Italia lại hòa thất vọng: “Đừng chết trước cái chết”

22/06/2010 12:09 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Tôi biết tính của người Ý. Họ luôn cần một động lực nào đó để từ đấy mà ngoi lên, và sống, sống một cách không thể mạnh mẽ hơn được nữa. Những cuộc đâm xe ngoài phố bao giờ cũng thường bắt đầu bằng một màn cãi vã ỏm tỏi cho các bên nói hết trước khi phân định đúng sai.

Một World Cup điên rồ với màu Thiên thanh

Những gã trai lơ nhưng lấc cấc thường làm người ta ghét cay ghét đắng trước khi yêu. Những vụ cãi cọ ở chung cư thường bắt đầu chỉ vì mấy con chó ị bậy hay nhà bên nấu ăn có mùi. Và ở World Cup hay EURO nào cũng thế, cái đội tuyển có biệt danh Thiên thanh của họ luôn chơi một thứ bóng đá xù xì xấu xí và phát ngán trong những cuộc mở đầu.


Smeltz tận dụng sai lầm của Cannavaro để ghi bàn cho New Zealand, Ảnh Getty

Bốn năm sau World Cup mà họ đã giành chức vô địch trên đất Đức, tính cách Ý lại được thể hiện một cách “đáng yêu” nhất có thể. Italia đã hòa cả 2 trận đấu, với những đối thủ kém hơn nhiều về đẳng cấp, và giờ đã ở thế dựa lưng vào tường. Họ phải thắng Slovakia của Hamsik trong trận cuối cùng để đi tiếp vào vòng 2. World Cup 2006, Calciopoli đã đoàn kết cả đội và là lực đẩy họ đến chiếc Cúp vàng. Bây giờ, cái vực tủi hổ phía sau ấy có đủ sâu để khiến họ run sợ và từ đó vượt lên?

Chẳng có gì ngạc nhiên khi báo chí chỉ trích và đưa lên máy chém không trừ bất cứ ai, kể cả Lippi, người tưởng như không thể không động đến, người đã từng làm sống dậy tinh thần dân tộc của một dân tộc bị chia rẽ nghiêm trọng vì chính trị. Báo chí có quyền viết và bán báo. Người hâm mộ thất vọng và buồn rầu và CĐV các đội khác nhìn đội bằng nửa con mắt. Họ cũng có quyền vui và buồn. Trong khi ấy, ở một World Cup điên rồ với những người Thiên thanh, họ không chỉ chiến đấu chống lại cái tính cách Ý của chính họ mà đang phải đương đầu với cả những kẻ điên rồ và phản động muốn chia tách Italia, những đang kẻ nhạo báng Azzurra và nước Ý, đòi tách miền bắc Italia giàu có thành một quốc gia riêng mang tên Padania.

Trên đài Radio Padania của lực lượng ấy, Lega Nord, điều mà những CĐV không nói tiếng Ý không thể tưởng tượng nổi đang diễn ra: Khi Paraguay và New Zealand ghi bàn, họ ăn mừng như thể mới trúng số độc đắc. Và những pha san bằng tỉ số của Azzurra bị chế nhạo đến cả phút. Radio Padania cũng có quyền nói những gì họ thích (dù không người Ý chân chính nào cảm thấy khoái trá với điều ấy). Nhưng Italia vẫn chiến đấu và Lippi vẫn có những sự lựa chọn của ông. Từ trái tim của một tifoso lâu năm, tôi hiểu rằng, các anh đã làm tất cả những gì có thể, Lippi cũng đã có những toan tính của ông (có thể không đạt được đích cuối cùng) và khi thời gian đã gần như cạn kiệt, không còn đất cho những thử nghiệm và thay đổi, tôi vẫn tin rằng, cái chết chỉ đến khi người ta nghĩ mình đã thực sự chết về tâm hồn.

Thảm họa 66 lặp lại?

Sự thật là những người Thiên thanh đang trong nguy khốn. Đã có không ít người tin rằng, trận hòa với New Zealand là đáng xấu hổ. Trận ấy chẳng khác gì thất bại 0-1 trước CHDCND Triều Tiên vào năm 1966, khiến biết bao tivi bị ném ra khỏi cửa sổ, HLV Fabbri và các học trò phải đi lòng vòng mãi mới về nước một cách chui lủi vì sợ cà chua và trứng thối. Phải, bây giờ khác 44 năm trước, sẽ không ai ném trứng các anh đâu. Nhiều thứ đã thay đổi rồi, cả ngoài đời lẫn trên sân. Ở World Cup 4 năm trước, Italia là một bậc thầy về phản công với nghệ thuật làm chủ khoảng trống, với những pha lên biên thần tốc của Grosso và Zambrotta, và bàn thắng đến từ mọi hướng. Bây giờ, khi đối thủ cho họ bóng và trung tuyến để chiếm giữ, họ không biết làm gì hơn nữa. Hàng tiền đạo vẫn “đụt”, Cannavaro và hàng thủ đang mệt mỏi, Pirlo vẫn què và Buffon giờ là thương binh, những ngôi sao theo kiểu Paolo Rossi, Schillacci và Roberto Baggio vẫn chưa từ trên trời rơi xuống. Có thể mong đợi gì hơn nữa, khi đội Ý giờ là một tấm da báo loang lổ giữa những cựu công thần còn sót lại, những kẻ thất bại ở EURO 2008 và những nhân tố trẻ trung? Di Natale liệu có phải là một nhân tố mới khi tháng 10 này anh sẽ sang tuổi 33? Đừng mơ nữa đến Cassano, bởi đội bóng này cần lắm chất biến ảo của anh, nhưng không cần sự lấc cấc.

Nhà thơ Nga Evtushenko đã từng viết: “Đừng chết trước cái chết”. Cái chết về tâm hồn sẽ làm người ta chết ngay trước khi cái chết tự nhiên ập đến. Prandelli đã chờ Lippi ở cuối đường hầm, và các tifosi vẫn mong chờ những chiến thắng. Nếu nó không đến trong trận gặp Slovakia, nó có thể đến sau đó, năm nay, hoặc ở những năm sau, có thể phải 24 năm nữa, sau đêm Berlin. Đừng chết trước khi chết.

                                Anh Ngọc (từ Nam Phi)

Lippi có còn động lực?

Lippi là một thợ lắp ráp, một chuyên gia kích động tâm lí, một HLV với những ý tưởng chiến thuật giản dị, mà đội Thiên thanh hiện tại mang những khái niệm kĩ thuật về thứ bóng đá ông đã có cách đây 20 năm, với Atalanta mùa 1992-93. Khi ấy, Lippi còn chưa là Lippi. Atalanta ngày ấy chơi với một libero uyển chuyển, một tiền vệ cơ bắp kiểu De Rossi (Bordin), một tiền vệ hoạt động khắp sân kiểu Tacchinardi, một nhà điều phối bóng cỡ Alemao, 2 cầu thủ chơi cánh linh hoạt (Rambaudi và Perrone), cùng một trung phong sắc sảo (Ganz). 20 năm sau, bóng đá đã thay đổi, nhưng Lippi vẫn là con người như thế. Nhưng ông thức thời và ông hiểu rằng cái đội Italia bây giờ gần như chắc chắn không thể VĐTG một lần nữa. Những nhà vô địch cựu thần đã rơi rụng hết, những người còn lại đã mệt mỏi vì tuổi tác và chấn thương, nhưng cũng là những triệu phú đã thừa thãi tiền bạc và danh hiệu, những tài năng bóng đá Italia ngày càng ít đi, trong khi số cầu thủ gốc Ý chơi ở Serie A đã co lại 30% trước sự xâm lược của các cầu thủ nước ngoài. Lippi thực tế, nhưng đừng nghĩ ông không còn muốn chiến đấu. Vì nếu không muốn, ông đã không trở lại đội để chịu lên máy chém như người ta chém ông bây giờ.



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm