Tiền đạo Công Phượng: Nỗi ám ảnh từ thơ ấu

11/10/2013 08:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Với các vùng quê nghèo ở xứ Nghệ, suy nghĩ của rất nhiều gia đình khi con trúng tuyển vào các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ trong cả nước đều rất đơn giản: mong nó sớm  thành cầu thủ nhưng trước mắt gia đình bớt đi một miệng ăn.

Tuy nhiên, gia đình ông bà Nguyễn Công Bảy-Nguyễn Thị Hoa thì khác, bởi với họ, việc Nguyễn Công Phượng đi tập bóng đá còn mang theo cả tâm nguyện của người anh trai đã qua đời từ tuổi thơ ấu.

“Cả làng ngủ trưa tôi vẫn đạp xe đưa con đi tập”

Vừa bước vào sân nhà Công Phượng, một ngôi nhà ngói 3 gian cấp 4 thấp lè tè như bao ngôi nhà ở xóm Vồng Vổng (nay thuộc khối 6 xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An), chúng tôi đã được bà Nguyễn Thị Hoa chào đón niềm nở, như thể bà đã biết trước nội dung công việc mà chúng tôi sẽ làm.

Bà Hoa tươi cười nói: “Các chú đến nhà tìm hiểu về thằng cu Phượng thì cứ vào nhà ngồi uống bát nác (nước) chè rồi tôi kể hết cho. Chuyện của thằng cu Phượng tui nuôi nó tui biết, tui kể hết không thiếu chi cả mô, sợ các chú không muốn nghe thôi”.

Công Phượng (10) từng bị lò đào tạo SLNA từ chối nhưng bây giờ đang tỏa sáng rực rỡ ở ĐT U19 Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng

Ngay từ những giây phút gặp gỡ đầu tiên đó, với sự tiếp đón vồn vã chân thật của gia đình Công Phượng, nỗi e ngại của chúng tôi trước khi lên đường từ thành phố Vinh hơn 60km tới nhà tiền đạo chủ lực của ĐT U19 Việt Nam như đã được xua tan.  

Bà Nguyễn Thị Hoa niềm nở chỉ vào bức vách treo đầy bằng khen của tiền đạo Nguyễn Công Phượng mà khoe: “Đấy, chú xem nhà tui thuộc dạng nghèo quanh năm vất vả làm ruộng nuôi con thì cũng muốn nó thành đạt.

Bây giờ mỗi năm hè về nó đưa một cái bằng khen, một cái ảnh về để nhà treo lên đây là tài sản quý giá của gia đinh để còn hãnh diện với bà con thôn xóm. Chưa biết nó sau này có thành cầu thủ giỏi hay không nhưng tui tin nó sẽ thành công, vì nó được trời ban cho tài năng và đam mê chơi bóng từ nhỏ”.

Trong suy nghĩ của nhiều gia đình thì nếu con đậu được vào “lò” SLNA mới là cầu thủ giỏi, còn nếu trượt thì coi như chấm dứt giấc mơ bóng đá. Nhưng gia đình ông Bảy bà Hoa lại có lý do khác để quyết tâm cho cậu con trai Nguyễn Công Phượng đi tập bóng đá.

Lý do là bởi Phượng cũng đã một lần dự tuyển vào lò đào tạo trẻ của SLNA, nhưng không được nhận vì thiếu tiêu chuẩn chiều cao cân nặng. Tuy nhiên, nhờ sự đam mê và quyết tâm của gia đình ông Bảy bà Hoa nên bây giờ mới có một Công Phượng như hôm nay.

Nhắc đến câu chuyện bóng đá của Phượng, bà Hoa lại nghẹn ngào trong dòng nước mắt khi kể lại câu chuyện đã in sâu trong tâm trí của cả gia đình. Công Phượng là con trai út (sau Phượng là em gái) trong gia đình có 5 anh chị em.

Trước Phượng là người anh tên Khoa hơn 2 tuổi. Năm học vỡ lòng, khi nào sân ximăng (khoảng 30m2) trước nhà không phơi lúa là Phượng mang bóng ra đá cùng anh, với quả bóng được cuộn bằng lá chuối khô hoặc rơm khô.

Ngay từ thủa bé, đam mê chơi bóng đá của 2 anh em Công Phượng đã nổi tiếng khắp vùng. Năm lên 9 tuổi (2004), Khoa mất do ngã xuống đầm nước khi đi chăn trâu ngoài đồng. Kể đến đây, 2 dòng nước bà Hoa cứ thế chảy dài trên má, nhưng bà vẫn tiếp tục kể về câu chuyện 2 anh em Phượng thi thố tài năng tâng bóng và sút gôn như thế nào…

Một năm sau khi người anh của Phượng là Khoa qua đời, bà Hoa mới chở Phượng lên trung tâm huyện Đô Lương để theo học lớp bóng đá. Trong suy nghĩ của gia đình lúc bấy giờ là tìm một nơi để Phượng quên đi nỗi buồn và được thỏa thích niềm đam mê.

Ít tai biết rằng để cho Phượng theo học được lớp bóng đá đó, ngày ngày ông Bảy bà Hoa phải thay nhau đạp xe chở Phượng gần 18km từ giữa trưa nắng. Bà Hoa nhớ lại: “Tôi không biết vì sao lúc đó lại có thể chịu khó được như thế. Cả làng ngủ trưa tôi vẫn đạp xe đưa con đi tập bóng, vì tôi biết con tôi mang cả đam mê và tình yêu bóng đá của anh nó nên gia đình mới cảm thấy nhẹ nhàng hơn”.

Theo tập bóng đá được hơn một năm, Phượng bắt đầu lọt vào mắt xanh của các thầy ở lò đào tạo bóng đá trẻ SLNA và được xuống thành phố Vinh tập luyện và thi tuyển. Ở các vòng thi, Phượng đều đứng đầu danh sách, nhưng sau 2 lần đứng lên bàn cân, Phượng lại bị loại vì chỉ nặng có 20,5kg.

Bước ngoặt từ một bản tin thể thao

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, bà Hoa cũng không quên giới thiệu những thành tích của Phượng. Đó là một bản photo chấm điểm các phần thi của Trung tâm đào tạo bóng đá HA.GL mà Nguyễn Công Phượng xuất sắc đứng đầu trong 18 thí sinh và đạt 47,50 điểm.  

Nhớ đến điều này, bà Hoa kể lại: “Anh em nó trưa nào cũng thi tâng bóng, thằng em đếm thằng anh thi, thằng anh đếm thằng em thi, ngày này qua ngày khác. Rồi chúng lại tập sút bóng trên cái sân ximăng phơi lúa của gia đình.

Bức tường nhà Công Phượng được bố mẹ Phượng treo đầy giấy khen của con trai. Ảnh: Đại Nghĩa

Nhiều hôm tôi phải làm trọng tài cho chúng nó. Kết quả thì có hôm thắng hôm thua nhưng Phượng thắng nhiều hơn anh nó, nhất là màn tâng bóng. Vì thế, khi hay tin nó (tức là Công Phượng-PV) đã thi đậu vào Học viện HA.GL Arsenal JMG thì tôi cũng không quá bất ngờ”.

Nếu một cầu thủ nhí ở những vùng quê nghèo ở Nghệ An bị chính lò SLNA từ chối thì điều đó có nghĩa là bạn nhỏ ấy khó có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Đã có thời điểm gia đình ông Bảy bà Hoa cũng ăn sâu lối mòn suy nghĩ như thế.

Tuy nhiên, một chiều ngồi xem chương trình thể thao trên TV, Phượng reo lên rồi chạy ra đồng kéo mẹ về nhà xem và nói: “Học viện HA.GL và người nước ngoài đang tuyển cầu thủ mẹ ơi. Con còn đủ tuổi, mẹ đưa con vô tuyển đi”.

Bà Hoa cự lại: “Con còn nhỏ, khi mô vác được bao ximăng 5 yến, đi phụ hồ cho bố xây được nhà thì mẹ đưa đi. SLNA mà còn loại thì vô trong nớ răng mà trúng được”.

Nhưng Phượng không chịu và nói: “Không, con đi đá bóng, không đi phụ hồ. Mẹ xem, mấy đứa vô tuyển còn tóm (gầy) hơn con”. Bà Hoa cự tiếp: “Con tưởng bở à, tiền mô mà đi xa thế, còn ăn ở nữa”.

Hôm sau xem tiếp chương trình thể thao trên TV, đến đoạn Học viện HA.GL Arsenal JMG tuyển cầu thủ, Phượng lại kéo mẹ vào xem rồi giục: “Họ chưa cần người to cao đâu. Mẹ điện cho bố về đưa con vô HA.GL đi”.

Bà Hoa nghĩ thấy thương con nhưng hoàn cảnh gia đình khi ấy đâu có khá giả gì. Nếu khăn gói xuống Vinh đã khó nay lại lặn lội cả nghìn km vào Gia Lai thì càng khó hơn, vì thế nên ông Bảy bà Hoa phải suy nghĩ rất nhiều.

Thế nhưng, trước sự đam mê của con và cũng mong con được thỏa sức đam mê với bóng đá nên ông bà quyết định bán non (lấy tiền trước) 4 tạ lúa và con lợn 25kg rồi đưa Phượng vào Pleiku vào Gia Lai thi tuyển.

“Hôm đưa Phượng vào, thầy Bảo nói chúc mừng bác, đường xa lặn lội như thế nhưng con bác đã đạt yêu cầu”, ông Bảy vui vẻ nhớ lại và kể thêm một chi tiết: “Học viện HA.GL Arsenal JMG chú trọng năng khiếu bóng đá chứ không quan trọng chuyện cân nặng của Phượng. Hôm đó thấy Phượng nhỏ con, họ không đưa Phượng lên bàn cân mà cân tui được 58kg, cao 1,7m. Sau 5 năm, Phượng đã cao 1,7m và nặng 58kg”. Lần ấy khi về nhà Phượng ôm mẹ nói: “Mẹ này, bố mẹ không đưa con đi là trật rồi”.

Đón đọc kỳ 2: Học giỏi đá bóng giỏi

Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa

Có một thực tế ở xứ Nghệ là các cậu bé ở những vùng nông thôn, các vùng quê nghèo nếu sớm bộc lộ tài năng bóng đá đều có mong muốn được lọt vào mắt xanh tuyển trạch viên của CLB SLNA.

Tại huyện Đô Lương, CLB SLNA còn kết hợp với phòng văn hóa huyện mở các lớp đào tạo bóng đá trẻ lứa tuổi nhi đồng, rồi thông qua đó tuyển chọn những tài năng bóng đá cho CLB, chẳng hạn như các tuyển thủ Quang Tình, Nguyên Mạnh, Thành Đạt...


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm