Cống hiến: Từ hội trường báo đến thảm đỏ Nhà hát Hoà Bình

19/04/2013 12:55 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến

(Thethaovanhoa.vn) - Từ một buổi công bố kết quả kiểm phiếu đơn sơ, không có tổ chức trao giải và biểu diễn của giải tiền Cống hiến (2004), đến lễ công bố và trao giải Cống hiến lần thứ 8-2013 tại Nhà hát Hoà Bình vào tối 24/4 tới đây, một sự kiện của báo giới đã trở thành một sự kiện âm nhạc được chờ đợi.

Từ công khai đến…bí mật

Chiều 20/1/2005, tại căn phòng đơn sơ vốn là hội trường cũ của Văn phòng đại diện báo Thể thao & Văn hóa tại TP.HCM, trước sự chứng kiến của gần 30 nhà báo, những lá phiếu được kiểm công khai, và 4 cái tên được xướng lên ngay sau đó: Album của năm - Ru mãi ngàn năm, Chương trình của năm - Sao Mai - Điểm hẹn, Nhạc sĩ của năm - Lê Minh Sơn và Ca sĩ của năm - Tùng Dương, đặt nền móng cho giải thưởng âm nhạc do các nhà báo bầu chọn mang tên Cống hiến.

Năm đó, những nghệ sĩ đầu tiên được ghi vào lịch sử Cống hiến có thiệt thòi là họ chỉ biết mình được giải nhờ đọc báo! Một năm sau, giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ nhất chính thức trở thành một trong những giải thưởng âm nhạc hàng năm được trao ở Việt Nam. Buổi kiểm phiếu công khai được tổ chức vào ngày 12/1/2006 tại một khách sạn lớn ở TP.HCM. Một lễ trao giải ấm cúng và độc đáo được tổ chức sau đó tại phòng trà M&Tôi, trở thành “format gốc” của các lễ công bố và trao giải thưởng Cống hiến hàng năm. 



Lễ trao giải lần thứ 2(2006) trên sân khấu Nhà hát TP.HCM

Giải thưởng Cống hiến tìm ra người chiến thắng bằng bỏ phiếu bầu chọn, nhưng từ khởi đầu cho đến nay, đây là cuộc bầu chọn duy nhất kiểm phiếu trước sự chứng kiến của các nhà báo. Đặc biệt hơn nữa, các phiếu bầu đều phải công khai tên nhà báo bầu chọn. Nhờ luật chơi này, Cống hiến đã đi qua các cơn bão thị phi có liên quan tới kết quả kiểm phiếu mà không ít các cuộc bầu chọn dính phải trong những năm gần đây. Có điều, kết quả kiểm phiếu công khai này được công bố trước giờ trao giải đã khiến Lễ trao giải Cống hiến ít nhiều mất đi sự hồi hộp chờ đợi và tính hấp dẫn. Và cũng từng có chuyện nghệ sĩ chờ công bố có giải mới quyết định đi dự lễ trao giải!

Nên tới mùa giải thứ 6 (5/4/2011), việc kiểm phiếu này rút dần vào…bí mật: năm này, chỉ có 3 nhà báo đại diện cùng ban tổ chức kiểm phiếu ngay trước giờ mở màn lễ trao giải. Và tại Lễ công bố, trao giải Cống hiến năm ngoái (22/4/2012), một luật chơi mới chính thức được áp dụng: chỉ 50% số phiếu bầu được kiểm công khai trước sự chứng kiến của các nhà báo, 50% còn lại được kiểm trong vòng bí mật và bí mật này được giữ kín trong phong bì được gửi trực tiếp lên sân khấu vào đúng giây phút công bố đề cử.

Ngay cả Trưởng ban Tổ chức giải Cống hiến cũng không được biết kết quả giải thưởng trước khi nó được xướng lên trên sân khấu lễ trao giải! Nhưng sự công khai phiếu bầu vẫn là nguyên tắc bất di bất dịch của Cống hiến khi 100% phiếu bầu đều được mở công khai cho tất cả các phóng viên tham gia bầu chọn kiểm chứng sau khi lễ trao giải kết thúc. Năm nay, luật chơi này sẽ tiếp tục được duy trì.

Những nhà báo và đại diện BTC kiểm phiếu bầu Cống hiến

Hấp dẫn không chỉ bởi kết quả

Năm ngoái, lần đầu tiên Lễ công bố và trao giải Cống hiến được truyền hình trực tiếp trên VTV1. Có lẽ đây là một lễ trao giải thưởng “nội” hiếm hoi mà khán giả không những không chuyển kênh để chỉ “xem cho biết kết quả” như với không ít lễ trao giải khác vẫn được truyền hình trực tiếp, mà ngay sau khi chương trình kết thúc, nhiều tiết mục đã được cộng đồng mạng đưa lên YouTube.

Cũng từ Lễ trao giải Cống hiến 2012, bài hát Chiếc khăn piêu với phần trình diễn như lên đồng của Tùng Dương đến được với đông đảo công chúng, không chỉ qua màn ảnh nhỏ. Tiết mục Nguyên Thảo trình diễn với dàn giao hưởng ca khúc Họa mi hót trong mưa không may “rớt sóng” truyền hình (do chương trình vượt quá thời lượng đăng ký phát sóng), lập tức sau đó đã làm dấy lên một làn sóng nhỏ dư luận về việc vì sao tiết mục này bị “cắt”.

Cũng hiếm có lễ trao giải thưởng nào mà thời lượng chương trình vượt quá khung giờ phát sóng cho phép tới gần 30 phút, khán giả vẫn không về và các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu vẫn hết mình với âm nhạc. 



Năm 2012 chương trình Cống Hiến lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp và không may phần trình diễn của ca sĩ Nguyên Thảo đã bị “rớt sóng” truyền hình (do chương trình vượt quá thời lượng đăng ký phát sóng). Tuy nhiên phần biểu diễn Họa mi hát trong mưa của cô vẫn được nhiều người trong khán phòng yêu thích

Được biên tập và dàn dựng bởi những tên tuổi có uy tín trong giới nhạc và showbiz (những nhạc sĩ từng biên tập âm nhạc cho Lễ trao giải Cống hiến gồm  Dương Thụ, Huy Tuấn, Hồ Hoài Anh, Đức Trí), được đạo diễn bởi một trong những tên tuổi hàng đầu của sân khấu ca nhạc (Phạm Hoàng Nam), trung thành với nguyên tắc “âm nhạc sống” (ban nhạc phải chơi live trên sân khấu) cùng với sự hiện diện của dàn nhạc giao hưởng trên sân khấu là những đảm bảo vàng cho “âm nhạc Việt Nam chất lượng cao” ở Cống hiến. Điều đáng nói, tất cả các nghệ sĩ khi đến với Cống hiến đều mang đúng tinh thần “cống hiến”. Không ở đâu thù lao cho các ngôi sao biểu diễn lại “cống hiến” như ở Cống hiến.

Trong lúc dư luận khắp nơi đang xôn xao “vụ 6.000 USD” thì ở sân chơi này, chưa một ngôi sao nào, dù là các diva (cả bốn diva Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà đều đã từng và sẽ tiếp tục biểu diễn trên sân khấu Cống hiến), dù là các ngôi sao số một trên thị trường (Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thu Minh…) quan tâm tới thù lao.

Có lẽ đây cũng là sân khấu duy nhất mà ở đó thù lao biểu diễn cho các ca sĩ, từ diva tới ngôi sao cho đến nghệ sĩ mới đều như nhau! Ở đó không có chỗ cho sự suy bì, sự ganh đua. Ở đó chỉ có những đam mê hết mình với âm nhạc và cho khán giả, theo đúng nghĩa đen của từ Cống hiến. Có lẽ điều đó đã làm nên sức hấp dẫn lâu bền cho giải thưởng này.

Đặc sản MC

Một trong những tiết mục được chờ đợi không kém gì các màn trình diễn trong lễ trao giải Cống hiến là MC. Năm ngoái, màn tung hứng, “chém gió”, “đá xoáy”… vào nội tình bếp núc của giới âm nhạc và cả giới nhà báo của ca sĩ Hà Anh Tuấn và giáo sư Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng) đã được bình bầu là một trong những tiết mục ấn tượng nhất của chương trình. Nhưng trong lịch sử 7 lễ trao giải Cống hiến, màn MC Cống hiến được nhiều người cho điểm cao nhất không thuộc về cặp song kiếm hợp bích Hà Anh Tuấn - Cù Trọng Xoay, mà là cặp (đạo diễn) Lê Hoàng và (ca sĩ) Mỹ Linh trên sân khấu Nhà hát TP. Hồ Chí Minh (2009). 



Phần MC được Hà Anh Tuấn và Cù Trọng Xoay đảm nhiệm trong lễ trao giải Cống Hiến 2012 cũng là một bất ngờ phút chót và làm nhiều người rất hứng thú

Và không ai ngoài đạo diễn Lê Hoàng chính là MC đầu tiên của Cống hiến, cũng là người đầu tiên biến MC trở thành một đặc sản của sự kiện này. Thuở ấy, năm 2006, Lê Hoàng không đắt show làm MC và giám khảo như bây giờ. Anh lúc đó đang giữ mục Phản chiếu trên báo Thể thao & Văn hóa, với “giọng lưỡi” sâu cay mà tưng tửng đặc trưng (về sau trên nhiều báo xuất hiện các mục “nhái Phản chiếu”, trong đó có cả của chính tác giả Lê Hoàng), “chọc ngoáy” vào đủ các vấn đề văn hóa, xã hội. Lê Hoàng chẳng ngại gì mang “Phản chiếu” lên sân khấu Lễ trao giải Cống hiến lần đầu tiên, tổ chức tại phòng trà ca nhạc M&Tôi.

Năm 2009, Lê Hoàng “bắt nạt” Mỹ Linh trên sân khấu Cống hiến, đến năm 2011 thì anh lại “cặp” với nhà báo Thùy Minh. Có nhiều năm, vì nhiều lý do khách quan, Lê Hoàng không xuất hiện trên sân khấu Cống hiến, tuy nhiên phong cách phản chiếu của anh thì đã trở thành phong cách truyền thống của lễ trao giải.

Vào thời điểm trước 2010, các lễ trao giải mặc nhiên mang phong cách nghiêm túc đến nghiêm nghị, và dĩ nhiên MC cũng phải thấm nhuần phong cách này. Thời điểm đó, tưng tửng, hài hước là thứ “chưa từng có” với các MC trong các lễ trao giải nghiêm túc như Cống hiến. Và bây giờ, phong cách này đã trở thành… mốt!

Và Lễ trao giải Cống hiến lần thứ 8, sẽ diễn ra tối 24/4 tới đây tại Nhà hát Hòa Bình, tiếp tục hứa hẹn những điều “chưa từng có”.

Những cái mới luôn được nâng niu, trân trọng ở Cống hiến. Và cái mới cũng là áp lực không ngừng đối với ban tổ chức giải thưởng.


Thuỷ Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm