(TT&VH) - Nam Trung Bộ, dải đất duyên hải vòng cung, ôm trọn Tây Nguyên về hướng biển Đông, vốn được mệnh danh là miền sa mạc khô cằn nhất nước, chiều ngang hẹp, mỏng hơn so với Tây Nguyên và Bắc Trung bộ, có hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, bờ biển nhiều đoạn khúc khuỷu và sâu. Phía trên là các hồ thủy điện, những túi nước khổng lồ, phía dưới là các cảng ăn sâu vào dải đất.
Địa hình ấy có thể hình dung như một bãi tràn để nước thoát ra biển khi mưa bão lớn xảy ra. Để chống lại bất lợi ấy, Chính phủ đã có chính sách không phải để khắc chế mà để “điều hòa” thiên nhiên, đảm bảo cho sự an toàn của người dân vùng hạ du. Hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với cường độ lớn hôm 2/11. Ảnh: báo VnExpress
Trước khi cơn lũ lịch sử ở đây bắt đầu, ngày 30/10, Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát, đánh giá lại thiết kế các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Thủ tướng yêu cầu các Bộ này đề xuất các giải pháp quản lý, vận hành và kỹ thuật xây dựng để bảo đảm an toàn cho hồ chứa và hạ du. Chỉ đạo của Thủ tướng nhằm bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi và thủy điện cũng như an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu đến nước ta ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo. Trong quá trình làm, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT và các địa phương, báo cáo Thủ tướng trong quý I/2011. Mới đây, Thủ tướng cũng phê duyệt danh mục các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa. Có 61 hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực 11 sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa. Nhưng trong 2 ngày qua, vùng hạ lưu Nam Trung Bộ đã phải lãnh đủ vì sự “điều hòa” không kịp thời của các hồ thủy điện. Trong khi lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên chỉ đồng ý để thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng tối đa 4.000m3 giây, nhưng thủy điện này đã đổ nước về hạ du với mức 6.000m3/giây. Lãnh đạo thủy điện sông Ba Hạ cho rằng: “Nguyên nhân xả lũ với lưu lượng lớn và nhanh như vậy là do thủy điện Krong H’năng ở bậc trên của hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 2.000 m3/giây. Như vậy, tính cả 3 thủy điện lưu vực sông Ba là thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krong H’năng có lúc đã xả hơn 8.300m3/giây xuống hạ lưu. Việc xả lũ là đúng quy trình”. Phú Yên nhanh chóng chìm trong lũ. Cực chẳng đã, ngày hôm qua UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn báo cáo “Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với cường độ lớn, có thời điểm trên 6.000m3/giây, đã không báo cáo cho UBND tỉnh, rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo di dời. Như vậy, công ty đã vi phạm điều 12 của quy trình vận hành hồ chứa theo quyết định 1775/ QĐ-TTg ngày 23/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ”. Ở đây, sự điều hòa không còn chỉ riêng của UBND tỉnh Phú Yên với thủy điện sông Ba Hạ, mà cần sự điều hòa của cả 3 thủy điện lớn theo “quy trình vận hành liên hồ chứa” Thủ tướng đã nêu. Trong mưa lũ tức thời, việc xả lũ không thể tránh khỏi, bởi nếu vượt cao trình, vỡ đập thủy điện, thảm họa sẽ xảy ra. Nhưng việc xả lũ ấy cần một sự điều hòa, chặt chẽ và tỉ mỉ, tránh hiện tượng “vừa hô đã xả, xả mà không báo” khiến người dân trở tay không kịp. Trách nhiệm của ai, Thủ tướng sẽ xử lý, nhưng sinh mạng người dân mất trong lũ không lấy lại được. Sự “điều hòa” không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là lương tri, vì mạng sống đồng loại.Nguyễn Gia