08/03/2023 11:44 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hành lang này bằng cách sử dụng phương pháp mang tên muography, vốn phân tích hạt hạ nguyên tử gọi là muon, do tia vũ trụ sản sinh với số lượng dồi dào.
Bằng cách sử dụng các tia vũ trụ và hình ảnh từ máy nội soi, các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện một hành lang "ẩn" bên trong mặt phía bắc của Đại Kim tự tháp Giza, nằm ngay phía trên lối vào cũ trước đây của kim tự tháp.
Đại Kim tự tháp - còn được gọi là Kim tự tháp của Khufu theo tên của pharaoh Khufu, người đã cho xây dựng nó trong thời kỳ trị vì của ông (khoảng năm 2551 trước Công nguyên đến năm 2528 trước Công nguyên) - là kim tự tháp lớn nhất và lâu đời nhất trong số các kim tự tháp tại ở Giza. Đây là kỳ quan duy nhất còn tồn tại của thế giới cổ đại và là công trình cao nhất trên Trái đất cho đến năm 1311, khi tòa tháp trung tâm cao 160 m của Nhà thờ Lincoln ở Anh được hoàn thành.
Đáng chú ý, cho tới tận ngày nay, vẫn còn rất nhiều bí ẩn của Đại Kim tự tháp vẫn chưa được khám phá, bao gồm các cấu trúc ẩn bên trong công trình này.
Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Năm (2/3/2023) trên tạp chí Nature Communications, Đại Kim Tự Tháp có tồn tại một hành lang 'ẩn' nằm ngang chạy dài 9 m, có chiều rộng và chiều cao là 2 x 2 m, ngay phía trên lối vào cổ xưa của kim tự tháp. Đáng chú ý, hành lang ẩn này lại không được kết nối với phần còn lại của các phòng bên trong Đại Kim tự tháp.
“Mặc dù không có cách nào để tiếp cận nó, nhưng “chúng tôi rất tin tưởng vào sự tồn tại của nó”, theo Mehdi Tayoubi, đồng sáng lập Viện Bảo tồn Đổi mới Di sản (HIP) (Pháp), vốn đã có những hợp tác với Đại học Cairo (Ai Cập) trong dự án mang tên ScanPyramids nhằm tìm ra các cấu trúc bí ẩn của Đại Kim tự tháp.
Được biết, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra hành lang này bằng cách sử dụng phương pháp mang tên muography, vốn phân tích hạt hạ nguyên tử gọi là muon, do tia vũ trụ sản sinh với số lượng dồi dào. Tuy có cùng điện tích như electron, muon nặng hơn gấp 200 lần. Khi tia vũ trụ (thường là proton hoặc nguyên tử) xuyên qua khí quyển ở tốc độ cao, chúng có thể tạo ra số lượng rất lớn hạt muon.
Dù chỉ tồn tại 2,2 micro giây, khoảng 10.000 hạt muon rơi xuống mặt đất mỗi phút trước khi phân rã thành electron và hai loại neutrino. Khi xuyên qua vật thể rắn như đá, chúng sẽ phân tán do tương tác với nguyên tử.
Bằng cách đo hạt muon bị phân tán, các nhà nghiên cứu có thể lập bản đồ cấu trúc 3 chiều bên trong vật thể rắn, cụ thể ở đây là Đại Kim tự tháp. Trong thập kỷ qua, các nhà khoa học đã sử dụng máy dò muon để tìm kiếm các căn phòng ẩn trong Đại Kim tự tháp. Bằng cách đặt các máy dò trên sàn của buồng Nữ hoàng, là buồng thấp nhất bên trong kim tự tháp, cũng như bên ngoài, nhóm nghiên cứu có thể phát hiện ra các hạt muon đi qua kim tự tháp.
Song song với phương pháp trên, các nhà khoa học nói thêm rằng radar xuyên đất cũng được sử dụng để thu thập thông tin về các cấu trúc bên trong kim tự tháp.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã biết rằng có một thứ gì đó ẩn sau mặt phía bắc của kim tự tháp. Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu phát hiện ra một "khoảng trống" phía sau mặt phía bắc của kim tự tháp. Tuy nhiên, mãi tới hiện tại, sự tồn tại của một căn phòng ẩn dài 9m mới chính thức được xác nhận.
Sau khi phát hiện ra hành làng nói trên, các nhà khoa học đã sử dụng một ống nội soi có gắn camera vào hành lang để quan sát bên trong. Tuy nhiên, cho đến nay, nhóm nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy bất kỳ đồ tạo tác nào bên trong hành lang, theo Live Science.
"Những bức ảnh đầu tiên được chụp bằng ống nội soi dường như cho thấy không có gì tồn tại bên trong, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể nhìn thấy chính xác toàn bộ căn phòng", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Bản thân một số chuyên gia khảo cổ cũng khẳng định, hành lang bí ẩn vừa được tìm thấy có thể không chứa bất kì bí mật, cũng như không mang lại bất kì giá trị về mặt khảo cổ nào.
Nhà khảo cổ hàng đầu, cựu Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập, Zahi Hawass cho biết, Đại kim tự tháp có nhiều khoảng trống nhỏ hơn giữa các phiến đá lớn, để giảm trọng lượng tổng thể và sức căng của cấu trúc. Ông nói, thứ mà nhóm ScanPyramids giải thích là một căn phòng hiếm hoi chưa được khám phá, thực ra không gì khác hơn là cấu trúc bên trong thông thường của Kim tự tháp..
Reg Clark, nhà Ai Cập học tại Đại học Swansea ở Vương quốc Anh cũng đồng tình với ý kiến trên.
"Tôi nghi ngờ liệu hành lang này có dẫn đến bất kỳ điều gì có ý nghĩa khác hay không. Cũng như nhiều đổi mới trong cấu trúc của các kim tự tháp, hành lang này có thể được xây vì mục đích thực dụng nào đó bởi những người xây dựng lăng mộ Ai Cập".
Trước đó, vào năm 2017, các nhà khoa học đã công bố việc phát hiện ra một khoảng trống lớn hơn, dài khoảng 30 m, nằm phía trên "phòng trưng bày lớn" của kim tự tháp, nhưng phân tích chính xác hơn về khoảng trống này vẫn chưa được hoàn thành.
Tham khảo Live Science
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất