiến cho người ta không còn biết tin vào ai, bởi dù là cầu thủ hay VFF thì bên nào cũng có cái lý riêng của mình, và khi mà quan điểm của 2 bên càng khác xa nhau thì họ lại càng khiến người hâm mộ bớt hẳn sự quan tâm với bóng đá Việt Nam.

Rất khó để trách cứ người hâm mộ khi mà chỉ trong năm nay, họ đã phải đón nhận thông tin về 2 vụ dàn xếp tỷ số của các đội bóng Việt Nam, mà trong số những kẻ nhúng chàm có không ít người từng là tuyển thủ QG, trong khi nỗi đau về cơn bão tiêu cực năm 2005 vẫn chưa hoàn toàn nguôi ngoai.

Có lẽ vì thế mà người hâm mộ trở nên đặc biệt nhạy cảm, và chỉ một trận thua bất thường cũng có thể khiến cho niềm tin của họ bị lung lay, nhất là trong hoàn cảnh đội tuyển U19 Việt Nam đang chinh phục tuyệt đối tình cảm của CĐV và được đầu tư chăm sóc tới tận răng.

Trong khi đó, các cầu thủ cũng có cái lý của mình để mà bức xúc với người hâm mộ cũng như những ai đã không đặt niềm tin vào họ, bởi họ đã nỗ lực, đã cố gắng, thậm chí chấp nhận đánh đổi cả thương tật cũng như đổ máu, để chiến đấu cho màu cờ sắc áo, nhưng khi đội bóng thất bại, họ ít nhận được sự động viên, chia sẻ mà đổi lại là sự nghi ngờ, ác cảm.

Còn về phần VFF, họ cũng có lý do chính đáng của mình, bởi VFF đã không tiếc tiền đầu tư cho đội tuyển Việt Nam: tập huấn nước ngoài, ăn nghỉ tại khách sạn 5 sao, sẵn sàng thưởng tiền nếu đá tốt, kể cả trong các trận giao hữu, nhưng kết quả mà VFF nhận được lại rất không như ý muốn.

Nói tóm lại, rất khó để tìm ra được nguyên nhân chính xác vì sao dẫn tới tình trạng "một mất mười ngờ" của bóng đá Việt Nam như hiện tại, chỉ biết rằng mất niềm tin là mất tất cả, và một nền bóng đá mà chẳng ai còn tin vào ai và chẳng còn điều gì đáng tin thì làm sao có thể phát triển?!
Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm