Thụy Sĩ ngừng thử nghiệm một loại vắcxin phòng Ebola

12/12/2014 09:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã ngừng thử nghiệm vắcxin VSV-ZEBOV phòng Ebola sớm hơn thời hạn một tuần sau khi một số tình nguyện viên tiêm thử thông báo về các tác dụng phụ không mong muốn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận thông tin này, song khẳng định đây không phải là "bước lùi" trong quá trình tìm kiếm
vắcxin phòng ngừa virus Ebola.

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, bệnh viện Trường Đại học Geneva (HUG) ngày 11/12 thông báo loại
vắcxin bị tạm dừng thử nghiệm, do Canada sản xuất và được cấp giấy phép của hãng dược phẩm Mỹ NewLink Genetics, trước đó đã từng được thử nghiệm trên người ở nhiều nước, tuy nhiên trong đợt tiêm thử từ ngày 10/11 trên 59 tình nguyện viên, có bốn trường hợp đau khớp nhẹ ở tay và chân sau khi tiêm vắcxin khoảng 10 đến 15 ngày, song không ai phải nhập viện.


Vaccine phòng chống Ebola được thử nghiệm tại Mali. Ảnh: BBC

HUG cũng cho biết đau không phải là tác dụng phụ dự báo của loại
vắcxin trên, nhưng là một trong những tác dụng phụ thường gặp của nhiều loại vắcxin. Việc dừng sớm quá trình thử nghiệm vắcxin VSV-ZEBOV cho phép phân tích sâu hơn về nó và đưa ra kết quả vào ngày 5/1/2015 như dự kiến. Đại diện WHO cũng cho biết, tại các nước khác cũng thử nghiệm VSV-ZEBOV như Mỹ, Canada, Đức và Gabon, không có trường hợp bị đau sau khi tiêm nào được báo cáo.

Loại
vắcxin thứ hai cũng đang được thử nghiệm tại Thụy Sĩ có tên là ChAd3, do hãng GlaxoSmithKline (GSK) và Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng của Mỹ phối hợp sản xuất. Ngoài ra, ChAd3 còn được tiêm thử cho các tình nguyện viên tại Mali, Anh và Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 11/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki Moon đã bổ nhiệm tân Trưởng Phái bộ về vấn đề phản ứng nhanh trước đại dịch Ebola. Đại diện từ Mauritania, ông Ismail Ahmed, sẽ thay thế ông Anthony Banbury, người Mỹ, trên cương vị này.

Theo công bố mới nhất của WHO, số nạn nhân thiệt mạng do virus Ebola tại ba nước Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone đã lên tới 6.388 người, với khoảng 18.000 người mắc bệnh. Hiện vẫn còn khoảng 100 ổ dịch tại Tây Phi, số ca mắc virus có giảm tại một số khu vực nhưng lại tăng ở các khu vực khác.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm