Tiễn đưa nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Nhớ 'cái nết' uống rượu

17/02/2014 07:21 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong mâm rượu

 Nhắc, nhớ người vắng mặt

 Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh

(Trích Rượu - Nguyễn Quang Sáng)

1. Chiều 13/2, làng văn Sài Gòn xôn xao trước thông tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng đột ngột qua đời tại nhà riêng lúc 16h. Theo quy luật tự nhiên, ai rồi cũng rời xa cõi tạm. Song với những người yêu quý tác giả Chiếc lược ngà, sự ra đi của ông là vô cùng đột ngột.

Đột ngột bởi, cách đây khoảng bốn ngày, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền - trưởng nữ của nhà văn Kim Lân - đến chúc Tết nhà văn Nguyễn Quang Sáng tại nhà riêng của ông ở Q.7, TP.HCM. Dù sức khỏe yếu, để ngồi được lên ghế tiếp khách phải có người bồng, nhưng nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn rất minh mẫn. Trong buổi tiếp họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, theo thói quen, nhà văn Nguyễn Quang Sáng vẫn còn kêu người nhà đem rượu ra chúc Xuân với khách.


Nhà văn Nguyễn Qang Sáng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền kể: “Ông còn uống với mình vài ly. Mình nói khi nào chú lên quận 3 chơi nhớ đến nhà cháu. Ông nghe vậy nói: thì đi luôn bây giờ, lâu rồi tao không lên Sài Gòn lai rai… Không thể ngờ ông ra đi đột ngột như vậy”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người “hay rượu”. Có thể nói, ông đi thực tế trong các cuộc rượu. Bởi khi có rượu ngon và bạn hiền, người ta dễ bộc lộ mình. Đây chính là lúc nhà văn tích lũy chất liệu để đưa vào tác phẩm. Dù hay rượu, nhưng cách uống của nhà văn Nguyễn Quang Sáng tạo thành một… nết riêng. Ngày nào ông cũng uống, la cà quán xá, nhưng ông uống rất chừng mực, uống nhấp môi, uống đủ để nghe người khác nói gì để ghi nhớ và đủ để nói những lời phải đạo tạo thêm hưng phấn cho cuộc vui, chứ không “ừng ực” như nhiều người trẻ chúng tôi.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền trong một lần vui miệng, kể rằng đầu những năm 1990 ông từng đi “thực tế” về… bia ôm với Nguyễn Quang Sáng. Thời đó, “bia ôm” còn rất hiền lành, chỉ là có tiếp viên ngồi rót cho khách uống, chứ không có từ “A đến Z” như bây giờ. Trong cuộc nhậu đó, mấy ông nhà văn “thách” nhau ai viết được truyện lấy đề tài “bia ôm” hay hơn. Đoàn Thạch Biền chắc mẩm Nguyễn Quang Sáng không thể viết được đề tài này, vì ông Sáng cả đời ở rừng hoạt động, có biết ăn chơi chốn phồn hoa đô thị là gì đâu. Kết quả thật bất ngờ, không lâu sau đó nhà văn Nguyễn Quang Sáng có truyện Con ma da được người đọc đón nhận. Bản thân đồng nghiệp Đoàn Thạch Biền bái phục “bố già” Nguyễn Quang Sáng về truyện ngắn này.

2. Cái nết uống rượu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng được chính ông “thi hóa” thành thơ. Vào năm 2007, nhân Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM, NXB Văn học và Hội Nhà văn TP.HCM xuất bản Sài Gòn thơ - tuyển thơ có mặt nhiều… nhà văn. Nguyễn Quang Sáng đóng góp bài thơ Rượu với mấy câu ngắn gọn như một tuyên ngôn: “Trong mâm rượu/ Nếu nói xấu người vắng mặt/ Rượu sẽ thành thuốc độc/ Trong mâm rượu/ Nhắc, nhớ người vắng mặt/ Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh/ Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương”. Chính vì cái nết uống rượu như thế, nên có thể nói, “bạn nhậu” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng có mặt ở khắp mọi nơi, đủ mọi thành phần nghề nghiệp và lứa tuổi.

Chuyện rượu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn có nhiều giai thoại. Ông thường đóng đô ở một vài quán quen, nơi ông chính là thượng đế được chủ quán và bạn nhậu ưu ái dành cho vị trí trung tâm. Vậy nhưng, quán nào Nguyễn Quang Sáng đến dự khai trương và trở thành mối ruột đều không tồn tại lâu dài. Một số người nói vui, quán nào ông Nguyễn Quang Sáng thường ngồi thì nhứt định “sang quán”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cả đời sống bằng nghề viết, nhưng vì ham vui nên ông từng cùng với một vài bạn văn mở quán nhậu Leng Keng. Quán Leng Keng chưa kêu được bao lâu thì cũng dẹp tiệm. Có lẽ vì thế người ta mới nói vui “Quang Sáng” thành “sang quán”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932 tại huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Ông ra đi để lại nhiều tiếc thương cho những người yêu quý ông, trong đó có những người từng được “hầu rượu” ông. Trong những tập tính của người Nam bộ nói chung và người Sài Gòn nói riêng, quán xá là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người của quán xá, của bạn bè như thế. Do vậy sự ra đi của ông khiến quán xá Sài Gòn, từ đây, vắng bóng một con người.  

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm