Than Quảng Ninh, tính địa phương trên đất mỏ

17/01/2015 12:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/1, sân Cẩm Phả, Hà Nội.T&T thắng 1-0 trước Than Quảng Ninh trong cuộc chiến trên sân cỏ. Nhưng trên khán đài, họ thua tuyệt đối. Số CĐV tới sân Cẩm Phả trong trận đấu hôm ấy là 12.000 người, gấp đúng 8 lần số CĐV tới sân Hàng Đẫy ở trận ra quân V-League hôm 4/1 giữa Hà Nội.T&T và ĐT.Long An.

Mùa bóng trước, chính Hội CĐV Than Quảng Ninh cũng được bầu là Hội CĐV tốt nhất V-League. Sân Cẩm Phả của đội bóng đất mỏ cũng là sân bóng sôi động bậc nhất, có đông CĐV tới sân nhất V-League 2014. Không phải HA.GL, Thanh Hóa hay bất kỳ CLB nào khác, Than Quảng Ninh mới xứng đáng là “thầy” của tất cả các đội bóng V-League trong cuộc chiến trên khán đài.

1. Than Quảng Ninh có lẽ là đội bóng đậm chất địa phương nhất ở V-League. Phân nửa đội hình của họ là những tài năng trẻ trưởng thành từ lò đào tạo Quảng Ninh. Nhiều người trong số họ đã được gọi lên ĐTQG, trở nên nổi tiếng và hiện đang là biểu tượng của đội bóng. Đó là đội trưởng Vũ Minh Tuấn, trung vệ tuyển thủ quốc gia Huy Cường, bộ đôi U23 Hải Huy, Tuấn Linh.

Đội hình đậm chất Quảng Ninh ấy được đặt dưới sự dẫn dắt của một người con chính cống của đất mỏ. HLV Đinh Cao Nghĩa là một người Quảng Ninh, thi đấu cho đội Quảng Ninh trong nhiều năm trước khi dẫn dắt Than Quảng Ninh lên sân chơi chuyên nghiệp. V-League 2015 là mùa giải thứ 10 của ông Nghĩa ở đất mỏ.

Tên của đội bóng (“Than” Quảng Ninh) cũng mang tới ấn tượng mạnh mẽ về một đội bóng đất mỏ. Từ đầu tới chân, họ là một đội bóng bản địa, được tạo ra bởi những người bản địa, chiến đấu vì vùng đất Quảng Ninh. Một tập thể như thế đã dễ dàng chiếm được tình yêu từ người hâm mộ.

Ông Nghĩa khẳng định: “Những cầu thủ sinh ra và lớn lên tại địa phương thi đấu cho đội bóng địa phương càng làm tăng tính địa phương. Theo tôi, không có lý do gì khiến họ không đem hết sức mình ra thi đấu cho quê hương. Việc Than Quảng Ninh thi đấu đoàn kết, kỷ luật, tập trung và đạt thành tích cao một phần là nhờ cái gốc từ người bản địa”.

Đó có lẽ cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa Hà Nội.T&T - đội bóng ít CĐV nhất V-League và Than Quảng Ninh - đội sở hữu lượng CĐV hàng đầu giải đấu.

2. Ngoài chuyện tính địa phương, Than Quảng Ninh cũng sở hữu một lý do đặc biệt khác khiến họ được hâm mộ. V-League 2014 là mùa giải đầu tiên trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp, một đội bóng Quảng Ninh có mặt ở hạng đấu cao nhất Việt Nam.

Hãy thử tưởng tượng: Tỉnh sở hữu nhiều thành phố nhất (4 thành phố) nhất Việt Nam, có một di sản thiên nhiên thế giới, có tiềm năng kinh tế hàng đầu cả nước nhưng lại không có bất kỳ CLB nào dự V-League. Đấy là một thực tế rất phi lý. Chúng ta đều biết rằng điều kiện tồn tại đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp là tài chính. Chuyện một tỉnh có kinh tế mạnh như Quảng Ninh lại không có đội bóng chuyên nghiệp là rất bất thường.

Sự bất thường ấy đã kết thúc vào mùa bóng 2014. Kể từ thời điểm ấy, cổ vũ Than Quảng Ninh nghĩa là thể hiện niềm tự hào vùng miền của người Quảng Ninh. Người hâm mộ nơi đây đã phải chờ quá lâu để thấy một đội bóng của Quảng Ninh có mặt ở sân chơi cao nhất.

Cổ vũ đội bóng Than Quảng Ninh là một trong những cách ngắn nhất thể hiện tiềm lực và sức mạnh của tỉnh Quảng Ninh. Chẳng phải những đô thị phát triển nhất chính là những đô thị có các đội bóng mạnh nhất sao? Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng là những ví dụ điển hình.

3. Bài học Quảng Ninh để lại cho Hà Nội.T&T và các đội bóng thuộc những tỉnh khác thật rõ ràng: phát triển đào tạo trẻ, xây dựng bản sắc bóng đá, tăng cường chính sách hỗ trợ CĐV và quan trọng hơn cả, kiên trì với con đường đã chọn.

Người hâm mộ rất thông minh. Chinh phục tình yêu của họ là nhiệm vụ khó khăn. Nhưng một khi đã hoàn tất, thành quả của công trình ấy sẽ vững bền.

Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm