HLV thủ môn Nguyễn Văn Phụng: Long đong nghiệp gác đền

30/05/2014 16:13 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sinh năm 1967, người đàn ông ngấp nghé ngũ tuần vẫn miệt mài đuổi theo đam mê với quả bóng tròn như một định mệnh.

Tố chất thiên bẩm

Sinh năm 1967 tại TP.Quảng Ngãi trong một gia đình bình thường, không có truyền thống thể thao, chàng trai tuổi Mùi khi ấy biết đến quả bóng tròn từ những ngày rong ruổi trên mặt sân đất với bạn bè.

Nhưng tài năng của Văn Phụng được biết đến đầu tiên là ở môn bóng chuyền. Với dóc người dong dỏng, Văn Phụng là một chủ công không thể thiếu ở đội tuyển trường. Còn ở bóng đá, Văn Phụng chỉ thích chơi trên hàng công.

Nhưng cơ duyên đến với Phụng như một sự sắp đặt của số phận. Năm 1987, trong một trận đấu của đội bóng cấp 3 trường THPT Trần Quốc Toản, khi đội thiếu vị trí thủ môn, các thầy trong trường đã động viên Văn Phụng xuống trấn giữ khung thành.

Những pha bay nhảy như một thủ thành chuyên nghiệp của Văn Phụng đã khiến các tiền đạo nản lòng. Sau lần đó, Văn Phụng chiếm luôn một vị trí trong khung gỗ.

Từ cậu bé thông minh, lanh lợi ở trường cấp 3, Văn Phụng lên thẳng đội tuyển tỉnh Quảng Ngãi đi dự giải hạng Nhì QG (khi đó giải VĐQG chỉ có hạng Nhất và hạng Nhì), một bước tiến khó tin và cũng là khúc ngoặt của cả cuộc đời thủ thành Văn Phụng.

May mắn cho anh là gia đình rất thoải mái cho con chọn lựa cuộc sống. Giữa giấy trúng tuyển Đại học TDTT TP.HCM và đội hạng Nhì Quảng Ngãi, Văn Phụng cuối cùng quyết định gắn bó với nghiệp bóng banh.

5 năm thi đấu cho đội hạng Nhì Quảng Ngãi, mảnh đất quê hương chứng tỏ chưa đủ tầm cho một chàng trai trẻ luôn có ý thức cầu tiến. Năm 1992, khi hay tin đội bóng nổi tiếng Cảng Sài Gòn tuyển vị trí thủ môn, Văn Phụng nhanh nhảu bắt xe từ Quảng Ngãi đến TP.HCM để tìm cơ hội.

Khi ấy, Văn Phụng đã có sẵn hành trang là một trong những thủ thành xuất sắc nhất giải hạng Nhì toàn quốc, nhưng Cảng Sài Gòn là đội bóng không phải muốn đến là được. Nhưng với tài năng có thừa, Văn Phụng cuối cùng đã lọt vào mắt xanh của HLV kỳ cựu Phạm Huỳnh Tam Lang. Sự nghiệp của chàng gác đền sinh năm 1967 này lật sang một trang mới từ đây.

Những tưởng với “tay nải” tài năng, con đường thăng tiến của Văn Phụng sẽ ngày càng tấn tới nhưng cuộc sống bóng đá không êm đềm như cách quả bóng lăn trên sân. Ở bình diện CLB, Văn Phụng nhanh chóng được cất nhắc thay thế cho thủ thành lão làng Nguyễn Hồng Phẩm.

Ở mùa bóng 1993-1994, Văn Phụng lần đầu tiên được tin tưởng trao cho vị trí chính thức ngày khai mạc gặp Đà Nẵng. Nhưng như người ta nói, trong bóng banh, vị trí gác đền là nơi khắc nghiệt nhất.

Ký ức “kinh hoàng” trên sân Phan Thiết (Bình Thuận) khi đó vẫn khiến Văn Phụng nhớ như in. Chính sai lầm của anh là tác nhân làm đội nhà bại trận với tỷ số 0-1. Sai lầm đó khiến Văn Phụng bị cất luôn trên ghế dự bị đến hết lượt đi. Nhưng không hề có tư tưởng bỏ cuộc, Văn Phụng quyết tâm làm lại và cơ hội đã đến ở lượt về. Lần này đã không có sai lầm tái diễn, Văn Phụng bắt chính cho Cảng hết lượt về và giúp đội nâng cao chiếc Cúp VĐQG lần đầu tiên trong sự nghiệp.

Phong độ xuất sắc trong màu áo CLB giúp Văn Phụng có luôn suất lên ĐTQG chỉ một năm sau đó. Nhưng dưới cái bóng của thủ thành lừng danh Nguyễn Văn Cường, Văn Phụng cũng chỉ là sự lựa chọn số 2.

Dẫu vậy, ý thức chuyên nghiệp và niềm đam mê vô hạn với cái nghiệp mà mình quyết tâm gắn bó không cho phép anh bỏ cuộc. Năm 1996, lần đầu tiên được ra sân cũng là trận đấu cuối cùng tranh hạng 3 Tiger Cup 1996 với Indonesia, Văn Phụng góp công lớn giúp ĐTQG thắng 3-2 và đoạt luôn danh hiệu thủ thành xuất sắc nhất trận đấu.

Khi về CLB, Phụng cũng được CĐV Sài Gòn tri ân hết lời bằng những lời hô vang tên anh trên các khán đài. Trong năm này, anh cũng được bình chọn là thủ thành xuất sắc nhất giải VĐQG.

Phong cách bắt bóng mạnh mẽ, ra vào hợp lý và khả năng phán đoán hành động tiếp theo của tiền đạo đối phương đã làm nên thương hiệu cho Văn Phụng. Trong màu áo huyền thoại Cảng Sài Gòn, Văn Phụng đã sưu tập đầy đủ những danh hiệu cao quý nhất. Đó là 3 lần VĐQG (1993-1994, 1997, 2001-2002), 2 Cúp QG (1992, 1999-2000), một Cúp VĐ hạng Nhất QG 2004.

Khi bóng đá TP.HCM thoái trào cũng trùng với thời điểm những ngôi sao như Huỳnh Đức, Văn Phụng… nói lời chia tay với sự nghiệp cầu thủ. Với Văn Phụng, anh quyết định giã từ khung gỗ ở tuổi 36 vào năm 2006, cái tuổi gánh nặng tuổi tác không cho phép anh có thể trụ vững ở bóng đá đỉnh cao.

Từ đây, cựu thủ thành ĐTQG chuẩn bị hành trang cho mình hướng tới một cuộc chinh phục mới: học HLV để gõ đầu trẻ. Đời cầu thủ, Văn Phụng trải qua 2 màu áo Quảng Ngãi và Cảng Sài Gòn, nhưng ở nghiệp HLV, anh phải rong ruổi nhiều để sống với niềm đam mê. Sau XSKT.Cần Thơ, XMXT.Sài Gòn, giờ Văn Phụng đang phiêu du cùng đội bóng Hải Phòng.

Anh tâm sự Hải Phòng chắc chắn chưa phải là điểm dừng cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Mơ ước lớn nhất lúc này của cựu tuyển thủ quốc gia là được phục vụ cho đội bóng trên địa bàn TP.HCM, để căn chung cư nhỏ ở đường Phan Xích Long (Quận Phú Nhuận) khỏi thiếu hơi chủ. Cái tuổi 48 hiện tại của Văn Phụng cũng là đủ để người ta thôi cho phép mình thong dong.

“Cuộc đời tôi không tiếc điều gì”

Đời bóng banh, Văn Phụng đã bỏ qua nhiều cơ hội trở thành tỷ phú thật sự. Khi còn đầu quân ở Cảng Sài Gòn, được lãnh đạo TP.HCM ưu tiên mua đất rẻ ở vị thế đắc địa nhưng như nhiều đồng đội, Phụng lắc đầu vì sự nghiệp của anh không nghĩ quá xa xôi. Với mức lương 3, 4 chỉ vàng/tháng khi đó là mơ ước xa xỉ của rất nhiều người, Văn Phụng kể: “Làm sao tiêu hết được số tiền đó. Thú vui khi đó chỉ là đá bóng rồi thỉnh thoảng mua điện thoại xịn xài là được rồi”.

Sau nhiều bôn ba, Văn Phụng cũng tích cóp được một căn chung cư ở TP.HCM, mảnh đất anh quyết định gắn bó lâu dài. Là con trai thứ trong gia đình có 5 chị em, Văn Phụng hãnh diện vì đã lo được phần nào cuộc sống yên ổn cho bản thân và cả nhà.

Không chỉ giúp em trai có cơ nghiệp tương đối ở TP.HCM, anh còn là chỗ dựa chính của đấng sinh thành. Hàng tháng, anh trích một phần tiền lương để phụng dưỡng cha mẹ. Niềm vui lớn nhất của Văn Phụng bây giờ mỗi khi rảnh vài ngày là trở về TP.HCM để tụ tập cà phê, ăn uống với bạn bè. Thêm nữa là ghé thăm 2 đứa cháu của em trai mình.

Ở cái tuổi sắp đến ngưỡng ngũ tuần, Văn Phụng cũng không muốn là gánh nặng cho bất kỳ người phụ nữ nào. Văn Phụng tâm sự, tình yêu lớn nhất đời anh thuộc về một người bạn học phổ thông. Nhưng do không đến được với người đó, anh cũng không muốn để người phụ nữ nào khổ vì chịu đựng anh, chí ít là chịu đựng niềm đam mê bóng banh gắn liền với những chuyến đi xa của anh.

Dẫu vậy, với Văn Phụng, cuộc đời như thế đã quá mỹ mãn với bản thân anh. “Người ta hay nhìn lại quá khứ để tiếc nuối, ví như họ nhìn tôi thì tiếc cho tôi đã có thể trở thành tỷ phú nếu biết nắm thời cơ. Nhưng tôi không thấy như thế. Tôi chẳng luyến tiếc điều gì hay đòi hỏi gì thêm vì từ đôi bàn tay trắng vào Sài Gòn lập nghiệp, giờ tôi đã có trong tay nhiều thứ người khác muốn không được. Cuộc sống với tôi nhìn nhận là mỹ mãn rồi”.

Với Văn Phụng lúc này, nếu có mơ ước thì điều anh trông mong sẽ là góp sức cho ĐTQG ở những giải đấu lớn.

Bản tính hiền lành, cần mẫn như chú ong thợ và tác phong chuyên nghiệp của anh là tấm gương cho những người trẻ học hỏi. Hỏi Văn Phụng về cảm giác khi xưa thường nằm dưới cái bóng của người đồng nghiệp Nguyễn Văn Cường, anh chỉ cười hiền: “Mỗi HLV có một cách chọn người và tôi là cầu thủ, luôn chấp nhận vì lợi ích của đội”.

Ở anh, niềm đam mê bóng banh chưa bao giờ tắt. Đó theo anh cũng là điều khác biệt, lý giải vì sao ở thế hệ của mình sản sinh ra những cầu thủ xuất sắc hơn hiện tại. Văn Phụng cũng luôn biết ơn người thầy Phạm Huỳnh Tam Lang đáng kính, người đã giúp anh trưởng thành trong chuyên môn lẫn đứng vững trước sóng gió cuộc đời.

Vài nét về Nguyễn Văn Phụng

- Thành viên ĐTQG từ năm 1994 đến 1998

- HCĐ Tiger Cup lần 1 năm 1996. Bắt chính giúp ĐT Việt Nam đánh bại ĐT Indonesia và giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận.

- Thủ môn xuất sắc nhất giải VĐQG 1996, ở giải VĐQG được BTC bầu là thủ môn xuất sắc nhất giải.

- HCĐ SEA Games 19 năm 1997.

- 3 Cúp VĐQG (1993-1994, 1997, 2001-2002), 2 Cúp QG (1992, 1999-2000) và một chức vô địch hạng Nhất QG (2004) đều trong màu áo Cảng Sài Gòn.

- Trợ lý HLV thủ môn ĐTQG từ năm 2009


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm