14/12/2019 08:07 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng tiền gửi tiết kiệm trong nước ở khu vực Đông Á tương đương tới 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tình hình này vẫn không có nhiều thay đổi trong 30 năm qua.
Đầu những năm 2000, ông Ben Bernanke, khi đó là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã bày tỏ lo ngại rằng lượng tiền nhàn rỗi lớn ở châu Á sẽ đổ vào thị trường trái phiếu ở Mỹ và nhiều nơi khác, từ đó làm giảm lãi suất thực tế trong dài hạn. Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008, nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng tiết kiệm quá mức ở châu Á là một nguyên nhân sâu xa gây ra và sau đó làm vỡ “bong bóng” trên thị trường nhà ở từ Las Vegas đến Dublin. Và giờ đây, khi lãi suất thậm chí còn thấp hơn, nhiều người lại đặt ra câu hỏi liệu sự tiết kiệm quá mức ở châu Á có đang gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế toàn cầu hay không.
Tỷ lệ tiết kiệm cao ở châu Á tiếp tục khiến tài khoản vãng lai ở khu vực này thặng dư lớn. Trong 5 năm qua, thặng dư tài khoản vãng lai ở khu vực Đông Á trung bình ở mức khoảng 525 tỷ USD mỗi năm, cao hơn một chút so với mức trung bình 5 năm trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Nhưng diễn biến trong thặng dư ở mỗi nước lại có sự thay đổi. Trung Quốc đạt mức thặng dư tài khoản vãng lai cao nhất cách đây 10 năm, trong khi thặng dư của Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) lại đang ở mức cao hơn bao giờ hết. Thặng dư tài khoản vãng lai của các nền kinh tế lớn ở châu Á đã lên tới khoảng 0,6% GDP toàn cầu, xấp xỉ tổng mức thặng dư tài khoản vãng lai của các nền kinh tế ở châu Âu, trong đó có Đức.
Brad Setser, một chuyên gia của Hội đồng quan hệ đối ngoại ở New York, cho rằng đây là một trong những dòng tiền xuyên biên giới chủ chốt đang tác động đến các thị trường tài sản và đẩy lãi suất đi xuống trên toàn cầu. Đầu những năm 2000, xu hướng này tập trung vào lượng dự trữ tiền tệ của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, khi phần lớn trong số này được đầu tư vào các loại tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ của Mỹ. Còn giờ đây, số lượng các nhà đầu tư châu Á đông đảo hơn đang dẫn các khoản tiết kiệm của doanh nghiệp và hộ gia đình vào các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, tác động của chúng trong nhiều lĩnh vực có thể rõ nét hơn.
Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các công ty bảo hiểm nhân thọ của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sở hữu 18% tổng số nợ bằng đồng USD do các ngân hàng không phải của Mỹ phát hành. Các ngân hàng Nhật Bản nắm giữ khoảng 15% nghĩa vụ cho vay thế chấp (collateralised loan obligation - một chứng khoán được đảm bảo bằng một rổ các khoản nợ) được phát hành trên toàn cầu. Quỹ lương hưu quốc gia Hàn Quốc, đứng thứ ba thế giới với gần 600 tỷ USD tài sản, dự định sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư vào trái phiếu nước ngoài trong 5 năm tới.
Vậy châu Á có đáng bị chỉ trích vì xu hướng chuộng tiết kiệm của mình hay không. Singapore là một trong những quốc gia bị phàn nàn vì có mức thặng dư tài khoản vãng lai thuộc hàng cao nhất trong khu vực, ở mức 18% GDP. IMF đã kêu gọi Chính phủ nước này tăng chi cho cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội, từ đó làm giảm các khoản tiết kiệm dự phòng của người dân.
Nhưng Singapore đã bác bỏ những chỉ trích này. Trước giai đoạn giữa những năm 1980, đảo quốc này thường xuyên bị thâm hụt tài khoản vãng lai. Thặng dư của Singapore chỉ tăng lên khi tình hình nhân khẩu học trở nên thuận lợi, với nhiều người lao động và ít người nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong những năm tới đây, thặng dư của Singapore được dự đoán sẽ thu hẹp lại khi dân số già hóa hơn. Các hộ gia đình sẽ cắt giảm tiết kiệm và Chính phủ sẽ đối mặt với chi phí chăm sóc y tế gia tăng. Xu hướng tương tự cũng sẽ chi phối các nền kinh tế được dự đoán sẽ già hóa nhanh chóng như Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Khánh Ly/TTXVN (Theo The Economics)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất