Tiến sĩ tâm lý học: Biết nói chuyện là cảnh giới tu dưỡng bản thân cao nhất của vợ chồng, càng hiểu rõ nguyên tắc ‘có qua có lại’ hôn nhân càng bền!

15/03/2023 16:03 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Khi bạn có thể bước vào thế giới của người khác để bày tỏ và giao tiếp, đó là khi bạn đã tìm thấy chìa khóa để mở trái tim họ.

Tiến sĩ Russ Harris, nhà tâm lý học nổi tiếng quốc tế từng nói: Biết bao nhiêu mối quan hệ bị hủy hoại chỉ vì không biết cách nói chuyện.

Đúng như vậy.

Người không biết nói chuyện, một câu nói thôi cũng có thể khiến bạn đời nổi giận, khiến con cái tổn thương, khiến bạn bè không thích lại gần, khiến lãnh đạo phản cảm.

Rất nhiều cư dân mạng đều nói rằng mong rằng có thể thay đổi năng lực nói chuyện của bản thân, nhưng nó gần như là một chuyện vô cùng khó khăn.

Thật ra, đối với những chuyện khó khăn nhất trên đời, đáp án thường được tìm thấy từ "bên trong" mỗi chúng ta.

01

Khi nói chuyện, bạn có đứng ở cùng lập trường với đối phương hay không?

Hiện tượng học cho rằng mỗi người có một nhận thức riêng về thế giới xung quanh.

Mọi người dường như sống trong cùng một khu vực, nhưng thế giới tinh thần chủ quan của mỗi người là khác nhau.

Khi nói chuyện, nếu bạn có thể bắt đầu từ lập trường, quan điểm và cách nhìn của đối phương thì bạn sẽ đứng về phía họ, kiểu giao tiếp này rất có lợi cho việc đạt được thỏa thuận và tạo ra bầu không khí quan hệ hài hòa.

Sau khi nữ diễn viên Trương Hâm Nghệ sinh con, trong một bữa ăn tối của gia đình, cô ấy nói rằng muốn cai sữa cho con khi con được khoảng 6-8 tháng, bản thân sẽ ra ngoài đi làm, khi mình đi làm thì chồng sẽ ở nhà chăm sóc con.

Mẹ chồng tỏ ra không hài lòng, cho rằng là mẹ thì phải ở nhà chăm con, phụ nữ phải hỗ trợ đàn ông phát triển sự nghiệp.

Những lời nói của mẹ chồng khiến Trường Hâm Nghệ im lặng. Chồng cô, Viên Hoằng cũng là một diễn viên, anh biết rằng thời kì hoàng kim trong sự nghiệp của một diễn viên nữ là rất ngắn, bỏ lỡ mất rồi sẽ rất khó để phát triển, anh hiểu được những lo lắng trong lòng vợ, cũng biết vợ là người có tâm sự nghiệp, muốn kiếm được tiền, nên đã lên tiếng với mẹ: "Em bé sau 6 tháng là có thể uống sữa bột được rồi, chồng ở ngoài làm việc, vợ ở nhà trông con, nếu cứ mãi như vậy, gia đình sẽ không ổn định."

Chồng không nói thêm câu nào nữa, cuộc tranh chấp ngầm giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng âm thầm biến mất.

Người vợ cảm động rơi nước mắt, tình yêu của cả hai trở nên bền chặt hơn.

Trong mối quan hệ gia đình, nếu đối phương có thể tinh tế để ý tới cảm xúc của một nửa còn lại, có thể đứng về phía đối phương, bầu không khí gia đình sẽ trở nên hòa thuận, thân thiết hơn.

Tuy nhiên, rất nhiều khi giao tiếp trong một mối quan hệ, thay vì đứng về phía đối phương, chúng ta lại đứng về phía đối lập với họ, và vì vậy, khiến mối quan hệ bị rạn nứt.

Cặp vợ chồng 9X, Huệ và Minh kết hôn đã được 5 năm. Mọi công việc trong nhà, giáo dục con cái đều do một tay Huệ làm.

Huệ cảm thấy rất mệt mỏi, hi vọng chồng có thể chia sẻ việc nhà với mình, nhưng những lời nói ra lại chỉ toàn là oán than và chỉ trích.

"Tôi đúng là mù rồi mới lấy một người chồng lười biếng như anh, không làm được việc gì, việc gì cũng đến tay vợ, tôi là bảo mẫu nhà anh chắc? Bảo mẫu còn có lương mà, còn anh cho tôi được cái gì, từ sáng tới tối hầu hạ anh…."

Như một lẽ hiển nhiên, những lời nói của cô chỉ đổi lại được sự "xa cách" ngày một rõ nét hơn.

Rudolph Redkers trong cuốn sách của mình có tên "The challenge of marriage" (tạm dịch: "Thử thách hôn nhân") có viết: "Khi giao tiếp, sẵn sàng đứng trên quan điểm của đối phương để nhìn nhận vấn đề có thể khiến hai người đạt được đồng thuận hơn là một mực bảo vệ quan điểm của chính mình."

Vợ và mẹ chồng không cùng quan điểm, một câu nói của người chồng khiến hàng nghìn người tán dương: phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, đàn ông có đáng gửi gắm không nhìn phát biết ngay - Ảnh 1.

02

Thay đổi đối phương hay giải quyết vấn đề?

Trong bất kể mối quan hệ nào, không chỉ là tình yêu, sẽ luôn có những xung đột.

Mỗi người đều có lập trường, nhu cầu, quan điểm riêng về một vấn đề nào đó và cách giải quyết mọi việc.

Khi mâu thuẫn xảy ra, việc chứng minh mình đúng trong giao tiếp, buộc đối phương thay đổi và tuân theo, hay cùng họ giải quyết vấn đề, trở thành mấu chốt quyết định mối quan hệ có hòa thuận hay không.

Một cư dân mạng đã đăng một bài chia sẻ về câu chuyện của cô và chồng như này.

"Tôi đã quen với việc đi ngủ sớm và dậy sớm, tập thể dục đều đặn hàng tuần. Nhưng chồng tôi lại là một người lười vận động, không chỉ thừa cân mà chỉ cần vận động nhẹ thôi cũng thở hổn hển. Tôi yêu cầu anh ấy dậy sớm để tập thể dục với tôi, nhưng anh ấy nói không thích. Ban đầu, tôi rất tức giận, nghĩ rằng anh ấy không trân trọng ý tốt của mình. Sau đó, tôi nghĩ lại và ngừng bắt anh ấy thay đổi. Không ngờ sau khi tôi không nói gì nữa, anh ấy ngược lại lại tự giác rủ tôi ra ngoài tập thể dục cùng."

Nhà tâm lý học xã hội Elliot Aronson đề xuất ra một khái niệm có tên là nguyên tắc tương tác: Khi người khác thể hiện sự chấp nhận với chúng ta, chúng ta cũng sẽ cảm thấy "nên" đáp lại người khác một cách phù hợp.

Trong giao tiếp, khi bạn buông bỏ mong muốn thay đổi đối phương, khi bạn có thể chấp nhận rằng đối phương không thay đổi cũng được, họ ngược lại sẽ cảm thấy rằng bản thân đã được chấp nhận và sẵn sàng thực hiện một số điều chỉnh hành vi để "báo đáp" sự chấp nhận này.

Tất nhiên, cuộc sống rất phức tạp, và đôi khi chúng ta chưa chắc đã đạt được thỏa thuận chỉ bằng cách buông bỏ mong muốn thay đổi và chấp nhận đối phương trong giao tiếp. Khi điều này xảy ra, hãy hiểu rằng mục đích giao tiếp của bạn luôn là giải quyết vấn đề.

Cúc và Bằng hiện đang sống thử với nhau. Tình cảm giữa hai người vốn rất tốt. Nhưng Bằng có một "vấn đề nhỏ" khiến Cúc đặc biệt khó chịu.

"Tôi từ nhỏ đã hình thành thói quen sau khi ăn xong thì phải dọn dẹp và rửa bát đũa sạch sẽ ngay. Nhưng người yêu tôi lúc nào cũng phải đợi tới trước khi đi ngủ mới dọn dẹp và rửa bát đũa. Tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi đã nói rất nhiều lần rồi nhưng anh ấy vẫn chứng nào tật nấy. Tắm rửa xong xuôi chuẩn bị đi ngủ nhưng nhìn đống bát đĩa vẫn ở đó, tôi khó chịu kinh khủng. Vì vậy, có những hôm dù có mệt mỏi tới đâu tôi cũng luôn tự mình làm việc này, không nhờ vả anh ấy. Lâu dần, trong lòng tôi cảm thấy một sự mất cân bằng. Sau này tôi nói với anh ấy, 'không phải anh thích chơi cờ ư? Vậy thì ăn uống xong anh dọn dẹp các thứ luôn đi, như vậy trước khi đi ngủ sẽ có thời gian, em chơi với anh một hai ván cờ rồi mình đi ngủ'. Kể từ đó về sau, anh ấy dọn dẹp bát đũa rất hăng hái, không cần phải thúc giục nữa."

Robert Cialdini trong cuốn sách có tên "Influence" có nhắc tới một khái niệm có tên "nguyên tắc có đi có lại": Tôi đem lại lợi ích cho bạn, bạn cũng mang lại lợi ích cho tôi. Khi giao tiếp, hãy biểu đạt thật rõ ràng những lợi ích mà bên kia có thể có được, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đạt được sự đồng thuận để giải quyết vấn đề.

Vợ và mẹ chồng không cùng quan điểm, một câu nói của người chồng khiến hàng nghìn người tán dương: phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, đàn ông có đáng gửi gắm không nhìn phát biết ngay - Ảnh 2.

03

Công thức giao tiếp phổ quát

Trước đó, ta đã đề cập tới việc chúng ta nên học cách đứng ở lập trường của đối phương khi giao tiếp, từ bỏ mong muốn thay đổi và tập trung vào việc giải quyết vấn đề.

Dưới đây là công thức giao tiếp phổ quát để mọi người tham khảo trong các mối quan hệ và tình huống cuộc sống khác nhau:

Đồng cảm với cảm xúc của đối phương + bày tỏ nhu cầu của bản thân.

1. Đồng cảm với cảm xúc của đối phương

Đồng cảm với cảm xúc của đối phương có thể là cả cảm xúc hiện tại, cũng có thể là cảm xúc của họ trong một thời gian dài.

Chẳng hạn, trẻ chịu nhiều áp lực học tập, bài tập quá nhiều, về nhà không muốn làm bài và bắt đầu chơi điện tử để trốn tránh việc học hành vất vả.

Lúc này, cha mẹ có thể nói những câu như: "Mẹ biết con đang phải chịu rất nhiều áp lực học tập, hôm nay cô giáo giao rất nhiều bài tập về nhà, nghĩ đến thôi đã thấy nhức đầu rồi, con muốn thư giãn phải không? (Lúc này bạn đang đồng cảm với cảm xúc hiện tại của đứa trẻ) Ba mẹ đều biết mấy lâu nay con luôn rất nỗ lực và tiến bộ, ba mẹ không thể thay con làm điều này, nhưng ba mẹ biết con cũng rất vất vả… (đồng cảm với những cảm xúc trong thời gian dài của trẻ)"

Khi một cá nhân cảm thấy rằng những cảm xúc và nỗ lực của mình đã được nhìn thấy, những kỳ vọng và yêu cầu mà người khác đưa ra sẽ dễ dàng được hiểu và chấp nhận hơn.

2. Thể hiện nhu cầu của bản thân

Thể hiện nhu cầu của bản thân không phải là nói: Tôi muốn bạn thế này thế nọ, hay tôi hi vọng bạn thế này thế kia.

Khi giao tiếp theo cách này, bạn đang rời xa đối phương và chỉ đứng trên khung lập trường của chính mình. Trên thực tế, đối phương sẽ dễ dàng thuận theo bạn hơn khi bạn có thể bước vào khung lập trường của đối phương để bày tỏ nhu cầu và mong đợi.

Chồng của Mẫn thường xuyên ra ngoài uống rượu, tiếp khách vì công việc. Trước đây Mẫn luôn tỏ ra nhõng nhẽo: "Em muốn anh ở lại", "Em mong anh có thể dành nhiều thời gian cho em hơn", "Anh cứ ra ngoài nhiều như vậy là vì không yêu em phải không!", những câu giao tiếp như vậy luôn có rất ít tác dụng.

Bởi lẽ khung lập trường của chồng Mẫn là: Anh làm việc chăm chỉ vì gia đình này, vì muốn em và con ăn sung mặc sướng. Nhưng em lại rất vô lý, em không hiểu cho sự vất vả của anh.

Trên thực tế, Mẫn hoàn toàn có thể giao tiếp theo một cách khác, chẳng hạn như: Em biết anh vất vả như vậy là vì gia đình này (đồng cảm với cảm xúc của đối phương), vì muốn gia đình chúng ta được sống hạnh phúc, nhưng hầu hết thời gian của anh đều không dành cho em và con, khi em và con cần anh nhất, anh không có mặt, em và con thường xuyên cảm thấy rất buồn và cô đơn, anh nói xem, sự vất vả của anh như vậy rốt cuộc có ý nghĩa gì? Em mong là anh có thể sắp xếp, phân bổ nhiều thời gian hơn cho em và con (bày tỏ nhu cầu trong khuôn lập trường của đối phương).

Vợ và mẹ chồng không cùng quan điểm, một câu nói của người chồng khiến hàng nghìn người tán dương: phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, đàn ông có đáng gửi gắm không nhìn phát biết ngay - Ảnh 3.

Rogers, bậc thầy về tâm lý học nhân văn, từng nói rằng: Mọi người đều sống trong thế giới kinh nghiệm chủ quan của riêng mình. Khi bạn có thể bước vào thế giới của người khác để bày tỏ và giao tiếp, đó là khi bạn đã tìm thấy chìa khóa để mở trái tim họ.

Đúng là bối cảnh cuộc sống rất phức tạp, các cá nhân cũng phải đảm nhận nhiều vai trò trong cuộc sống, phải giao tiếp và thể hiện bản thân trong các mối quan hệ khác nhau, và cũng cần phải vượt qua nhiều trở ngại.

Nhưng chỉ cần chúng ta ghi nhớ luôn sát cánh với nửa kia, đứng vào khuôn khổ lập trường của đối phương để bày tỏ nhu cầu và cam kết thực hiện các giải pháp mang lại lợi ích cho họ, thì hầu hết các trở ngại trong giao tiếp đều có thể được loại bỏ.

Biết nói chuyện là cảnh giới tu dưỡng bản thân cao nhất của một người.

Mong chúng ta, đều là những người biết nói ra những lời dịu dàng, ấm áp và thấu hiểu!

Như Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm