01/03/2017 17:42 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Có điểm gì chung giữa Hồ Ngọc Hà - ca sĩ, Dương Tường - dịch giả, Nhâm Tiến Dũng và Nhâm Thị Hồng Phương - doanh nhân, Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý - bảo mẫu, T. - nữ sinh trung học, và Đặng Hoàng Giang - chuyên gia nghiên cứu phát triển, cũng chính là tác giả cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone?
Tất cả họ, bất chấp sự khác biệt về địa vị, tuổi tác, ngành nghề, đều đã từng là nạn nhân của những cơn bão lăng nhục trên mạng.Cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang tập trung khắc họa cái gọi là "văn hóa làm nhục" trên mạng. Làm nhục công cộng là hiện tượng có lịch sử cả nghìn năm. Nhưng ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, sự làm nhục được nâng lên một tầm cao vượt bậc: sức lan tỏa kinh người, ai cũng tham gia nhưng lại có được vị trí "không liên quan":
"Còn hơn cả báo chí và ti vi lá cải truyền thống của cuối thế kỷ 20, mạng xã hội có khả năng kết hợp một cách tài tình sự chật chội của tỉnh lẻ, nơi người ta bị soi mói, theo dõi, xì xào, đặt chuyện, với sự ẩn danh của một siêu đô thị". Và vết nhơ đối với người lăng nhục là vĩnh viễn, vì ác nghiệt thay, công nghệ đã xóa bỏ ranh giới về thời gian và địa lý. "Với Google, quá khứ không tồn tại."
Bìa cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone
Tại sao bây giờ người ta dễ dàng like, share và conment độc địa? Vì con người vốn hiếu kỳ và thích tàn nhẫn để giải khuây, và Internet cho họ điều kiện tuyệt vời để làm điều đó: vừa được ngồi hàng đầu để xem "hành hình" nhưng bản thân vẫn không "dính máu". Chiếc smartphone đã trở thành một vũ khí hoàn hảo để giải trí bằng bạo lực, để trả thù, chà đạp nhân phẩm người khác...
Trong một khía cạnh sâu xa hơn, nó bóp nghẹt mơ ước "tự do ngôn luận" thời công nghệ của chúng ta. "Lên mạng tán nhảm, bạn cũng phải nhận được bảo kê"!
Ai đó sẽ nói, chỉ là ngôn từ thôi mà! Nhưng ngôn từ bạo lực có thể gây ra đổ máu thật. Cô bé T. bị tung clip sex đã tự tử chỉ vì cô thích thế, hay vì chính những nhát like và share, cùng những những bình luận cợt nhả hoặc ác nghiệt trút xuống đầu cô - "Hàng ngon thế!" "Bán dâm chuyên nghiệp", "Chết đi đồ hư hỏng"? Và từ ngôn từ bạo lực đi tới hành động bạo lực là câu chuyện đã được thực tế chứng minh.
Tác giả cũng chỉ ra căn nguyên của những hiện tượng này, không phải là điều gì mới mẻ bất ngờ: sự cuồng tín, sự thiếu vắng khả năng thấu cảm, sự cô đơn, chông chênh của cái tôi cá nhân, tuy vậy trong thời đại công nghệ, khi người ta chỉ kết nối nhau qua những “avatar”, thì những điều này càng được khuếch đại lên hơn bao giờ hết.
Nhưng tất cả sẽ là một câu chuyện khác nếu mọi người ý thức được rằng đằng sau mỗi avatar, mỗi dòng tên trên facebook là một con người thật bằng xương bằng thịt, họ có gia đình, có những niềm vui nỗi buồn, có những số phận riêng.
Ở phần sau của cuốn sách, tác giả Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh sức mạnh của sự điềm tĩnh - khả năng quản lý cơn giận, đề xuất phê bình thiện chí, không sử dụng ngôn ngữ bạo lực, từ đó gợi ý suy ngẫm về sự tử tế, lòng khoan dung, lòng trắc ẩn, ý thức về nhân phẩm con người, không coi một hành động sai là tất cả con người của người vi phạm.
Ở tầm vĩ mô, tác giả khuyến khích xã hội có những nghi lễ tẩy rửa tội lỗi cho người phạm chuẩn, để họ trở lại là một công dân bình thường, như là một biểu hiện của "công lý phục hồi", chứ không phải "công lý trừng phạt".
Tác giả Đặng Hoàng Giang
"Cuộc đời khó nhọc, nhưng nó không phải là không thể kham nổi. Cuộc đời trở nên dễ thở hơn, thậm chí đáng sống, khi chúng ta có người khác. Tử tế, đặc biệt từ những người xa lạ, giúp chúng ta bớt cô đơn, đem lại cho chúng ta sự ấm áp và niềm an ủi để đi qua cuộc đời. Tử tế không đắt đỏ, mặc dù có tiền cũng không mua được nó."
"Trắc ẩn tạo cho ta một sự nhạy bén để nhận ra những sai trái và thôi thúc ta hành động, trong lúc đó vẫn cảm nhận tính người của người kia, nhìn xuyên qua bề mặt của sự sợ hãi, cuồng nộ hay độc ác mà họ đang thể hiện để hiểu được cái gì đang thôi thúc họ."
Chương cuối của cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone là một chương cảm động. Đặng Hoàng Giang đã dẫn người đọc đi qua những cơn bão căm ghét, để tới không gian của suy ngẫm, trắc ẩn, và chương cuối như một “coda” trong bản giao hưởng, nhẹ nhàng, gợi mở, lan tỏa.Tác giả Đặng Hoàng Giang đã rời bàn viết ở Hà Nội để bay vào Kiên Giang, tìm gặp cô bảo mẫu "ác thú" (như cách báo chí gọi) Thiên Lý, một trong những nhân vật được đưa vào làm ví dụ phân tích trong cuốn sách. Cuộc nói chuyện nhẹ nhàng, không hờn trách, không nước mắt, nhưng cho người đọc biết rằng còn có một cô Thiên Lý khác, giản dị, nhân hậu, sống trong một xóm đạo, mỗi Chủ nhật đều đi lễ nhà thờ, mới lấy chồng và đang chờ có em bé.
Có thể khi cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone ra đời, sẽ có những ý kiến cho rằng tác giả đang bênh vực cái xấu, đồng lõa với cái sai và hy sinh công lý. Thậm chí có thể nó sẽ gây thêm một cơn bão lăng nhục nữa cho chính tác giả. Nhưng tin rằng, sẽ có nhiều nhiều nhiều người khác tỉnh táo, sáng suốt hơn nhận ra bức chân dung xấu xí của văn hóa lăng nhục trên mạng, hiểu rằng cuốn sách phân biệt rõ ràng giữa phê bình và nhục mạ con người, giữa công lý của lý trí sáng suốt với công lý của đám đông cuồng nộ, giữa bản án của nỗi căm ghét với bản án của lòng trắc ẩn.
Câu hỏi vẫn còn ở phía trước. Smartphone của bạn đang đứng bên cái Thiện hay đang bè phái cùng cái Ác?
Cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone (Công ty sách Nhã Nam, NXB Hội nhà Văn) của tác giả Đặng Hoàng Giang sẽ được ra mắt vào sáng 4/3 tại Trung tâm Văn hoá Pháp( L’Espace, 24 - Tràng Tiền, Hà Nội). Trước đó, Đặng Hoàng Giang từng ra mắt cuốn sách Bức xúc không làm ta vô can, cùng nhiều bài viết gây tiếng vang trong xã hội. |
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất