Tiền đạo Rafaelson xin nhập quốc tịch Việt Nam: 'Hãy gọi tôi là Nguyễn Xuân Son'

04/09/2024 07:56 GMT+7 | Bóng đá Việt

Mấy ngày qua, một số trang mạng thông tin tiền đạo sinh năm 1997 người Brazil, Rafaelson Bezerra Fernandes đã và đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để được công nhận là công dân Việt Nam. Theo luật mới, Son có thể vẫn được giữ quốc tịch Brazil, tức là mang quốc tịch kép.

Đây sẽ là một tin mừng cho không chỉ Rafaelson và CLB Nam Định, mà với rất nhiều CĐV bóng đá Việt Nam.

Trào lưu nhập tịch cầu thủ người nước ngoài bắt đầu rộ lên từ 15-17 năm trước, khi các ông bầu hiểu được sự lợi hại khi có trong đội hình vài cầu thủ nhập tịch. Bắt đầu với Phan Văn Santos ở GĐT. Long An, kế đến là Đoàn Văn Nirut, Đoàn Văn Sakda...

Giai đoạn 2008 - 2009, cựu HLV trưởng ĐTQG Việt Nam khi ấy là Henrique Calisto đã từng triệu tập dăm bảy ngoại binh lên ĐTQG, như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley Alves... Đội hình này nếu kết hợp với các ngoại binh xuất sắc vô địch AFF Suzuki Cup 2008 hoàn toàn có thể thống trị Đông Nam Á trong nhiều năm và tấn công vào Top 10 châu Á. Nhưng vì nhiều lý do, chiến lược này đã dừng lại.

Giai đoạn 2006 - 2012 chính là đỉnh điểm của trào lưu Việt hóa những cái tên ngoại quốc, với riêng địa hạt bóng đá. Nhiều thời điểm, Vissai Ninh Bình hay XMXT Sài Gòn, thậm chí cả B.Bình Dương..., ra sân với 6-7 cầu thủ nhập tịch trong đội hình. Ở bất cứ CLB nào tại V-League, cũng có một vài cầu thủ người Việt gốc ngoại. Họ như những món đồ trang sức đắt tiền và thể hiện sự chịu chơi của các ông bầu. Tất nhiên, xu hướng này không được cổ súy.

Sau một thời gian, với chính sách và chiến lược thay đổi, những người làm bóng đá thậm chí chủ động giảm các suất đăng ký ngoại binh/CLB ở V-League 1, với V-League 2 thậm chí là sạch bóng ngoại binh. Người trong cuộc hy vọng sẽ tạo nhiều hơn cơ hội thể hiện cho các cầu thủ trẻ, nhằm hướng tới một nền bóng đá tự cường. Nhưng, đó dường như là một sách lược thiếu khôn ngoan.

Sự việc - Ý kiến: "Hãy gọi tôi là Nguyễn Xuân Son" - Ảnh 1.

Rafaelson đang tiến hành thủ tục xin được cấp quốc tịch Việt Nam. Ảnh: Song Ngọc

Hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đi xuống về chất lượng và cả các giá trị mang tính quảng bá, thương hiệu. Khoảng cách giữa V-League 1 và V-League 2 ngày càng xa, thậm chí ngay tại mặt bằng chung V-League 1, cũng phân hóa, chênh lệch nhau quá lớn. Thế là phải tính toán lại, với làn sóng Việt kiều được khơi gợi, cùng với đó là điều chỉnh các suất đăng ký ngoại binh và sử dụng trên sân.

Với trường hợp của Rafaelson Fernandes, về lý, tháng 11 tới đây anh mới đủ điều kiện cần (5 năm liên tiếp sinh sống và làm việc tại Việt Nam), nhưng vì tình và với sự cống hiến, sự khát khao trở thành một công dân Việt Nam, Son xứng đáng được đặc cách sớm... một vài tháng. Khoan nói những giá trị, lợi ích mà Son sẽ đem lại cho CLB chủ quản, cũng như màu áo ĐTQG (nếu được triệu tập), bởi bảng thành tích sau 5 mùa thi đấu ở V-League 1 đã đủ thuyết phục rồi. Quan trọng, Son mang trong mình khát vọng tận hiến.

Từ Nam Định, vắt qua Đà Nẵng, Bình Định và trở về Nam Định, phong độ ghi bàn khủng khiếp của Cầu thủ người nước ngoài xuất sắc nhất năm 2023 là nỗi khiếp sợ của mọi hàng phòng ngự. Mùa bóng 2023/24, dù chỉ ra sân tổng cộng 23/26 trận đấu của Nam Định, nhưng Son đã nã vào lưới các CLB ở V-League 1 tới 31 bàn, kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Rafaelson lọt vào Top 10 chân sút hay nhất các giải VĐQG cùng với Ronaldo...

Giả sử, chỉ là giả sử thôi nhé, nếu xây dựng một kế hoạch nghiêm túc bằng việc gọi lên đội hình ĐTQG một số cầu thủ nhập tịch xuất chúng như Son hay Hendrio, sức công phá của hàng công đội tuyển sẽ khủng khiếp cỡ nào. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể trở lạivới tham vọng tấn công vào tốp đầu châu Á.

CCKM

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm