Đội tuyển của ai?

01/10/2015 18:29 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Chắc chắn của nền bóng đá quốc gia với hàng triệu người hâm mộ rồi, nhưng như thế đâu cần hỏi nữa! ĐTQG được sinh ra, để đại diện cho nền bóng đá và cho màu cờ sắc áo, nhưng trước đó, nó vẫn cần bàn tay chăm sóc của VFF, tổ chức chuyên môn nghề nghiệp với đầy đủ các phòng ban, Hội đồng, chứ không thể khoán trắng cho HLV trưởng. Chỉ có điều, vai trò của VFF lại quá mờ nhạt ở kỷ nguyên Toshiya Miura.

Nói về VFF, người ta hay nhắc tới những vị lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, với các bộ phận chức năng, thì khi nhắc đến các ĐTQG thì bên cạnh HLV trưởng, còn là vai trò quan trọng của Phòng các ĐTQG và Hội đồng HLV quốc gia. Để trả lời được câu hỏi "đội tuyển của ai?", trước hết hãy đến với 2 bộ phận này.

Từng người tình bỏ ta đi...

Nói về Phòng các ĐTQG, trước đây thời ông Trọng Giáp, ông Sỹ Hiển, có vai trò rất lớn mỗi khi các đội bóng tập trung đá giải. Nhưng hiện tại, sau khi ông Mai Đức Chung rời ghế Trưởng phòng để về B.Bình Dương, Trợ lý - cán bộ thuộc diện quy hoạch, Phạm Như Thuần, cũng nối gót tìm đến Than Quảng Ninh, thì rất nhiều cái ghế ở phòng này đang bị bỏ trống và tất nhiên, vai trò cũng như tiếng nói cũng giảm thiểu.

Người ngồi ghế cao nhất ở Phòng các ĐTQG, cũng là duy nhất là một cán bộ trẻ Đoàn Anh Tuấn, được điều sang từ Phòng Thi đấu, cũng thuộc VFF, cách đây không lâu. Ở Phòng các ĐTQG, vị cán bộ trẻ này đương nhiên vừa làm sếp, vừa làm lính, nhưng hỏi công việc chuyên môn là gì, thì lại khó tìm được câu trả lời thỏa đáng. Ông Đoàn Anh Tuấn, một người ngoại đạo đúng nghĩa, chỉ thi thoảng theo chân các đội tuyển thi đấu và hết.


Đội tuyển Việt Nam thi đấu chưa thuyết phục dưới thời HLV Miura

Song, chắc chắn người cán bộ trẻ tuổi này không có lỗi và không đáng trách, thậm chí cần được chia sẻ, vì đã dũng cảm ở lại, trong khi tất cả đã bỏ đi hết. Trên thực tế, do là tổ chức xã hội nghề nghiệp nên VFF vẫn không thể cấm cản, nếu một ai đó từ nhiệm mà đi. Ông Mai Đức Chung hay Phạm Như Thuần, cao lắm cũng chỉ ở cấp phòng, không trách được.

 Một phòng ban đầy quyền lực trước đây, thậm chí nhiều người muốn vào mà không vào được, giờ vắng như "chùa Bà Đanh" và gần như không có thực quyền, chỉ ngồi đó chờ lệnh, ký tên và đóng dấu thông qua, trong các đợt ĐTQG tập trung, kể cũng cám cảnh thật. Tuy nhiên, do thiếu hụt nhân sự và đầu tàu, dẫn đến thiếu tiếng nói ở Phòng các ĐTQG còn đỡ, chứ ngó qua Hội đồng HLVquốc gia, với đầy đủ anh tài lại ít vai trò, còn buồn hơn.

Các ông Nguyễn Sỹ Hiển, Mai Đức Chung và Lê Huỳnh Đức, tức toàn những cựu danh thủ và có nhiều đóng góp về chuyên môn, đang giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng Trần Quốc Tuấn, người chưa từng có kinh nghiệm huấn luyện hay làm công tác chuyên môn, liệu có thể tìm được tiếng nói chung không? Nhưng ngay cả điều này cũng bình thường, bởi há chẳng phải ông Tuấn cũng đang là đương kim Phó Chủ tịch VFF, phụ trách chuyên môn sao?!

VFF thuê HLV Miura và trả lương để dẫn dắt các ĐTQG của ông Tuấn, không biết lập luận thế có chính xác không? Bởi ngoài ông Tuấn, cảm giác như tất cả các phòng ban liên quan, có mối quan hệ hữu cơ với đội bóng, đều là hữu danh vô thực.

Ai chịu trách nhiệm, nếu đội tuyển thất bại?

 Trả lời câu hỏi của PV Thể thao & Văn hoá cuối tuần, trong buổi gặp gỡ báo chí định kỳ của VFF (sau SEA Games 28, giải đấu mà U23 Việt Nam đã chỉ giành HCĐ), TTK VFF ông Lê Hoài Anh chắc nịch rằng, nếu các đội bóng thất bại (thực tế là chưa thất bại, mà đã hoàn thành chỉ tiêu và có tiến bộ, theo lời ông Hoài Anh), thì ông là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Đơn giản bởi, ông Hoài Anh là người đứng chính danh ký hợp đồng với HLV Miura?!

Hẳn tất cả đều chưa quên, sau thất bại của U23 Việt Nam ở SEA Games 26 tại Jakarta, Indonesia, trước sức ép của công và dư luận, TTK Trần Quốc Tuấn đã phải từ chức, không lâu sau khi VFF cho HLV Falko Goetz thôi việc, khi ông thầy người Đức còn đang nghỉ phép ở quê nhà. Trước đó, SEA Games 23 năm 2005, Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn kiêm Trưởng đoàn U23 Việt Nam, Lê Thế Thọ cũng phải từ nhiệm, sau vụ bán độ ở Bacolod.

Nhưng gần đây, AFF Cup 2012 và SEA Games 2013, sau các thất bại nặng nề của đội bóng, chỉ thuyền trưởng mất việc. Đội bóng thua, trảm tướng là điều bình thường, nhưng tại sao người trong cuộc đến thời điểm này nhắc lại, vẫn còn cay sống mũi. Trước khi bước vào phòng họp rút kinh nghiệm từ các giải đấu, cả HLV Hoàng Văn Phúc và người tiền nhiệm Phan Thanh Hùng đều đã được mớm trước lời từ chức, đồng thời nhận toàn bộ trách nhiệm về mình.

Người ta vẫn nói, bóngđá bạc như vôi, không phải không có lý do, đặc biệt trong cung cách đối xử với các HLV trưởng của Liên đoàn. Họ, thân làm tướng nhưng khi bại trận, lại bị biến thành chốt. Ngay tại Nakhon Ratchasima, Thái Lan 2007, HLV Alfred Riedl đã phải cởi bỏ áo mũ mà từ nhiệm, dù trong năm đó và cả các nhiệm kỳ trước đó, ông thầy người Áo đã được xem là người hùng, là công thần. Hỏi tại sao thầy nội, dù đủ năng lực, nhưng luôn khước từ?!

Trở lại với vấn đề đặt ra ở phần trên, có thể thấy, sức ép đè lên vai HLV Miura là cực lớn, trước 2 trận đấu với các đối thủ mạnh nhất nhì bảng F vòng loại World Cup 2018 là Iraq (ngày 8/10) và Thái Lan (13/10). Khả năng trắng tay là rất cao, dù đội tuyển Việt Nam được chơi sân nhà. Lúc ấy đổ tất cả trách nhiệm lên ông thầy người Nhật Bản, kể cũng hơi nghiệt, bởi các đối thủ của Việt Nam ở một đẳng cấp cao hơn hẳn. Nhưng phải chăng đời là thế và cuộc chơi là thế?!

Đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ hai World Cup bảng F

* Lịch thi đấu

24/5/2015: Thái Lan - Việt Nam 1-0

16/6/2015: Đài Loan - Thái Lan 0-2

3/9/2015: Iraq - Đài Loan 5-1

8/9/2015: Đài Loan - Việt Nam 1-2

Thái Lan - Iraq 2-2

8/10/2015: Việt Nam - Iraq

13/10/2015: ViệtNam - Thái Lan

12/11/2015: Thái Lan - Đài Loan

17/11/2015: Đài Loan - Iraq

24/3/2016: Việt Nam- Đài Loan

Iraq - Thái Lan

29/3/2016: Iraq - Việt Nam


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm